menu

07:20:29
Kỳ thi nâng đai cấp Quốc gia VTCT Việt Nam Khu vực II

Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Cùng với những hoạt động của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam như hội nghị chuyên môn toàn quốc, nghiên cứu lý luận võ học, phát huy, bảo tồn văn hóa Võ cổ truyền Việt Nam, thi đấu các Giải Trẻ, Giải Khu vực, Giải Cúp, Giải Vô địch Quốc gia và Quốc tế. Hằng năm Liên đoàn tổ chức kỳ thi nâng đai cho Trợ giáo, Võ sư Quốc gia các cấp theo quy chế chuyên môn Liên đoàn.

Theo quy chế quản lý hoạt động chuyên môn, ban hành kèm theo Quyết định số 88/QĐ-LĐVTCTVN ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam; Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định thuộc Hội đồng xét duyệt đẳng cấp khu vực II (19 tỉnh, thành Miền Trung - Tây Nguyên) đăng cai tổ chức kỳ thi nâng đai, đổi đai cấp quốc gia vào ngày 09 và 10 tháng 7 năm 2017 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Có 223 Trợ giáo và Võ sư các cấp tham dự thi nâng đai và đổi bằng của các đơn vị Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế.

Đợt này, 21 Võ sư 6 đẳng dự thi lên Võ sư cao cấp 7 đẳng, tuân theo quy chế thi với 21 bài luận văn võ học, trình bày trước Hội đồng giám khảo và trả lời những câu hỏi liên quan đến nội dung luận văn và kiến thức võ học tổng quát; thi quyền pháp và phân thế 3 tổ hợp đòn kỹ thuật theo bài quyền hoặc bài binh khí đó.

Kể từ khi ban hành Quy chế quản lý hoạt động chuyên môn (bổ sung và sửa đổi), đến nay Liên đoàn đã tổ chức các kỳ thi nâng đai, đổi đai cấp quốc gia. Quy chế mới thể hiện quan điểm dân chủ, tôn trọng các môn phái, võ phái và Quy chế chuyên môn trước đây của Liên đoàn, không ép buộc các Trợ giáo và Võ sư phải thi và đổi bằng. Các cá nhân, đơn vị tham dự thi nâng đai, đổi đai trên tinh thần tự nguyện, công nhận Điều lệ và Quy chế quản lý hoạt động chuyên môn của Liên đoàn.

Kỳ thi lần thứ nhất

Từ ngày 17 tháng 3 đến 19 tháng 3 năm 2017, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hội đồng xét duyệt đẳng cấp Khu vực II gồm 19 tỉnh, thành Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức kỳ thi nâng đai cho 300 thí sinh và 80 Võ sư, Trợ giáo đề nghị đổi bằng của 32 đơn vị tỉnh thành, ngành từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong đó, 55 thí sinh thi Võ sư cao cấp 7 đẳng, 34 thí sinh thi Võ sư 6 đẳng, 38 thí sinh thi Chuẩn Võ sư 5 đẳng, 44 thí sinh thi Trợ giáo cao cấp 4 đẳng, 118 thí sinh thi Trợ giáo 3 đẳng, 11 thí sinh thi Võ sư, Chuẩn võ sư và Trợ giáo nội dung đối kháng.

Kỳ thi lần thứ hai

Từ ngày 25 tháng 5 đến 28 tháng 5 năm 2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét duyệt đẳng cấp Khu vực III gồm 19 tỉnh, thành Phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức kỳ thi nâng đai và đổi đai cho 882 thí sinh dự thi và đề nghị đổi bằng. Trong đó, 66 thí sinh thi Trợ giáo 2 đẳng, 277 thí sinh thi Trợ giáo 3 đẳng, 124 thí sinh thi Trợ giáo cao cấp 4 đẳng, 133 thí sinh thi Chuẩn Võ sư 5 đẳng, 219 thí sinh thi Võ sư 6 đẳng, 66 thí sinh thi Võ sư cao cấp 7 đẳng.

Kỳ thi lần thứ ba

Từ ngày 23 tháng 6 đến 25 tháng 6 năm 2017, tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng xét duyệt đẳng cấp Khu vực I gồm 25 tỉnh, thành phía Bắc tổ chức kỳ thi nâng đai và đổi đai cho 443 thí sinh dự thi và đề nghị đổi bằng. Trong đó, 01 thí sinh thi Trợ giáo 2 đẳng, 255 thí sinh thi Trợ giáo 3 đẳng, 83 thí sinh thi Trợ giáo cao cấp 4 đẳng, 53 thí sinh thi Chuẩn Võ sư 5 đẳng, 36 thí sinh thi Võ sư 6 đẳng, 14 thí sinh thi Võ sư cao cấp 7 đẳng.

Kỳ thi lần thứ tư

Từ ngày 09 tháng 7 đến 10 tháng 7 năm 2017, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội đồng xét duyệt đẳng cấp Khu vực II, Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức kỳ thi nâng đai cho 223 thí sinh dự thi và đề nghị đổi bằng. Trong đó, 01 thí sinh thi Trợ giáo 2 đẳng, 94 thí sinh thi Trợ giáo 3 đẳng, 33 thí sinh thi Trợ giáo cao cấp 4 đẳng, 31 thí sinh thi Chuẩn Võ sư 5 đẳng, 14 thí sinh thi Võ sư 6 đẳng, 21 thí sinh thi Võ sư cao cấp 7 đẳng. Số còn lại là đổi văn bằng.

Như vậy, đến thời điểm này, theo quy chế mới, có 1.928 thí sinh đã thi nâng đai và đổi bằng. Trong đó chính thức có 156 Võ sư cao cấp 7 đẳng. Những Võ sư cấp 18 trước đây không dự thi hoặc chưa dự thi, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn tôn trọng danh hiệu Võ sư và cấp 18 theo quy chế cũ.

Tất cả các kỳ thi của 3 khu vực đều đạt kết quả tốt về tổ chức cũng như chuyên môn. Học văn cũng như học võ hay bất cứ ngành, nghề nào khác, việc thi cử là điều cần thiết để đánh giá và chứng nhận trình độ của người học, thi không phải là thách đố hay ngăn cản bước tiến của con đường học vấn mà ngược lại giúp cho người học luôn cố gắng vươn lên để hoàn thiện chính bản thân mình về cả hai mặt chuyên môn và nhân cách.

Nhân kỳ thi của Hội đồng xét duyệt đẳng cấp Khu vực II tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã truy phong danh hiệu Đại Võ sư cho 36 Cố Võ sư và phong tặng danh hiệu Đại Võ sư cho 33 Võ sư và 05 Đại Võ sư danh dự, vì đã có cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam.

Võ cổ truyền Việt Nam là dòng chảy xuyên suốt cùng lịch sử Việt Nam qua 4.896 năm nay. Tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam là luôn sẵn sàng đón nhận sự chung tay góp sức, xây dựng của nhiều thành phần trong xã hội, không phân biệt vùng, miền, võ phái, môn phái. Chỉ mong thượng võ, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả là Võ cổ truyền Việt Nam. Tất cả là Việt Nam.  

 

Bình Định, 7/2017

TVB

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 703 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar