menu

09:24:30
Những lò võ cổ truyền trong tỉnh

Như một dòng mạch ngầm đầy nước, võ cổ truyền vẫn đều đặn chảy trong lòng người Việt. Không ồn ào náo nhiệt, không phô trương thanh thế, những lò võ như vậy đang hiện diện không chỉ ở phố thị mà còn vươn đến tận những vùng xa xôi, nơi đó đêm đêm các võ sư tâm huyết vẫn âm thầm truyền lại di sản của tiền nhân cho các thế hệ kế tiếp.

Võ đường Nhân Trí Dũng, Bảo Lộc

Nằm ở phường Lộc Sơn, Bảo Lộc, Nhân Trí Dũng là một trong những võ đường hàng đầu dạy võ Tây Sơn Bình Định hiện nay tại Lâm Đồng. Thành lập từ năm 1974, sau ngày thống nhất đất nước võ đường này tiếp tục hoạt động trở lại. Dạy võ tại đây là lão võ sư Trường Phúc người con đất võ Tây Sơn, Bình Định vào đây lập nghiệp, từng học võ với những bậc thầy trong làng võ Tây Sơn. Kế thừa phòng tập hiện nay với trên 150 môn sinh theo học là võ sư Lê Dũng (sinh 1967), con của lão võ sư Trường Phúc.

Bảo Lộc hiện nay là một điểm sáng về phong trào võ cổ truyền của tỉnh với rất đông người luyện tập, trong đó có sự đóng góp không nhỏ trong việc khuếch trương thanh thế cho môn võ Việt chính là võ đường Nhân Trí Dũng. Đặc biệt, hầu như toàn bộ 7 thành viên Đội tuyển Võ Cổ truyền Lâm Đồng hiện là môn sinh võ đường, tập trung tập luyện tại đây mỗi khi có giải. Võ sư Lê Dũng còn phụ trách cả tuyển trẻ với 7 thành viên và cả đội năng khiếu võ cổ truyền của tỉnh với 6 thành viên. Trong những năm gần đây, Đội tuyển Võ Cổ truyền Lâm Đồng dưới sự hướng dẫn của anh đã có thành tích rất khả quan tại các giải quốc gia.

Võ sư Lê Dũng

Theo võ sư Lê Dũng, võ Việt không hề thua kém với các môn võ nước ngoài, rất phù hợp với vóc dáng người Việt. Tự hào về võ Việt nhưng anh cũng không khỏi trăn trở khi nhìn về phía trước “Chúng tôi cần sự hỗ trợ của ngành chức năng để đưa môn võ này vào học đường nhiều hơn, để những thế hệ kế tiếp biết và giữ gìn giá trị văn hoá của cha ông mình bao đời để lại”.  

Võ đường Đồng Vũ - Tân Hội, Đức Trọng

Thành lập năm 2000 ở Tân Hội - một xã vùng sâu của Đức Trọng, đây là võ đường luôn đi đầu trong nhiều hoạt động cho phong trào võ cổ truyền của địa phương Đức Trọng và của tỉnh. Trực tiếp huấn luyện cho khoảng 70 môn sinh trong vùng tại đây là võ sư Lê Thái Quốc Hoàng.

Là người từ Khánh Hoà lên lập nghiệp trên đất mới Lâm Đồng nhưng HLV Quốc Hoàng (năm nay 40 tuổi) cũng mang theo cả trách nhiệm truyền bá môn võ mình học. Năm lên 10 tuổi anh đã thụ giáo võ cổ truyền tại võ đường Đồng Vũ ở Nha Trang do võ sư Võ Đình Tâm huấn luyện. Như thầy mình, HLV Quốc Hoàng đang dạy võ Ta và quyền Thiếu Lâm hệ nam phái cho các môn sinh. Môn sinh chủ yếu là học sinh trong vùng, gia đình cho theo học để nâng cao sức khoẻ nhưng rồi mê võ thuật. Nhiều năm gần đây không ít các VĐV của võ đường giành huy chương ở giải cấp tỉnh, không dưới 20 tấm huy chương mỗi năm. Năm 2010 võ đường từng đoạt giải nhất toàn đoàn của tỉnh, năm nay võ đường cũng xếp thứ 3 toàn đoàn. VĐV Võ Thị Kim Hương của võ đường nay là thành viên của đội tuyển võ cổ truyền quốc gia.

Võ sư Lê Thái Quốc Hoàng

Không chỉ dạy võ, hiện HLV Quốc Hoàng còn dạy võ cho CLB Dưỡng sinh của xã và đây là một CLB có hoạt động rất tốt tại Đức Trọng. “Chúng tôi dạy võ ở vùng xa, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của ngành chức năng để võ cổ truyền tại địa phương phát triển” - HLV Quốc Hoàng chia sẻ. Cụ thể, theo anh nếu được, để tạo điều kiện cho phong trào phát triển, ngành TDTT địa phương nên có sự hỗ trợ kinh phí cho các VĐV tham dự giải tỉnh hằng năm vì võ đường nằm vùng nông thôn, nhiều gia đình rất khó khăn khi phải tự trang trải cho con em mình mọi thứ khi đi thi đấu giải tỉnh xa nhà.

Võ đường Tấn Phi Diệu, Cát Tiên

Vào lập nghiệp trên quê mới tại xã Tư Nghĩa, Cát Tiên năm 1982, trong hành trang của mình võ sư Nguyễn Trần Diệu (sinh 1957) đã mang theo cả môn võ cổ truyền học được từ lò võ Tấn Gia Quyền ở Quảng Ngãi. Tại đây, năm 1985, sau ngày lao động với ruộng đồng, đêm về anh đã mở lớp dạy võ cho các trẻ quanh nhà. Năm 2000, anh xin phép mở võ đường.

Tiếng là “võ đường” nghe oai nhưng hiện phòng tập nhỏ của nhà anh chỉ chừng trên dưới 20 môn sinh, có ngày rất vắng. Đó là những học sinh trong vùng ngày ngày đi học ở trường, đêm về luyện võ cho khoẻ. Mùa hè có đông hơn, khi học sinh trong vùng nghỉ hè rủ nhau đi học võ, còn vào năm học bận rộn chuyện học hành nên phải gác lại. Dạy võ nơi đây, theo võ sư Nguyễn Trần Diệu, chỉ là vì nghiệp võ trong người dạy lại cho các em còn học phí thu rất ít, tháng chỉ vài chục nghìn đủ đóng tiền điện. Trước đây trong vùng đã có không ít các võ đường mở ra nhưng rồi thưa dần. Võ đường, anh cố duy trì vì đây là di sản của những người đi trước và trách nhiệm là phải giữ gìn và truyền lại cho thế hệ kế tiếp, nếu không sẽ “rất có tội”.

Võ sư Nguyễn Trần Diệu

Với TDTT Cát Tiên, nơi cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì, thể thao chỉ dựa vào phong trào thì võ cổ truyền trong đó có phòng tập của võ sư Nguyễn Trần Diệu Tấn vẫn là một điểm sáng cho thể thao ở đây. Nhưng với vị võ sư - nông dân này, mong ước của anh là Trung tâm TDTT huyện mau mau được xây dựng để có được một chỗ tập rộng rãi có mái che cho học sinh trong hè. “Ngày hè rất đông học sinh đến đăng ký tập võ nhưng không có chỗ tôi phải dạy ngoài trời ở trung tâm huyện, mưa gió rất bất tiện” - anh kể . Mong ước của vị võ sư này có lẽ cũng là mong ước của ngành TDTT huyện nhà vì Trung tâm TDTT huyện dự kiến được xây dựng từ năm 2010 này cho đến nay vẫn còn nằm trên giấy.


Viết Trọng

Category: Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng | Views: 1383 | Added by: admin | Tags: Những lò võ cổ truyền trong tỉnh | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar