menu

17:21:48
VÕ CỔ TRUYỀN TRONG TRƯỜNG HỌC - VIETNAM VOCOTRUYEN IN SCHOOLS

BAN BIÊN TẬP

Chủ trương đưa Võ cổ truyền Việt Nam vào trường học theo Công văn số 6311/VPCP-KGVX ngày 11 tháng 8 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 4775/BGDĐT-CTHSSV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là việc cần làm trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều môn võ thuật đang phát triển tại Việt Nam có nguồn gốc trong nước và một số môn khác có nguồn gốc hoặc ảnh hưởng nước ngoài. Môn võ nào cũng giúp cho người học rèn luyện sức khoẻ và nhân cách nhưng để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, truyền thống lịch sử và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thì không môn võ nào có thể thay thế Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Kể từ khi ban hành, một năm đã trôi qua, các tỉnh, thành trong cả nước, có nơi thực hiện và có nơi chưa thực hiện nội dung các Công văn nêu trên.

Để tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần, nhất là giáo dục lòng yêu nước và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam cho Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng;

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Bác sĩ Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn mời:

Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo, M.Ed. (Thạc sĩ Giáo dục) 10 Đẳng WFVV;

- Phó trưởng Ban Chuyên môn - Kỹ thuật Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam;

- Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn - Kỹ thuật Liên đoàn Châu Á Võ cổ truyền Việt Nam;

- Phó Tổng thư ký, Phó Trưởng Ban Chuyên môn - Kỹ thuật, Phó Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam;

- Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng;

Tham gia giảng dạy lý thuyết và thực hành Môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng từ năm học 2016 - 2017.

Nội dung giáo trình của Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo giảng dạy cho Sinh viên chú trọng cả hai phương diện lý thuyết và thực hành, chú trọng kiến thức đồng thời làm sáng lên nhân cách của Sinh viên Trường Y qua tập luyện Võ cổ truyền.

1. Lý thuyết:

- Mục đích và ý nghĩa tập luyện Võ cổ truyền Việt Nam trong học đường;

- Văn hoá Võ cổ truyền Việt Nam;

- Lịch sử Võ cổ truyền Việt Nam;

- Truyền thống Võ cổ truyền Việt Nam;

- Giới thiệu các tổ chức Võ cổ truyền Việt Nam trong nước và nước ngoài.

2. Thực hành:

- Các bài tập khởi động của võ thuật, giúp tăng cường sức khoẻ thể chất và mang lại sự thoải mái tinh thần cho người tập;

- Căn bản công pháp 27 động tác kỹ thuật. Đây là bài tập (1 trong 3 bài) Võ thuật học đường thống nhất của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, đã được Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chấp thuận.

- Các bài tập về hơi thở (hô hấp). Đây là những bài tập của Võ cổ truyền về Khí pháp (phương pháp thở) và Khí công (công phu của hơi thở và công năng của hơi thở). Những bài tập này có thể giúp Sinh viên Y khoa sau khi tốt nghiệp dùng làm phương pháp phục hồi sức khoẻ (chức năng) cho người bệnh.

- Các thế võ tự vệ.

Các nước văn minh, tiên tiến trên thế giới luôn chú trọng đến sức khoẻ của cộng đồng, nhất là giới học sinh, sinh viên là mầm non của đất nước. Cho nên “Thụ nhân là sứ mệnh giáo dục”.

Thụ là trồng, nhân là người. Thụ nhân là trồng người.

Sách Quản Tử của Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN) viết:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc.

Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.

Bách niên chi kế mạc như thụ nhân.

Có nghĩa là:

Kế một năm không gì bằng trồng lúa.

Kế mười năm không gì bằng trồng cây.

Kế một trăm năm không gì bằng trồng người.

The best annual plan is cultivating rice;

The best decade plan is cultivating trees;

The best century plan is cultivating human beings.

Đà Lạt, 9/2016

 

 

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng | Views: 1476 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar