menu

04:17:23
CỔ MAI - VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - KỲ HOA DỊ THẢO

Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt

                                                                                                           

Võ cổ truyền Việt Nam phong phú và đa dạng. Võ cổ truyền Việt Nam là môn võ do chính tiên tổ người Việt Nam sáng tạo dùng trong trận mạc, chiến đấu để dựng nước và giữ nước trải qua mấy ngàn năm, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đời nay qua đời kia, được đúc kết, tài bồi, lưu giữ và truyền bá cho đến tận hôm nay.

Võ cổ truyền Việt Nam phong phú vì có nhiều môn phái, võ phái; đa dạng vì cùng một bài võ mà có nhiều dị bản, tên gọi giống nhau, lời thiệu có thể giống nhau và có thể khác nhau nhưng kỹ thuật mỗi bài dị bản một khác. Ai đó cất công sưu tầm, nghiên cứu, học hỏi sẽ bắt gặp nhiều kỳ hoa dị thảo trong rừng Võ cổ truyền Việt Nam.

Liên hoan tinh hoa Võ Việt Quốc tế lần thứ nhất tổ chức từ ngày 22 đến 29 tháng 3 năm 2018 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tạo cơ hội cho nhiều môn phái võ trong cả nước tham gia thi triển những bài võ đặc trưng của môn phái mình, qua đó Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ghi nhận được những điều mới lạ mà trước đây các môn phái chưa có dịp trình diễn công khai.

Sinh viên, Chuẩn võ sư Nguyễn Duy Thịnh, Trường Đại học Quy Nhơn, Võ phái Tây Sơn - Bình Định, là thanh niên trẻ tuổi, tâm huyết với Võ cổ truyền, đã sưu tầm nhiều bài thiệu võ và cho biết, ngoài bài “Chấn thiên cung”, Võ cổ truyền Việt Nam còn có bài “Thiết thai cung” và “Xuyên tiễn cung”. Cũng như hiện tại Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt còn lưu giữ bài “Cung tiễn tương tùy” của Võ cổ truyền Việt Nam.

Nhiều bài Võ cổ truyền Việt Nam nổi tiếng khác như Thái sơn côn, có Thái sơn quyền, Phụng hoàng quyền, có Phụng hoàng kiếm, Thần đồng quyền, có Thần đồng côn… và rất nhiều dị bản khác.

Đối với bài danh quyền Lão mai, có thể nói là thuần Việt, ngoài bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam còn có rất nhiều bài dị bản Lão mai quyền khác có cùng tên gọi, lời thiệu có một đôi chỗ khác nhau, song kỹ thuật đánh mỗi bài thì mỗi khác. Xuất xứ bài Lão mai quyền có từ Miền Bắc, Miền Trung Tây Nguyên, Miền Nam, mỗi nơi một nguồn gốc. Đặc biệt là bài Lão mai có tên gọi khác là Cổ mai.

Cổ mai, có nghĩa là cây mai già. Đại đức, Thiền sư Thích Viên Ngộ (đã viên tịch), Giảng viên Nhật ngữ, đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích Từ Mãn (1918 - 2007), Cựu Trụ trì Chùa Linh Sơn Đà Lạt, Viện chủ Tịnh viện Từ Phong. Cuối năm 1972, khi người viết bài này đang là Sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, là Thiền hữu “Vô môn quan” của Thiền sư Viên Ngộ, hai người cùng lang thang đây đó, mây, trời, sông, suối, nhìn cuộc đời như thủy bạc, bốn bể là nhà, tất cả là anh em. Sư đọc bài Cổ mai giống bài Lão mai quyền Võ cổ truyền Việt Nam cho người viết nghe. Sư và người viết luận ý nghĩa, triết lý rồi cùng luyện bài và cảm nhận quyền pháp Cổ mai thật là thanh thoát.

 

CỔ MAI

Hỏa ngược phong thao thủy tứ căn. Sương thuân tuyết trựu cổ đài ngân. Đông phong vị khằng tùy hàn thử. Hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn.

Cổ mai độc thụ nhất chi sinh. Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành. Đoản nhất cấp tọa hồi lão khởi. Phi nhất thác hoàn thối thanh đình. Thanh long chuyển dực toàn vân hổ. Phù điệp song phi lão ấn sanh. Nguyệt quật song câu lôi thiết tỏa. Vương tôn tam tảo hổ xà thành.  

Tinh thần của Cổ mai - Cây mai già - là dù lửa táp (hỏa ngược), gió lùa (phong thao) sương rơi, tuyết phủ; dù gió Đông lạnh buốt đến đâu (Đông phong vị khẳng tùy hàn thử), cũng vẫn đâm chồi tỏa ngát hương (hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn).  

Thật nghĩa khí, oai hùng và cao cả biết bao! 

Đà Lạt, 01/11/2018 TVB 

                   

 

 

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 552 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar