menu

17:15:32
Binh khí Võ cổ truyền - Thương pháp

Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

Người xưa nói rằng:

Thương đâm một đường kẽ, côn đánh cỏa vùng rộng.

Thương thọc một đường, gậy đâm một nẻo.

Đao như mãnh hổ, thương tựa giao long 

Thương là một loại khí giới thời cổ, trong chiến đấu chuyên đâm, thọc và có lực sát thương rất lớn. Thương là do mũi thương, ngù thương, cán thương cấu tạo thành. Thương có độ dài ngắn khác nhau và tên gọi cũng khác nhau. Trong thi đấu võ thuật hiện đại, quy định thương bằng chiều cao của vận động viên và giơ tay lên, ta gọi là một đầu và một với. Thương có rất nhiều chủng loại nhưng gần gũi với chúng ta trong tập luyện hiện nay là tứ giác thương, tiễn hình thương, đơn câu thương, song câu thương.                                                                   

Thương thuật cơ bản là cầm thương vững trơn, trước quản sau khóa, trước lỏng để dễ điều khiển, sau chặt chẽ, vững vàng. Hai tay cầm thương chắc mà không chết cứng, trơn mà không tuột. Thế giữ thương quý ở tứ bình: đỉnh bằng, vai bằng, chân bằng, thương bằng, gốc không rời hông. Đâm thương thì ra thẳng, vào thẳng, phải bằng, ngay, linh hoạt, mau lẹ, kình lực mạnh từ hông đâm thẳng thấu ra tận đầu mũi, thế thương vào ra như giao long ẩn hiện.

Thương là loại binh khí cổ, dài, nặng do vậy khi sử dụng không thường thấy múa hoa. Động tác của thương phần lớn lấy công lực, thực dụng làm chính. Pháp dụng thương thì thương đi như tên bắn, lúc hồi thương liền lạc như dây kéo. Trước thì có xuyên chỉ, xuyên tụ, sau thì có Lê Hoa bãi đầu, có hư thật, có kỳ chính, có hư hư thực thực, kỳ kỳ chính chính. Tiến thì dũng mãnh, lui thì nhanh nhẹn. Thế phải hiểm, bất động thì vững như núi, động thì mau như sấm chớp.

Luyện thương pháp thì theo thứ tự nhất tiệt, nhị tiến, tam lan, tứ triền, ngũ nã, lục trực. Thương pháp luyện đến chỗ tinh diệu sẽ có được thân pháp mau lẹ uyển chuyển. Cây thương có tua chỉ đỏ gọi là Huyết đương thương, còn cây thương có tua chỉ đen gọi là Tố anh thương. Tua chỉ ở ngù thương rất quan trọng, nó có thể làm hoa mắt đối phuơng, che dấu mũi thương và có khi dùng để quấn, khóa binh khí cuả đối phương. Vì thân thương dài, biên độ động tác rộng lớn, nên khi tập đại thương yêu cầu thân không rời thương, thương không rời trung tâm, phải có lực ở cánh tay, lực hông, lực chân và thân pháp uyển chuyển, bộ pháp nhanh nhẹn. Khi đâm thương chú ý sao cho thân, bộ đẩy ra trước, gía lên trên khi đến đỉnh đầu là phải rút về, khi đè được khí giới của đối phương là phải hồi thương chuyển thế ngay.

Thương pháp của các môn phái võ, các danh gia tuy nhiều nhưng tựu trung có đâm, gạt, lăn, giã, lắc, quấn, đỡ, đè, chặn…

Sử chép vua Lê Hoàn (Lê Đại Hành 941 - 1005) trên lưng ngựa, sử dụng thương như giao long vùng vẫy giữa biển khơi, đánh bại Chiêm Thành, giết tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo, bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân giải về Hoa Lư, mang thành bình về cho Đại Cồ Việt một thời. Đến nay, một vài võ phái dùng thương có bài Lê Đại Hành thương pháp, như môn phái Việt Nam Võ Thuật Đạo ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Một trong những bài binh khí quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam là bài Độc lư thương, do cố võ sư Đoàn Thọ Sơn, An Khê, Gia Lai giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ V năm 1997, tại thành phố Hồ Chí Minh.

   ĐỘC LƯ THƯƠNG

Lập tấn liên ba phụng giang đầu.

Nhị bộ tấn nghinh khai đảng thủ.

Quy đầu phục thế tấn độc lư.

Hạ hồi ký túc song long kích.

Hoành thân chuyên đả tái nghịch tâm.

Hậu hoành nghinh chiến khai trực chỉ.

Hữu phi khai giác thích trung đình.

Phi bộ tạ hồi liên trung đỉnh.

Hồi long giáng thế đảo liên thành.

Chắp thủ Độc lư sát thích thương.

Song bộ khai quy đằng xuyên thích.

Phi vân chấp mã tấn sát ngưu.

Đảo thế khuynh thân hầu long bộ.

Chuyển long phi giác thối liên đài.

Liên ba tam bộ lập như tiền.

Ngoài ra, tại các võ đường, võ phái Võ cổ truyền còn có nhiều bài thương chuyên biệt của bản môn, phong phú, đa dạng. Võ đường Hồ Sừng, Bình Định lưu giữ bài Độc long thương.

                                  ĐỘC LONG THƯƠNG

Bái tổ long thương;

Quy hồi tấn thích;

Tả hữu thích trung;

Long vân đả diện;

Tả hữu tung hoành;

Tấn thối như hoàn;

Long phi thủ thế;

Lưỡng long giao đả;

Quy hồi bái tổ;

Lập bộ như tiền.

TRUY MỆNH THƯƠNG

Chắp thủ đề thương.

Nhập môn bái tổ.

Tiên khai vấn lộ.

Mãnh hổ xuất sơn.

Loạn sát tứ phương.

La thành hồi mã.

Độc xà xuất động.

Lập bộ triều thiên.

Tả hữu vân biên.

Thần thương truy mệnh.

Ngư ông thám thủy.

Long hổ phong vân.

Khóa kiếm kỵ long.

Tỳ bà tảo địa.

Bạch hồng quán nhật.

Khương Thượng điếu ngư.

Hồi bộ kim kê.

Tiên nhân chỉ lộ.

Mãnh hổ xuất sơn.

Giao long quá hải.

Diện tiền phục hổ.

Lập bộ trung bình.

Chiêu về dụ địch.

Hoành thân tấn thích.

Thâu mã đề thương.

Công thành bái tổ.

(Võ cổ truyền Việt Nam)

Một nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa, tiểu thuyết sử thi đầu tiên của Trung Quốc, là Triệu Vân, tự Tử Long (Zhao Yun; 168 - 229), một trong ngũ hổ tướng, vô địch trường thương, suốt cuộc đời làm tướng trên lưng ngựa chưa thất bại một trân nào.

Thương pháp ngày xưa dùng chiến đấu ngoài trận mạc, hình dáng, kết cấu chặt chẽ, kỹ pháp diệu dụng, thực tế. Thương pháp ngày nay “yểu điệu thục nữ”, dùng biểu diễn, tuy có đẹp mắt nhưng không thể hiện được tinh thần uy dũng của con giao long vùng vẫy ngoài biển khơi.

TVB Đà Lạt

 

 

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 1058 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar