menu

17:35:11
ẢI CHI LĂNG

Trương Văn Bảo

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng

Nghĩa quân Lam Sơn nhờ giỏi võ thuật, tinh thông cách bày binh bố trận tác chiến và chiến thuật, nhất là vua tôi, tướng sĩ trên dưới một lòng như cha con đã làm nên kỳ tích Ải Chi Lăng, “Vương Thông nộp giáo, Liễu Thăng rơi đầu”.

Nếu không có những trận chiến chống ngoại xâm vang dội thì Ải Chi Lăng cũng chỉ là tên gọi một địa danh hành chính như nhiều địa danh khác trên bản đồ Việt Nam.

Cách đánh trận ngày xưa, tướng đấu tướng, quân đấu quân, bộ binh, kỵ binh (ngựa), tượng binh (voi), bộ chiến, thuỷ chiến, binh khí dài, ngắn, giáo, mác, gươm, đao, lăn khiên, mã tấu, cung tên, ẩn nấp, mai phục, địa chiến, hỗn chiến, giáp lá cà. Tất cả các tình huống ấy nếu không giỏi võ thuật và can trường sẽ không tồn tại, nói gì đến chiến thắng ngoại xâm.

Ngày nay thời hiện đại vũ khí thô sơ không còn thực dụng nhưng võ thuật vẫn tồn tại. Vũ khí bây giờ dã man, tàn bạo, con người dùng vũ khí huỷ diệt vô nhân tính để đạt mục đích thoả mãn chiêu bài chiến tranh. Cao hơn là chiến tranh tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá. Có những sự chiếm đóng không nhìn thấy mà dân tộc này làm cho dân tộc kia phải chịu nô lệ, nô dịch bằng cách phổ biến, học theo văn hoá, phục vụ kinh tế để rồi dần dần đánh mất bản sắc văn hoá của chính dân tộc mình.

Gần đây, trào lưu võ thuật dâng cao, nhiều người ưu tư so sánh, đồng thời nghi vấn tính hiệu quả giữa Võ cổ truyền Việt Nam với những môn võ hiện đại từ nước ngoài du nhập vào trong bối cảnh thi đấu võ đài bằng những trận thư hùng được cường điệu như đấu trường thép, thi đấu trong lồng sắt, đánh nhau sứt đầu, mẻ trán, nhuốm máu trên sàn đài kèm theo những danh xưng “độc cô cầu bại”, “bất khả chiến bại”, "không có đối thủ trên tất cả các sàn đấu"… làm nức lòng người yêu thích võ thuật.

Không cần có câu trả lời và cũng không cần có giải trình so sánh, vì trả lời là khập khiễng, so sánh là vụng về mà chỉ có lịch sử chứng minh tinh thần và tính hiệu quả của môn võ mà tổ tiên Việt Nam đã dùng để bảo vệ tổ quốc, tự tồn, tự chủ và độc lập đến tận hôm nay, đó là Võ cổ truyền Việt Nam qua các triều đại. Nếu Võ cổ truyền Việt Nam không hiệu quả thì làm gì có Ải Chi Lăng?

Theo địa lý và sử liệu Việt Nam: Ải Chi Lăng thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, trên Quốc lộ 1A Hà Nội đi Lạng Sơn theo hướng Đông Bắc từ Trung châu Bắc bộ. Ải Chi lăng địa thế hiểm trở, lợi cho việc dùng binh, đánh mai phục (chiến thuật phục kích), là cửa ải độc đạo hiểm yếu bậc nhất ở biên giới phía Bắc. Nơi đây đã diễn ra nhiều chiến thắng oanh liệt, Ải Chi Lăng bao gồm tất cả lòng chảo Chi Lăng dài hơn 20 cây số chứ không chỉ có Quốc lộ 1A chạy qua.

Ải Chi Lăng cấu thành từ một thung lũng hẹp ép giữa hai dãy núi, phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài -Thái Họa và phía Tây là núi đá Kai Kinh (Cai Kinh) dựng đứng. Con sông Thương uốn lượn chảy dọc theo thung lũng, bên quốc lộ 1A mà trước kia là đường cái quan lên biên giới lên, xuôi về kinh đô. Những ngọn núi thấp rải rác dọc thung lũng và trấn ven đường cái quan như núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Đóng khóa hai đầu của thung lũng, nơi hai vòng cung núi đất phía Đông và núi đá phía Tây khép lại, là lũy Ải Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam, khoanh kín trong lòng một ải quan dài 5 cây số, rộng khoảng 3 cây số.

Năm 1077, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt thân hành về Chi Lăng gặp phò mã Thân Cảnh Phúc bàn bạc việc binh. Với chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (dựng tại Chi Lăng), Thân Cảnh Phúc và quân dân xứ Lạng đã góp sức đánh tan quân Tống xâm lược lần thứ hai.

Năm 1285, quân Nguyên qua Ải Chi Lăng đã bị quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt và tướng Nguyên là Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ. Danh tướng Trần Hưng Ðạo thể hiện thiên tài quân sự của ông ở đây bằng chiến thuật hố bẫy ngựa, phục binh từ dưới hố dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách quân Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt.

Cuối năm 1427, Ải Chi Lăng trở thành nơi ghi công một trong những trận đánh nổi tiếng nhất lịch sử chống ngoại xâm của Đại Việt. Đạo quân chủ lực của nhà Minh do An viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy gồm gần 10 vạn người kéo sang để dẹp khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Lê Lợi đã phái Lê Sát dẫn các tướng lên đón đường, đặt quân mai phục. Tướng Trần Lựu giả cách thua vài trận để dụ Liễu Thăng lọt vào ổ phục kích tại núi Mã Yên. Nghĩa quân Lam Sơn đổ ra chém chết Liễu Thăng khiến đạo quân cứu viện hùng hậu bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu và tới đầu tháng 11 năm 1427 thì bị vây đánh, tiêu diệt, tất cả bị bắt sống ở Xương Giang.

Vịnh Quỷ môn quan - Ải Chi Lăng, Đại thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820) có bài thơ “Quỷ môn đạo trung” trong "Thanh Hiên thi tập", "Làm quan ở Bắc Hà" (1802 - 1804)

   Quỷ môn thạch kính xuất vân côn,
   Chinh khách nam quy dục đoạn hồn.
   Thụ thụ đông phong xuy tống mã,
   Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề viên.
   Trung tuần lão thái phùng nhân lãn,
   Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn.
   Sơn ổ hà gia đại tham thuỵ?
   Nhật cao do tự yểm sài môn.

"Đường qua Ải Quỷ Môn" Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang

   Đường qua cửa Quỷ khói mây tuôn,
   Lữ khách về nam dạ chạnh buồn.
   Gió thổi hàng cây chân ngựa nhẹ,
   Trăng tà sườn núi tiếng viên dồn.
   Dở già tiếp khách lười quen thói,
   Gặp lạnh đi đường rượu uống luôn.
   Mái núi nhà ai chưa mở cửa?
   Mặt trời vòi vọi, ngủ còn ngon!

"Đường qua Ải Quỷ Môn" Bản dịch của Trương Việt Linh

   Đường qua khe Quỷ mây mờ,
   Về nam lữ khách lòng ngơ ngẩn buồn.
   Trăng tà vượn núi kêu thương,
   Hàng cây gió lạnh ngựa dồn bước chân.
   Dở già chẳng muốn cầu thân,
   Đường đi lạnh lẻo nên cần rượu đây.
   Nhà ai xóm núi ngủ say,
   Trời cao, cửa khép chưa lay giấc nồng.

Đà Lạt. 9/2015

TVB

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 817 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar