11:43:01 CÁNH HOA TRONG RỪNG VÕ | |
International Grand Master Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Lời nói ngày xưa: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” và quan niệm “trọng nam, khinh nữ” nghe chừng bất công và ngậm đắng nuốt cay trong xã hội làm người nhưng ngày nay những suy nghĩ ấy dường như chỉ còn là cơn gió thoảng trong một ngày buồn không vướng bụi. Vì rằng: “Biết đâu gái cũng như trai; Cũng con Thượng đế hai vai cũng đồng; Cũng gánh nổi non sông tổ quốc; Cũng cứu cơn dân tộc lầm than”. (Vân Hương Thánh Mẫu) Lịch sử Việt Nam: Hai Bà Trưng, Bà Triệu đánh đuổi giặc ngoại xâm, anh thư lẫm liệt; những thế kỷ gần có Đô đốc Bùi Thị Xuân vang danh bờ cõi, cận đại có liệt nữ Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) trung kiên, bất khuất, dùng súng lục tự sát lúc đang mang thai để tỏ lòng trung thành với quê hương, không để bản thân rơi vào tay giặc và giữ lòng chung thuỷ với tình quân Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng chống thực dân Pháp giành độc lập cho tổ quốc, bị xử trảm trên đoạn đầu đài. Trong rừng võ thuật Việt Nam không thiếu những nữ vận động viên đẹp như những cánh hoa mùa xuân, giỏi như những nữ tướng ngoài mặt trận, từ thảm đấu đến võ đài, có những người đổi mồ hôi, nước mắt, đôi khi đổ máu để mang vinh quang về cho tổ quốc mà không thiếu sự can trường, bản lãnh như một chiến binh thực sự. Đó là những cánh hoa các môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Vovinam, Judo, Taekwondo, Karatedo, Wushu, Boxing, Kickboxing, Pencak Silat, Muay… trên võ trường quốc tế. Với Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhiều vận động viên, võ sĩ, huấn luyện viên, võ sư giỏi và nổi tiếng là phái nữ, có những cống hiến cho nền võ học nước nhà không kém người khác phái. Không chỉ đấu võ trên võ đài mà còn có những nhà quản lý giúp phong trào võ thuật vững mạnh, chịu đựng những khó khăn, áp lực trên công việc của bản thân mình. Vinh quang không của một người, vinh quang là của mọi người có tấm lòng chung tay góp sức xây dựng. Đừng quên và đừng bao giờ quên “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Không phải chỉ một mình minh chủ võ lâm mà chính quần hùng võ lâm làm nên sự nghiệp cho Võ thuật cổ truyền Việt Nam, trong đó có những cánh hoa trong rừng võ. Tiêu biểu và điển hình như Lão võ sư Phạm Cô Gia (1900 - 2005), Chưởng môn Phạm Gia võ phái, một đời cống hiến cho sự nghiệp Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Bà Võ Thị Dung (Dì Năm Sông Bé, đã mất), bà hy sinh tiền của, công sức, mời thầy giỏi về để xây dựng cho Sông Bé một đội tuyển Võ thuật cổ truyền Việt Nam vang danh một thời. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh (Khánh Hoà, được báo giới đặt tên là Nữ tướng Nha Trang), bà nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh Khánh Hoà, gắn bó cùng Võ thuật cổ truyền Việt Nam với nhiều công việc khó khăn, thăng trầm trong mấy mươi năm qua. Võ sư Nguyễn Thu Vân (Phương Danh Võ Đạo, thành phố Hồ Chí Minh), bà là Nhà giáo ưu tú, phát triển có bài bản, hệ thống, kết hợp Võ thuật cổ truyền Việt Nam với vũ điệu sân khấu nghệ thuật. Võ sư Hồ Hoa Huệ (Nguyễn Thị Kim Xoa - Tinh Võ Đạo, thành phố Hồ Chí Minh), bà đi lên từ võ sĩ, bôn tẩu đó đây phát triển phong trào, thành lập môn phái Tinh Võ Đạo Việt Nam. Võ sư Xuân Liễu (Lê Thị Liễu, tỉnh An Giang, Trưởng tràng Môn phái Tây Sơn Xuân Bình Võ thuật đạo), bà là dân võ thứ thiệt, đệ tử chân truyền cũa Lão võ sư Nguyễn Xuân Bình, là võ sĩ thi đấu trên võ đài thời còn sử dụng chỏ, gối dưới hình thức tự do. Bà góp sức xây dựng phong trào Võ thuật cổ truyền Việt Nam và đào tạo nhiều nữ võ sĩ danh tiếng thi đấu thành công trong nước và quốc tế. Võ sư Nguyễn Thị Điệp (Tây Sơn Ngọc Điệp), bà là đệ tử đích truyền của các danh sư Bình Định, bà thọ giáo với thầy Trần Văn Trọng (mất năm 1990) tại Sài Gòn, thầy Lê Khâm (mất năm 1990) và thầy Lê Trọng Đãi (mất năm 1988) tại Khánh Hoà. Bà thi đấu thành công trên võ đài, dáng người thon gọn, nhanh như sóc, kỹ thuật sắc bén, chiến thuật khôn ngoan, tính tình nghệ sĩ đã đưa tên tuổi bà đi vào làng Võ thuật cổ truyền Việt Nam ngày nay. Võ sư Nguyễn Thị Điệp bôn tẩu giang hồ và sau cùng dừng chân tại Bình Dương mở lớp võ đào tạo nhiều thế hệ võ sinh, võ sĩ, huấn luyện viên và võ sư. Bà là Chưởng môn sáng lập võ phái Tây Sơn Ngọc Điệp. Võ sư Kim Thanh (Bình Định), bà từng biểu diễn thành công nhiều tiết mục quyền tay không, binh khí đặc thù Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhất là trong các lễ hội tại Bảo tàng Quang Trung Bình Định, đặc biệt là bài Song đao phá thạch. Thế hệ gần, những cánh hoa còn đậm hương xuân, “sắc đành đòi một, tài đành họa hai” khắp miền đất nước, tưởng khó có đàn em nào có thể vượt qua như Võ sư Nguyễn Thị Kim Thoa (Kim Sơn, Taiwan), Nguyễn Thị Mỹ Phượng (USA), Nguyễn Thị Thanh Hà (Canada). Võ sư Ngô Thị Ngọc Chi (Xuyên Vân Nhạn, Môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn - thành phố Hồ Chí Minh), kiện tướng quốc gia, giỏi cả quyền thuật lẫn đối kháng trên võ đài, có kỹ thuật đấu luyện thẩm mỹ và hiệu quả, phương pháp sư phạm võ thuật khoa học. Võ sư Trần Ngọc Minh (Thanh Long Võ Đạo - thành phố Hồ Chí Minh) thành danh một thời. Võ sư Nguyễn Kim Vân (Thiếu Lâm Hắc Hổ Môn - thành phố Hồ Chí Minh), từ vận động viên đến kiện tướng quốc gia, là võ sư đào tạo nhiều học trò xuất sắc. Võ sư Hà Thị Yến Oanh (Thanh Long Võ Đạo - thành phố Hồ Chí Minh), kiện tướng quốc gia nhiều năm liền, nổi tiếng với bài Huỳnh long độc kiếm. Võ sư Danh Thị Bích Vân (Thiếu Lâm Tây Sơn - thành phố Hồ Chí Minh) thi đấu quyền thuật đạt đỉnh cao trong nước và nước ngoài, nhất là bài Xuyên vân tản (kỹ thuật đánh dù). Chuẩn võ sư Lê Thị Cẩm Tú (Marseille - Pháp), dáng thanh như người mẫu nhưng đã từng là kiện tướng quốc gia nội dung Bát quái côn 6 năm liền và hiện nay vẫn tiếp tục con đường Võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Pháp. Miền đất võ Bình Định không quên các võ sư, chuẩn võ sư Kim Liên, Phạm Thị Lành, Nguyễn Thị Kim Huệ, Phan Thị Diệu Hằng… từng thi đấu thành công rồi trở về huấn luyện góp sức cho phong trào chung. Võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm (Hải Phòng), sáng lập Uy Long Môn năm 2011 khi tuổi đời còn rất trẻ, mở câu lạc bộ võ thuật đào tạo và thu hút được nhiều võ sinh đến tập, mang vinh quang về cho trường Đại học Dân lập Hải Phòng. Võ sư Trương Bảo Trâm Anh (Thiếu Lâm Phật Gia Quyền - Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt), uyên bác nhưng trầm lắng, khiêm tốn, nghiên cứu và biên dịch nhiều tài liệu quý giá cho Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tại các giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc hiện nay, nhiều nữ vận động viên, võ sĩ các đơn vị thành phố Hồ Chí Minh như Mai Trinh, Ái Nương, Trúc Khanh, Kim Loan; Bình Định như Trà Huy, Bé Hiền, Tuyết Trinh; Quân đội có Kim Thanh, Công an có Kim Dung; Nghệ An có Ngũ Thị Thuyết; Lâm Đồng có Thuỷ Tiên, Thảo Nguyên; Khánh Hoà có Thuý Khoa, Hoàng Oanh, Ngọc Vui; An Giang có Tuyết Mai, Tuyết Dung; Đồng Nai có Ngũ long Công chúa Mỹ Hạnh, Mỹ Danh, Mỹ Dung, Mỹ Hoàng, Mỹ Thanh; Quảng Ngãi có Hoàng Tú; Hà Nội có Đới Thị Hoa và còn nhiều bông hoa khác, thi đấu ngoan cường, dũng cảm, không hổ danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu… Không thể kể đủ, nói hết mọi điều trong khuôn khổ nhỏ này. Võ thuật chỉ là một khía cạnh, rộng lớn hơn trong văn học, người phụ nữ được tôn vinh, cảm động đến rơi lệ qua hình ảnh “cái cò”: Cái cò lặn lội bờ sông; Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất; Thương cái cò lặn lội bờ sông; Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng; Ngoài ngàn dặm một trời một nước. Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước; Nghe tiếng quyên khắc khoải năm canh; Nghĩa tép tôm ai nỡ dứt tình; Ơn thủy thổ phải đền cho trọn. Trường tên đạn xin chàng bảo trọng; Thiếp lui về nuôi cái cùng con; Cao Bằng cách trở núi non; Lòng trong trắng có quỷ thần a hộ. Sức bay nhảy xin chàng hãy cố; Đá Yên Nhiên còn đó chưa mòn; Đồng hưu rạng chép thẻ son; Chàng nên danh giá thiếp còn trẻ trung. Yêu nhau khắng khít giải đồng. (Nguyễn Công Trứ - Gánh gạo đưa chồng) Mong có thật nhiều “cái cò” để cánh đồng võ thuật Việt Nam rợp màu trong trắng. Đà Lạt, ngày 8 tháng 3 năm 2016 TVB
| |
|
Total comments: 0 | |