menu

08:29:29
Giải Trẻ và Thiếu niên Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ XVIII năm 2017

Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam 

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2017 của Tổng cục Thể dục thể thao, mục đích vận động toàn dân rèn luyện thân thể và động viên phong trào Võ thuật cổ truyền Việt Nam trên toàn quốc, qua đó kiểm tra việc giảng dạy, đào tạo, huấn luyện Võ thuật cổ truyền ở các địa phương. Được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông; Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Nông tổ chức Giải Trẻ và Thiếu niên Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ XVIII, năm 2017 từ ngày 8/6 đến 18/6/2017 tại Nhà thi đấu của Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Đăk Nông.

Có 31 đoàn tham dự thuộc các đơn vị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ngành Quân đội, Công an, là: An Giang, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Công an nhân dân, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Lào Cai, Nghệ An, Phú Yên, Quân đội nhân dân, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Tổng số 85 trưởng đoàn, 361 vận động viên, trong đó 212 nam, 149 nữ; thi đấu 193 trận đối kháng, 207 tiết mục thi quyền với các nội dung:

1. Thi đấu đối kháng 08 hạng cân nam, 06 hạng cân nữ.

2. Thi quyền thuật và đối luyện.

a. Quyền quy định, tranh giải cá nhân ở 3 hạng tuổi, 13 bài quy định:

- Hạng tuổi 6 - 10 thi bài Căn bản công số 1; Tứ linh đao; Lão hổ thượng sơn và Roi Thái sơn.

- Hạng tuổi 11 - 14 thi bài Căn bản công số 2; Lão mai quyền; Thanh long độc kiếm; Ngọc trản quyền và Phong hoa đao.

- Hạng tuổi 15 - 17 thi bài Căn bản công số 3; Siêu xung thiên; Bát quái côn và Song tuyết kiếm.

b. Quyền tự chọn:

- Quyền tay không, binh khí ngắn, binh khí dài, nhuyễn tiên nam, nữ.

c. Thi đối luyện

- Tay không với tay không, tay không với binh khí, binh khí với binh khí.

Ban giám sát và Ban trọng tài gồm 27 người.

Ban tổ chức Giải Trẻ và Thiếu niên Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ XVIII, năm 2017 tạo điều kiện tốt nhất cho giải thành công, công tác thông tin, truyền thông rộng rãi, công việc đón tiếp ân cần, lịch sự, chu đáo. Khai mạc và bế mạc giải trang trọng, những tiết mục văn nghệ và biểu diễn Võ thuật cổ truyền mang đầy đủ ý nghĩa của văn hóa và thể thao, đặc biệt mang đậm màu sắc của núi rừng Tây Nguyên. Đến dự lễ khai mạc và bế mạc có sự hiện diện của quý đại biểu là lãnh đạo Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Nông cùng các cơ quan ban, ngành khác…

Sau nhiều ngày tranh tài sôi nổi, kết quả được ghi nhận như sau:

- Hạng nhất: Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, 17 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 02 huy chương đồng.

- Hạng nhì: Đoàn Bình Định, 08 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 03 huy chương đồng.

- Hạng ba: Đoàn Công an nhân dân, 06 huy chương vàng, 03 huy chương bạc, 05 huy chương đồng.

12/31 đoàn có huy chương vàng; 29/31 đoàn có thành tích.

Nhìn vào thành tích chung, các đoàn mạnh về quyền thuật:

- Thành phố Hồ Chí Minh (14 huy chương vàng)

- Bình Định (07 huy chương vàng)

- Lâm Đồng (03 huy chương vàng)

- Hà Nội (03 huy chương vàng)

- Khánh Hòa (03 huy chương vàng)

- Công an nhân dân (03 huy chương vàng)

Trình độ võ sĩ thi đấu đối kháng của các đơn vị được nâng cao rõ rệt, kỹ thuật tương đối đồng đều, không còn đơn vị độc bá thành tích.

- Công an nhân dân (03 huy chương vàng)

- Thành phố Hồ Chí Minh (03 huy chương vàng)

- Hà Nội (03 huy chương vàng)

- Đăk Nông (01 huy chương vàng)

- Bình Định (01 huy chương vàng)

- Quảng Ngãi (01 huy chương vàng)

- Đak Lăk (01 huy chương vàng)

- Thanh Hóa (01 huy chương vàng)

Ngoài ra còn có những đơn vị triển vọng về đối kháng trong tương lai như Lào Cai, Yên Bái…

Về quyền thuật, các bài quy định tương đối ổn định, nội dung tự chọn, ngoài đao, thương, côn, kiếm, có một số bài đặc sắc như “Xà hạc song hình”, “Câu liêm thảo pháp” của Tiền Giang, “Lưỡng đầu thương” của Quảng Ngãi, “Càn khôn quyện” của Lâm Đồng.

Bài “Xà hạc song hình” và “Câu liêm thảo pháp” do cố Đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh truyền dạy;

Bài “Lưỡng đầu thương” do cố Đại võ sư Ngô Bông truyền dạy;

Bài “Càn khôn quyện” do cố Đại võ sư Trường Phúc truyền dạy.

Khi có điều kiện phát huy “Tinh hoa Võ Việt”, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ có một thư viện lớn nhiều loại hình về bài bản quyền thuật tay không và binh khí.

Theo địa lý, hành chính Việt Nam, Đăk Nông là một tỉnh ở Tây Nguyên, thuộc Nam Trung bộ Việt Nam, mới thành lập năm 2004, trên cơ sở được tách ra từ sáu huyện phía Nam của tỉnh Đăk Lăk; Bắc giáp Đăk Lăk, Đông và Đông Nam giáp Lâm Đồng, Tây giáp Bình Phước và Cam Bốt.

Địa bàn của tỉnh Đăk Nông ngày nay gần như là địa bàn của tỉnh Quảng Đức trước đây. Quảng Đức là tỉnh cũ nằm trên cao nguyên Mơ Nông được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập ngày 23 tháng 1 năm 1959. Tháng 2 năm 1976 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhập tỉnh Quảng Đức vào tỉnh Đăk Lăk và năm 2004 tách ra thành lập tỉnh Đăk Nông. Thị xã Gia Nghĩa là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Đức trước đây cũng chính là thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đăk Nông hôm nay.

Đăk Nông có 8 đơn vị hành chính gồm Thị xã Gia Nghĩa, các huyện Cư Jút (thành lập ngày 19 tháng 6 năm 1990, tách từ huyện Đăk Mil và thị xã Buôn Ma Thuột), Đăk Glong (trước tháng 6 năm 2005 tên là huyện Đăk Nông), Đăk Mil (có từ năm 1975), Đăk R’Lấp (thành lập ngày 22 tháng 6 năm 1986 tách ra từ huyện Đăk Nông cũ, có tên gọi là Kiến Đức), Đăk Song (tách ra từ huyện Đăk Nông cũ và Đăk Mil), Krông Nô, Tuy Đức (thành lập trên cơ sở xã Đăk Buk So tách ra từ huyện Đăk R’Lấp cũ từ tháng 1 năm 2007).

Đăk Nông có các dân tộc người Kinh (Việt), Êđê, M’Nông, Tày, Mạ, H’Mông sinh sống. Nền văn hóa cổ truyền Đăk Nông đa dạng, tại đây còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền khẩu độc đáo như sử thi Đam San, luật tục cũ, nhà sàn, nhà rông, tượng nhà mồ chứa nhiều điều bí ẩn.

Cùng với các tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum; Đăk Nông cũng có đàn đá, chiêng đá có niên đại hằng ngàn năm, đàn nước, đàn T’rưng, đàn K’lông pút, sáo, kèn… Thác nước, sông, hồ thiên nhiên nổi tiếng trầm hùng ở Đăk Nông có thác Diệu Thanh, Ba Tầng, Đăk Nông, Hương Giang, Trinh Nữ, Gia Long, Đray Sáp, sông Krông Nô, hồ Ea Snô, cao nguyên Jubát và khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. 

Đăk Nông có kỳ quan thiên nhiên là hang động núi lửa được cho là dài nhất Đông Nam Á. Hang này dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp. Sau 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy hệ thống hàng chục hang động núi lửa trong đá bazan ở huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốk thành công viên địa chất toàn cầu.

Giải Trẻ và Thiếu niên Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ XVIII, năm 2017 tại Đăk Nông khép lại. Ra về, lòng bùi ngùi thương nhớ núi rừng cao nguyên.

Từng hồi trống xé tan đêm buồn;
Lửa bùng lên sáng soi rừng đêm;
Trống khua dồn đêm không còn vắng;
Trống vang dồn như bao nhịp sống;
Những thôn làng đêm nay hội trống, núi rừng cao nguyên...

Nhạc sĩ Y Vân (1933 - 1992), Tiếng trống cao nguyên

 

 

                                                                   Gia Nghĩa - Đăk Nông 6/2017                                                                                                TVB


 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 831 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar