menu

16:38:55
BẢN SẮC VĂN HÓA VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng

Võ thuật cổ truyền là mạch chảy xuyên suốt theo dòng lịch sử Việt Nam tính đến nay gần 5.000 năm kể từ thời Hồng Bàng (2879 TCN).

Nhiều bộ môn võ thuật đang phát triển tại Việt Nam có nguồn gốc trong nước và một số môn khác có nguồn gốc hoặc ảnh hưởng nước ngoài. Môn võ nào cũng giúp cho người học rèn luyện sức khoẻ và tu dưỡng nhân cách nhưng để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, truyền thống lịch sử và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thì không môn võ nào có thể thay thế Võ thuật cổ truyền.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam như rừng cây có nhiều gỗ quý, nếu đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, có tâm huyết với đất nước và dân tộc sẽ thấy được sự vi diệu trong cấu trúc đòn thế, bài bản cùng những mối tương quan giữa lịch sử, văn hoá, truyền thống đạo lý, quá trình hình thành, phát triển theo từng giai đoạn, thời kỳ thăng trầm của đất nước. Thời gian gần đây, các võ sư lão thành, võ sư trí thức trẻ, các nhà nghiên cứu sử học quốc gia nhận định Võ thuật cổ truyền Việt Nam là di sản văn hoá, là niềm tự hào lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Các dân tộc trên thế giới quan niệm bản sắc văn hoá là linh hồn của dân tộc. Bản sắc văn hoá còn, dân tộc còn; bản sắc văn hoá mất, dân tộc bị nô lệ. Chính vì vậy mỗi quốc gia đều ý thức quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Các triều đại xưa của Việt Nam cũng đã đặc biệt chú trọng vấn đề này.

Bản sắc văn hóa của dân tộc là quốc hồn, quốc túy, là sức sống nội sinh, là nét riêng của mỗi dân tộc, để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, trong quá trình giao lưu và hội nhập cùng nhau. Hiểu theo cách thông thường, bản sắc có nghĩa là sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng; văn hoá có nghĩa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử. Có nhiều cách hiểu biết về bản sắc văn hoá từ những khái niệm chung và riêng, đó là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần đặc trưng bản chất của văn hoá, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của một đất nước, một dân tộc.

         Sự tồn tại và lớn mạnh của một quốc gia, một dân tộc là nhờ vào tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, ý thức tôn trọng giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của chính dân tộc đó. Võ thuật cổ truyền Việt Nam đồng hành cùng lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, thể hiện tinh thần võ đạo, giá trị nhân văn và bản sắc dân tộc cùng các giá trị tinh thần và nghệ thuật khác. Sự nhận chân giá trị của Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần hiểu tận ngọn nguồn.

Truyền thống là những điều tốt đẹp có giá trị nhân bản xã hội lâu dài, được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác, qua nhiều thế hệ, hằng trăm năm hoặc hằng nghìn năm. Truyền thống không theo cảm tính nhất thời mà tự xưng, tự phong, tự tô vẽ, hoặc gán ghép xu thời, phụ thế để cung văn cho vừa lòng nhau.

Truyền thống văn hóa, lịch sử Võ thuật cổ truyền thể hiện qua tính xác thực từ xưa đến nay, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, là giá trị nhân bản, tinh thần thượng võ và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Tầng sâu của văn hóa ấy chính là giáo dục nhân cách, yêu quê hương đất nước mà các môn phái võ thường đề cao, nhất là đại trượng phu (người học võ) chính đại quang minh trong hành xử thế tục: “Cư thiên hạ chi quảng cư; Lập thiên hạ chi chính vị; Hành thiên hạ chi đại đạo; Đắc chí dữ dân do chí; Bất đắc chí độc hành kỳ đạo; Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di; Uy vũ bất năng khuất; Thử chi vi đại trượng phu” (Mạnh Tử). Có nghĩa là: Sống ở chỗ rộng rãi trong thiên hạ; Đứng ở vị trí chân chính trong thiên hạ; Đi trên con đường lớn trong thiên hạ; Đạt được chí mình thì cùng mọi người mà hành đạo; Không đạt được chí mình thì một mình mà hành đạo; Giàu sang không dâm dật, Nghèo khó không thay lòng đổi dạ; Không khuất phục trước cường quyền, bạo lực; Như vậy là bậc đại trượng phu.

Theo thăng trầm của lịch sử, Võ thuật cổ truyền cũng có lúc nổi trôi, phiêu bạt. Để đánh giá đúng một sự việc cần phải hiểu rõ sự việc đó trên nhiều khía cạnh, nhiều phương diện khác nhau, cả ý thức chủ quan và khách quan, nhất là giá trị trường tồn được sàng lọc qua nhiều giai đoạn phát triển, đổi thay văn hoá, lịch sử xã hội. Trong nước là một lẽ, người nước ngoài theo học Võ thuật cổ truyền Việt Nam là tìm về văn hoá truyền thống, khâm phục người Việt Nam qua sự nhìn nhận ý thức luân lý và tinh thần bất khuất của người dân Việt mà đôi khi chính người trong nước lại bỏ quên.

Lấy nhân chống lại bất nhân; lấy nghĩa chống lại bất nghĩa. Ai thu phục được lòng người, người đó có thể lấy được thiên hạ. Sử chép danh tướng Trần Hưng Đạo đã vì nước quên thù nhà; không tham chức quyền, biết gạt bỏ hiềm khích riêng; khéo tiến cử người tài giỏi, kính cẩn giữ tiết tháo; bị nịnh thần khiêu khích mặt vẫn không đổi sắc; gửi lời tâm huyết cho vua trước khi nhắm mắt:

Tháng Sáu năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ngã bệnh. Vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?". Ông trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Cùng quan niệm và ý thức về bản sắc văn hoá dân tộc, Võ thuật cổ truyền là một mảng văn hoá lớn trong nền văn hoá bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy học và dạy Võ cổ truyền Việt Nam cũng như nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, truyền bá vốn quý của một nền võ học dân tộc có hằng ngàn năm lịch sử theo dòng thời gian và những giai đoạn chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc là góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, là thể hiện và giữ gìn truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn.

     

       

             

TVB Đà Lạt 

                                                                                                                 

 

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 594 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar