menu

11:17:07
XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG TRÊN VÕ ĐÀI

XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG TRÊN VÕ ĐÀI
(Trường hợp chảy máu mũi)

Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Chấn thương là biến động của cơ thể trong quá trình vận động và va chạm với ngoại vật. Các biến động này ảnh hưởng về sức khoẻ và khả năng của con người, để lại các di chứng xấu, thậm chí nguy hiểm.

Chấn thương trong võ thuật là chấn thương gây ra trong qúa trình luyện tập và thi đấu võ thuật. Các nguyên nhân của chấn thương được chia ra như sau:

1. Trong luyện tập.

- Do sự hoạt động quá căng thẳng trong thời gian ngắn làm chấn động sự chịu đựng của cơ thể và hệ cơ xương.

- Do sự tập luyện không đúng chu trình. Luyện tập võ thuật là từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp để cơ thể biến đổi từ từ cho hệ gân xương quen dần theo thời gian. Mọi sự đột biến đều gây ra chấn thương (trừ trường hợp có biện pháp kích thích và xử lý trước).

- Do sự luyện tập sai phương vị của các bộ phận trong cơ thể, làm nội tạng và hệ gân cơ xương hoạt động sai với đặc tính ổn định phương chiều vốn có (không ít các bài luyện võ của các môn phái võ vi phạm điều này).

- Do sự luyện tập với các đối tác ví dụ như bao cát, mộc nhân và bạn đối luyện. Các luyện tập này vô tình hay sai phương pháp chuẩn đều gây ra các chấn thương.

2. Trong thi đấu.

- Thi đấu căng thẳng cũng là nguyên nhân gây ra chấn thương.

- Trong thi đấu bị trúng đòn càng nhiều càng nguy, càng vào bộ vị quan trọng càng nguy, càng bị đòn nặng càng nguy.

- Do luyện tập chưa đầy đủ mà thi đấu sai các nguyên lý đòn thế làm cho hệ nội tạng và gân cơ xương hoạt động rối loạn, sai phương vị.

- Sự vận hành phức tạp xảy ra trong thi đấu võ thuật cũng là nguyên nhân gây ra các chấn thương, ví dụ như cái chuyển động, cái tung đòn thì lại ít, các động tác vô ích thì lại nhiều.

Vì vậy kiến thức về phương pháp cấp cứu, xử lý chấn thương, hồi sức là điều rất quan trọng đối với võ sư, huấn luyện viên võ thuật.

3. Trường hợp chảy máu.

Chảy máu mũi.

Trong thi đấu hay tập luyện do va chạm mạnh hoặc đôi khi trúng đòn làm cho niêm mạc mũi bị vỡ và chảy máu. Thông thường máu chảy không nhiều, đôi lúc có thể chảy giọt, nếu sau vài phút máu vẫn không ngừng chảy thì phải can thiệp.

Phương pháp cấp cứu.

a. Đặt nạn nhân ngồi thẳng, đầu ngửa ra sau, đắp lên mũi một chiếc khăn nhúng nước lạnh, chà xát thật mạnh ở gáy. Làm chừng đó thường cũng đủ. Nếu không đạt kết quả hãy tiếp tục làm những cách sau đây theo thứ tự càng về sau càng hiệu nghiệm hơn.

b. Áp bàn tay phải sau đầu nạn nhân, tay trái nâng cằm, giữ đầu nạn nhân như thế rồi xoay đầu qua phải, qua trái vài lần để làm giãn những bắp thịt vùng cổ. Sau đó dùng cạnh bàn tay phải, lòng bàn tay để ngửa, chặt mạnh một, hai lần gọn và nhanh, hơi xiên lên. Bàn tay phải lui lại lấy đà không được quá 12cm. Mục đích là để gây nên một chấn động ngắn tại đốt xương cổ thứ nhất, làm cho dòng máu bị gián đoạn trong vài phần giây đồng hồ và nhờ ở sự gián đoạn đó máu ở những tĩnh mạch nhỏ bị vỡ có thể đông lại.

c. Chung quanh bốn ngón tay khép sát lại với nhau của một trong hai bàn tay để mở, quấn khoảng năm, sáu vòng vừa đủ chặt bằng một sợi dây mềm, ngón cái giữ đầu dây rồi nắm chắc lại thành quả đấm. Đoạn dây đủ lớn để khỏi làm tay bị thương sẽ ép chặt các động mạch trong các ngón tay. Trường hợp chảy máu mũi dai dẳng thường lại chấm dứt bằng phương pháp có vẻ dị kỳ này. Nên giữ nắm tay thật chặt trong hai, ba phút.

d. Dùng hai ngón tay bóp nhẹ hai bên cánh mũi, thao tác này sẽ làm cho điểm mạch bị đè bẹp khiến cho máu không thể tiếp tục chảy.

e. Dùng đầu ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ để bấm và day vào các huyệt Nghinh hương, Thái dương, Hợp cốc. Ấn và day mạnh sẽ tạo nên một sự chấn động làm cho máu mũi có thể ngừng chảy. Thao tác này có thể lặp lại vài lần cho đến khi máu ngừng chảy hẳn.

4. Các trường hợp chảy máu khác: Trong thi đấu do tác động của đòn đánh hoặc bị té ngã xuống sàn, nên các điểm chảy máu thường cạn. Các vết thương hay gặp là rách môi, rách đường chân mày, chảy máu đầu… Cách xử lý tốt nhất là dùng một miếng gạc tẩm thuốc đắp lên vết thương, rồi lấy tay ấn chặt không cho máu có thể chảy nữa.

Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân, Giảng viên Y - Võ cổ truyền, Giám đốc Công ty Y - Võ Xuân Nghĩa Đường giải thích: Khi bị chấn thương gây chảy máu mũi trên võ đài, thường trọng tài y tế dùng bông tẩm cồn lau vết thương trong hốc mũi cho võ sĩ, việc làm này làm cho vết thương sạch máu và sát trùng nhưng không có khả năng cầm máu mà ngược lại chính sự lau sạch “kích thích” cho niêm mạc mũi chảy máu thêm. Chỉ có giải pháp bấm huyệt làm cho máu ngừng chảy hoặc các thủ thuật gây chấn động vào một số huyệt đạo có liên quan làm cho máu ngừng chảy là hiệu quả nhất.

Tài liệu tham khảo:
- Bác sĩ Nguyễn Văn Quang và cộng sự, Y học Thể dục thể thao (NXB Y học 1999)
- Robert Lasserre. Atemis et Jiu-jitsu (L’art d’attaquer Les points Viteaux) Editions Judo, 120, Quai de Tounis, Toulouse. 
- Trish Bare Grounds, Ph,D.,ATC/L. The bare essentials guide for matial arts injury prevention and care. Turtle press, USA 2005.

(Hình minh họa Võ đài từ Internet)

TVB - Đà Lạt, 5/2018

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 969 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar