06:45:30 BINH KHÍ VÕ CỔ TRUYỀN: CUNG, NÁ, NỎ | |
Trương Văn Bảo Cung tiễn hề, tại yêu; Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc; “Tang bồng” là cách nói gọn của “Tang hồ, bồng thỉ”. “Tang” là gỗ dâu, “hồ” là cây cung, “tang hồ” là cây cung làm bằng gỗ dâu. “Bồng” là “cỏ bồng”, “thỉ” là “mũi tên”, “bồng thỉ” là mũi tên làm bằng cỏ bồng. Người xưa quan niệm hễ sinh con trai thì dùng loại cung tên này bắn sáu phát; bốn phát ra bốn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc), một phát lên trời, còn một phát xuống đất (Thiên, Địa). Ngụ ý là sau này trưởng thành, người con trai sẽ mang chí lớn hai vai gánh vác sơn hà, tung hoành dọc ngang giữa trời đất. Sách Thiếu Lâm ứng sự ghi: “Đệ nhất cung tiễn; đệ nhị nổ; đệ tam thương; đệ tứ kích…” Tài liệu Võ thuật cổ truyền và các sách nghiên cứu về “Thập bát ban võ nghệ” cũng khởi đầu bằng: Thứ nhất là cung tên… Cung tên, ná, nỏ là một loại vũ khí tầm xa lâu đời và có hiệu quả. Con người phát minh ra cung tên, ná, nỏ từ thời đồ đá và sử dụng trên khắp thế giới cho đến tận thế kỷ 19 khi chúng bị thay thế bởi súng đạn. Cấu tạo cung rất đơn giản, gồm cánh cung, dây cung và đạn là mũi tên. Ban đầu, cánh cung và mũi tên được làm bằng các vật liệu như tre, gỗ..., dây cung được bện bằng da, gân thú, dây leo... Cung ngắn xuất hiện từ thời cổ đại, cùng với lao và nỏ, là vũ khí tầm xa chính được sử dụng trong săn bắn và trên chiến trường. Tầm bắn cung ngắn chỉ đạt khoảng 30 mét và dùng mũi tên ngắn, tiện lợi trong việc mang theo bên mình. Cung dài, còn gọi là cung lớn, cung chiến hay trường cung, xuất hiện vào thời Trung cổ, có thể đưa tầm bắn của mũi tên mang đầu bọc thép đạt tới 90 mét. Ở Châu Âu, cung thường làm bằng một thanh gỗ duy nhất và có bề rộng chừng một sải tay, tức là gần bằng chiều cao của người bắn cung. Các loại cung Châu Á lại thường có 3 đoạn cong. Ở Nhật Bản, cung chiến thường làm bằng tre và gỗ kết hợp lại, dài hơn người. Ở Mông Cổ, cung làm bằng gỗ, sừng, gân, da. Đầu mũi tên có nhiều hình dáng khác nhau, thường được bịt thép, có thể có ngạnh và tẩm thuốc độc. Trong khi tại Châu Âu, một hiệp sĩ coi việc sử dụng cung tên khi lâm trận là không xứng với tư cách của mình, thì ở Châu Á nhiều võ sĩ, tướng lĩnh lại là các cung thủ cừ khôi. Cung, ná, nỏ là vũ khí lâu đời của các bộ lạc thời xa xưa. Trước kia, cung, ná, nỏ dùng để săn thú rừng, bảo vệ nương rẫy, mùa màng, bảo vệ cộng đồng trong các cuộc chiến tranh thị tộc, bộ lạc. Có 3 loại tên khác nhau để săn bắn: Loại tên thường dùng để bắn chim, loại tên có lưỡi dùng để săn thú, loại tên có tẩm thuốc độc dùng để bắn thú dữ như cọp, gấu, voi, tê giác. Người xưa phải cất công lên tận núi cao để chọn được những lõi cây chắc nhưng có độ nhún thật dẻo, thật bền để làm thân cung, nỏ, ná, tìm những sợi dây rừng phải thật bền, thật dẻo để làm dây cung. Cái lẩy làm cò ná cũng đảm bảo chắc chắn có độ trơn để bật mũi tên đi xa trúng đích. Mũi tên được vuốt trau chuốt tỉ mỉ bằng tre già nhọn hoắc đủ sức xuyên qua tấm ván mỏng và nếu tẩm thêm thuốc độc gia truyền ở đầu tên thì khả năng sát thương rất cao. Chiến tranh thời cổ đại, trung đại, cận đại, trước khi vũ khí hiện đại xuất hiện thì cung, ná, nỏ là vũ khí cá nhân tầm xa chủ lực thường dùng. Muốn dùng cung, ná, nỏ hiệu quả phải trải qua luyện tập khá lâu mới có thể điều khiển mũi tên đến nơi mong muốn được. Ngày nay các bộ tộc ít người trên thế giới vẫn còn dùng cung, ná, nỏ làm phương tiện săn bắn mưu sinh và bảo vệ cộng đồng. Võ thuật cổ truyền Việt Nam đến thời điểm này vẫn lưu giữ một số bài bản của cung tên, là loại hình binh khí cổ đại và chỉ còn rất ít võ đường tập luyện cung, nỏ. Tại các giải đấu vô địch quốc gia thời kỳ đầu, vận động viên Nguyễn Thị Mỹ Phượng (hiện định cư tại California, Hoa Kỳ), đơn vị Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) thi triển rất xuất sắc bài Chấn thiên cung, đạt Kiện tướng cấp quốc gia nhiều năm liền. Mỹ Phượng không chỉ giỏi về Chấn thiên cung mà còn giỏi về Ngũ long kiếm pháp (kiếm trận), đao pháp (Yểm nguyệt đao) và một số loại binh khí khác. Lời thiệu của bài Chấn thiên cung: Chuyển thân lập bộ; Kim kê bái tổ; Thủ cung song tạc; Triển nghịch xà lang; Phản bình diện thủ; Tả hữu yểm phạt; Đả phá luân binh; Phản bình tọa sát; Giương cung xạ tiễn; Phản triệt hồi môn; Tứ phương như nhứt; Ngũ khẩu song tạc; Tảo triệt điền hoành; Tả tọa giương cung; Trung môn xạ tiễn; Hoành cung bái tổ; Lập bộ như tiền. TVB Đà Lạt
| |
|
Total comments: 0 | |