menu

13:22:37
ĐỨC ĐỘ CỦA HƯNG ĐẠO VƯƠNG

Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

Tôi đến thành phố Nam Định dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII từ ngày 06/12 đến 16/12/2014 cho môn thi đấu Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tôi đến viếng Phủ Thiên Trường (Đền Thiên Trường - Đền Trần), di tích Văn hóa - Lịch sử cấp quốc gia, nơi thờ tất cả các vị vua va danh tướng thời Nhà Trần và thăm Quảng trường Ba tháng Hai với tượng đài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đứng dưới tượng đài cao ngất một chiều khí trời se sắt lạnh, tôi nghĩ về công đức của tiền nhân.

 Trần Hưng Đạo tên húy Quốc Tuấn, tước Hưng Đạo Vương, đệ nhất công thần tài đức, danh tướng mưu lược, văn võ song toàn, anh hùng dân tộc Việt Nam, đời nhà Trần khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, người làng Tức Mặc, Huyện Mỹ Lộc, Phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sinh ngày 10 tháng 02 năm 1228 (Mậu Tý), con của An Sinh Vương Trần Liễu. Cảm đức độ của một danh tướng, hậu thế tôn xưng là Đức Thánh Trần.

Ngược dòng lịch sử, thấy nhiều giai đoạn chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc của người dân Việt khiến quân thù bao phen hồn xiêu, phách lạc. Những chiến công hiển hách như đời Ngô phá Hán (Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên Sông Bạch Đằng), đời Lý đánh Tống (Lý Thường Kiệt Bắc đánh Tống Nam bình Chiêm), đời Trần bình Nguyên (3 lần đánh quân Nguyên Mông tan tác, trong đó Trần Hưng Đạo 2 lần phá quân Nguyên trên Sông Bạch Đằng), đời Lê đuổi Minh (Lê Lợi mười năm bình định giặc Minh), đời Tây Sơn đại phá quân Thanh (Vua Quang Trung đại phá quân Thanh)…

Việc binh là việc sống còn của quốc gia, dân tộc, nên bất cứ triều đại nào cũng lưu tâm đến binh học. Các võ quan thời xưa phải thi võ thuật và chịu khảo hạch về binh thư, binh pháp. Trần Hưng Đạo, danh tướng trí dũng song toàn, để lại cho hậu thế không chỉ những chiến công quân sự, mà còn lưu lại hai bộ binh thư bất hủ là “Vạn kiếp tông bí truyền” và “Binh thư yếu lược” cùng những bài hịch dạy ba quân tướng sĩ; hơn thế nữa là đức độ xử thế như một bậc thánh nhân.

Đức độ yêu nước: Nhiều người yêu nước nhưng với Trần Hưng Đạo là yêu nước và gác bỏ tình riêng, quên đi những hiềm khích tiểu tiết, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên. An Sinh Vương Trần Liễu (thân sinh của Trần Hưng Đạo) có mối hiềm khích với đức Chiêu Lăng (Vua Thái Tông) nên tìm nhiều kẻ sĩ tài giỏi về dạy cho Trần Hưng Đạo mong báo thù riêng hầu tranh ngôi thiên tử; khi sắp mất An Sinh Vương cầm tay Trần Hưng Đạo dặn rằng: “Nếu con không vì ta mà lấy thiên hạ, thì ta chết xuống đất không nhắm mắt”. Trần Hưng Đạo nhớ lời dặn của cha nhưng không thực hiện mà chỉ một lòng vì nước vì dân. Nếu chỉ có trí dũng thì Hưng Đạo Vương cũng như nhiều danh tướng khác nhưng nhờ vào đức độ mà đựợc người đời và lịch sử thờ kính là Đức Thánh Trần.

Đức độ thương dân: Các bậc minh quân xưa bao giờ cũng lấy dân làm gốc (dĩ dân vi bổn) để cai trị đất nước; không tham lam của dân, không bóc lột sức dân, không lừa dân, không mị dân, không hành hạ, nhục hình, trả thù người ngã ngựa mà lấy lòng khoan dung, độ lượng để cảm hoá nên lòng dân yên ổn, thiên hạ thái bình.

Khi Trần Hưng Đạo về trí sĩ và lúc sắp mất, nhà vua vẫn còn hỏi ý kiến của vương. Sách Đại Việt Sử Ký chép rằng: “Năm Canh Tý, tháng 6 ngày 24, có sao rơi xuống, Hưng Đạo Vuơng phải bệnh nằm luôn trên giường, Vua Anh Tông tới nhà vấn kế: “Nếu chẳng may giặc lại qua xâm lấn, ta phải dùng sách lược nào để dẹp yên?” Vương đáp: “Nếu ta thấy giặc kéo đến như lửa như gió thì thế ấy lại dễ chống. Nếu chúng dùng cách dần dà như tằm ăn lá mà không tham của dân, không cần thắng mau thì ta chọn tướng giỏi biết cách quyền biến để tuỳ thời mà xử sự cho thích nghi như đánh cờ vậy. Còn quân đội thì trên dưới phải như cha con một nhà mới có thể dùng được. Thêm nữa phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là sách lược giữ nước hay nhất”.

Đức độ khiếm tốn tiến cử hiền tài: Thường xã hội con người hay ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm, ích kỷ, tranh quyền đoạt lợi vì mục đích cá nhân để thoả mãn dục vọng. Hoài Nam Tử nói: “Trong thiên hạ có ba cái nguy; đức ít mà được ân sủng nhiều; tài kém mà ở địa vị cao; thân không lập được công to mà hưởng bổng lộc lớn”. Với Trương Cửu Thành: “Người biết đạo tất không khoe; người biết nghĩa tất không tham; người biết đức tất không thích tiếng tăm lừng lẫy”. Trần Hưng Đạo tài đức vô song nhưng khiêm tốn nên đắc nhân tâm và được những tướng giỏi cùng thời quy thuận, giúp sức.

Một danh tướng vì dân, vì nước, một lòng trung quân như Trần Hưng Đạo, có tầm nhìn xa trông rộng, có tâm tiến cử hiền tài chung lo cho đất nước. Sách Đại Việt Sử Ký chép: “Vương lại vì nước tiến cử hiền tài như Dã Tượng, Yết Kiêu, rồi sau dùng làm gia thần, hai người này có dự vào việc đánh dẹp Toa Đô và Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão được thu nạp đang khi đánh trận. Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực xuất thân làm môn khách của vương, đều lấy văn chương, chính sự để hiển danh với đời. Họ đều là tướng có tài mưu lược và giữ mãi một lòng trung nghĩa”.

Trần Hưng Đạo phò tá bốn đời vua: Vua Trần Thái Tông (1225-1258); Vua Trần Thánh Tông (1258-1278); Vua Trần Nhân Tông (1279-1293), Vua Trần Anh Tông (1293-1314). Đời Vua Anh Tông, Trần Hưng Đạo xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp, rồi mất vào ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Vua Anh Tông sắc phong ngài làm Thái sư, Thượng phụ, Thượng quốc công, Bình Bắc đại nguyên suý, Long công, Thịnh đức, Vĩ liệt, Hồng huân, Nhân vũ, Hưng Đạo Đại Vương.

Thói thường, kẻ đức mỏng tài hèn hay có tánh kiêu căng, ngạo mạn, tự cho mình là bề trên để tranh lấn công danh, đoạt chút quyền lợi, nếu không thoả mãn thì sinh lòng phản trắc. Khi có địa vị thì tưởng mình là bá chủ của thiên hạ có quyền ban phát ân huệ cho người khác, Ngồi trên thì tỏ mình là kẻ cả, thể hiện tính cách quan quyền, nịnh hót người trên, chèn ép người dưới, đố kỵ hiền tài. Đối với những người đó việc phò vua giúp nước chỉ là chiêu bài cho mục đích cá nhân. Đức độ của Hưng Đạo Vương là tấm gương soi rọi về nhân cách, phẩm hạnh cho hậu thế noi theo.

TVB

Tài liệu tham khảo:

- Trần Trọng Kim (1882 - 1953), Việt Nam sử lược, biên soạn năm 1919, xuất bản lần thứ nhất năm 1921 (Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu, Saigon)

- Nguyễn Phước Hải - Mã Nguyên Lương - Lê Xuân Mai, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - Binh Thư Yếu Lược (NXB Khai Trí, Saigon 1969)

- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên soạn thảo (1272 - 1696) Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch (1985 - 1992) (NXB Khoa học xã hội Hà Nội ấn hành 1993).

 

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 619 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar