menu

17:36:13
Binh khí Võ cổ truyền - Côn pháp

Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

Lịch sử côn lâu đời, nguyên thủy trước đây là công cụ sản xuất, chủ yếu trong xã hội ngày xưa, đồng thời cũng là một loại binh khí dùng chiến đấu sớm nhất trong chiến tranh. Do vậy côn có tên gọi là “bách binh chi tổ”, nghĩa là tổ của trăm binh khí.

Côn còn được gọi là bổng (bàng, gùn: tiếng Hoa; cudgel, stick, staff: tiếng Anh). Có nhiều lưu phái về côn thuật, vì vậy có nhiều tên gọi và chủng loại khác nhau. Côn có đoản côn, trung côn, tề mi côn, trường côn, đại tiểu tử côn, mẫu tử côn (thiết lĩnh), hổ vĩ côn..., ngoài ra cùng họ với côn cũng phải kể đến lưỡng tiết côn (côn nhị khúc), tam tiết côn (côn tam khúc).

Côn đánh một vùng rộng, linh hoạt cả hai đầu ngọn và đốc, có khả năng biến hóa được nhiều chiêu thức, hiệu quả và thực dụng. Chiều dài, độ nặng và đường kính thân côn không có quy chuẩn chung, mà theo sở thích và thể tạng của từng người. Tề mi côn cao ngang chân mày, trường côn cao bằng người sử dụng đứng thẳng, đưa ngang cánh tay sang bên, gập khủyu tay lên thành góc 900, côn tính từ mặt đất đến đầu mũi ngón tay. Thi đấu võ thuật hiện đại quy định chung đối với côn là cao bằng người sử dụng.

Về côn thuật có thể tung cao, nhảy rộng, thấp, bổ, quét, múa hoa, biến hóa, linh hoạt, tiếng gió côn ào ạt, khí thế cực kỳ dũng mãnh. Loại côn lớn ngày xưa khi vũ lộng thì phải có kình lực ở hông, chân và lực ở tay cũng đòi hỏi phải phối hợp, khi tác chiến thực sự thì lấy ưu thế chiều dài, độ lớn và sức nặng để chế ngự đối phương. Nghệ thuật đánh côn yêu cầu tay, mắt, thân pháp, bộ pháp… phải thống nhất hợp điệu, có lợi cho việc nâng cao thể lực, phát triển độ nhanh, sức bền, tạo tinh thần kiên cường, dũng cảm.   

Côn pháp của các danh gia, võ phái phong phú, đa dạng, tuy tên gọi có khác nhau nhưng vẫn có chỗ tương đồng về kỹ pháp và yêu cầu. Pháp đánh côn thì bàn tay, cánh tay phải vê tròn hợp nhất với thân côn, lực thấu ra đầu ngọn côn, tiếng côn rít vù. Múa côn phải dũng mãnh, mau lẹ có lực. Hai tay cầm côn đóng mở, xoay chuyển phải vung tròn tự nhiên.   

Phép cầm côn là để côn ngang, tay phải kể là ngọn từ dưới bám lên, tay trái kể là đốc từ trên bám xuống, thường gọi là tay côn âm dương, tuy nhiên trong chiến đấu thực tế, yêu cầu chiến thuật linh hoạt, cũng có lúc sử dụng kỹ pháp tay côn thuần âm (song âm) như “Chắp thủ song âm bái tầm long thế” trong bài côn Ngũ môn phá trận.

Côn pháp có đánh, bổ, đập, đâm, thọc, quất, phang, trạng (phất), hất, bật, loang thiên (thuận, nghịch), đỡ, gạt, hoành, bắt, khắc, tạt, tém, loang địa (thuận, nghịch)…  

Đối với Võ cổ truyền Việt Nam, trước đây roi là thuật ngữ thường dùng để gọi cho côn như: Roi Thái sơn, Roi Tấn nhất, Roi Ngũ môn… hoặc câu ví địa danh nổi tiếng “Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái”. Theo nhu cầu thực tế, roi có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, mây, tre, cũng có khi làm bằng kim loại nên có tên là thiết bảng (bổng) “Thiết bảng đả hồng hài” là câu thiệu diễn tả thế đánh của Tôn Ngộ Không tấn công Hồng Hài Nhi là Na Tra. Roi sắt (thiết côn) cũng là binh khí mà Phù Đổng Thiên Vương trong lịch sử Việt Nam dùng đánh giặc Ân.

Roi chia làm hai loại là roi trường và roi đoản. Roi trường là roi dài gồm hai thứ là roi đấu (trường tiên) dài khoảng 3m và roi chiến (trung bình tiên) dài khoảng 1,5 m. Roi đấu dùng để đánh trên lưng ngựa, sau này roi trường được dùng để phân tài cao, thấp ở đấu trường. Roi chiến dùng để đánh dưới đất gọi là roi bộ chiến và đoản côn là roi ngắn. 

Côn pháp của Võ cổ truyền Bình Định tập theo 12 thế căn bản chia làm 3 nhóm:

Nhóm 1: Đâm, bắt, lắc, đánh.

Nhóm2: Bát, bắt, triệt, chận.

Nhóm 3: Hoành, khắc, lắc, tém. 

Các đường roi như gẩy rơm, tát nước, đốn củi, chọc lò, đơn giản nhưng hiệu quả. Những thế đánh roi của Võ cổ truyền Việt Nam đến nay vẫn được coi là chân truyền tuyệt kỹ như đánh văng roi, đâm so đũa, phá vây, không tiên, lạc côn, nghịch côn…

Côn là binh khí chiến đấu thực dụng nên có rất nhiều bài bản. Chương trình huấn luyện thống nhất của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam có bài Thái Sơn côn, tên gọi trước đây là Roi Thái Sơn hoặc Thái Sơn thảo pháp, là bài roi chiến nổi tiếng trong làng võ Tây Sơn - Bình Định - Việt Nam. Bài Thái Sơn côn được Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất bình chọn năm 1993 tại thành phố Hồ Chí Minh.    

Lời thiệu: THÁI SƠN CÔN

Thái sơn, trích thuỷ, địa xà liên.

Thương thượng lộng ky, lân thoái bạch viên (1).

Huy ky, độc giác, trung bình hạ (2).

Thượng thích, đại đăng, tấn thừa thiên.

Hồi đầu trực chỉ, liên tam thích.

Đồng Tân thuận thế, giáng vân biên.

Tẩu độc thố, Trưng Sơn hoành giáng kiếm.

Linh miêu mai phục, tấn thích ngưu.

Thừa châu, bố địa, khai côn thích.

Hồi tiểu kim kê, đả trung lang.

Phi phong tẩu võ, khai ngưu giác.

Tiểu tử tam phiền, giá mã an.

Bái tổ sư, lập như tiền.

Dị bản:

Thượng bổng kỳ phong, thoái bạch viên (1).

Quy kỳ, độc giác, trung bình hạ (2).

                                     Bài phú: THÁI SƠN CÔN

Tay cầm roi đản khai trương,

Vọng tiền bái tổ là đường xưa nay.

Diện tiền thế ấy mới hay,

Thái sơn đích thủy côn này đổ nghiêng.

Đại xa phục thổ chẳng hiền,

Kỳ long phản ứng ngựa liền bay cao.

Hoành côn môt bước lướt vào,

Quy kỳ độc giác trực giao diện tiền.

Côn trùng tấn thích trung thiên,

Hồi đầu trực chỉ diện tiền tam giao.

Đồng Tân xuất thế anh hào,

Giang biên phá trận xông vào tiền môn.

Hoành sơn thỏ chạy dập dồn,

Phục châu hạ địa vương côn đảo trừ.

Linh miêu núp dưới bóng người,

Chờ trâu vùng dậy ngựa chùi tới đâm.

Thừa châu côn nọ tay cầm,

Biến thiên bố địa mà đâm diện tiền.

Lui về giữ thế trung kiên,

Đề côn đả kích phá yên trận đồ.

Gió rung lá rụng ồ ồ,

Sừng trâu mở rộng côn đồ chiên chi.

Thuyền rồng giũa biển linh đinh,

Mã yên triệu tử đoạt thuyền thành công.

(Võ cổ truyền Việt Nam - Tây Sơn - Bình Định)

            Dịch thơ lời thiệu: THÁI SƠN CÔN

Thái Sơn giọt nước chảy dài;

Ngoằn ngoèo ví tựa như loài rắn đi.

Nhấc côn quây phất một khi;

Lui về thủ bộ tựa như vượn ngồi.

Quay về dùng gốc côn thôi;

Hướng về phía trước đâm rồi quất ngang.

Đâm lên một ngọn cho sang;

Chân đèn đâp vỡ hướng ngang theo trời.

Rút về đâm thẳng một hơi;

Ba phen tấn thích điểm nơi diện tiền.

Đồng Tân thuận thế đánh liền;

Phá bờ sông nọ tiến lên vội vàng.

Đầu non thỏ chạy bao tròn;

Hoành thân phá kiếm đánh liền địch lui.

Linh miêu mai phục hẳn hoi;

Đâm trâu mở lối ra ngoài trùng vây.

Nương thuyền đập đất phóng ngay;

Loan côn đâm thẳng rồi quay trở về.

Kim kê thủ bộ càng ghê;

Trung lang trở bộ đánh ngay giữa vòng.

Mưa sầu gió thảm chưa xong;

Đầu côn trái phải như sừng húc ra.

Tiểu đồng thành nọ bước ra;

Hồi thân gác gậy mới là bình yên.

Người dịch: Lão võ sư Phạm Đình Trọng (1926 - 2008), đơn vị Đà Lạt - Lâm Đồng tại Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ III - 1995                   

Ngoài ra còn có nhiều bài côn nổi tiếng của nhiều lưu phái, võ phái, võ đường khác, chưa thể thống kê hết như bài Bát quái côn, Ngũ môn phá trận, Thần đồng côn, Đoản côn (Hồ Ngạnh), Thảo roi tiên ông, Tam triệt côn pháp, Tấn nhất côn, Roi Triệu Tử, Roi Mộc Liên, Thất bộ côn, Tam thâu tùy hình pháp, Đả hổ lưỡng đầu côn, Thiết côn đả hổ...

TVB Đà Lạt

     

                                                                                        

                                                                 

                                                                                                                                              

                                                                  

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 903 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar