menu

04:11:43
HOÀI NIỆM MÁI TRƯỜNG XƯA

Trương Văn Bảo - Cựu học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt             Năm học 1962 - 1969   

   

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức, trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, có hai trường Trung học công lập nổi tiếng và uy tín, đó là Trường Trung học Trần Hưng Đạo và Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân; các trường Trung học khác như Bồ Đề, Việt Anh, Trí Đức, Văn Học, Văn Khoa… ngay cả các trường Pháp là Lycée Yersin, Adran, Lasan, Couvent des Oiseaux, Franciscaine… cũng đều là trường tư thục.

 

May mắn thay, kết thúc chiến tranh, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đời sống xã hội ổn định, Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân được nối tiếp đến ngày nay với tên gọi Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, cũng tại ngôi trường xưa và vị trí ấy.

 

Tài liệu về lịch sử Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt ghi lại, tiền thân của trường năm 1952 là Trường Phương Mai (tên Công chúa, con vua Bảo Đại), năm 1954 là Trường Quang Trung, đến tháng 8 năm 1957, trường chính thức mang tên Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân và các đời Hiệu trưởng theo thời gian từ năm 1952 - 1975:

- 1952 - 1954: Giáo sư Nguyễn Thúc Quýnh;

- 1954 - 1956: Giáo sư Phạm Văn Nam;

- 1956 - 1957: Giáo sư Nguyễn Viết An;

- 1957 - 1957: Giáo sư Trịnh Huy Tiến;

- 1957 - 1959: Giáo sư Đỗ Hoàng Hoa;

- 1959 - 1963: Giáo sư Nguyễn Khoa Diệu Liễu;

- 1963 - 1970: Giáo sư Đinh Thị Lệ Minh;

- 1970 - 1973: Giáo sư Thân Thị Hồng;

- 1973 - 1975: Giáo sư Trần Phương Thu.

 

Cô Trần Thị Nghĩa, cựu học sinh Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân, năm học 1966 - 1973, trở thành Hiệu trường của Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân Đà Lạt, năm 2002 - 2007.

 

Trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt không có duyên may như Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân, nên đã đi vào dĩ vãng, nay chỉ là hoài niệm trong tâm trí của những người còn nhớ đến trường xưa, dù rằng trên ngọn đồi thoai thoải của mảnh đất thân yêu với không gian thoáng mát ngày nào, bây giờ là một hoạt động giáo dục khác mang tên Trường Đại học Yersin Đà Lạt.

 

Ngược thời gian, dấu tích của Trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt dường như phai mờ, thấp thoáng chỉ vài trang facebook kết nối và một Hội cựu học sinh Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo ở California, Hoa Kỳ (www.anhdao.org). Đà Lạt, thỉnh thoảng có một vài cuộc họp mặt nhỏ mang tính gia đình của một số cựu học sinh Trần Hưng Đạo thế hệ sau. Khi những người già qua đi thì chỉ còn là dĩ vãng. Trường Trung học Trần Hưng Đạo đã đào tạo, cống hiến cho xã hội và đất nước nhiều thế hệ học sinh từ hạng thứ đến bình thứ, bình, ưu và tối ưu, đã và đang giúp ích cho đời.

 

Trường Trung học Trần Hưng Đạo là trường công lập lớn nhất thành phố Đà Lạt lúc bấy giờ, học sinh vào trường là những học sinh ưu tú vì phải trải qua kỳ thi tuyển khắt khe, mấy ngàn học sinh trong và ngoài tỉnh dự thi, chỉ chọn khoảng từ 180 đến 200 cho 4 lớp Đệ thất (Lớp 6).

 

Trường được thành lập năm 1951, tọa lạc trên triền đồi thoai thoải phía Đông Bắc thành phố Đà Lạt, thuộc địa phận của khu phố 9, có con đường dẫn đến Dankia - Suối Vàng và núi Lang Biang hay còn gọi là núi Bà. Một hồ nước rộng ở phía dưới thung lũng gần trường có tên là hồ Vạn Kiếp. Trên đỉnh đồi có ngôi nhà hoang, giống như lâu đài bị đổ nát từ khoảng năm 1960 cho mãi đến 1975, nơi đó một thời chất chứa nhiều kỷ niệm yêu thương của tuổi học trò; phía xa xa sau trường là Thung lũng tình yêu (Vallée d’amour) đầy thơ mộng. Nay tất cả đã đổi thay: Trường không còn tên, hồ Vạn Kiếp thì dâu bể biến cải vũng nên đồi, nhiều thế hệ học sinh của trường đi muôn phương, kẻ còn, người mất; kẻ bại, người thành. Đó chính là quy luật biến dịch của trời đất.

 

Ngày mới thành lập, trường chỉ thâu nhận học sinh là con em của Quốc gia nghĩa tử. Cơ sở ban đầu của trường là mười căn nhà nghỉ mát của quân đội Pháp, được chia ra năm căn cho lớp học, ba căn cho học sinh nội trú, hai căn làm cư xá cho giáo sư. Các thầy, cô dạy học trong trường đều là giáo sư tốt nghiệp Đại học sư phạm từ các Viện Đại học công lập hoặc tư thục của miền Nam Việt Nam, số thầy cao niên, có người học tại Hà Nội hoặc Vinh, những thầy, cô khác có điều kiện du học nước ngoài trở về giảng dạy. Thầy, cô dạy các lớp Đệ thất (lớp 6) đến Đệ tứ (lớp 9) là giáo sư Trung học Đệ nhất cấp; thầy, cô dạy các lớp Đệ tam (lớp 10) đến Đệ nhất (lớp 12) là giáo sư Trung học Đệ nhị cấp.

 

Năm 1951, Trường mang tên Bảo Long (Bảo Long là Hoàng tử, con vua Bảo Đại). Năm 1955 trường chính thức đổi tên thành Trường Trung học Trần Hưng Đạo. Giáo sư Nguyễn Nhân Bằng cho biết các đời Hiệu trưởng của Trường Trung học Trần Hưng Đạo từ 1951 - 1975 như sau:

- 1951 - 1952: Giáo sư Nguyễn Thúc Quýnh, Trưởng ty Tiểu học Đà Lạt lúc bấy giờ, kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng;

- 1952 - 1953: Giáo sư Trịnh Huy Tiến;

- 1953 - 1957: Giáo sư Nguyễn Đình Phú;

- 1957 - 1959: Giáo sư Hoàng Khôi;

- 1959 - 1963: Giáo sư Kỳ Quan Lập;

- 1963 - 1965: Giáo sư Tạ Tất Thắng;

- 1965 - 1967: Giáo sư Trần Nho Mai;

- 1967 - 1972: Giáo sư Hoàng Trọng Hàn;

- 1972 - 1975: Giáo sư Trương Văn Hoàn;

- 1975 - 1975: Giáo sư Phạm Phú Thành.

Tổng Giám thị: Giáo sư Bửu Vụ

 

Thế hệ chúng tôi thi tuyển vào Trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt năm 1962. Sau đó học các lớp Đệ thất C, Đệ lục C, Đệ ngũ C, Đệ tứ B3. Thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp, rồi lên học lớp Đệ tam B2, Đệ nhị B2; thi Tú tài phần thứ nhất, học tiếp lớp Đệ nhất B2, thi Tú tài phần thứ hai và ra trường năm 1969. Giai đoạn này, trường dạy hai sinh ngữ là Anh văn và Pháp văn, những năm từ 1964 về trước có học thêm Hán văn. Triết lý giáo dục lúc bấy giờ đặt trên nền tảng nhân bản, dân tộc và khai phóng.

 

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, giai đoạn đó là cao điểm của chiến tranh, học sinh ra trường, số đủ điều kiện về tuổi và kinh tế gia đình khá giả thì tiếp tục lên Đại học, số ít học giỏi được học bổng hoặc gia đình có quyền thế cùng năng lực tài chính thì du học nước ngoài, phần lớn còn lại ở vào tuổi bị động viên và hoàn cảnh gia đình khó khăn thì đi lính, ghi danh thi tuyển vào các Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam (Đà Lạt), Trường Đại học Chiến tranh Chính trị (Đà Lạt), Trung tâm huấn luyện Không quân (Nha Trang), Trung tâm huấn luyện Hải quân (Nha Trang) hoặc Học viện Cảnh sát Quốc gia và Trường Sĩ quan Trừ bị (Thủ Đức). Cũng có nhiều học sinh của trường tham gia Cách mạng, nay là những cán bộ nòng cốt, cao cấp trong bộ máy chính quyền và nhiều người thành danh, có địa vị xã hội trong nước và nước ngoài, xuất thân từ Trường Trung học Trần Hưng Đạo.                          

         

Dù rằng học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo ngày đó, hôm nay nhiều người đã trở thành thầy hoặc là quan chức trong xã hội trên nhiều lãnh vực, nhưng quý thầy, cô trong giai đoạn ấy mãi mãi vẫn là thầy, cô của những người học trò chúng tôi. Thế hệ chúng tôi đã học với các thầy, cô giai đoạn 1962 - 1969, xin nhắc lại tên để tỏ lòng kính trọng cùng hoài niệm mái trường xưa:

 

Đệ thất C: Niên khóa 1962 - 1963

Giáo sư hướng dẫn: Nguyễn Ngọc Quỳnh

 

- Đức dục: Giáo sư Phạm Thị Minh Tâm;

- Quốc văn: Giáo sư Đặng Vũ Hoãn;

- Anh văn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh;

- Hán văn: Giáo sư Đặng Vũ Hoãn;

- Toán: Giáo sư Phạm Thị Minh Tâm;

- Âm nhạc: Giáo sư Bùi Thế Tập;

- Sử ký: Giáo sư Phạm Văn Vực;

- Địa lý: Giáo sư Phạm Văn Vực;

- Lý - Hóa: Giáo sư Hà Dương Thị Di

- Vạn vật: Giáo sư Trần Nho Mai;

- Hiệu đoàn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh;

- Thể thao: Giáo sư Quyền Văn Long.

- Hạnh kiểm: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh.

 

Đệ lục C: Niên khóa 1963 - 1964

Giáo sư hướng dẫn: Nguyễn Ngọc Quỳnh

 

- Đức dục: Giáo sư Nguyễn Văn Lan;

- Quốc văn: Giáo sư Bùi Thế Tập;

- Anh văn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh;

- Hán văn: Giáo sư Bùi Thế Tập;

- Toán: Giáo sư Phạm Văn Vực;

- Âm nhạc: Giáo sư Bùi Thế Tập;

- Sử ký: Giáo sư Trần Đức Anh;

- Địa lý: Giáo sư Trần Đức Anh;

- Lý - Hóa: Giáo sư Phạm Văn Minh;

- Vạn vật: Giáo sư Nguyễn Nhân Bằng;

- Hiệu đoàn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh;

- Thủ công - Vẽ: Giáo sư Tôn Nữ Kim Phượng;

- Thể thao: Giáo sư Bùi Đình Sơn.

- Hạnh kiểm: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh.

Đệ ngũ C: Niên khóa 1964 - 1965

Giáo sư hướng dẫn: Nguyễn Ngọc Quỳnh

 

- Đức dục: Giáo sư Đào Mạnh Đạt;

- Quốc văn: Giáo sư Hà Dương Thị Di;

- Anh văn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh;

- Toán: Giáo sư Nguyễn Văn Khánh;

- Sử ký: Giáo sư Phan Văn Châu;

- Địa lý: Giáo sư Phan Văn Châu;

- Lý - Hóa: Giáo sư Huỳnh Hữu Lý;

- Vạn vật: Giáo sư Lê Văn Khôi;

- Hiệu đoàn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh;

- Thủ công - Vẽ: Giáo sư Tôn Nữ Kim Phượng;

- Thể thao: Giáo sư Phan Văn Ngọ.

- Hạnh kiểm: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh.

 

Đệ tứ B3: Niên khóa 1965 - 1966

Giáo sư hướng dẫn: Lê Văn Khôi

 

- Đức dục: Giáo sư Đào Mạnh Đạt;

- Quốc văn: Giáo sư Nguyễn Vĩnh Lạc;

- Anh văn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh;

- Toán: Giáo sư Nguyễn Văn Khánh;

- Sử ký: Giáo sư Trần Hữu An;

- Địa lý: Giáo sư Trần Hữu An;

- Lý - Hóa: Giáo sư Hoàng Ngọc Ẩn;

- Vạn vật: Giáo sư Lê Văn Khôi;

- Hiệu đoàn: Giáo sư Lê Văn Khôi;

- Thủ công - Vẽ: Giáo sư Tôn Nữ Kim Phượng;

- Thể thao: Giáo sư Phan Văn Ngọ.

- Hạnh kiểm: Giáo sư Lê Văn Khôi.

 

Đệ tam B2: Niên khóa 1966 - 1967

Giáo sư hướng dẫn: Phạm Phú Thành

 

- Việt văn: Giáo sư Trần Đỗ Dũng;

- Công dân giáo dục: Giáo sư Phạm Phú Thành;

- Anh văn (Sinh ngữ I): Giáo sư Hoàng Thạch Thiết;

- Pháp văn (Sinh ngữ II): Giáo sư Dương Vân Khôi;

- Lịch sử: Giáo sư Hà Mai Phương;

- Địa lý: Giáo sư Hà Mai Phương;

- Toán: Giáo sư Hứa Doanh Trung;

- Lý - Hóa: Giáo sư Hoàng Ngọc Ẩn;

- Vạn vật: Giáo sư Hoàng Trọng Hàn;

- Thể thao: Giáo sư Phan Văn Ngọ.

 

Đệ nhị B2: Niên khóa 1967 - 1968

Giáo sư hướng dẫn: Bửu Biền

 

- Việt văn: Giáo sư Nguyễn Vĩnh Lạc;

- Công dân giáo dục: Giáo sư Đỗ Minh Cương;

- Anh văn (Sinh ngữ I): Giáo sư Nguyễn Xuân Tiếp;

- Pháp văn (Sinh ngữ II): Giáo sư Đoàn Huy Long;

- Lịch sử: Giáo sư Hà Mai Phương;

- Địa lý: Giáo sư Hà Mai Phương;

- Toán: Giáo sư Bửu Biền;

- Lý - Hóa: Giáo sư Trịnh Minh;

- Vạn vật: Giáo sư Phùng Văn Hưởng;

- Thể thao: Giáo sư Phan Văn Ngọ.

 

Đệ nhất B2: Niên khóa 1968 - 1969

Giáo sư hướng dẫn: Hoàng Ngọc Ẩn

 

- Triết: Giáo sư Phan Thái;

- Anh văn (Sinh ngữ I): Giáo sư Tạ Tất Thắng;

- Pháp văn (Sinh ngữ II): Giáo sư Phan Thái;

- Lịch sử: Giáo sư Lê Bình Nam;

- Địa lý: Giáo sư Lê Bình Nam;

- Toán: Giáo sư Bửu Biền và Giáo sư Hứa Doanh Trung;

- Lý - Hóa: Giáo sư Trịnh Minh và Giáo sư Hoàng Ngọc Ẩn;

- Vạn vật: Giáo sư Phùng Văn Hưởng và Giáo sư Hà Thị Thông;

 

         Trường Trung học Trần Hưng Đạo có 3 ban, dành cho học sinh Trung học Đệ nhị cấp chọn học theo khả năng và sở thích:

         - Ban A: Vạn vật - Lý - Hóa;

         - Ban B: Toán - Lý - Hóa;

         - Ban C: Văn chương - Sinh ngữ (Anh văn và Pháp văn).

 

         Niên khóa 1968 - 1969, do không đủ sĩ số nên học sinh lớp Đệ nhất C Trường Trung học Trần Hưng Đạo sang học chung với học sinh Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân và học sinh lớp Đệ nhất B Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân sang học chung với lớp Đệ nhất B2 Trường Trung học Trần Hưng Đạo. Nhiều tình bạn, tình thân và tình yêu tuổi học trò nảy sinh trong thời điểm học chung này. Có giai thoại, mấy “em” học sinh Bùi Thị Xuân “chảnh”, làm cao, chê mấy “anh” học sinh Trần Hưng Đạo bằng câu nói đùa đầu môi của học trò: “Ai về nhắn với Trần Công tử; bột nhão đừng mê gái họ Bùi”; mấy anh tự ái, đối đáp để tỏ chí anh hùng: “Ai về nhắn với Bùi Tôn nữ; chửa sinh ra đã phải thờ Trần”.

 

Hằng năm trường thường tổ chức một hoạt động gọi là Niên Lễ vào dịp cuối năm nhưng trước Tết Âm lịch. Hoạt động này mang tính truyền thống, lịch sử, văn hóa, giáo dục và thể dục thể thao, đồng thời các lớp học sinh lớn, nhỏ của trường cùng có cơ hội sinh hoạt với nhau.

 

         Thế hệ học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo chúng tôi nhiều người học rất giỏi, thi Tú tài phần thứ nhất và Tú tài phần thứ hai, đậu hạng ưu và tối ưu; đa số học sinh hiền hòa, chăm chỉ và ngoan ngoãn; một số ngỗ nghịch, quậy phá bạn bè và chọc ghẹo thầy, cô nhưng dễ thương và lễ độ; số khác mơ mộng hão huyền, mê gái, tán gái, thích làm thơ, viết văn ca ngợi những lý tưởng vu vơ ngoài tầm tay của tuổi học trò; một số học sinh giỏi, cá tính kiên cường nhưng nhà nghèo, cô thân, cô thế, lối thoát cuối cùng là đi vào quân ngũ, vật lộn với chiến tranh và đạn bom, máu lửa, để thời thế đẩy đưa “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” (xanh cỏ là chết trận, đỏ ngực là ngực mang nhiều huy chương rồi lên tá, lên tướng, nhưng đa phần là xanh cỏ); một số ít có máu yên hùng, giang hồ, chịu chơi, ba gai, bất cần đời nhưng rất mã thượng, khi đụng trận, hẹn nhau ra bãi, một chọi một, không đánh lén, không cậy thế hiếp yếu, không thù dai, nếu cần, phang nhau cả bằng dao, bằng búa. Nhưng rồi cũng qua tuổi học trò một thuở, giờ này ngấp nghé “nhân sinh thất thập cổ lai hy”.

         Hoài niệm mái trường xưa là hoài niệm về một bóng mát, nơi đó chở che, ấp ủ, dạy dỗ những mảnh đời trai trẻ lớn lên trong chiến tranh, cuối cùng rồi cũng vô thường và vô ngã. Theo “Bóng mát” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ để vài phút rong chơi trong hoài niệm về một mái trường xưa mà ngày nay không còn nữa: Trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt.

Còn đâu nữa! còn đâu nữa! tiếng hát ca dao ru tôi vào đời;  

Còn đâu nữa! còn đâu nữa! tiếng hót chim non cây đa trường cũ, với bóng tre xanh đong đưa nhịp võng; biết không em? biết không em? đã cho tôi bóng mát cuộc đời.  

Còn đâu nữa! còn đâu nữa! ngõ trúc trăng lên rong chơi hội làng;  

Còn đâu nữa! còn đâu nữa! tiếng sáo lang thang theo chim về núi, gió ngát hoa cau trong đêm dần tối; mãi đi hoang, mãi lang thang, lỡ quên đi bóng mát cuộc đời.

 

                                                                                                                                  Đà Lạt, 15 tháng 5 năm 2017   

                                                                                                 

 

 

 

 

 

        

     

                                

 

   

           

 

      

      

                         

 

   

 

 

Category: Văn học nghệ thuật | Views: 3412 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar