menu

16:11:54
GIÁO DỤC THỂ CHẤT HỌC ĐƯỜNG

Trương Văn Bảo

Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

Giáo dục thể chất, “physical education”, là một môn học của giáo dục đào tạo. Giáo dục thể chất mang ý nghĩa giáo dục các nội dung chuyên biệt dạy nhiều phương pháp vận động nhằm duy trì và phát triển cơ thể. Thế giới ngày càng văn minh hiện đại với nhiều phương pháp, phương tiện phát triển khả năng thể dục thể thao ở lãnh vực rộng lớn hơn, phục vụ cho một nền chính trị xã hội, kinh tế, văn hoá cộng đồng và mục tiêu của đất nước.

 Sự quan trọng và cần thiết của giáo dục thể chất học đường là giúp học sinh, sinh viên có được một thân thể cường tráng, để từ đó rèn luyện thêm cho tinh thần minh mẫn và kiến thức phong phú giúp ích bản thân, gia đình và xã hội.

 “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” Thân Nhân Trung (1418 - 1499). Sức khoẻ là vốn quý của con người. Học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước. Các quốc gia văn minh trên thế giới đặc biệt chú trọng môn thể dục thể thao học đường trong đó có võ thuật. Tập luyện thể dục thể thao là phương pháp mang lại lợi ích thiết thực nhất cho sức khoẻ. Đặc biệt võ thuật, ngoài những yếu tố nâng cao sức nhanh, sức mạnh, sức bền, khả năng chịu đựng, kỹ năng tự vệ chiến đấu, tập luyện võ thuật còn giúp học sinh, sinh viên học được nhiều đức tính quý báu như tự tin, dũng cảm, giàu lòng vị tha đúng như tinh thần thượng võ hành hiệp giúp đời.

Nếu giáo dục thể chất học đường đi đúng hướng, tạo được sự hưng phấn cho người học và xã hội biết tôn trọng người thầy và môn học thì những môn thể dục thể thao, võ thuật trong học đường sẽ là vũ khí sắc bén loại trừ một cách hiệu quả những tệ nạn xã hội, nạn bạo hành học đường, bạo lực gia đình bởi từ ý thức giáo dục lành mạnh, trong sáng và tinh thần cao thượng của thể dục thể thao, tinh thần thượng võ của võ thuật.

Hầu hết các trường học của các nước trên thế giới đều có nhà thi đấu, trung tâm tập luyện thể dục thể thao, sân chơi riêng dành cho học sinh, sinh viên với nhiều môn bổ ích như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bóng chày, bóng ném, bóng bàn, cầu lông, cầu mây, tennis, chạy 100m, 400m, chạy trường lực 1.000m, 5.000m, nhảy cao, nhảy xa, bơi lội, leo dây, ném tạ, ném dĩa, đấu kiếm, tập võ…

Với môn giáo dục thể chất, ở Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… có nhiều Học viện hoặc trường Đại học Võ thuật (University of Martial Arts) huấn luyện nhiều môn võ trên thế giới cho võ sinh trở thành những huấn luyện viên giỏi về chuyên môn và có nhân cách.

The University of Bridgeport, Martial Arts Studies - Hoa Kỳ;

Clark’s University of Martial Arts - Oregon, Hoa Kỳ;

The Martial Arts University of Tsukuba - Nhật Bản;

Odokwan - Hàn Quốc;

Kukkiwon - Hàn Quốc;

Chungju World Martial Arts Museum - Hàn Quốc

Học viện Võ thuật Bắc Kinh - Trung Quốc;

Học viện Võ thuật Thành Đô - Trung Quốc;

Học viện nghiên cứu quốc võ - Nam Ninh, Trung Quốc;

Thiếu Lâm Tự - Hà Nam, Trung Quốc

Các Trường Đại học Thể dục thể thao Việt Nam cũng có bộ môn Võ - Vật, nhưng mới chỉ là môn học với vài môn võ, chưa phải là một trường Đại học hay Học viện Võ thuật chính quy, đào tạo ra huấn luyện viên, võ sư chuyên ngành võ thuật mà nhờ vào Liên đoàn Võ thuật, các môn phái huấn luyện, đào tạo tại võ đường.

Hình thức giáo dục thể chất học đường từ phong trào, thường gọi là thể dục thể thao xã hội hay thể dục thể thao quần chúng, nghĩa là những môn luyện vui, khoẻ, giải trí, tạo sự gắn kết cộng đồng giữa trường học này với trường học khác trên tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng trao đổi tập luyện, đến thi đấu xếp thứ hạng có giải thưởng hoặc tranh cúp, tranh cờ luân lưu, tranh huy chương, thường gọi là thi đấu thành tích cao. Hình thức này đòi hỏi nhiều tố chất vận động chuyên nghiệp với những phương pháp huấn luyện, tập luyện khoa học để thi đấu. Các khẩu hiệu: “Cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn” làm mục tiêu vươn đến, hoặc tinh thần “Thể thao trung thực, cao thượng” luôn được tôn trọng.

Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6311/VPCP-KGVX ngày 11 tháng 8 năm 2015 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch truyền đạt để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và đưa môn Võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương.

Như vậy, Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ vào học đường như một môn giáo dục thể chất chính khoá. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp làm việc về vấn đề này. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ biên soạn giáo trình cho các cấp học, từ cấp I đến cấp III sao cho phù hợp với tâm sinh lý tuổi sư phạm võ thuật.

Ngoài các bài tập kỹ thuật, động tác võ thuật, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần chú trọng đến nội dung biên soạn tài liệu, giáo trình mang tính lý luận về mục đích, ý nghĩa và các lãnh vực lịch sử, văn hoá, truyền thống Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhất là các bài học giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc. Các phương pháp hướng dẫn thực tế, cụ thể, khoa học, dễ hiểu bằng hình ảnh, bài viết theo từng trình độ từ thấp lên cao của các bậc tiểu học, trung học nhà trường. Cụ thể như:

Võ thuật cổ truyền Việt Nam là gì?

Lịch sử Võ thuật cổ truyền Việt Nam;

Mục đích, ý nghĩa Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong học đường;

Những bước chuẩn bị tập luyện Võ thuật cổ truyền Việt Nam;

Nghi thức võ thuật học đường:

- Chào kính;

- Cách cư xử với thầy, với người lớn tuổi, người cao tuổi và đồng môn;

Võ phục;

Màu đai;

Ý nghĩa màu đai;

Kỹ thuật võ thuật cơ bản;

Những lợi ích thiết thực sau khi tập luyện Võ thuật cổ truyền Việt Nam;

Đó là việc cần làm lâu dài nhưng cấp thiết, như vậy mới mong mang lại kết quả đúng hướng.

 

TVB Đà Lạt 11/2015

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 1168 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar