menu

17:52:14
TẢN MẠN VỀ GÀ TRONG VĂN HỌC VÀ VÕ THUẬT

Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Gà là giống vật không xa lạ với con người, toàn thân phủ lông, mỏ cứng nhọn, hai chân phủ vảy sừng mỏng, con trống có mào đỏ trên đầu, diều mọng dưới cổ, biết gáy. Có gà rừng và gà nhà. Gà rừng là vật sống hoang trong thiên nhiên. Gà nhà là vật nuôi mang lại lợi ích cho con người.

Tên khoa học của gà là “Gallus gallus domesticus”. Gà có nhiều chủng loại, theo nghiên cứu của các nhà vạn vật học, gà có nguồn gốc từ một loài chim hoang dã ở Ấn Độ, được con người thuần hoá mấy ngàn năm qua.

Là giống vật tuy nhỏ nhưng hình tượng gà, đặc biệt là gà trống, được sách, báo, tài liệu biên khảo viết nhiều, có vị trí trong nền văn hoá phương Đông và phương Tây. Từ thời cổ đại, gà đã là linh vật gắn liền với các hệ thống tôn giáo, thần thoại và tín ngưỡng, gà làm vật hiến tế hay là vật tế thần. Người dân nông thôn lấy tiếng gà gáy thay cho đồng hồ báo thức. Trong văn hoá phương Đông, gà có tên khác là kê, dậu. “Dậu” đứng thứ mười trong hệ Thập nhị chi, còn gọi là 12 con giáp: Tí (chuột), Sửu (trâu), Dần (cọp), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (heo).

Hy Lạp, La Mã, Do Thái và các quốc gia Âu Mỹ, châu Á, Đông Nam Á… có nhiều truyền thuyết và truyện kể về gà mang tính tâm linh, tôn giáo và nếp sinh hoạt thường ngày của đời sống xã hội loài người. Trong kinh Tân Ước, Chúa Giê-su đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Phêrô qua câu nói: “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy thì anh đã chối thầy ba lần”. Câu nói đó sau trở thành sự thật, và điều này đã khiến gà mang biểu tượng của sự cảnh giác và phản bội. Thế kỷ thứ 9, Giáo hoàng Nicôla ra lệnh đặt hình gà trống lên trên các gác chuông nhà thờ.

Ở Việt Nam, gà là biểu tượng của nền văn minh, nếp sinh hoạt văn hoá của người dân nông thôn. Có nhiều hình chạm trổ, điêu khắc về gà trên các công trình nghệ thuật, văn hoá, tâm linh, điển hình như trên trống đồng Đông Sơn Việt Nam. Đặc biệt tranh vẽ làng Hồ, hình ảnh gà là nét thanh bình của đời sống làng quê Việt Nam, ẩn chứa một triết lý sống hài hoà giữa con người và thiên nhiên.

Không chỉ gà trống, gà mái cũng là biểu trưng văn hoá tình mẫu tử cao cả khi đánh lại diều hâu, chồn, cáo, chó, mèo… để bảo vệ đàn con hoặc qua hình ảnh xoè đôi cánh nhỏ ấp ủ, che chở, mang hơi ấm cho đàn con và nhường thức ăn cho con mà quên cả thân mình.

Văn hoá ẩm thực có nhiều món ăn chế biến từ thịt gà với những tên gọi hấp dẫn như gà quay, gà xối mỡ, gà xé phay, gà rút xương, gà rô ti.... Hình ảnh gà phong phú trong văn học thành ngữ, tục ngữ, ca dao với nhiều thể loại khác nhau mang tính giáo dục, triết lý nhân sinh như: “Gà ăn mối, mối ăn thổ công, thổ công ăn gà”, “gà chết vì tiếng gáy”, “gà què ăn quẩn cối xay”, “gà mượn áo công”, “mèo mả gà đồng”, “cõng rắn cắn gà nhà”, “bút sa gà chết”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”… hoặc tên gọi theo nghĩa bóng như “gà móng đỏ”, ám chỉ gái mại dâm trong xã hội.

Đối với Võ thuật cổ truyền Việt Nam, hình ảnh gà đậm nét kiêu hùng, anh dũng, mạnh mẽ, can trường quyết chiến không lui, dân gian đã tặng cho gà những đức tính cao quý, gọi là ngũ đức của người quân tử là văn, võ, dũng, nhân, tín.

Điền Nhiêu vị Lỗ Ai Công viết: “Quân bất kiến phù kê hồ? Đầu đái quan giả, văn dã. Sanh cự giả, vũ dã. Địch tại tiền nhi cảm đấu giả, dũng dã. Kiến thực tương hô, nghĩa dã. Tư thần bất thất thời, tín dã. Kim chi nhân năng cụ thử ngũ đức giả thực bất đa cấu”. Có nghĩa là Điền Nhiêu nói với Lỗ Ai Công rằng: “Ngài không thấy con gà ư? Đầu mang mào, đó là văn. Giương cựa, đó là vũ. Địch thủ trước mặt mà dám đánh, đó là dũng. Thấy thức ăn thì gọi nhau, đó là nghĩa. Quản lý buổi sáng không lỗi hẹn, đó là tín. Người thời nay có được năm đức ấy quả thực không nhiều”.

Hùng kê quyền (bài quyền con gà trống) là một trong những bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam do Lão võ sư Ngô Bông (1923 - 2011) giới thiệu và đích thân biểu diễn tại Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 1993. Tương truyền Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ, một trong ba anh em nhà Tây Sơn sáng tạo qua quan sát các thế đá của những con gà chọi. Nguyễn Lữ (1754 - 1787) là Đông Định Vương, đệ tử chân truyền môn Miên quyền (dĩ nhu chế cương) của Thầy Nguyễn Văn Hiến.

Lưỡng kê giao nạp thuỷ tranh hùng.

Song túc tề phi trảo thượng xung.

Trấn ải kim thương như bạch hổ.

Thủ quan ngân kiếm tự thanh long.

Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác.

Hồi thủ đơn câu thủ tự hung.

Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ.

Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung.

Dịch lời thiệu:

Đôi gà so cổ đá nhau;

Đôi chân vươn móng nhảy vào thốc lên.

Như hùm trắng vẻ hiên ngang;

Mỏ vờn như chiếc thương vàng thủ môn.

Cựa như kiếm bạc chồm lên;

Diện tiền giữ kín những lần địch công.

Như tên bay khỏi cánh cung;

Gíup cho chiếc mỏ mổ không thể ngừng.

Lui về giơ cựa cản chân;

Cựa kia quyết chí bốn bên tấn vào.

Chạy lui đôi bước xem sao;

Dùng đôi cựa bén phóng vào như trâm.

Trời ban đức tính kiêu hung;

Cứng mềm mạnh yếu mấy phần đưa ra.

Chỏi nhau rách thịt trầy da;

Chẳng qua tấc dạ thoả mà lại thôi.

Người dịch: Lão võ sư Phạm Đình Trọng, Lâm Đồng (1924 - 2008)

Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ III, 1995

Lão võ sư Đặng Văn Anh, Sài Gòn (1921 - 1998) võ danh Phi Vân Nhạn, uy trấn một thời, lấy gà vàng (Kim kê) làm biểu tượng, với ý nghĩa “Phong vũ như mai; kê minh bất kỷ”, nghĩa là “mặc dù ngoài trời mưa gió; gà vẫn không ngớt tiếng gáy”. Chưởng môn kế thừa môn phái hiện nay là Võ sư Đặng Kim Anh, con trai của Lão võ sư Đặng Văn Anh, hoạt động với danh xưng đầy đủ là Thiếu Lâm Nội Quyền - Kim Kê - Tây Sơn Nhạn, do trước đây Lão võ sư Đặng Văn Anh từng thụ giáo với Đại danh sư Bùi Văn Hoá, vị thầy khả kính khai sáng Môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn. Các thế hệ sau của Thiếu Lâm Nội Quyền - Kim Kê - Tây Sơn Nhạn đang hoạt động tích cực, trong đó phải nói đến Võ sư Lê Đình Long, người biểu diễn bài Tứ Linh Đao đầu tiên cho chương trình thống nhất của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Thế võ đắc ý của bản môn là “Kim kê độc lập”.

Theo tài liệu võ thuật Trung Quốc, Kê quyền (Võ gà) là môn võ phát triển rộng rãi trong dân gian. Trần gia Thái cực quyền dùng thế “Kim kê độc lập”, Mai hoa Đường lang môn dùng thế “Hàn kê bộ”. Tâm ý lục hợp quyền - Hà Nam; Hình ý quyền - Hà Bắc; Đới thị Tâm ý quyền - Sơn Tây đều sử dụng Hình kê quyền. Kê quyền có nhiều thế võ nổi tiếng hiểm hóc như: “Kim kê song đẩu sí - gà vàng rung đôi cánh”, “Kim kê đối mục - hai gà nhìn nhau”, “Kim kê chuỷ mễ - gà vàng mổ thóc”, “Kê đẩu mao - gà rung lông”, “Kê bào thực - gà bươi đất tìm thức ăn”, “Liêu âm thủ - kê thủ đánh vào hạ bộ”, “Nhật nguyệt cước - thế đá bay liên hoàn hai chân”.

Kê quyền là Hình tượng quyền mô phỏng các điệu bộ, tư thế mổ, đập cánh, bay lên đá vào đối phương. Kê thủ là thủ hình biểu tượng của móng gà, cựa gà, mỏ gà dùng trong võ thuật, thường áp đảo, tấn công vào các yếu huyệt như mổ vào mắt, đá vào hạ bộ, đâm vào yết hầu của đối phương. Xa thị Hình ý quyền sở trường các thế võ liên hoàn vừa dùng chân tấn công vào hạ bàn vừa dùng tay mổ vào mắt đối phương. Bộ pháp Kê quyền linh hoạt, thần tốc; thân pháp Kê quyền ảo diệu nhiều biến hoá, các thế đá dứt khoát, dũng mãnh, nhất là tinh thần quyết chiến không lui của những con gà chọi.

Gà đá còn có tên gọi gà nòi hay gà chọi thường được các sư kê chọn lựa rất công phu theo thư tự trước sau là nhất thủ (đầu), nhì vĩ (đuôi), tam hình (mình), tứ túc (chân) để phẩm định giá trị là thần kê, thư hùng kê, lão kê thần đồng, quý kê, quái kê hay cuồng kê…

Những thế đá tượng hình của gà trong võ thuật là song phi cước, do con gà khi đá chẳng khi nào đá một chân mà luôn nhảy lên đá bằng hai chân. Lúc nhảy lên đá, gà dùng sức mạnh đôi chân cộng với sức vỗ của đôi cánh và bộ lông đuôi, tạo lực tổng hợp để đâm cựa vào thân thể đối phương. Các thế đá của gà như nạp, xạ, đá lông, hồi mã thương, xõ, mé, đá vai, đá lông yếm, lấn, vỉa tối, vỉa sáng, khai vựa lúa…

Nam hoa kinh của Trang tử, đệ nhất tài tử thư Trung Quốc, có chương viết về “đấu kê” tức “gà đá độ”, sẽ phần nào cho thấy sự thậm thâm vi diệu trong võ thuật:

“Kỷ Tỉnh Tử lãnh phần tập gà đá cho vua.

Được mười ngày, hỏi thăm, đã xong chưa?

Đáp: Chưa! Hãy còn kiêu khí.

Mười ngày nữa, lại hỏi thăm.

Đáp: Chưa! Còn đáp lại với vang và với bóng.

Mười ngày nữa, lại hỏi thăm.

Đáp: Chưa! Mắt nhìn còn hăng và khí còn thịnh lắm.

Mười ngày nữa, lại hỏi thăm.

Đáp: Sắp được rồi. Nghe tiếng gà khác mà lòng nó không chao động. Nhìn nó như con gà bằng gỗ. Đức của nó đã toàn bị rồi. Gà lạ không con nào dám đối đầu với nó, trông thấy nó là đã quay đầu bỏ chạy!”

Qua chuyện ngụ ngôn về “đấu kê”, điều mà người học võ cần có là luyện tập, tu dưỡng tinh thần cho “đức toàn bị”, có nghĩa là không còn để cho ngoại vật động được đến lòng mình nữa. Hoàng đế Nội kinh viết: “Điềm đạm hư vô. Chân khí tùng chi. Tinh thần nội thủ. Bệnh an tùng lai”.

Tâm pháp an nhiện tự tại trong võ thuật cũng giống như tĩnh tâm trong pháp tu Thiền, mang lại cho hành giả một sức mạnh vô song là chiến thắng chính bản thân mình trước mọi tình huống.

Oai phong một thời, làm vật tế thần một thuở, con gà cũng như con người đều mang những hệ luỵ của một kiếp phù sinh mà thi ca dân gian Việt Nam từng phát hoạ:

“Chân đạp miền thanh địa,

Đầu đội mũ bình thiên,

Mình mặc áo mã tiên,

Ban ngày đôi ba vợ,

Tối một mình nằm riêng”.

“Trên đầu đội sắc vua ban,

Dưới thì yếm thắm dây vàng xum xoe.

Thần linh đã gọi thì về,

Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng”.

 Đà Lạt 01 tháng 01 năm 2017 - Đinh Dậu

TVB

                                                       

                    

                        

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 1048 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar