menu

18:31:26
GIÁO DỤC TRONG HỌC ĐƯỜNG VÀ VÕ ĐƯỜNG

Trương Văn Bảo - Cựu Sinh viên Viện Đại học Đà Lạt 1972

Học đường hay võ đường đều là môi trường giáo dục. Đây không phải là nơi đào tạo ra những con người quyền uy, chức sắc, chức vụ cho xã hội mà là nơi giáo dục, đào tạo để con người trở nên người. Chính vì lẽ đó mà Viện Đại học Đà Lạt (1957 - 1975) đã chọn hai chữ “Thụ nhân” làm tiêu chí.

Thụ là trồng, nhân là người. Thụ nhân là trồng người.

Sách Quản Tử của Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN) viết:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc.

Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.

Bách niên chi kế mạc như thụ nhân.

Có nghĩa là:

Kế một năm không gì bằng trồng lúa.

Kế mười năm không gì bằng trồng cây.

Kế một trăm năm không gì bằng trồng người.

Trong “Di ngôn” của Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập (1911 - 2001), Viện trưởng Viện Đaị học Đà Lạt từ 8/3/1961 đến 01/10/1970 có đoạn viết: “Tôi sẽ điều khiển Viện Đại học của tôi không phải bằng lý trí, không phải bằng luật pháp, không phải bằng sự hiểu biết ở đời. Tôi điều khiển Viện của tôi bằng trái tim tôi: thương yêu tận tình, tranh đấu tận tình cho các sinh viên cả về tinh thần lẫn vật chất”... “Trồng lúa, trồng cây mà muốn lúa được mùa, cây sai trái, cần phải lưu ý đến điều kiện khí hậu và đất đai. Trồng người mà muốn đáp ứng nhu cầu của đất nước thì cũng cần phải biết đem con người thanh niên vào thực tại của đất nước”…

 Giáo dục là sứ mệnh cao cả trong xã hội, là giá trị bất khả tư nghị qua các thời đại, là công đức trang nghiêm vì giáo dục là dạy người nên người. Có nhiều khái niệm, quan niệm và định nghĩa về giáo dục nhưng tựu trung theo nguyên nghĩa “giáo là dạy bảo, dục là nuôi nấng”. Giáo dục là tác động các biện pháp có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người để dần dần trở nên hoàn thiện.

Ngoài các hình thức học tập, truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm, đào tạo ngành, nghề, kỹ năng chuyên nghiệp hoặc các phương pháp nghiên cứu khoa học trong nhiều lãnh vực, thì giáo dục còn chuyên chở một thông điệp giáo hoá, cảm hoá, lấy tâm truyền tâm, lấy “xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo”, không can thiệp mà để cho vạn vật tự nhiên, đã làm nên những điều kỳ diệu trong giáo dục.

Giáo dục trong võ đường không phải chỉ thượng quyền, hạ cước, binh khí, võ đài tranh chấp huy chương hay đánh, đá, vật lộn thư hùng mua vui cho thiên hạ mà là dạy con người trở nên cao thượng, bao dung, vị tha, nhân ái, hoàn thiện nhân cách. Đạo của võ thuật chính là võ đức. Võ đức đây là sự trong sạch, thánh thiện trong tâm hồn, biết thương yêu muôn loài và khiêm hạ. Việc luyện tập võ thuật là một cuộc trường chinh để tự thắng chính mình, đưa con người đến sự giản dị, điềm đạm, thanh cao, biết ơn, biết cảm thông, chia sẻ, tha thứ cho nhau, đạt đến sự giác ngộ trong cuộc sống. Chỉ có những ai không đi trọn con đường mới phải tự tô hồng bằng cách tô son, trét phấn.

Một loại hình giáo dục đặc biệt của các Trường Võ bị đào tạo Sĩ quan chỉ huy trên thế giới và cả Việt Nam là chương trình “huấn nhục”. Đây là chương trình khởi đầu cho những người mới bước chân vào đời quân ngũ, trước khi chính thức trở thành Sinh viên sĩ quan phải trải qua một thời gian 8 tuần huấn nhục. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng “huấn nhục” có giá trị cảm nhận đặc biệt đối với những người từng trải nghiệm cuộc đời binh nghiệp.

“Huấn nhục” mang ý nghĩa “hành xác”, dạy cho con người “biết” chịu nhục về thân thể, tinh thần và nhất là tâm lý, “biết” nhẫn để vượt lên, “biết” chịu đựng những trái ngang, nghiệt ngã của cuộc đời, nhắm đến mục tiêu “tự thắng để chỉ huy”. Người tự thắng mang tinh thần nhân bản, tự do và khai phóng. Mục đích của giáo dục là mang lại hạnh phúc cho con người. Thân không chính, tâm không trực mà muốn tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là nuôi mầm loạn và bất công cho xã hội.

Tuỳ theo quan niệm xã hội mà định hướng giáo dục mỗi một giai đoạn có khác nhau. Có thể điều hôm nay coi trọng lại khác với ngày xưa, điều ngày xưa coi trọng lại bị xã hội hiện đại ngày nay đánh giá là lỗi thời, lạc hậu, thậm chí là “dại”. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ; người khôn người đến chốn lao xao”.

Cổ nhân thường nói:

Khôn chết;

Dại chết;

Biết sống.

Nhưng đôi khi trong cuộc đời người:

Khôn cũng chết;

Dại cũng chết;

Biết cũng chết;

Chỉ có:

“Giả chết” (may ra) thì (còn) sống (sót).

- Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai (?)

(Đặng Trần Thường 1759 - 1813)

- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế (!)

(Ngô Thì Nhậm 1746 - 1803)

Hình ảnh xấu về bạo lực, bạo hành trong gia đình, học đường và sự tàn nhẫn như vô tâm, vô cảm, lăng nhục, mạ lỵ, sát hại lẫn nhau dưới nhiều hình thức trong xã hội hiện nay làm lu mờ giá trị đạo đức của con người, nên giáo dục cần được coi trọng để định hướng con người về với Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện - Đạo của đại học là ở tỏ đức sáng ở mới dân và ở chỗ chỉ ư chí thiện” và “Đường lối của võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn”.

Cuộc đời cần nhiều tình thương hơn là thù oán.

Đà Lạt - Vu Lan Đinh Dậu, 2017                                                                 TVB

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 569 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar