menu

19:35:11
HỎA HỒNG NHẬT TẢO

Trương Văn Bảo

Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

Nguyện đem lòng thành kính

Gửi theo đám mây hương

Phưởng phất khắp mười phương

Nhớ về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

“Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa;

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

 

Trời Phú Quốc hạ tuần tháng 9 nắng nóng, dù dự báo thời tiết nói rằng nhiệt độ ban ngày 300 C, ban đêm 250 C nhưng nóng vẫn nóng bức, mồ hôi vã như xông hơi. Phú Quốc là huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang đang trên đà phát triển nên cảnh quan vẫn còn nhiều bề bộn, định hướng tương lai của Phú Quốc là giải trí và du lịch, điển hình có khu vui chơi Grand World, Vinpearl Land Phú Quốc sẽ lớn nhất Việt Nam và dự kiến là khu vui chơi lớn nhất Đông Nam Á.

Nếu khộng có những di tích mang chứng cứ lịch sử như Trại tù Phú Quốc, Đền thần Nguyễn Trung Trực, thì những danh thắng khác chưa đủ sức thuyết phục làm cho Phú Quốc để lại trong lòng người những cảm nhận xót xa, cay đắng về đày ải, khổ đau do con người gây ra cho nhau hay cảm thông, chia sẻ sức chịu đựng, thán phục sự can trường mà con người nghĩ về con người.

“Hỏa hồng Nhật Tảo” là trận phục kích của Nguyễn Trung Trực cùng các Phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng, Tán quân Nguyễn Học, Võ Văn Quang, hương thôn Hồ Quang Chiêu và nghĩa binh đốt cháy tàu L’Espérance ngày 10 tháng 12 năm 1861 trên vàm sông Nhật Tảo.

Theo tài liệu lịch sử, Nguyễn Trung Trực, sinh năm Đinh Dậu 1837, mất năm Mậu Thìn 1868, là anh hùng dân tộc thời cận đại, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp tại Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) vào nửa cuối thế  kỷ thứ 19. Ông sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ tên Chơn, sau đổi là Lịch, tính tình ngay thẳng thầy dạy học đặt tên là Trung Trực, nguyên quán xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Gia đình phiêu bạt vào Nam, định cư xóm Nghề, làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Long An, sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Nguyễn Trung Trực là người có sức mạnh, giỏi võ, can trường và đa mưu túc trí.

Với chiến công đốt tàu Pháp L’Espérance, Triều đình Huế phong chức ông Quyền sung Quản đạo, nên được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu qua lại trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Sau khi ba tỉnh miền đông Nam Bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862) ông được phong làm Lãnh binh. Đầu năm 1867 ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23-6-1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16-6-1868 ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thị xã Rạch Giá) tiêu diệt địch và làm chủ tình hình được tài liệu. Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc  lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo.

Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Lãnh binh Tấn (tức Huỳnh Văn Tấn, còn được gọi Huỳnh Công Tấn, trước có quen biết ông Nguyễn Trung Trực vì cùng theo Trương Định kháng Pháp. Sau này, Tấn trở thành cộng sự cho Pháp), cùng 150 lính ở Gò Công đến đảo Phú Quốc để bao vây và truy đuổi Nguyễn Trung Trực.

Bắt được Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa ông lên giam ở Khám lớn Sài Gòn. Theo Việt sử tân biên, mặc dù Lãnh binh Tấn đã hết sức can thiệp để Pháp tha mạng cho Nguyễn Trung Trực, nhưng Thống đốc Nam kỳ G. Ohier không chịu. Vì cho rằng không thể tha được "một người đã không coi luật quốc tế ra gì, đã hạ một cái đồn của chúng ta và giết chết 30 người Pháp!" Và rồi ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhà cầm quyền Pháp đã hành hình Nguyễn Trung Trực tại chợ Rạch Giá, ông mất, hưởng dương 31 tuổi.

Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt đề thơ:

Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa;

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Thái Bạch dịch:

Sông Nhật Tảo lửa hồng rực cháy, tiếng vang trời đất;

Đồn Kiên Giang lưỡi kiếm tuốt ra, quỷ thần sợ khóc.

Nguyễn Trung Trực bị hành quyết, câu nói lưu danh thiên cổ cho thế hệ mai sau suy ngẫm cùng lịch sử chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự chủ cho tổ quốc: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Tương truyền trước khi thọ tử, Nguyễn Trung Trực khẳng khái ngâm một bài thơ:

Thư kiếm tùng nhưng tự thiếu niên,

Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.

Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.

Thi sĩ Đông Hồ dịch:

Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai,

Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.

Anh hùng gặp phải hồi không đất,

Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Để tỏ lòng biết ơn ông, người dân lập đền thờ Nguyễn Trung Trực ở nhiều nơi, trong đó có Đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Long An, Đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá và Đình thần Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu, Phú Quốc.

Phú Quốc 9/2015

TVB

 

                                                                                                              

 

 

 

 

Category: Văn học nghệ thuật | Views: 2038 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar