menu

06:39:33
XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG TRÊN VÕ ĐÀI (Trường hợp chấn thương tinh hoàn)

Trương Văn Bảo
Thường trực Ban Khoa học - Kỹ thuật 
Hội Đông Y Gò Vấp

Võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện nay thi đấu đối kháng trên võ đài, dù rằng Luật thi đấu Võ cổ truyền có những quy định về điều cấm và không cho phép võ sĩ sử dụng những đòn cấm gây nguy hiểm và chấn thương cho đối phương, trong đó có đòn cấm tấn công vào hạ bộ. Tuy nhiên trong quá trình diễn ra trận đấu, lúc giao đòn, có những đòn của võ sĩ vô tình hoặc đôi khi cố ý tấn công vào hạ bàn tức là hạ bộ của đối phương, gây ra chấn thương tinh hoàn.

Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam cũng quy định trang phục thi đấu của võ sĩ gồm mũ bảo hiểm, bao bảo vệ răng, bảo vệ hạ bộ - “coquille” (tiếng Pháp), "shell" (tiếng Anh - like an oyster shell, giống hình dáng con sò), băng bảo vệ cổ chân, băng bảo vệ cổ tay, áo giáp, găng thi đấu.

Bảo vệ hạ bộ trong thi đấu là điều bắt buộc cho cả nam và nữ võ sĩ. Tuy có thiết bị bảo vệ hạ bộ nhưng một đòn đánh, đá mạnh trực tiếp trúng hạ bộ cũng vẫn tạo nên hai mức độ chấn thương: Nhẹ thì làm cho nạn nhân đau đớn. Nặng có thể làm cho tinh hoàn lệch ra khỏi vị trí hoặc ngất xỉu. Theo thống kê của y học thế giới về xử lý chấn thương tinh hoàn thì có đến 54% các nguyên nhân là do chơi thể thao hoặc giao đấu võ thuật gây ra.

Phương pháp cấp cứu
1. Đối với trường hợp nhẹ: Cần bấm môt trong các huyệt Mệnh môn, Thận du, Dũng tuyền. 
- Vị trí huyệt Mệnh môn: Ngay dưới đốt sống thắt lưng số 2.
- Vị trí huyệt Thận du: Dưới gai sau đốt sống thắt lưng số 2, ngang ra mỗi bên 1,5 thốn, hai huyệt đối xứng nhau qua cột sống.
- Vị trí huyệt Dũng tuyền: Chỗ lõm gan bàn chân giữa đốt bàn ngón cái và ngón hai.

2. Đối với trường hợp nặng: Nếu tinh hoàn chạy lên háng thì đưa về vị trí cũ bằng cách cho nạn nhân đứng thẳng chân rồi nhảy trên hai gót chân, nếu nạn nhân không đứng dậy được thì cho nạn nhân ngồi, hai chân duỗi thẳng ra phía trước, người cứu đứng sau lưng, nâng nạn nhân lên khỏi mặt đất khoảng 20cm rồi thả cho rơi tự nhiên, và người cứu vẫn giữ nạn nhân. Làm như vậy chừng 12 lần là đủ. Cứ hai hay ba lần xem lại có kết quả chưa, khi hai tinh hoàn đã về vị trí, giúp nạn nhân đứng dậy đi thong thả vài bước (xem hình minh họa).

3. Một phương pháp khác là để cho nạn nhân ở tư thế ngồi, người cứu đứng sau lưng, hai tay đặt trên hai vai nạn nhân để giữ cho khỏi ngã, dùng ức bàn chân đá vào đốt thắt lưng một (dưới lưng cách mặt đất độ 15cm). Khi đá chân phải mềm dẻo, đầu gối gập lại. Khi tinh hoàn đã trở về vị trí cũ, hãy giúp nạn nhân đi thong thả vài bước (xem hình minh họa).

4. Hoặc là để nạn nhân ở tư thế ngồi, người cứu quỳ bên phải nạn nhân để đỡ cho người ấy khỏi ngã, gối chân phải quỳ ở tư thế mà người cứu thấy thuận lợi nhất. Tay trái người cưu luồn dưới nách và choàng qua cổ đến vai nạn nhân, bàn tay phải lõm theo hình một các cốc, các ngón tay chụm lại ngón cái xoè ra. Phương pháp cứu là dùng bàn tay phải áp vào bụng nạn nhân ở khoảng rốn rồi chà xuống vùng bẹn trái nạn nhân sáu đến bảy lần, chà ngược lên cơ hoành thật mạnh vừa thở ra. Rồi bắt đầu làm lại và tiếp tục cho đến khi hồi tỉnh. Hơi thở của người cứu trùng với thời gian chà nhẹ, còn thở ra lúc chà ngược lên. Cần giữ cho mỗi động tác kéo dài bằng một hơi thở thật sâu. Nhịp động tác chà ngược phải ở trong khoảng 3 giây, động tác này phải mạnh nhưng không được thô bạo vội vàng (xem hình minh họa).

5. Đối với trường hợp nạn nhân bất tỉnh: Để nạn nhân nằm ngửa, người cứu đứng cúi xuống nắm lấy cổ bàn chân của nạn nhân và để sát mặt đất kéo thật mạnh. Sau đó một tay giữ chân nạn nhân, một tay dùng đốt thứ hai của ngón giữa điểm thật mạnh và gãy gọn 3 cái vào huyệt Công tôn. Tay lùi lại lấy đà khoảng 20 đến 25cm. Làm như vậy nạn nhân sẽ hồi tỉnh ngay tức khắc (xem hình minh họa).

Vị trí huyệt Công tôn: Ở chỗ lõm, nơi tiếp nối của thân và đầu sau xương bàn chân. Trên đường tiếp giáp da gan chân - mu chân, ở bờ trong bàn chân. Từ đỉnh cao nhất của xương mu bàn chân kéo xuống ngay dưới lõm xương.

Nếu trường hợp sự đau đớn vẫn còn dai dẳng thì để nạn nhân nằm úp mặt xuống đất rồi dùng 2 ngón tay cái ấn thật mạnh vào hai huyệt Trật biên (thận du). Huyệt này liên quan đến thần kinh ở thận và bàng quang. Ấn mạnh và xoay ngón cái theo cách ngón cái tay phải ở phía lưng phải của nạn nhân xoay theo chiều kim đồng hồ và ngón tay cái trái xoay theo chiều ngược lại.

Vị trí huyệt Trật biên: Ngang lỗ xương cùng thứ 4, cách Đốc Mạch 3 thốn, cách Trung Lữ Du 1, 5 thốn.

Trong mọi trường hợp cấp cứu cần phải thực hiện theo trình tự:
1. Đưa hai tinh hoàn về vị trí của nó.
2. Nếu nạn nhân không bất tỉnh phải làm hết đau đớn. 
3. Nếu nạn nhân bất tỉnh thì đưa hai tinh hoàn về vị trí cũ và dùng phương pháp hồi sinh thích hợp để làm nạn nhân tỉnh dậy và hết đau đớn. 
4. Làm cho cơn đau hoàn toàn chấm dứt.
5. Giúp cho nạn nhân đứng dậy và đi lại thong thả.

Có nhiều phương pháp cấp cứu hồi sinh, xử lý chấn thương tinh hoàn cho võ sĩ trên võ đài. Đối với võ sĩ nữ là một vấn đề tế nhị, tuy không có tinh hoàn như nam giới nhưng mức độ va chạm mạnh vẫn gây chấn thương vào vùng kín, cần có trọng tài nữ, cả trọng tài điều khiển trên võ đài và trọng tài y tế can thiệp xử lý.

Trên đây chỉ là một số trường hợp và phương pháp tiêu biểu.

Đà Lạt 5/2018
TVB

Tài liệu tham khảo:
- Robert Lasserre. Atemis et Jiu-jitsu (L’art d’attaquer Les points Viteaux) Editions Judo, 120, Quai de Tounis, Toulouse. 
- Trish Bare Grounds, Ph,D.,ATC/L. The bare essentials guide for matial arts injury prevention and care. Turtle press, USA 2005.

(Hình minh họa từ Robert Lasserre (Atemis et Jiu-jitsu) và Dr. Norman Link and Lily Chou (The Anatomy of Martial arts)

 

 

 

 

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 880 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar