10:04:10 Thiên vũ |
* Võ sư Trương Văn Bảo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Thiên vũ hay còn gọi Thiên vũ kinh, là sách gối đầu của binh gia ngày trước song vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng đến hôm nay. Binh gia lấy võ thuật làm nền, lấy võ công làm gốc, lấy võ đạo làm kim chỉ nam trên đường tiến thủ. Ở thời đại nào võ thuật cũng luôn có mặt trên các trận tuyến đỉnh đầu của các nhà quân sự.
Thiên vũ là sức mạnh của thiên nhiên. Người xưa cho rằng con người và trời đất có quan hệ với nhau. Con người làm việc biết dựa vào trời đất thì thành công, bằng ỷ vào sức mình thì thất bại. “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Thiên cơ, thiên mệnh được người xưa chú trọng: “Mệnh thế do thiên quyền sở tác; Hạn hành phiêu ảnh dĩ ư thiên; Thế sự phù trầm nan tri liệu; Hoàn nhân bất khả đoạt thiên quyền” (Hi Di Trần Đoàn). Thiên vũ là đạo thuật, là thuyết do Quỷ Cốc Tử (Gui Guzi - 鬼谷子, nhân vật trong lịch sử cổ đại Trung Quốc) lập ra đã được các bậc thánh nhân thể dụng, là tinh hoa ngàn năm của các học thuật. Quỷ Cốc quan niệm, trong việc dùng binh, dù sức mạnh như thiên binh, thiên tướng (binh nhà trời) thì quý nhất là dùng mưu lược, không đánh mà thắng mới thật là tài giỏi. Lịch sử chứng minh: Quản Hạt Tử cho rằng, nhà Hạ đất rộng, nhà Thương đất hẹp, nhà Ân lớn, nhà Chu nhỏ, nước Ngô mạnh, nước Việt yếu. Nhưng kết cục nhà Thương thôn tính nhà Hạ, nhà Chu phạt nhà Ân, nước Việt thắng nước Ngô vì biết dùng phương pháp của đạo đi đêm (dạ hành chi đạo) của Âm phù kinh, một trong những loại hình của Thiên vũ. Quản Hạt còn nói, người giỏi dùng binh khi cất binh phải chú ý tương tòng, tức là thuận theo trời (theo mùa, khí hậu, thời tiết). Hoặc người dùng binh phải có trời, có đất, có người. Binh là cao nhất của người, người là cao nhất của đất, đất là cao nhất của trời, trời có thắng thì đất mới buộc, đất có buộc thì người mới thành công. Sách Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chép: “Dùng mưu trí hàng phục thiên hạ mà thiên hạ chịu khuất phục mưu trí của mình thì mưu trí ấy cũng chưa phải là tối thắng. Dùng hình pháp để chế ngự thiên hạ mà thiên hạ chịu theo hình pháp của mình thì hình pháp ấy cũng chẳng có gì hay. Dùng mưu trí hay hình pháp đều chẳng phải là điều hay nhất trong những điều hay. Ngày xưa Thánh Võ giữ thế mà chẳng vây thành, chẳng đánh lũy, chẳng bày trận, đó là nhờ nương náu ở chỗ hư không, un đúc trong thế không tranh mà được vậy”. Quan niệm của Quỷ Cốc qua Thiên vũ cho rằng dùng thiên đạo là lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động. Thiên vũ là trung chính, là vạn thù cộng thành nhất thể, yếu có thể thắng mạnh. Nhu là đạo thường thắng. Thiên vũ là thần lực, người bất động thì ta bất động, người động thì ta động trước là do tiên tri, tiên giác, tiên kiến. Cũng như trong võ thuật, phản ứng (phản đòn) thần tốc, ý đến là khí đến, khí đến thì kình đến, được thời, được thế, dùng lực của vô lực chính là thần lực, đã thần tốc lại thêm thần lực thì đạt đến sức mạnh vô hạn không có ai chống cự nổi. Triết lý nhân sinh trong Thiên vũ có nhiều điều diệu dụng như triết lý Thiền tông Phật Giáo: Hàng ma pháp, bất động, bất động trí, vô tâm, vô uý, thiên cơ diệu ngộ, vạn vật đều có chứa sự thâm sâu. Một phần khác Thiên vũ tương quan với đạo vô vi, bất tranh của Lão tử: “Thiên hạ nhu nhược mạc quá ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dịch chi. Nhu thắng cương, nhược thắng cường, thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành. Thị dĩ thánh nhân vân: Thụ quốc chi cấu, năng vi xã tắc chủ. Thụ quốc bất tường, năng vi thiên hạ vương. Chính ngôn nhược phản - Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nước lại công phá được tất cả những gì cứng rắn, chẳng chi hơn, chẳng chi thay thế được. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết mà không ai làm theo. Cho nên thánh nhân nói: Dám nhận lấy nhơ nhuốc của quốc gia, mới có thể làm chủ xã tắc, ai dám gánh chịu tai họa của quốc gia, mới có thể làm vua thiên hạ. Lời nói ngay nghe trái tai”. “Bất tranh nhi thiện thắng”. “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri - Biết thì không nói, nói là không biết”. Nhiều người ngộ nhận tư tưởng bất tranh cho rằng không tranh với địch quân làm sao mà thắng. Thực tế thì: “Người tướng giỏi không dùng vũ lực, người chiến đấu giỏi không giận dữ, khéo thắng địch là không tranh với đó, khéo dùng người là hạ mình giúp đó, chính là cái đức của sự không tranh” (Lão tử tinh hoa - Nguyễn Duy Cần - NXB TP.HCM 1997). Cảm nhận Thiền hay Thiên vũ kinh, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh chỉ có thể qua câu chuyện Một tách trà: “Vào thời Minh Trị (1860 - 1912) Nan-in, một Thiền sư Nhật, tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kiềm mình được nữa: Đầy quá rồi xin đừng rót nữa. Giống như cái tách này, Nan-in nói. Ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông, làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước”. (Shaseki-shu, Thiền sư Muju. Đỗ Đình Đồng dịch: Góp nhặt cát đá - NXB Lá Bối 1972) Người Đông phương hay người Âu Mỹ có thể cảm nhận hoặc không cảm nhận Thiên vũ nhưng Thiên vũ vẫn là Thiên vũ. Cái đích vẫn chỉ là một cánh cửa đi vào (sinh) và một cánh cửa đi ra (tử). Đức Phật Thích Ca chẳng phải ngại giao tranh với vạn quân khi nói: “Đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình, tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Đức Chúa Giê Su nào phải là người nhu nhược để nói câu: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc của họ làm” (Lc 23,24). Luận về Trung Đạo của Phật Thích Ca, Trung Dung của Khổng Tử, có người thường hiểu như vậy là lập lững, không rõ ràng hoặc là “ba phải”, mà yêu cầu một phải là đúng, hai là sai hoặc một là sai, hai là đúng. Nhưng ít ai nghĩ rằng sai hay đúng cũng chỉ là quan niệm, đúng nơi này, sai nơi khác, thuận chỗ này, nghịch chỗ kia. Đạo của trời là bò, ngựa bốn chân, gà, vịt hai chân, đạo của người là xỏ mũi trâu, giàng đầu ngựa, kéo chân vịt cho dài, thúc giò hạc cho ngắn. Đạo của trời là bớt chỗ dư bù vào chỗ thiếu, đạo của người thì bớt chỗ thiếu bù vào chỗ dư. Đâu biết rằng Thiên vũ là sức mạnh của thiên nhiên. Võ thuật cổ truyền có triết lý đối kháng tương tranh, tương sinh, tương khắc, nhu, cương, cường, nhược… tuỳ theo thế của trận đấu mà vận dụng. Đọc bài thiệu Hùng kê quyền: Lưỡng kê giao nạp thuỷ tranh hùng; Song túc tề phi trảo thượng xung; Trấn ải kim thương như bạch hổ; Thủ quan ngân kiếm tự thanh long; Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác; Hồi thủ đơn câu thủ tự hung; Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ; Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung. Đấu võ cũng là một nghệ thuật như Thiên vũ, cũng thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, ngũ hành tương sinh, tương khắc, cũng bát quái, cửu cung, cũng di hình hoán ảnh. Biết mà không biết (bất khả tri), thấy mà không thấy (bất khả kiến), đo mà không lường (bất khả trắc). Bất tranh nhi thiện thắng là lẽ tối thượng trên võ đài trần gian đầy oan khiên, nghiệt ngã. Bài Thiên vũ là một lời tạ ơn trời (thiên), đất (địa) và người (nhân). Người là ai đó trong cõi hồng trần chợt đến, chợt đi, vô thường, vô ngã. Đà Lạt, Vu Lan - Rằm tháng Bảy năm Giáp Ngọ, 2014 TVB |
|
Total comments: 0 | |