menu

15:39:19
CHIẾN THUẬT "ROI LIÊN QUYỀN NỘI" TRONG VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Võ sư TRƯƠNG QUANG NHÂN

Hội Võ thuật Cổ truyền Quảng Nam

Võ Cổ truyền Việt Nam - Phương thức truyền dạy đặc biệt, hiệu quả

Đi suốt chiều dài lịch sử, Võ Cổ truyền Việt Nam luôn được tiền nhân  gìn giữ, bảo lưu, phát triển và sử dụng một cách hiệu quả - Không ngừng có những đóng góp to lớn, tích cực vào công cuộc dựng nước và giữ nước, vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Võ Cổ truyền Việt Nam - Di sản Văn hoá Thể thao vô giá của dân tộc, do các tiền nhân võ nghiệp dày công khai lập, tạo dựng - Được các thế hệ đương thời tiếp nhận một cách trân trọng; Ra sức vun đắp, tô bồi và truyền dạy cho các thế hệ kế tục, tích cực góp phần giáo dục các năng lực thể chất và tinh thần cho các thế hệ tương lai - Đào tạo các thế hệ trẻ thành những công dân đất Việt Tráng kiện về thể chất, lành mạnh về tinh thần, đủ tâm thế, sẵn sàng thay thế các thế hệ cha anh tham gia vào cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu; Luôn hành động vì những mục tiêu cao cả, vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Trong quá trình xây dựng và truyền thụ các kiến thức chuyên môn Võ Cổ truyền Việt Nam, tiền nhân võ nghiệp đã xây dựng bộ môn trên nền tảng hệ thống lý luận khoa học, chân xác; Kiểm định thông qua thực tiễn; Tích luỹ những kinh nghiệm bổ ích, rút ra những bài học quý giá về các yêu cầu: Về chuẩn mực đạo đức; Về kỹ thuật động tác, về kỹ năng - kỹ xảo vận động; Về đấu pháp, chiến pháp; Về giáo trình, giáo pháp,... nhằm ngày càng nâng cao chất lượng chuyên môn của bộ môn, phát huy các hiệu quả hữu dụng của Võ Cổ truyền Việt Nam.

Các quan điểm, luận điểm, chiến pháp, các lời chỉ giáo,... thường được biểu đạt một cách ngắn gọn, chắt lọc, cô đọng, nên vần nên điệu, dễ hiểu, dễ nhớ. Đó là những quan điểm về triết lý võ học, về võ đạo, về giáo dục các phẩm chất ý chí, đạo đức của võ sinh (như việc đặt tên cho bài quyền là Tâm Trí Can - chẳng hạn); Về bài quyền, về các yếu lĩnh kỹ thuật động tác (lời thiệu, tên gọi đòn thế), về các chiến pháp (Thủ bất ly thân - Túc bất ly địa, Roi liên quyền nội,...),...

Đây chính là điểm mạnh, là thành tố quyết định sự tồn tại và không ngừng lớn mạnh của võ của Võ Cổ truyền Việt Nam, môn võ vốn có tính bí truyền - Do quan điểm về chuẩn mực đạo đức giữ vai trò chủ đạo nên việc truyền dạy được tiến hành một cách cẩn trọng, có chọn lựa - lại không thất truyền; Trái lại, ngày càng được phổ biến sâu rộng (Tuy có tồn tại với ít nhiều dị bản - Hiện đã và đang được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam khắc phục).

Chiến thuật "Roi liên quyền nội"

Trong phạm vi chuyên đề, tôi xin được đề cập đến một luận điểm chiến thuật cụ thể, được biểu đạt ngắn gọn, chuẩn xác, dễ truyền đạt, dễ lĩnh hội, hiệu quả chiến thuật cao - Đó là luận điểm chiến thuật "Roi liên quyền nội".

"Roi" trong Võ Cổ truyền Việt Nam

Ngoài các vũ khí (hoặc được xem là vũ khí) bất ly thân, luôn gắn kết với người sử dụng, có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi một cách đa dạng, phong phú, biến hoá và khả hiệu là tay và chân - Võ sinh Võ Cổ truyền Việt Nam còn tập luyện với côn, kiếm, kích,... Trong đó, côn (roi, tiên) là loại vũ khí đặc trưng, được phổ biến trên khắp đất nước, thông dụng trong nhiều giai đoạn phát triển của Võ Cổ truyền Việt Nam. Roi là loại vũ khí khá tiện ích, bởi:

  • Chất liệu làm nên roi là tre, mây, gỗ, đồng thau,... có ở khắp mọi miền đất nước; Dễ kiếm, dễ làm, và thường không tốn kém.
  • Kích thích roi đa dạng: Trường côn, Đoản côn, Tề mi côn, Trung bình tiên,...
  • Các bài tập với roi, thảo binh khí với roi phong phú, đa dạng và mang tính nghệ thuật cao.
  • Hiệu quả chiến đấu của roi cao (Ở đây chỉ đề cập đến Roi tề mi - ngang mày và Trung bình tiên - Roi có chiều dài tương ứng với chiều cao của người sủ dụng - Loại roi được sử dụng theo quan điểm Roi liên Quyền nội):
  • Roi có thể chuyển động theo nhiều cách để tạo nên các kỹ thuật phòng thủ, tấn công đa dạng, biến hoá khôn lường: Tảo (quét, lia), Tróc (đâm, chọc), Đả (đánh), Sát (cọ sát), Trừu (quất nhanh), Triền (quấn), Hồ (vòng cung), Hoành (ngang), Toả (khoá),...
  • Phòng thủ với roi có hiệu quả cao, hạn chế tối đa các tổn thương.
  • Sức công phá từ đòn roi lớn, khả năng sát thương cao.
  • Và, đặc biệt, võ sinh có thể tìm thấy vật dụng thay thế roi ở mọi nơi, mọi chỗ, trong trường hợp cần để tự vệ, chiến đấu - Trong sinh hoạt thường nhật, trên đường đi, ở đâu ta cũng dễ dàng tìm gặp các vật dụng khác thay thế cho roi như: cây chống cửa, cây cài cửa, đòn gánh, đòn xóc, cán cuốc, cọc rào,...

Từ những tiện ích nêu trên, các kỹ thuật phòng thủ, chiến đấu với roi luôn được các thế hệ võ sinh yêu thích, tham gia luyện tập, và sử dụng. Các thảo binh khí với roi từ xưa đến nay luôn được phổ biến rộng rãi trên khắp  các nẻo đường  đất nước: Roi Thái sơn, Roi Ngũ môn, Roi Bát quái, Roi U du, Roi Trực chỉ,...

Hiện tại, các Thảo binh khí với roi đã xác lập được ưu điểm vốn có của mình - đã giành được vị trí ưu đãi về số lượng trong hệ thống các bài quyền quy định do Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam xét chọn hiện nay (2/7 thảo binh khí được chọn phổ biến). Roi Thái sơn, Bát quái côn,... đã vươn xa đến nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, đang cùng với các bài quyền quy định khác trên đà quốc tế hoá, chắc chắn từng bước sẽ dần trở thành tài sản chung của khu vực và của cả nhân loại.

"Quyền" trong Võ Cổ truyền Việt Nam

 Quyền là loại hình kỹ thuật phòng thủ, tấn công của võ sinh mà chủ yếu dựa vào sự linh hoạt, khéo léo và sức mạnh của đôi tay được rèn luyện - Quyền: Thuật đánh võ bằng tay (Hán Việt từ điển - Đào Duy Anh) - Tất nhiên, phương tiện chủ đạo là của các cơ chế thần kinh, của các năng lực tinh thần và hoặc ít, hoặc nhiều đều có sự có sự tham gia của các bộ phận khác trong cơ thể.

 Phương pháp sử dụng đôi tay (bao gồm cánh tay, cùi tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay,...) trong Võ Cổ truyền Việt Nam gồm:

  • Các loại hình quyền: Nắm đấm bàn tay, mu bàn tay, lưng bàn tay, gốc bàn tay, lòng bàn tay, cạnh bàn tay, các ngón tay, cẳng tay (trong và ngoài), cùi tay,...
  • Các cách thế tấn công: Đánh thẳng, đánh móc, đánh vòng, tạt ngang, đâm, xỉa, chọc, thúc, giật, bẻ, khoá, điểm huyệt,...

Từ phương cách sử dụng đôi tay, "quyền" trong Võ Cổ truyền Việt Nam rất đa dạng, biến hoá, hiệu quả chiến đấu cao. Có nhiều chiêu thế phòng thủ, tấn công từ các loại hình quyền Thôi sơn, Hổ trảo, Ngũ chỉ, Phương dực,... thật sự kiến hiệu, tỏ rõ ưu điểm của Võ Cổ truyền Việt Nam.

Trong đa số trường hợp, "quyền" bao gồm tất cả các đòn thế để phòng thủ, tấn công với hầu hết các bộ phận trong cơ thể (kể cả vai, lưng, hông,...), trừ các đòn thế trực tiếp sử dụng hai chân hoặc đầu để tấn công - Được phân biệt là cước pháp hoặc thủ pháp.

Đôi khi, "quyền" còn được hiểu theo nghĩa rộng gồm tất cả các kỹ thuật phòng thủ, tấn công với tất cả các bộ phận cơ thể, với tất cả các loại vũ khí, các đấu pháp, chiến pháp,... - như thi đấu Quyền thuật,... - để chiến đấu và chiến thắng đối phương khi hữu sự.

"Roi liên" trong "Roi liên quyền nội"  

Roi được sử dụng trong Võ Cổ truyền Việt Nam nhất quán tuân thủ luận điểm chiến thuật "Roi liên quyền nội" là loại roi có chiều dài xấp xỉ với chiều cao của người sử dụng: Tề mi côn, Trung bình tiên,... Đây là loại roi có hai đầu phân biệt được gọi là "đốc" và "ngọn".

 Để nâng cao hiệu quả phòng thủ, tăng số lượng đòn tấn công, tốc độ tấn công, tạo nên sự khả hiệu trong tấn công - Hai tay người sử dụng roi thường cầm nắm ở khoảng giữa thân roi, giữa đốc và ngọn, với một khoảng cách hợp lí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các kỹ thuật động tác đa dạng, dễ dàng tăng tần số động tác. Võ sinh thường sử dụng roi ở các thế tấn để phòng thủ, rồi chuyển trườn tới tấn công trên thế tấn đinh.

Tuỳ từng loại hình kỹ thuật động tác, hai tay võ sinh có thể giữ nguyên tư thế ban đầu, hoặc dịch chuyển về phía hai đầu "đốc" và "ngọn" (để gạt, đỡ,..), hoặc về hẳn một đầu roi (để đánh, đâm), hoặc chỉ cầm nắm bằng một tay ở sát một đầu roi (để phóng),... Nói chung, tay cầm roi phải luôn ở vị trí hợp lý, dễ dàng thực các kỹ thuật động tác, phù hợp với các nguyên tắc lực học.

Việc sử dụng roi - trước là để phòng thủ, nhằm ngăn chặn, vô hiệu các đòn tấn công của đối phương, tránh những tổn thương dù nhỏ nhất đối với cơ thể (Không như việc sử dụng các bộ phận khác của cơ thể để chặn giữ, gạt, đỡ,...) và tăng cường sự khả hiệu của đòn thế tấn công, bởi:

  • Kích thước roi lớn (dài), phạm vi hoạt động của roi rộng - Khả năng khống chế, tấn công đối phương từ xa tốt.
  • Đường đi của roi dài nên lực tạo ra lớn.
  • Đa số các đòn tấn công với roi được tạo ra trên nguyên tắc sử dụng lực ly tâm, khả thể tạo ra sức công phá lớn (Các đòn đánh xuống, xốc lên, lia ngang,...)
  • Công lực của đòn đánh được tăng cường do diện tiếp xúc của đòn đánh (roi) với điểm đánh được giảm nhỏ (áp suất tỉ lệ thuận với áp lực và tỉ lệ nghịch với diện tích bị ép, nén).
  • Thân roi, đầu roi có độ cứng lớn - Khả năng sát thương cao,...

Ngoài các ưu điểm vốn có của loại khí cụ được sử dụng là roi - Để nâng cao hiệu quả chiến đấu, người sử dụng roi phải có sự am hiểu và tuân thủ đấu pháp "Roi liên" theo luận điểm "Roi liên quyền nội", đó là: Võ sinh sử dụng đòn giả để đánh lừa đối phương, chuẩn bị cho đòn đánh thật thật sự có uy lực, hiệu quả; Dùng "ngọn" để đánh đòn giả và "đốc" để đánh đòn thật hoặc ngược lại.

Tấn công liên hoàn giữa đốc, ngọn với ý đồ chiến thuật như trên được gọi là chiến thuật Roi liên.

Các đòn tấn công liên hoàn của "đốc" và " ngọn" roi, của sự đan xen khó phân định giữa đòn thật và đòn giả nhằm uy hiếp đối phương về mặt tâm lý (Thật giả không rành bụng cứ lo - Tố Hữu), buộc đối phương phải tăng cường số lượng động tác phòng thủ, luôn bị động trong phòng thủ,... dễ dàng mắc phải các sơ hở, để lộ các yếu điểm, tạo điều kiện cho các đòn thật thật sự kiến hiệu, hiệu quả chiến đấu được nâng cao.

"Phép dùng binh cũng phải biết đánh lừa" (Sách lược Tôn Tử binh pháp - Tôn Vũ ), "Đứng trước địch phải khống chế nhanh..." (Mai Nghiêu Thần) đã chẳng là luận điểm chiến thuật giữ vai trò quan trọng trong Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long đó sao?

"Quyền nội" trong "Roi liên Quyền nội"

Đây là một quan điểm chiến thuật hữu hiệu, được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học và được thực tiễn kiểm định. Do vậy, người theo võ nghiệp xưa nay tuân thủ chiến pháp "Quyền nội" như một nguyên tắc cơ bản khi sử dụng quyền pháp để tấn công đối phương.

Theo luận điểm này, khi đánh quyền tấn công, phải áp sát đối phương, phải nhập nội.

Từ một thực tế khó khắc phục, đa số người Việt Nam đều có nhược điểm là thấp người, bé con hơn người phương Bắc nhưng có ưu điểm về sự linh hoạt, mềm dẻo, khéo léo trong vận động - Nhằm để khắc phục nhược điểm của mình và cũng là để khai thác nhược điểm của đối phương, chiến pháp tối ưu được các tiền nhân võ nghiệp đề ra trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đó là: Đánh quyền tấn công phải áp sát đối phương, phải nhập nội (quyền nội).

Sự tiếp cận, áp sát đối phương là giải pháp thoát ly tầm chiến đấu hữu hiệu của đối phương (phá vỡ sự hợp lý về biên độ và khoảng cách của đòn đánh của đối phương), tạo cho đối phương (to con, lớn xác) sự khó khăn về xoay trở trong ứng phó; Bị động, lúng túng trong phòng thủ, tấn công; Gây cho đối phương tâm lý ức chế, thiếu tự tin,... dễ lộ ra các sơ hở, các yếu điểm trong phòng thủ, phản công.

Thêm vào đó, kỹ thuật tấn công từ tay quyền vốn đa dạng, biến hoá: Có thể đấm thẳng, đấm móc, đấm vòng,... Có thể chặt, chém, đâm, xỉa, chụp, giật, điểm huyệt,...; Có thể đánh tới trước, tư thế thuận; Có thể đánh lật nghịch, về phía sau...; Lực tạo ra có thể theo phương chuyển động thẳng, chuyển động vòng, chuyển động xoáy tròn, chuyển động kết hợp; Có thể lấy các ổ khớp làm tâm để tạo ra lực ly tâm (các đòn phương dực,..),... Tiết diện  tiền đầu của đòn tấn công cũng nhiều cách, lắm kiểu, biến hoá đa dạng: Bình quyền, hổ quyền, tay cương đao, gốc bàn tay (chưởng căn), lưng bàn tay, lòng bàn tay, mu bàn tay, các ngón tay, cùi chỏ,... nên hiệu quả chiến đấu bằng tay quyền với ý đồ chiến thuật "quyền nội" là rất cao, đạt hiệu suất tối ưu.

Tuy nhiên, đây không phải là đấu pháp, chiến pháp duy nhất nên võ sinh thường tuân thủ và vận dụng kết hợp với các chiến pháp khác (Dĩ nhu thắng cương, Chế địch cơ tiên - Hậu phát tiên chế,..) thì hiệu quả càng được nâng cao, dễ dàng giành lấy sự khả thắng.

Lời kết - Đôi điều...

Luận điểm chiến thuật "Roi liên Quyền nội" của tiền nhân võ nghiệp được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học, chân xác; Phù hợp với đặc điểm thể tạng của người Việt Nam, với đặc trưng kỹ thuật của Võ Cổ truyền Việt Nam,... mang lại hiệu quả chiến đấu cao - được biểu đạt một cách chắt lọc, ngắn gọn, có vần điệu, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ truyền thụ là một quan điểm chiến thuật đúng đắn.

"Roi liên quyền nội" là chiến thuật sở trường của người Việt Nam từ ngàn xưa. Quan điểm chiến thuật "Roi liên quyền nội" cần được tiếp tục gìn giữ, phát huy và phổ biến rộng rãi.

Nhưng cũng cần nói thêm, điều kiện tiên quyết để sự hữu hiệu có được từ công phu tập luyện của võ sinh, từ các ưu điểm vốn có của Võ Cổ truyền Việt Nam, từ việc thực hiện tốt chiến thuật "Roi liên quyền nội" cũng như các chiến thuật khác trở thành hữu dụng đó là: Võ sinh phải thực sự am hiểu, thấm nhuần, trân trọng và thực hiện tốt giá trị tinh thần của võ thuật đó là VÕ ĐẠO - Điều mà các võ sư chân chính luôn nhấn mạnh với các môn sinh - Từ ngàn xưa, Võ đạo là một phần không thể thiếu được trong giáo trình huấn luyện của các danh môn, chính phái.

Người theo nghiệp võ không đơn giản chỉ tập luyện các phương pháp chiến đấu với côn, quyền, kiếm, kích,... mà phải luôn không ngừng học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện các phẩm chất ý chí, đạo đức; Giảng dạy, tập luyện Võ Cổ truyền Việt Nam với động cơ trong sáng, lành mạnh; Biết coi nhẹ lợi ích bản thân, xem trọng lợi ích cộng đồng, xã hội; Luôn toàn tâm, toàn lực vì sự nghiệp võ thuật nước nhà, vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Có như vậy, hiệu quả có được mới trở thành hữu ích, khả dụng - Ấy bởi:

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài      

                                            (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

             

 

 

TRƯƠNG QUANG NHÂN

Đ/c liên lạc:  TRƯƠNG QUANG NHÂN

GV Tổ Toán - Tin học -  Trường THPT Trần Cao Vân,

thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Email: tqn.qn@gmail.com -  Điện thoại: 0983029457.

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 1608 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar