menu

17:07:26
Đôi điều suy nghĩ về huấn luyện võ thuật hiện nay

Võ sư Lê Đình Minh

Thiếu Lâm Phật Gia Quyền - Bình Dương

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Một vài kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện, xây dựng và phát triển phong trào Võ thuật cổ truyền hiện nay.

1. Một số công việc chuẩn bị cho quá trình hoạt động.

Mỗi địa phương, vùng miền đều có những phong tục tập quán, những thói quen khác nhau trong đời sống văn hóa. Ngày nay với một xã hội phát triển nhiều phương tiện truyền thông hiện đại, nhiều trung tâm thể thao được đầu tư bài bản, phong trào tập luyện võ thuật cũng phát triển mạnh hơn, trong đó thông tin, truyền thông có vai trò hết sức to lớn, bằng sự trao đổi thông tin sẽ giúp đẩy nhanh các quá trình giao lưu học hỏi cũng như hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đối với võ thuật cũng vậy, các kênh thông tin như truyền thanh, truyền hình, website, internet… sẽ đẩy nhanh sự trao đổi, học hỏi cũng như truyền tải các thông tin về võ thuật, địa điểm tập luyện võ thuật tại địa phương. Các công việc chuẩn bị cho một lớp tập cần được đầu tư, trang bị một cách đầy đủ, chu đáo về cơ sở vật chất cũng như thông tin điểm tập luyện võ thuật, lợi ích thiết thực của việc tập luyện võ thuật đối với cuộc sống, công tác tuyên truyền, vận động tập luyện võ thuật trở nên cần thiết, phù hợp và gần gũi với văn hóa địa phương. Trong đó có thể kể như: băng rôn, poster, tờ rơi… tại các trung tâm văn hóa, thể thao, tuyến đường, nơi quảng cáo công cộng, trường học, qua đài truyền thanh xã, phường, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu tại trường học… nhưng do giữa các địa phương, vùng miền có phong tục, văn hóa, khác nhau giữa thành thị và nông thôn giữa đồng bằng và miền núi...

2. Nắm bắt tâm lý của xã hội đối với việc tập luyện võ thuật hiện nay.

Trong xã hội ngày nay, phong trào tập luyện thể dục, thể thao nói chung và võ thuật nói riêng ngày càng được quan tâm và phát triển mạnh hơn, vì vậy vận động quần chúng nhân dân tham gia tập luyện võ thuật đòi hỏi các câu lạc bộ, võ đường, điểm tập phải tìm hiểu và nắm bắt tâm lý chung của xã hội, cũng như mục đích, tâm tư nguyện vọng của các bậc phụ huynh khi gửi con em mình vào các lớp võ thuật.

Có thể nói võ thuật là một môn thể thao tổng hợp để rèn luyện con người, việc tập luyện võ thuật hiện nay với mục đích chính là rèn luyện sức khỏe, rèn luyện đạo đức cho con người trong xã hội mới, giúp người lao động trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt, đầu óc minh mẫn hơn, giúp các em học sinh, thanh thiếu niên dẻo dai, vững chắc, tự tin hơn và tránh xa các tệ nạn xã hội, trò chơi online có hại…, với một xã hội phát triển văn minh như ngày nay tập luyện võ thuật không còn mục tiêu để chiến đấu, sinh tồn, càng không phải để thắng được 3, 4 người mà để rèn luyện cho con người có sức khỏe, đạo đức, nâng cao bản lĩnh và chiến thắng chính bản thân mình.

Xác định đúng đắn mục đích tập luyện võ thuật ngày nay sẽ giúp con người có một thái độ tích cực, một tinh thần hăng say cho tập luyện võ thuật, đó cũng là nền tảng cho sự phát triển của phong trào.

Tập luyện võ thuật cổ truyền không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khỏe, mà võ thuật còn giáo dục truyền thống, vì võ dạy con người biết nhân tính, biết yêu thương đoàn kết, uống nước nhớ nguồn và sống theo đạo lý làm người.

Tập luyện võ thuật là để thắng chính mình, đưa con người đến sự giản dị, điềm đạm, khiêm tốn và hoàn thiện nhân cách, như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết: “Tập vận động cho thân thể có nhiều cách, có những vận động tự nhiên như chạy, nhảy, bơi lội…thì ai cũng nên tập. Ngoài ra còn có các môn thể dục, thể thao tay không hay dụng cụ nhưng muốn rèn luyện để có các vận động điêu luyện thì tập võ là phương pháp hay nhất.”

Do đó sự nghiệp bảo tồn và phát triển Võ thuật cổ truyền hôm nay cần phải có lửa bằng tâm huyết và am hiểu văn hóa xã hội để có một phương pháp hiệu quả nhất.

3. Xây dựng phương pháp huấn luyện khoa học và phù hợp.

Phương pháp huấn luyện rất quan trọng trong quá trình tập luyện, xây dựng một giáo án phù hợp với từng nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên hay người lao động. Phương pháp huấn luyện cần thực tế, thực dụng phù hợp với thể trạng, sức khỏe cũng như tâm lý của từng nhóm vận động viên, từng lứa tuổi. Ở tuổi học sinh thể trạng, thể chất các em chưa phát triển và phát triển không đồng đều, có nhiều em yếu ớt khẳng khiu, cần chia nhóm, chia hàng lớp tập, chọn những võ sinh có thể chất tương đồng, nhóm các bài căn bản dễ tập phù hợp với sức lực và độ tuổi, với một số em tâm lý yếu đuối, nhút nhát, huấn luyện viên nên gần gũi, động viên, khen ngợi trong quá trình tập luyện, tạo cảm giác thoải và hưng phấn cho các em trong một buổi tập.

Chọn một số bài tập căn bản, dễ tập để tập chung cho cả đội hình tạo sự gần gũi, đoàn kết trong lớp tập, cùng thi đua tập luyện.

4. Xây dựng Câu lạc bộ là một điểm tập uy tín.

Khi võ sinh thi triển một bài quyền cũng như người ca sĩ trình bày một ca khúc, có nhanh, chậm, nhu, cương, nó đánh giá khả năng cũng như thái độ trong quá trình tập luyện của võ sinh đó, cũng là thành quả của huấn luyện viên dẫn dắt, cũng như bài quyền là linh hồn của môn phái, người huấn luyện viên là ngọn lửa của tinh thần lớp tập, giống như cây lớn sinh ra nhiều cây con. Huấn luyện võ thuật là một công việc chính đáng, được xã hội coi trọng, người huấn luyện võ thuật cần sự đam mê, làm việc nghiêm túc, thổi lửa cho phong trào.

Tinh thần hưng phấn trong tập luyện sẽ mang lại cảm giác thăng hoa và nhanh chóng đạt được kết quả tốt nhất, cũng dễ dàng tạo được sự gần gũi, cởi mở trong lớp tập, từ đó duy trì tốt cho phong trào tập luyện. Để làm tốt công tác đó người huấn luyện viên cần có thêm một tấm lòng bao dung nhân ái, yêu thương mọi người đúng tinh thần “Nhân văn - Thượng võ”.

5. Tâm huyết với tinh hoa văn hóa võ thuật dân tộc.

Võ thuật cổ truyền là di sản văn hóa, là niềm tự hào của dân tộc, gắn liền với những trang sử hào hùng, những thời kỳ thăng trầm của đất nước, có thể nói võ thuật cổ truyền là kho báu của tổ tiên, dòng họ lưu truyền để lại, cần được giữ gìn, nghiên cứu và phát triển phổ biến cho nhân loại.

Là huấn luyện viên, võ sư kế thừa tinh hoa võ thuật cổ truyền của dân tộc không những phải tâm huyết với nền võ thuật dân tộc mà cống hiến sức trẻ cho nền võ thuật dân tộc, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.


Trích “Luận văn võ học”

Dự thi Võ sư cấp 18 ngày 18/01/2015 tại Đà Lạt

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 1517 | Added by: adminweb | Rating: 4.0/3
Total comments: 0
avatar