menu

17:40:15
Binh khí Võ cổ truyền - Thiết lĩnh

ANCIENT WEAPON TWO-SECTION STAFF
———————-

Võ sư Trương Văn Bảo
Võ đường Trần Hưng Đạo – Đà Lạt


Việt Nam là một quốc gia văn hiến, lấy văn học, giáo dục lễ nghĩa làm đầu và cũng là một quốc gia thượng võ, lấy tinh thần độc lập, tự chủ làm trọng. Có câu: “Bình thời giảng võ; loạn thế độc thư” minh chứng dân tộc Việt Nam trọng văn, quý võ.

Võ thuật là nghệ thuật quân sự (Military arts – Les arts militaires). Thuật ngữ võ nghệ thường đi liền với binh bị qua các triều đại Việt Nam, chính lẽ đó Võ cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc. Từ bóng dáng của “cờ lau tập trận” cho đến khi dẹp xong loạn Mười hai sứ quân (Thập nhị sứ quân), vua Đinh Tiên Hoàng (924 – 979), người ở động Hoa Lư, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, có tài xuất chúng, đã chỉnh đốn lại binh bị, luyện tập võ thuật cho quân lính, tạo ra một đội quân hùng mạnh để bảo vệ đất nước.

Thập nhị sứ quân:
1. Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Triệu Sơn – Thanh Hóa)
2. Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Nội)
3. Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu – Kỳ Bố (Thái Bình)
4. Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu – Bạch Hạc (Việt Trì và Lâm Thao, Phú Thọ)
5. Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
6. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)
7. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh)
8. Nguyễn Thủ Thiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du (Bắc Ninh)
9. Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên)
10. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)
11. Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ – Cẩm Khê (Phú Thọ)
12. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu (Hưng Yên)

Binh chế thời vua Đinh Tiên Hoàng có 10 đạo theo hệ thống: đạo, quân, lữ, tốt, ngũ, đặt dưới quyền chỉ huy của Thập đạo tướng quân. Một đạo là 100.000 người; một đạo có 10 quân, mỗi quân là 10.000 người; một quân có 10 lữ, mỗi lữ là 1.000 người; một lữ có 10 tốt, mỗi tốt là 100 người; một tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người (tương tự như hệ thống quân đội hiện đại là quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội dưới quyền chỉ huy của Tổng tư lệnh quân đội).

Binh bị lấy võ nghệ, làm đầu. Như học văn, võ cũng cần có sự kiên trì luyện tập. Các môn võ nghệ chính thời xưa có: tập xách tạ, tập đu, tập nhảy, luyện tay chân, tập quyền thuật, tập khí giới, tập bắn cung, tập đánh vật. Nội dung tập khí giới có các môn đấu côn, đấu roi, tập khiên mộc, đại đao, kiếm, trùy… mỗi môn đều có bài dạy riêng; động, tĩnh, tiến, thoái, tấn công, phòng thủ, trá bại như hồi mã sang, đà đao, sát thủ đản… Võ nghệ Việt Nam có mấy môn khí giới rất lợi hại là Thiết lĩnh, Bút chì, Bút sắt. Mỗi kỳ thi gồm có ba phần: thứ nhất kiểm tra kiến thức binh pháp cổ; thứ hai kiểm tra công phu võ học (cưỡi ngựa, bắn cung, kiếm thuật, côn thuật…); thư ba là chiến thuật, chiến lược quân sự.

Sách Người Việt Đất Việt, phần Võ nghệ và Binh bị của Cửu Long Giang và Toan Ánh, Nhà xuất bản Nam Chi tùng thư, Saigon 1967 viết về Thiết lĩnh như sau: “Thiết lĩnh là một thứ khí giới gồm hai thanh gỗ dắn, một thanh mẹ dài và một thanh con ngắn. Hai thanh mẹ con của thiết lĩnh được nối vào nhau bằng thứ dây chắc, thường vẫn dùng tóc để khỏi bị đứt. Chỗ nối liền hai mẹ con thiết lĩnh có vòng khuyên sắt. Lúc sử dụng tùy nơi rộng hẹp, cầm cây mẹ vung đánh bằng cây con hoặc cầm cây con vung đánh bằng cây mẹ. Thiết lĩnh đánh rất mạnh, các thứ khí giới khác gặp thiết lĩnh chống trả thật khó vì thiết lĩnh là thứ khí giới mạnh mà có tính cách mềm nhưng lại rất lợi hại. Muốn phá thiết lĩnh phải dùng dây thừng hoặc cành tre khiến cho thiết lĩnh vướng vào không vung được nữa”.

Võ phái Võ trận Đại Việt, San Jose – Hoa Kỳ (www.votrandaiviet.org) có bài bản Thiết lĩnh, nguồn gốc cũng xuất phát từ nông cụ thô sơ của người Việt xưa dùng đập lúa, sau trở thành vũ khí tự vệ, chiến đấu vô cùng hiệu quả bởi tính cách linh hoạt, dũng mãnh của nó.

……………………
Thiết lĩnh phi thiên;
Câu thương phá trượng;
……………………
……………………
Hoành sơn đả hổ;
Thủ phục địa lôi;
……………………
……………………

Lời thiệu cho thấy Thiết lĩnh có khả năng chống lại các loại binh khí dài khác như thương, trượng (câu thương phá trượng); uy dũng ngang dọc đánh cọp rừng sâu (hoành sơn đả hổ), phá ngựa liên hoàn, tấn công hạ bàn (thủ phục địa lôi).

Võ phái Bình Định – Sa Long Cương tại Pháp (www.binhđinh-salongcuong.org), định nghĩa: “Thiết lĩnh (鐵 領) là món binh khí đặc biệt, thuộc loại binh khí cán dài, phôi thai từ dụng cụ nông nghiệp để đập lúa. Đó là loại côn nhị khúc đặc thù của người Việt, có một khúc dài và một khúc ngắn nối liền nhau bằng dây thừng hoặc xích sắt. Người Trung Hoa cũng sử dụng Côn nhị khúc – một khúc dài và một khúc ngắn – này còn gọi nó là Trường Sao Tử (長 梢 子), có khi gọi là Mẫu tử côn (母 子 棍), nhưng Tam tiết côn (三 節 棍) mới là đặc thù của họ. Còn người Nhật sử dụng Côn nhị khúc, gọi là Nunchaku (Nông gia cụ), với hai đoản côn ngắn bằng nhau và nối liền nhau bằng dây thừng hoặc xích sắt, là loại binh khí không thuộc về côn pháp”.

Thiết lĩnh thuộc “họ nhà côn – the family of the staff”, nên kỹ thuật thiết lĩnh có một phần giống côn, nhưng vì có hai đoạn, một dài, một ngắn, làm cho thiết lĩnh có tính cách đặc thù trở nên lợi hại, nguy hiểm hơn. Phép đánh binh khí của người Việt là võ trận, lấy yếu chống mạnh, ít chống nhiều, khinh linh ảo diệu phù hợp vóc dáng, thể tạng của người Việt Nam. Sử dụng thiết lĩnh khó hơn sử dụng côn, roi một phần. Thiết lĩnh “múa” lên tiếng gió rít vù, lực ly tâm từ đoạn nhỏ với đoạn lớn tạo ra âm thanh vun vút. Các kỹ thuật căn bản của Thiết lĩnh có: đánh, bổ, đập, quất, quấn, quét, đâm, thọc, phất, bắt, khắc, quay tròn trên đầu, múa hoa, tạt, tém, đỡ gạt…

Trong diễn đàn kiến thức võ thuật (www.kienthucvothuat.com) có nhiều nguồn kiến thức, quan niệm hay về Thiết lĩnh. “Motdikhongtrolai” có kiến thức sâu về Thiết lĩnh: “Trong thực tế hành binh của Võ trận xưa, Thiết lĩnh cũng tùy vào loại trận địa hay “binh chủng” khác nhau (Thủy, Kỵ, Bộ binh…), mà Thiết lĩnh sẽ được điều chỉnh từ cấu tạo cho đến kích thước sao cho phù hợp. Ngay cả trong trường hợp “đặc chủng” như cây Thiết lĩnh dành cho bộ binh – Nó cũng có nhiều kích thước khác nhau, linh hoạt như chiếc đòn gánh, như cây thước tầm (trong việc dựng nhà dân gian xưa…) Tức tùy vào sức vóc, thể tạng của “khổ chủ” mà chiếc đòn gánh hay cây thước tầm hay cây roi… cũng sẽ thay đổi dài, ngắn, to nhỏ, nặng, nhẹ theo cho phù hợp. 

Chữ Thiết trong Thiết lĩnh chính là ám chỉ cho một.. cục sắt (?). Phải hiểu là nó ám chỉ chung cho một cục kim loại (được) đem tham gia liên kết, cấu tạo trong Thiết lĩnh, tức không cứ (máy móc) phải là chất liệu, nguyên liệu sắt 100 % (có lúc nó là quả đồng, hoặc đồng thau, hay sắt phôi…). Nó được thay thế rất linh

Hoạt, tùy biến mà thích nghi. Chữ lĩnh trong Thiết lĩnh thì chủ yếu lại (được) mang nghĩa bóng, nhằm diễn tả động tác nắm giữ, cầm lấy, nhận lấy một vật gì đó.

Ông cha ta sử dụng (lông) bờm ngựa để làm DÂY BỆN, làm thành sợi dây liên kết giữa ROI TRE và cục THIẾT. Từ (lông) bờm ngựa dài “tự nhiên” (không cắt xén như bây giờ), chọn các sợi dài cỡ từ 25cm – 35cm đem bện lại. Kỹ thuật bện (lông) bờm ngựa với các gút nối, gút buộc tương tự như kỹ thuật bện chiếc quang gánh bằng mây, mà ngày nay ở một số ít vùng nông thôn miền Trung chúng ta vẫn còn được nhìn thấy”.

Đại đức Thích Hoằng Trí, Võ sư Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, Giảng viên Thạc sĩ Hán Nôm (Chùa Liên Trì – Đà Lạt) tra cứu Trung văn đại từ điển của Lâm Duẫn, Cao Minh (chủ biên), Trung Quốc văn hoá sở ấn hành, Trung Hoa dân quốc, năm 1957. 

Thiết lĩnh có 2 nghĩa:

1. Tên gọi một ngọn núi vùng biên ải xứ Tây Bắc Trung Quốc. Trong bài “Cửu khúc từ” của Cao Thích đời Đường có câu thơ: “Thiết kỵ hoành hành Thiết Lĩnh đầu. Tây khán La-sa thủ phong hầu – Cưỡi ngựa sắc dọc ngang đầu ngọn Thiết Lĩnh, Nhìn về phía La-sa mà muốn chiếm cứ phong hầu”

2. Phiếm chỉ cửa ải hiểm yếu kiên cố. Trong bài “Lộ doanh chi ca” của Lý Triệu Lân có câu: “Thiết lĩnh tuyệt nham. Lâm mộc tùng sinh. Bạo phong cuồng vũ. Hoang nguyên thuỷ bạn chiến mã minh – Hang núi hiểm nguy. Cây rừng rậm rạp. Gió táp mưa sa. Ngựa chiến hí vang nơi đồng hoang bến nước”. 

Chữ “Lĩnh” là chỉ cho ngọn núi, hoặc sườn núi, hay núi non nói chung. Ở Việt Nam có ngọn Hồng Lĩnh; ở Trung Quốc có ngọn Thông Lĩnh. Có lẽ người xưa lấy sự vững chãi của ngọn núi không gì phá vỡ nổi để chỉ cho loại binh khí Thiết lĩnh này chăng!!!

Category: Võ lý Võ thuật cổ truyền VN | Views: 2109 | Added by: admin | Tags: Binh khí Võ cổ truyền - Thiết lĩnh | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar