menu

04:20:48
LIÊN ĐOÀN VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - NHẤT CHI MAI KỶ HỢI 2019

Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

 

 

Mai là biểu tượng của vẻ đẹp trong sáng, thanh tao, của tinh thần kiên cường, bất khuất. Cũng vậy, một chặng đường vượt qua nhiều khó khăn của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã thể hiện sự chung tay góp sức, đoàn kết xây dựng nền võ học Việt Nam ngày càng vững vàng, tươi sáng, đã ổn định tổ chức trong nước, phát triển ra thế giới, đã xây dựng đưa vào trường học, thành lập Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam như hoa mai nở báo hiệu mùa xuân về. Võ thuật cổ truyền mênh mang nhiều hình ảnh của hoa mai.
 
Cây mai gắn bó với vườn ruộng quê hương, rễ ăn sâu vào lòng đất, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, thi gan cùng tuế nguyệt, với gió bão, mưa giông. Mai sống bền bỉ theo năm tháng, trút những chiếc lá cuối đông và đâm chồi nẩy lộc cho mùa xuân. Sức sống mãnh liệt, âm thầm chịu đựng của mai trước tàn đông ấy để rồi: “Đêm qua sân trước một cành mai” là như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà Võ thuật cổ truyền chọn mai hoa làm biểu tượng chuẩn mực cho phẩm đức nhẫn nại và hy sinh cao cả, cho sức sống bền bỉ dẻo dai, cho sự tao nhã không dung tục của đấng trượng phu, cho khí tiết bất diệt của người quân tử.  
 
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm.
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (1).
Nghĩa là:
Giao hảo mười năm tìm kiếm cổ
Một đời chỉ cúi trước hoa mai.
 
Đại sư Mãn Giác (1052 - 1096), một Thiền sư Việt Nam đời thứ 8 dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Sư nối pháp Thiền sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bản Tinh. Đại sư là bậc lĩnh tụ pháp môn một thời, được vua Lý Nhân Tông cùng hoàng hậu rất mực kính trọng và nể phục, dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh sư trụ trì. Cuối tháng 11 năm 1096, sư gọi chúng đọc bài kệ, sau được lưu truyền dưới tên “Cáo tật thị chúng”:
 
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Thiền sư Mãn Giác)
 
Xuân đi trăm hoa rụng.
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi.
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết.
Đêm qua sân trước một cành mai.
(Dịch thơ: Hòa thượng Thích Thanh Từ)
 
Bài thiệu: Lão mai quyền
 
Lão mai độc thọ nhất chi vinh.
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành.
Đản nhất cấp tạ hồi lão khởi.
Phi nhất phát tiền thối thanh đình.
Thanh long chuyển dực toàn vân hổ.
Phù điệp song phi lão ấn sanh.
Hoạt quật song câu lôi thiết tỏa.
Vương tôn tam tảo hổ xà thành.
(Võ cổ truyền Việt Nam)
 
Minh Tông đại sư, kỳ nhân võ thuật Thiếu Lâm, trong lúc đang luyện bài Mê tông La hán trước sân chùa, bỗng thấy những cánh hoa mai rơi rụng giữa cơn gió tàn đông, quyện hòa cùng tuyết phủ. Đại sư nhập thần vào cảnh sắc thiên nhiên, chân vẫn theo bộ vị mà tay uốn lượn mềm mại như những cánh mai rơi biến thành những chiêu thức kỳ ảo. Đại sư đã sáng tạo
Ngũ lộ Mai hoa quyền trong cảnh trời giá lạnh. Ngũ lộ Mai hoa quyền diễn trên đồ hình như năm cánh hoa mai, trên năm đường tiến thoái. Có môn tập luyện trên Mai hoa thung để rèn tấn pháp, bộ pháp, phối hợp thủ cước, tấn công, phòng ngự, hóa giải trên các cọc Mai hoa thung một cách chuẩn mực, công phu.
 
Tam thập niên lai tầm kiếm khách.
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi.
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu.
Trực chỉ như kim cánh bất nghi.
(Thiền sư Linh Vân)
 
Ba mươi năm tìm trang kiếm khách.
Bao phen lá rụng lại đâm chồi.
Từ ngày thấy được hoa đào nở.
Thẳng đến hôm nay sạch hết nghi.
(Người dịch: Phước Đức - Thơ Thiền Đường Tống)
 
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam như đóa hoa mai vàng rực rỡ giữa mùa xuân.

 


 
Chú thích (1): Chưa rõ nguồn gốc.

Đà Lạt, Kỷ Hợi 2019 TVB

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 414 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar