11:19:11 Tấn nhất ô du |
Trương Văn Bảo Tấn Nhất Ô Du hay còn gọi là Thảo Ô Du, Roi Tấn Nhất; cùng với Roi Thái Sơn, Roi Ngũ Môn… là những bài binh khí côn pháp nổi tiếng của Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Miền đất võ Bình Định được xưng tụng: Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái. Roi danh trấn một thời, cho đến nay vẫn được coi là báu vật lưu truyền với những kỹ thuật, thế đánh bí hiểm. Roi Thuận Truyền có nguồn gốc thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, trước xa nữa không rõ ông tổ là ai, nhưng đến đời ông Ba Ðề thì truyền cho Hồ Nhu, tên thật của ông Hồ Ngạnh (1891 - 1976). Ông nguyên quán thôn Háo Ngãi, xã Bình An, huyện Tây Sơn, trú quán ở Thuận Truyền, xã Bình Thuận. Cha là ông Ðốc Năm, một võ quan của triều Nguyễn, mẹ cũng là con nhà võ. Ngay từ lúc bé, ông đã được cha mẹ dạy võ gia truyền. Lớn lên, ông học roi của cao sư Ba Ðề, học nội công của ông Ðội Sẻ, tiếp đến học roi của ông Hồ Khiêm. Ðường roi kết hợp tinh hoa của nhiều thầy, lại thêm nội công nên cứng cáp và sâu hiểm vô cùng. Từ roi thế, roi đấu, roi chiến đến roi trận, ông đều tinh thông và độc đáo. Khoảng năm 1932, tiếng tăm ông đã vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Nghe danh, học trò đến thọ giáo rất đông. Con trai chết sớm, ông truyền nghề cho cháu nội là ông Hồ Sừng. Học trò lớp lớn có ông Mười Mỹ, sinh năm 1912 ở Trường Úc, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước được riêng dạy ngón võ bí truyền. Học trò lớp sau có Ðinh Văn Tuấn ở Qui Nhơn, đang độ sung sức, nối nghiệp làm vẻ vang cho làng võ Thuận Truyền. Hồ Ngạnh được gọi là "võ sư huyền thoại". (Bách khoa toàn thư mở) Pháp dùng côn (roi) có những kỹ thuật chung nhất định nhưng các võ phái, môn phái Võ cổ truyền vẫn có hệ thống căn bản côn pháp riêng. Theo tài liệu nghiên cứu về Võ cổ truyền Bình Định thì côn là loại binh khí dài thông dụng, với những thế đánh được coi là tuyệt kỹ như «lạc côn», «nghịch côn», «đâm so đũa», «đánh văng roi», «phá vây»... Phần kỹ thuật căn bản côn của Võ cổ truyền Bình Định gồm có 12 thế tập luyện theo các nhóm: - Đâm, bắt, lắc, đánh; - Bát, bắt, triệt, chận; - Hoành, bắt, lắc, tém (có tài liệu chép: Hoành, khắc, lắc, tém). Ngoài ra còn nhiều phương pháp khác như luyện tay trước, luyện tay sau; tay trái cầm đốc côn là hậu vệ, vừa đỡ đòn, vừa trợ thủ tấn công, tư thế tĩnh, tư thế động, với ưu điểm hai đầu và đốc, công thủ, thủ công liên hoàn. Những kỹ thuật căn bản này là nền tảng cho các bài côn chiến đấu và cũng là sự biến hoá trong cách dùng côn của người Việt Nam. Nhiều giai thoại về các thế bí hiểm của côn pháp trong dân gian đến nay vẫn lưu truyền qua sách vở. 1. TẤN NHẤT Ô DU: 2. ROI TẤN NHẤT Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ IX, từ 27/12 đến 28/12 năm 2007 tại Khánh Hoà, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam bình chọn một số bài võ, trong đó có bài Roi Tấn Nhất. Theo tài liệu giới thiệu của võ sư Nguyễn Minh Trí, đơn vị Bình Dương: « Bài Roi Tấn Nhất thuộc dòng võ Bà Trà Tân Khánh khoảng năm 1851, đã áp dụng huấn luyện kháng chiến chống thực dân dưới hình thức gậy tầm vông vạt nhọn những năm 1945 - 1954 ». 3. ROI TẤN NHẤT Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, là một trong những môn võ nổi tiếng ở Nam bộ, có từ thế kỷ XVII do những người Việt từ miền Thuận Quảng, xứ Đàng Trong vào khai phá vùng đất Đồng Nai. Đến thế kỷ XIX, tương truyền gia đình bộ tướng Tây Sơn đến lánh nạn chính sách trả thù của vua Gia Long, có hậu duệ là người con gái tên Trà, chiêu mộ binh mã chống trả sự áp bức đương triều năm 1850 tại vùng rừng rậm làng Tân Khánh. Tên Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà gắn kết từ đó. Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà nổi tiếng với những trận đánh cọp của các võ sư tiền bối. Võ sư Từ Thiện, tên thật là Hồ Văn Lành (1914 - 2005) có công phát triển môn phái đến Sài Gòn và đào tạo nhiều thế hệ môn sinh ưu tú, vang danh ra các nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Indonesia, Hồng Kông. Năm 1969, võ sư Hồ Văn Lành cùng các võ sư tâm huyết như: Võ sư Lê Văn Kiển (1914 - 2003), Môn phái Nam Tông, võ sư Mai Văn Phát (1917 - 1997), Môn phái Trung Sơn và một số võ sư khác sáng lập ra Tổng hội Võ sư Nghiên cứu và Phổ biến Võ học Việt Nam, gọi tắt là Tổng hội Võ học Việt Nam. Võ sư Hồ Văn Lành đã đưa vào chương trình huấn luyện thống nhất của Tổng hội Võ học Việt Nam hai bài: Đồng nhi quyền và Tấn nhứt côn. Hiện nay Võ sư Hồ Văn Tường, con trai của võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành, đang là người tiếp bước Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. (Theo tài liệu của Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) Võ cổ truyền Việt Nam phong phú, nên cũng cùng tên một bài nhưng có nhiều cách thể hiện khác nhau. Phương pháp nhận chân bài võ xưa nay dựa theo nguồn gốc môn võ, thời gian lưu truyền được sàng lọc. Lời thiệu phải có ý nghĩa và đúng với kỹ thuật, thế đánh trong bài. Các thế đánh phải theo võ lý của từng loại hình quyền thuật hoặc binh khí. Các tư thế tấn công, phòng thủ, phản đòn, biến thế; đòn độc hành, đòn liên hoàn, âm dương tương tế, nhất điểm phát vạn thù, vạn thù quy nhất điểm, đều phải thể hiện tính hiệu quả đích thực của các thế võ. Dùng võ như dùng binh, điều cốt yếu là sự biến ảo khôn lường, cho dù đọc thuộc các binh thư cũng không thể bị binh pháp trói buộc. TVB. Đà Lạt - Nhâm Thìn 2012 |
|
Total comments: 0 | |