menu

17:45:37
Binh khí Võ cổ truyền – Giản pháp

ANCIENT WEAPON – THE ROD

————————–

Võ sư Trương Văn Bảo
Võ đường Trần Hưng Đạo – Đà Lạt


Giản là một thứ vũ khí xưa (Đào Văn Tập – Từ điển Việt Nam).

Giản là một thứ binh khí (Nguyễn Văn Khôn – Từ điển Hán Việt).

Giản là một thứ đồ binh có bốn cạnh mà không có mũi (Thiều Chửu – Từ điển Hán Việt).

Giản (Jiăn) là loại binh khí thời cổ, như roi có bốn cạnh (Văn Huyên & Văn Hân – Từ điển Hán Việt hiện đại).

Giản tiếng Anh gọi là “Rod”: a long thin stick; a slender branch of a tree; a long, tapered piece of wood for angling; a staff. (Royal English Dictionary).

Giản tiếng Pháp gọi là “Baguette”: Bâton forte menu, plus ou moins long et flexible (Larousse de poche).

Giản có hình dáng như một chiếc roi cứng, nên mang tên gọi là “ngạnh tiên”. Nguyên thủy “chiếc roi cứng” này là công cụ được con người dùng sinh hoạt trong đời sống để đập, nện, chấn, đè, ép… sau trở thành một loại vũ khí tự vệ, chống chọi với muông thú và bảo vệ ấp, làng, gia đình, bộ tộc. Khi có chiến tranh, giản trở thành một loại chiến khí lợi hại có khả năng chống lại các loại binh khí dài, ngắn khác, nhờ tính linh hoạt, hiệu quả, nhất là kỹ thuật chấn, nện, nên giản được xếp vào loại hình binh khí ngắn chấn, nện. Chấn là động từ, có nghĩa là chận lại, giữ lại; một nghĩa khác là dùng vật nặng đập mạnh vào người. Nện là động từ, có nghĩa là giáng mạnh xuống bằng một vật nặng, đánh cho thật đau (Đại từ điển tiếng Việt).

Về tinh chất, giản là binh khí thời xưa, hình dáng vuông dài, thân có cạnh, không có lưỡi, giống như gióng tre vì thế mà thành tên giản. Như tên gọi binh khí chấn, nện nên trọng lượng giản thường nặng, đằm tay người sử dụng.

Giản có nhiều loại, có loại hình tứ giác (bốn mặt, bốn cạnh), giản hình lục lăng (sáu mặt, sáu cạnh), giản hình bát giác (tám mặt, tám cạnh), có loại suông tròn và có loại có đốt (bảy đốt – thất tiết giản, hoặc chín đốt – cửu tiết giản), đầu giản không mũi nhọn. Giản có tay nắm, như đao, kiếm, đốc giản có gù nhô lên dùng trợ chiến. Độ dài ngắn, lớn nhỏ, nặng nhẹ của giản tùy theo sở thích, vóc dáng cân lượng ngưới sử dụng, thường thì toàn thể cây giản dài từ 2 – 3 thước ta (80cm – 120cm), chống đầu (ngọn) giản xuống đất mà chuôi (đốc) giản tới ngang thắt lưng là vừa. Dùng giản phải mạnh và nhanh mới hiệu quả. Giản là binh khí trong hệ thống thập bát ban võ nghệ.

Giản có độc giản (dùng một chiếc), song giản (dùng một đôi), kỹ pháp giản có đập, bổ, phang, quất, chấn, nện, quét, đỡ, đè, thúc… Giản phối hợp với quyền thuật có khả năng khóa, khống chế, xiết cổ, bẻ tay, bẻ chân, điểm vào huyệt đạo… trong các tình huống tự vệ cũng như bắt giữ đối phương.

Tài liệu diễn giải về tính chất, kỹ thuật và phương pháp dùng giản không nhiều vì giản là binh khí cổ, quý hiếm. Bài bản chân truyền ít thấy. Do hình dáng giản một phần nào gần giống kiếm, gần giống đoản côn nên không ít sự ngộ nhận về cách dùng giản. Võ cổ truyền vốn phong phú về cách dùng từng loại binh khí như côn có côn pháp, thương có thương pháp, đao có đao pháp, kiếm có kiếm pháp, quyền có quyền pháp…, mỗi loại hình có cách tấn công, phòng thủ, chế ngự, hóa giải, biến hóa riêng.

Không chỉ trong chiến tranh mới có binh khí giản; lịch sử Phật giáo 2.555 năm trước, có nhiều hình ảnh, tượng đúc, chuyện kể, dụ ngôn về các “Chiến binh Bồ Tát – Bodhisattva Warriors” dùng rất nhiều loại pháp khí (binh khí nhà Phật) như Hộ Pháp (có vị dùng giản), Tứ Đại Thiên Vương, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Phật Chuẩn Đề (có nhiều tay, trong đó có tay cầm giản). Vì vậy mà vũ khí trong nhà Phật là vật tượng hình để phục hổ, hàng long, chế ngự tâm viên ý mã. Bồ Tát mang kiếm để tận diệt vô minh (Bodhisattva carrying the sword which destroys ignorance).

Tiếu thuyết lịch sử, văn học cổ điển Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am mô tả nhân vật anh hùng cái thế, một trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, là Thiên uy tinh: Song chiêu Hồ Diên Chước (có sách chép là Song tiên Hồ Duyên Chước) dùng song giản chiến đấu, khắc chế nhiều loại binh khí ngắn, dài khác của đối phương.

Võ sư Thanh Vân, Bắc phái Thăng Long, cựu võ sư Trường Vũ thuật Việt Nam tại Saigon (1943 – 1945) soạn bài Giản pháp (1958) có tên Hoàng Kim Giản (độc giản), gồm 22 câu thiệu:

1. Bình thân lập thế,
2. Lưỡng long tranh châu,
3. Khuynh thân bái tổ,
4. Thiềm thừ vọng nguyệt, 
5. Kim giản bạt sơn,
6. Tiềm tàng long hổ, 
7. Phương vũ xuyên lâm, 
8. Phi giao đoạt ngọc,
9. Mãnh sư trấn động,
10. Cuồng phong tảo diệp, 
11. Tiềm tàng long hổ,
12. Phương vũ xuyên lâm,
13. Phi giao đoạt ngọc,
14. Mãnh sư trấn động,
15. Cuồng phong tảo diệp,
16. Tiềm tàng long hổ,
17. Lão tiều quải sơn,
18. Thiềm thừ vọng nguyệt,
19. Lão tiều quải sơn,
20. Vân gia hồi giản,
21. Đoạt mệnh thiết giản,
22. Khuynh thân bái tổ.

Võ sư Phan Văn Quảng, sinh năm 1965, kế thừa số vốn võ học từ thân phụ là cố võ sư Phan Văn Vũ (1900 – 1984), Võ phái Hồng Phi Phụng – Tây Sơn Bình Định tại Nha  Trang, Khánh Hòa với bài Hoàng Kiếm Độc Giản, 15 câu thiệu.

1. Bình thân lập thế,
2. Khuynh thân bái tổ,
3. Lưỡng long thủ châu ,
4. Thiềm thừ vọng nguyệt,
5. Kiếm giản bạt sơn, 
6. Tiềm tàng long hổ,
7. Phượng vũ xuyên lâm, 
8. Phi giao đoạt ngọc,
9. Mãnh sư chấn động,
10. Cuồng phong tảo diệp
11. Lão tiều quá sơn,
12. Vân gia hồi giản, 
13. Đoạt mệnh thiết giản,
14. Khuynh thân bái tổ,
15. Lập bộ tiên phi.

Một võ phái mang tên nước Việt, tên gọi là dấu ấn một thời của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: Võ Trận Đại Việt. Giữa đất trời xa xôi hải ngoại, thành phố Sanjose, tiểu bang California, Hoa Kỳ; võ sư Nguyễn Minh Tuấn, trẻ tuổi, là giáo viên dạy văn hóa, võ sư tâm huyết với Võ cổ truyền Việt Nam đang truyền dạy Võ cổ truyền, mang trong lòng hoài bão phục hưng, bảo tồn vốn quý võ học là di sản văn hóa của dân tộc. Gia đình võ sư Nguyễn Minh Tuấn có nguồn gốc từ Phủ Thiên Trường, nhiều đời làm quan võ triều đình nhà Nguyễn. Võ phái Võ trận Đại Việt thừa kế nhiều bài bản chân truyền, thuần Việt, trong đó có bài Song Giản, 17 câu thiệu:

1. Tiên ông truyền giáng,
2. Chắp giản đề song,
…….
10. Tấn đả tung hoành,
11. Tả hữu chiến tranh,

Để phát triển hiệu quả Võ cổ truyền Việt Nam cần hiểu đúng Võ cổ truyền Việt Nam. Ngay cả việc hiểu thế nào là Võ cổ truyền, thế nào là di sản văn hóa truyền thống dân tộc đồng hành cùng lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước mà cũng còn bị nhiều người hiểu sai lệch, cưỡng dụng danh từ, o ép lịch sử, thì việc có hướng đi đúng là điều khó có thể. Có môn võ không phải là truyền thống mà tự xưng truyền thống dân tộc, chưa từng đồng hành cùng lịch sử đấu tranh của đất nước một ngày nào mà tự xưng là đồng hành cùng lịch sử đấu tranh của đất nước mấy ngàn năm; như vậy là có tội với tiền đồ dân tộc. 

Hãy lấy gương Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Trương Công Định… mà giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ mai sau; lẽ nào lại lấy sự bội phản của Nguyễn Thân giáo dục lòng yêu nước (Nguyễn Thân dẫn quân Pháp đánh nghĩa quân của Phan Đình Phùng, cho quật mồ Phan Đình Phùng ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La); và lẽ nào lại theo Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp đánh úp bản doanh Trương Công Định, coi đó là lòng yêu nước (Trương Công Định bị trọng thương và ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh, Gò Công để bảo toàn khí tiết). 

Người đời xưa muốn tỏ đức sáng cho thiên hạ biết thì trước khi trị nước phải lo cho yên nhà. Muốn lo cho yên nhà, trước hết phải sửa mình. Muốn sửa mình thì tâm phải ngay thẳng, ý chí phải thành thật. Muốn cho tâm được ngay thẳng, ý chí được thành thật, thì trước hết phải thông suốt vấn đề, phải hiểu lẽ sự vật (Đại học).

Tâm không ngay thẳng, ý chí không thành thật mà muốn sửa trị thiên hạ là điều không có được.

Category: Võ lý Võ thuật cổ truyền VN | Views: 1020 | Added by: admin | Tags: Binh khí Võ cổ truyền – Giản pháp | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar