menu

13:24:56
KHÁI LUẬN VỀ Y - VÕ

Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Ngày nay phong trào tập luyện võ thuật đang phát triển mạnh tại Việt Nam, từ những môn phái Võ cổ truyền đến hiện đại, từ Trung tâm võ thuật đến Võ đường, thu hút nhiều thanh phần trong xã hội, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Võ thuật là môn pháp luyện tập có ý nghĩa về mặt tinh thần lẫn thể chất, rèn luyện nhiều đức tính qúy báu cho con người và xã hội. Nhưng võ thuật cũng là môn đặc thù về tự vệ và chiến đấu, do vậy trong tập luyện và thi đấu thường gặp những chấn thương, nhẹ thì ảnh hưởng tới sức khoẻ và khả năng của thể chất, nặng thì gặp các biến chứng gây bệnh tật và mất khả năng luyện võ, thậm chí dẫn đến chết người.

Người học y có thể không nhất thiết phải tập luyện võ thuật, nhưng người tập võ, đặc biệt là thầy dạy võ, rất cần thiết phải có kiến thức về y học. Đối với những môn phái Võ cổ truyền Đông phương, hệ thống lý luận và kỹ thuật đòn, thế thường gắn liền với triết lý âm dương, ngũ hành, mà âm dương, ngũ hành là phạm trù không thể thiếu đối với Võ thuật cổ truyền và Y học Đông phương. Có thể có môn võ nào đó cho rằng mình không cần đến âm dương, ngũ hành, bát quái trong hệ thống lý luận và kỹ thuật, nhưng thực ra từ trời đất và con người đã tự có thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, vì con người là một tiểu vũ trụ.

Thần y Hoa Đà luận bệnh: “Người ta trên bẩm thụ ở trời, dưới ủy thác cho đất, lấy dương phụ, lấy âm tá. Trời đất thuận thì khí vận, người hanh thông; trời đất nghịch thì khí vận, người trắc trở. Trời đất có tứ thời, ngũ hành, có nóng lạnh, động tĩnh. Trời đất biến đổi, vui thì làm mưa, giận thì làm gió, kết đọng thành sương, dãn nở thành cầu vồng. Người có tứ chi, ngũ tạng, có thở hít, thức ngủ, có tinh khí lưu tán, thông hành là vinh, dãn nở là khí, phát ra thành tiếng động. Dương thể hiện ở hình thể, âm thận trọng giữ tinh. Đó là chỗ giống với trời đất”.

Chính từ những liên hệ mât thiết ấy mà võ không thể tách rời khỏi y. Trong giới Võ cổ truyền Việt Nam có nhiều thầy giỏi về Y - Võ. Liên đoàn Võ cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh có Lương y, Võ sư Nguyễn Tấn Xuân, Giảng viên Y - Võ, Giám đốc Công ty Y - Võ Xuân Nghĩa Đường, vừa dạy võ, vừa hành nghề y, đào tạo nhiều thế hệ môn sinh về cả hai lãnh vực. Ngoài công việc trực tiếp, ông còn nghiên cứu, cộng với kinh nghiệm thực tế để biên soạn 20 tác phẩm về Đông y, trong đó có 12 đầu sách nói về Y - Võ rất bổ ích, như: Trật đả toàn khoa, Ứng dụng 36 tử huyệt vào trị bệnh, Bấm huyệt trị bệnh - Chỉnh nắn gân khớp theo phương pháp Y - Võ…

Các sách viết về Y học Võ thuật hiện tại không nhiều, vì ít có chuyên gia nghiên cứu song hành hai lãnh vực; nếu giỏi võ lại chưa đủ về y, nếu giỏi y đôi khi lại không am tường về võ học. Đó cũng là điều kiện khách quan khiến tài liệu chuyên môn Y - Võ chưa được phong phú.

Kiến thức về y học trong võ thuật rất cần thiết, bởi lẽ không hiểu biết về y trong quá trình tập luyện, có thể đưa đến kết quả ngược lại, thay vì tăng cường sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật, thì tập luyện lại làm cạn kiệt sinh lực và hôn trầm, dã dượi cho con người vì sai phương pháp và cưỡng ép khả năng.

Khoa học quân sự, từ sĩ quan đến binh sĩ đều được trang bị kiến thức y học cơ bản ngoài chiến trường, đó là “cứu thương”. Cứu thương giúp người lính tự cứu chữa cho chính mình và giúp đồng đội trong những tình huống cần thiết tại mặt trận, ngoài ra có Y sĩ, Bác sĩ chiến trường với những Đại đội Quân y hay Tiểu đoàn Quân y lo về việc cứu chữa cho những thương bệnh binh ngoài mặt trận. Võ thuật có xử lý chấn thương trong một số tình huống, ví dụ trong tập luyện, trong thi đấu tại võ đường hay trên võ đài, người thầy võ có kiến thức có thể sơ cứu một số tình huống bất trắc xảy ra.

Không phải cứ ép hết khả năng của vận động viên để nhanh, mạnh tối đa hoặc tập luyện quá sức để có thành tích là tốt. Đối với y học về cơ thể con người, khả năng bao giờ cũng có giới hạn, một võ sĩ tập căng cơ trên sức chịu đựng của cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng rách cơ, sau đó phải nhờ đến y khoa can thiệp và khả năng phục hồi bị hạn chế. Một người chỉ có thể nâng 100 ký mà buộc phải nâng 200 ký sẽ dẫn đến đứt gân máu mà đột quỵ, cũng như một chiếc xe chỉ chạy một giờ tối đa được 120 cây số, mà người lái ép xe phải chạy với tốc độ tối đa đó trong một thời gian dài, máy xe sẽ nóng lên và làm bể máy, gây ra tai nạn.

Y học về tuổi tác cho thấy, tuổi cao thì sức yếu, một thầy võ 60 tuổi ra sân tập luyện với cường độ cao và lượng vận động lớn như một võ sĩ 20 tuổi là điều trái ngược với nguyên tắc y học võ thuật. Vì vậy, cần có những kiến thức cơ bản giúp người tập điều tiết theo khả năng về sức khoẻ và tuổi tác cùng cơ địa của từng người. Thật ra, việc ép cân hay uống thuốc, chích thuốc kích thích nhằm tăng cường sinh lực cho võ sĩ, vận động viên thi đấu để giành huy chương là điều không phù hợp với y học. Đó là lạm dụng sinh lực cơ thể không tự nhiên.

Một số sách viết về y học võ thuật, hỗ trợ kiến thức chuyên môn cho giới võ, đã xuất bản, có thể tham khảo, nghiên cứu:

- Trật đả cốt khoa (Võ sư Từ Thiện - Hồ Tường, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1990);

- Điểm huyệt, giải huyệt Thiếu Lâm Tự (Võ sư Từ Thiện - Hồ Tường, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1990);

- Xử lý chấn thương trong võ thuật (Hoàng Vũ Thăng, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1993);

- Kình trong võ thuật (Hoàng Vũ Thăng, Nhà xuất bản Đồng Tháp, 1996);

- Y học Thể dục thể thao (Bác sĩ Nguyễn Văn Quang và cộng sự, Nhà xuất bản Y học, 1999);

- Đặc điểm sinh lý các môn Thể thao (PGS. PTS. Trịnh Hùng Thanh, Nhà xuất bản Thể dục thể thao Hà Nội, 1999);

- Trật đả toàn khoa (Lương y Võ sư Nguyễn Tấn Xuân, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2008, tái bản 2011);

- Ứng dụng 36 tử huyệt vào trị bệnh (Lương y Võ sư Nguyễn Tấn Xuân, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2011);

- Y - Võ trị bệnh (Lương y Võ sư Nguyễn Tấn Xuân, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2011);

- Xoa bóp, bấm huyệt và khí công dưỡng sinh (Trường Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học, 2012);

- Giáo trình Sinh cơ học Thể dục thể thao (GS.TS. Lê Quý Phượng, TS. Đàm Tuấn Khôi, TS. Hoa Ngọc Thắng, Nhà xuất bản Đaị học Quốc gia, 2016);

……

Một số sách của nước ngoài:

- Martial arts after 40 - Võ thuật sau tuổi 40 (Dr. Sang H. Kim, USA, 2000);

- Healthy Martial Arts - Sức khoẻ võ thuật (Dr. Jolie Bookspan, USA 2006, 2009);

- The bare essentials guide for Martial Arts injury care & prevention - Cẩm nang về những điều căn bản cần thiết hướng dẫn chữa trị và phòng tránh chấn thương trong võ thuật (Dr. Trish Bare Grounds, US Taekwondo Medical Committee Chairman, USA 2006);

- Marine Corps Martial Arts Program (MCMAP) - Giáo trình huấn luyện Võ thuật Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, (Trung tướng Richard P. Mills, Tư lệnh Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ, USA 2011);

- Taekwondo Textbook - Cẩm nang Taekwondo (Kukkiwon Korea, 2000);

- Karatedo - Không thủ đạo (Tatsuo Suzuki 8th Dan, Pelham book limited, Great Britain, 1975, 1978, 1982, 1983, 1985, 1987);

- Advanced Kickboxing - Quyền Anh tự do cao cấp (Master Pat O’Keeffe, Great Britain, 2002);

- The Zen way to the Martial Arts - Thiền đạo đến võ thuật  (Master Taisen Deshimaru, USA 1982, 1991);

- The Anatomy of Martial Arts - Cơ thể học của võ thuật (Dr. Norman Link and Lily Chou, Ulysses Press USA, 2011);

......

Đó là những sách được viết và xuất bản tại nước ngoài, còn nhiều sách khác nhưng chưa thấy trưng bày ở các nhà sách của Việt Nam.

Trong các tài liệu kể trên, tài liệu nào cũng chú trọng đến vấn đề y học trong võ thuật với những phương pháp tập luyện và cách phòng tránh cùng chữa trị thông thường cho những trường hợp chấn thương trong võ thuật.

Ngay cả những bài tập khởi động của võ thuật cũng khác so với những bài tập khởi động của những môn thể thao như bóng đá, bóng chày, bóng chuyền, bóng rổ, tennis hoặc điền kinh… bởi mục đích của các môn khác nhau. Khởi động của võ thuật yêu cầu từ đầu đến chân để làm ấm phần đầu và đưa đủ máu lên não trước khi đến các bộ phận khác trong cơ thể và cần phải có những bài tập điều tức để cơ thể được điều hoà với một khoảng thời gian vừa đủ, nếu khởi động quá lâu và động tác không tuần tự và qúa nặng, sẽ không có tác dụng cho các kỹ thuật trọng động khi vào bài tập chính với cường độ cao và lượng vận động lớn.

Kiến thức về y học thật sự cần thiết đối với võ thuật, giúp người tập, người dạy phòng, tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong quá trình tập luyện, huấn luyện. Tương lai, khi có điều kiện thuận lợi, nếu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam mở lớp tập huấn, trang bị những kiến thức cần và đủ về Y- Võ cho các Võ sư, Trợ giáo thì quý hoá biết chừng nào.

 

Đà Lạt, tháng 4/2017

TVB

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 935 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar