menu

13:52:03
VĂN CHƯƠNG TRONG VÕ THUẬT

VĂN CHƯƠNG TRONG VÕ THUẬT

Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Một trong những nét độc đáo của Võ cổ truyền Việt Nam là các kỹ thuật căn bản (căn bản công) đều có tên gọi; đòn, thế, chiêu, thức, bài quyền đều có lời thiệu. Lời thiệu diễn tả phương cách tấn công, phòng thủ, phản đòn, biến thế, phát họa thế trận với một hay nhiều đối thủ, trong đó ẩn chứa cả triết lý sống, nghệ thuật chiến đấu của tiền nhân như một thông điệp truyền cho hậu thế.

Lời thiệu của Võ cổ truyền Việt Nam có thể là thơ hay phú, chữ Hán, chữ Nôm hoặc Quốc ngữ, từ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, đến hình thức thất ngôn bát cú (bảy chữ tám câu), tứ tuyệt (bảy chữ bốn câu), có niêm luật như thơ Đường, hay như thơ lục bát có vần điệu (câu sáu chữ, câu tám chữ) thuần túy Việt Nam.

Thiệu bốn chữ : 
- Bắc sát kình phong; Nam lôi thanh thế…(bài Lôi long đao)
- Liệt địa đồ thành; Kim ngưu chiếu giác…(bài Kim ngưu quyền)

Thiệu năm chữ :
- Thanh long quyền oanh liệt; Tả thủy độ long châu…(bài Thanh long quyền)
- Lợi kiếm mộ hồn thương; Vân phi hà nguyệt tẩu…(bài Song phượng kiếm)

Thiệu bảy chữ :
- Lão mai độc thọ nhất chi vinh; Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành… (bài Lão mai quyền)
- Xung thiên đề đao phản trảm nghinh; Lôi phong trá tẩu quỷ thần kinh…(bài Siêu xung thiên)

Thiệu câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ (lục bát):
- Kiếm ôm theo bộ xung thiên; Tả hữu song chỉ mình nghiêng thế chào…(bài Huỳnh long độc kiếm)
- Thần cung xạ tiễn tấn tiên; Cước ngang bộ phượng bay lên móc liền… (bài Bạch hạc sơn quyền)

Thiệu xen lẫn các câu có số chữ khác nhau:
- Chắp thủ song âm bái tầm long thế; Hoành khai hổ khẩu phục địa lôi… (bài Ngũ môn phá trận)
- Song phi diện tiền; tấn trảm bình phi tam bộ…(bài Thảo đằng bài)

Lời thiệu bài Hùng kê quyền Võ cổ truyền Việt Nam là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú.

Thơ Đường luật là thể thơ Đường cách luật xuất hiện từ đời nhà Đường (Tang), Trung Quốc, gọi là thơ cận thể để đối lập với thơ cổ thể, không theo cách luật ấy. Vì giáo dục, thi cử... ngày xưa đều bằng chữ Hán, nên từ lâu người Việt Nam đã sáng tác thơ văn bằng chữ Hán, trong đó có thơ theo luật Đường. Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật, là sự kết hợp thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc Việt Nam. Trong lối thơ Đường luật thất ngôn bát cú có năm điều cần phải xét

1. LUẬT: Luật thơ Đường thất ngôn bát cú căn cứ trên thanh bằng và thanh trắc, và dùng các chữ thứ 2, 4, 6 và 7 trong một câu thơ để xây dựng luật. Thanh bằng gồm các chữ có dấu huyền hay không dấu; thanh trắc gồm các dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng. (B: BẰNG – T: TRẮC)

Câu số Vần HÙNG KÊ QUYỀN
1. B T B B Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng
2. T B T B Song túc tề phi trảo thượng xung
3. T B T T Trấn ải kim thương như bạch hổ
4. B T B B Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long
5. B T B T Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác
6. T B T B Hồi thủ đơn câu thụ tự hung
7. T B T T Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ
8. B T B B Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung!
Chữ thứ 1 2 3 4 5 6 7

2. BỐ CỤC: Bố cục một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú gồm 4 phần: Đề, Thực, Luận, Kết. "Đề" gồm 2 câu đầu (1, 2), câu đầu goị là câu phá đề, câu thứ 2 gọi là câu thừa đề, chuyển tiếp ý để đi vào phần sau. "Thực" hoặc “Trạng” gồm 2 câu tiếp theo (3, 4), giải thích rõ ý đầu bài. "Luận" gồm 2 câu tiếp theo nữa (5, 6), phát triển rộng ý của đầu bài. "Kết" là 2 câu cuối (7, 8), kết thúc ý toàn bài.

Dựa vào nguyên tắc Thơ Đường luật, thì câu đầu bài Hùng Kê quyền là câu phá đề cho thấy “đôi gà đang so cổ chuẩn bị đá nhau”, câu thứ hai là câu thừa đề chuyển tiếp ý “hai chân cùng bay lên xốc cựa tấn công”, câu 3 & 4 tả thực ý của bài, câu 5 & 6 luận rộng ý của bài theo thế trận của đôi gà đá, hai câu cuối kết thúc ý toàn bài gửi gắm một triết lý nhân sinh: “Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ. Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung, nghĩa là nhảy, chạy, luồn lách, hụp lặn là các thế trời ban cho; Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều ở trong bài quyền này”.

3. ĐỐI: Nguyên tắc cố định của một bài thơ Đường là ý nghĩa của hai câu 3, 4 phải "đối" nhau và hai câu 5, 6 cũng "đối" nhau. Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) nhưng bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Nếu một bài thơ Đường mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì gọi là "thất đối".

Câu 3 & 4 bài Hùng kê quyền: 
Trấn ải kim thương như bạch hổ; 
Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long;
“trấn ải” đối với “thủ quan”; “kim thương” đối với “ngân kiếm”, 
“như bạch hổ” đối với “tựa thanh long”

Câu 5 & 6 bài Hùng kê quyền:
Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác;
Hồi thủ đơn câu thụ tự hung;
“xuyên hầu” đối với “hồi thủ”; “độc tiễn” đối với “đơn câu”
“tàng ư trác” đối với “thụ tự hung”

4. NIÊM: Các câu trong một bài thơ Đường giống nhau về luật thì được gọi là "những câu niêm với nhau" (niêm = giữ cứng, ở đây được hiểu là giữ giống nhau về luật). Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Nguyên tắc niêm trong một bài thơ Đường chuẩn (thất ngôn bát cú) như sau: Câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5, câu 6 niêm với câu 7. Chẳng hạn với luật vần bằng của bài Hùng kê quyền là:

Câu số Niêm HÙNG KÊ QUYỀN
1. B T B B Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng
2. T B T B Song túc tề phi trảo thượng xung
3. T B T T Trấn ải kim thương như bạch hổ
4. B T B B Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long
5. B T B T Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác
6. T B T B Hồi thủ đơn câu thụ tự hung
7. T B T T Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ
8. B T B B Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung!
Chữ thứ 1 2 3 4 5 6 7

5. VẦN: Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường chuẩn, vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là "vần với nhau". Nếu một bài thơ Đường mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi "thất vận".

Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng 1
Song túc tề phi trảo thượng xung 2
Trấn ải kim thương như bạch hổ 3
Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long 4
Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác 5
Hồi thủ đơn câu thụ tự hung 6
Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ 7
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung! 8

Hai chữ "hùng" và "xung" vần với nhau. Chữ cuối câu 4 là “long”, chữ cuối câu 6 là “hung” và chữ cuối câu 8 là “trung” được xem là vần với nhau, nhưng ở đây là "vần thông" vì chỉ phát âm gần giống nhau.

Tương truyền bài Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ, anh em nhà Tây Sơn, sáng tạo qua rút tỉa các thế chiến đấu của những con gà chọi rồi áp dụng huấn luyện cho nghĩa quân dùng vào việc binh chống quân Thanh khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII. Lão võ sư Ngô Bông tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu và thị phạm rất thành công bài Hùng kê quyền tại Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 1993 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài yếu tố lịch sử, giáo dục lòng yêu nước về nguồn cùng với nghệ thuật chiến đấu thực dụng, hiệu quả, đặc thù của thập bát ban, Võ cổ truyền Việt Nam còn là những áng văn chương trác tuyệt, ẩn tàng thầm lặng một triết lý nhân sinh sâu sắc. Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn dĩ tải Đạo. Võ dĩ tải Đức.

 

 

TVB Đà Lạt
Tài liệu tham khảo: - Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu (Bộ Giáo dục Trung tâm Học liệu xuất bản 1968). - Bách khoa toàn thư.

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 897 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar