menu

20:27:22
DANH HIỆU ĐẠI VÕ SƯ

Trương Văn Bảo, M.Ed.

Phó Tổng thư ký & Phó Trưởng ban chuyên môn

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Một số võ sư, huấn luyện viên, môn phái, võ phái muốn tìm hiểu danh hiệu Đại võ sư Võ thuật cổ truyền Việt Nam ở vào cấp mấy, bậc nào, tiêu chuẩn đạt Đại võ sư ra sao, ai là người có thẩm quyền phong cấp cho Đại võ sư và căn cứ theo quy chế nào. Cũng đã có bài viết chia sẻ trên facebook. Để rộng đường tham khảo, Ban chuyên môn Liên đoàn trao đổi một số điều về Quy chế chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam giúp sáng tỏ danh hiệu Đại võ sư.

Thực hiện Quyết định số 252/CT ngày 19 tháng 8 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cho phép thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đại hội thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và bầu Ban chấp hành lần thứ I được tổ chức từ ngày 08 tháng 12 đến ngày 09 tháng 12 năm 1991 tại Thủ đô Hà Nội.

Sau ngày thành lập đến nay, Ban chấp hành Liên đoàn đã tổ chức nhiều kỳ Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc để thảo luận về Quy chế chuyên môn, soạn thảo Luật thi đấu, bình chọn các bàì võ quy định chung cho Liên đoàn, phổ biến rộng rãi toàn quốc và cũng qua thời gian có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với phong trào và chuyên môn theo từng giai đoạn.

Quy chế chuyên môn có những phần quan trọng, trong đó có nội dung thống nhất về quy cách và màu võ phục, trang phục trọng tài, giám khảo, hệ thống màu đai, cấp, bậc, thi thăng cấp đai, nội dung thi, điều kiện thi, tiêu chuẩn giáo trình huấn luyện, phân cấp quản lý, phân cấp trọng tài, giám định, giám khảo, điều kiện mở lớp huấn luyện và nhiều điều khoản khác.

Mục 4 điều 7 của Quy chế quản lý chuyên môn, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-LĐVTCTVN ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam về việc phong danh hiệu Đại võ sư Võ cổ truyền Việt Nam. Tiêu chuẩn để được phong danh hiệu Đại võ sư như sau:

- 50 tuổi trở lên;

- Phải có bằng Võ sư do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp;

- Có quá trình hoạt động, đóng góp xây dựng phong trào địa phương hoặc toàn quốc liên tục 15 năm trở lên;

- Có công trình nghiên cứu khả thi từ lý thuyết đến thực tế xây dựng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam;

- Có xác nhận và giới thiệu của Hội, Liên đoàn địa phương;

- Nộp công trình nghiên cứu khả thi hoặc luận văn về Võ cổ truyền Việt Nam (được lưu tại Văn phòng Liên đoàn để làm tài liệu tham khảo, học tập và áp dụng thực tế).

Ngày 3 tháng 8 năm 2014 tại Hội trường Khách sạn Hoàng Yến, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức hội nghị giới thiệu chương trình, kế hoạch thành lập Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam. Trước 200 đại biểu của nhiều quốc gia trên thế giới, Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á, Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chủ trì hội nghị và nhân dịp này giới thiệu hai Đại võ sư đầu tiên của Liên đoàn là Đại võ sư Lê Kim Hoà, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban chuyên môn và Đại võ sư Trương Văn Bảo, Phó tổng thư ký, Phó trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Ngày 8 tháng 8 năm 2015, nhân thành lập Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam và Đại hội Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, Cúp Thăng Long lần thứ nhất năm 2015 tại Hà Nội, qua cuộc họp Ban thường vụ, Ban chấp hành, hội đồng xem xét, giới thiệu và được cấp trên có thẩm quyền chấp thuận, Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á, Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV) đã phong danh hiệu và cấp văn bằng cho 11 Đại võ sư Quốc tế (International Grand Master) và 04 Võ sư Quốc tế (International Master) trước Đại hội thế giới:

INTERNATIONAL GRAND MASTER (ĐẠI VÕ SƯ QUỐC TẾ):

1. Phan Dương Bình (Hà Nội - Việt Nam)

2. Trần Nguyên Đạo (France), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

3. Nguyễn Công Tốt (France), Phó Chủ tịch Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

4. Phạm Xuân Tòng (France), Phó Chủ tịch Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

5. Lê Kim Hoà (TP. Hồ Chí Minh - Việt Nam), Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban chuyên môn Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

6. Trương Văn Bảo (Lâm Đồng - Việt Nam), Uỷ viên Ban chấp hành, Phó Trưởng Ban chuyên môn Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

7. Lê Ngọc Quang (Hà Nội - Việt Nam), Uỷ viên Ban chấp hành Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

8. Nguyễn Thị Hảo (Hà Nội - Việt Nam).

9. Nguyễn Ninh (Quảng Ngãi - Việt Nam), Uỷ viên Ban chấp hành Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

10. Trương Văn Vịnh (Bình Định - Việt Nam).

11. Nguyễn Công Chức (Hoà thượng Thích Hạnh Hoà, Bình Định - Việt Nam).

INTERNATIONAL MASTER (VÕ SƯ QUỐC TẾ):

1. Barbey Olivier (France).

2. Marion Frédéric (France).

3. Popov Yuri (Russia).

4. Nguyễn Văn Anh (Huế - Việt Nam).

Cho đến thời điểm hiện tại, chính thức có:

- 02 Đại võ sư của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam;

- 11 Đại võ sư Quốc tế của Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam;

- 04 Võ sư Quốc tế của Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và Ban Thường vụ Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét công nhận, tặng danh hiệu và cấp văn bằng Đại võ sư, Võ sư Quốc tế và Đại võ sư Quốc tế cho những người đủ tiêu chuẩn theo Quy chế chuyên môn.

Hiện nay các môn võ trên thế giới cũng sử dụng danh hiệu Master (Võ sư) và Grand Master (Đại võ sư) rộng rãi.

Đà Lạt, 3/2016

 

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền quốc tế | Views: 2499 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar