menu

17:20:25
KHÁI LUẬN VỀ ÂM DƯƠNG VỚI VÕ CỔ TRUYỀN

Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt

Võ cổ truyền là văn hóa truyền thống gắn liền với triết học, nên có câu: "đằng sau võ học là triết học". Các bộ môn võ học Phương Đông đều dựa trên nền tảng của nguyên lý triết học: Âm Dương - Ngũ Hành.

Âm Dương theo khái niệm cổ sơ không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà là thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng chi tiết. Âm Dương là hai mặt quan hệ đối lập nhưng hỗ trợ nhau, võ thuật lấy bản thân người tấn công và người phòng thủ làm hai mặt này. Để đạt đến mục đích công phá cao nhất thì phải đẩy một mặt đặc tính lên cao nhằm lấn át mặt còn lại.

Các học giả cổ đại cho rằng: "Loài người với vũ trụ vạn vật đều do Âm Dương tác động lẫn nhau mà thành”. Sách Chu Dịch - Hệ từ thượng chép: “Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”. Lưỡng nghi tức là Âm Dương. Âm Dương đại biểu cho hai loại thế lực vật chất có hàm ý đối lập nhau. Bản chất của Âm Dương chính là sản phẩm của thực tiễn xã hội. Chữ “sinh” ở đây có nghĩa là “biến” (sinh giả biến dã) chứ không có nghĩa là từ cái “không” sinh ra cái “có”.

Dịch là lịch trình đại biến hóa của vũ trụ, vạn vật. Có thể nói rằng khởi điểm của lịch trình biến hóa là Thái cực. Thái cực ấy là một thứ “khí tiên thiên”, một thứ “linh căn” bất diệt, vô cùng huyền diệu, trong đó tiềm phục hai nguyên lý Âm Dương. Nói “Thái cực sinh Lưỡng nghi”, kỳ thực chữ “sinh” có nghĩa là “ứng hiện”, vì hai nguyên lý mâu thuẫn ấy trước khi hình thành đã tiềm ẩn trong Thái cực. Cái khí của Thái cực cũng được gọi là Hỗn Nguyên Khí hoặc gọi tắt là Nguyên Khí.

Các nhà hiền triết cổ đại trong khi quan sát thực tiễn của vũ trụ, cả đến cuộc sống xã hội loài người, thể nghiệm thấy vạn vật, vạn sự toàn là "chẳng bằng không dốc, không đi chẳng lại", "có không sinh nhau, khó dễ thành nhau" đều là sự vận động biến hóa trong trạng thái tương đối cả mà sáng tạo ra triết lý “Nhất Âm, nhất Dương chi vi Đạo” (một Âm một Dương vị chi Đạo), rồi dùng Âm Dương để khái quát tất cả mọi sự vật, lấy đó làm quy luật căn bản của giới tự nhiên.
Việc xây dựng nên lý luận này là thảnh quả tư duy thiên tài của các triết nhân cổ đại Phương Đông. Trên cơ sở đó, lý luận Võ cổ truyền truyền thống đã dung hợp với triết học cổ điển.

Người xưa nói: "Mở đóng hư thực tức là quyền kinh", "một mở một đóng quyền kinh hết vậy", "một mở một đóng, có biến có thường, hư thực kiêm tới chợt ẩn chợt hiện", "một động một tĩnh là hết chỗ ảo diệu của quyền thuật". Cái gọi là động tĩnh, hư thực ... đều căn cứ vào học thuyết Âm Dương trong Kinh Dịch mà ra và chỉ là cách nói cụ thể hóa, hình tượng hóa trong quyền thuật mà thôi. Về sau những người diễn tập lại lấy đó tôn lên làm tiêu chuẩn, tự mình thể nghiệm cái triết lý này trong việc diễn luyện của bản thân.

Bất kể loại quyền thuật nào cũng nhấn mạnh việc làm khỏe thân mình là ý nghĩa trọng yếu thứ nhất, đó là phải duy trì cho được sự cân bằng Âm Dương trong cơ thể. Vì vậy dù là quyền "ngoại gia" hay quyền "nội gia" đều nhấn mạnh "Khí trầm đan điền", hoặc "trong luyện tinh - khí - thần, ngoài luyện tấn pháp, bộ pháp, thân pháp, thủ cước pháp" hay "trong luyện hơi thở, ngoài luyện gân cốt". Như thế Âm bằng Dương thuận, tinh thần ổn định. Âm Dương điều hòa, tinh thần khoẻ mạnh, thân thể tráng kiện, thì bệnh nào mà sinh?

Học thuyết Âm Dương không phải chỉ có quan hệ mật thiết với lý luận quyền thuật và việc rèn luyện võ thuật mà trong kỹ thuật đối kháng của võ thuật cũng không có chỗ nào không ngầm mang triết lý Âm Dương. Trong chiến đấu, bất luận là phòng thủ hay tiến công, cũng không rời xa sự biến hóa của Âm Dương. Trong "Quyền Kinh" có nói: “Luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không” (Luyện quyền chẳng luyện nghệ, có đến tuổi già cũng phí công). Quyền là đạo vận động, là phương thuốc khỏe thân; thuật là phép đoạt người, là sự ảo diệu để thắng người". Tuy nhiên sự ảo diệu từ đâu tới, thuật từ đâu mà được? Chính là từ Âm Dương dịch biến hóa với nhau. Con đường cầu tài năng võ thuật tất theo con đường của Âm Dương, chính là nguồn gốc nảy sinh của diệu quyết.

Triết lý Âm Dương còn ảnh hưởng sâu rộng đến võ học quân sự và binh pháp. Sách Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chép rằng: “Chiến lược là mưu đánh. Khi giao binh, nếu muốn biết tình trạng hư thực của địch, ta hãy làm cho người lộ hình tích mà giữ cho ta vô hình. Ta làm cho người bộc lộ tình trạng hư thực, đánh vào chỗ sơ hở của họ mà thành ra đánh được chỗ vững bền của họ. Nếu ta đánh vào chỗ vững mạnh của địch ắt là ta sai lầm; nếu ta đánh vào chỗ sơ hở của địch thì ta được vững mạnh, sai lầm ở trên là bởi lẽ đó. Sâu kín đến nỗi trở nên vô hình, giấu kỳ ở trong chính, giấu chính ở trong kỳ, lấy kỳ làm chính, lấy chính làm kỳ.

Phép đánh là dùng chính để hợp, dùng kỳ để thắng, phép chiến thắng không ngoài kỳ chính, cách biến hóa của kỳ chính không bao giờ hết được. Kỳ và chính sinh ra nhau như vòng tròn không có đầu mối. Xét hư thực, hiểu rõ đâu là vững chắc, đâu là sơ hở, khéo dùng phép kỳ chính, đó là ba vật báu cùa binh pháp”.

Lý thuyết của trời là Âm Dương, lý thuyết của đất là khó dễ. Người dùng binh có thể lấy Âm đoạt Dương, lấy khó đánh dễ. Người xưa gọi thiên thời, địa lợi, chính là lẽ ấy.

Sở dĩ Âm cực Dương sinh, Dương cực Âm sinh là vì trong Âm có Dương tiềm phục, trong Dương có Âm tiềm phục chưa hiện rõ ra. Khi Âm đến hồi cực thịnh thì mầm Dương mới đủ sức hiện lên, nghĩa là trong Thái Âm có cái mầm Thiếu Dương hiện lên và bắt đầu tăng trưởng, cũng như trong Thái Dương có mầm Thiếu Âm hiện lên và bắt đầu tăng trưởng. Và bởi cái lẽ Âm Dương tiềm phục ấy mà trên đời chẳng bao giờ có hiện tượng cô Dương hay cô Âm.

Võ cổ truyền thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, kết hợp cương nhu, hư thực, công thủ, phản biến, mạnh yếu, nội ngoại, thể chất tinh thần…Luyện tập Võ cổ truyền không chỉ là phương pháp làm cho thân thể khỏe mạnh, vận động thể chất giản đơn mà còn là hiện tượng văn hóa thần kỳ rèn luyện tinh thần cùng ý chí. Từ tư thế phòng thủ (Âm), khi bị tấn công, tức khắc những chiêu thức chống trả được tung ra (Dương), trong quá trình đáp trả, bị phản công thì những chiêu thức né, tránh hóa giải lại trở về phòng thủ (Âm) đồng thời biến thế phản đòn tích cực (Dương). Cứ như thế thủ công, phản biến liên hoàn như một vòng tròn xoay chuyển. Có thể hiểu nguyên tắc võ thuật là trong công có thủ, trong thủ có công như Âm trong Dương và Dương trong Âm vậy.

TVB Đà Lạt

Category: Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng | Views: 739 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar