menu

04:14:00
HỔ TRƯỚNG KHU CƠ

Trương Văn Bảo

Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

 

 

“Nếu lấy sức mà đấu sức thì mãnh hổ nan địch quần hồ; bằng lấy trí mà đấu sức thì một người có thể đứng trên muôn người” (Thủ Chân Lê Phúc Định đề tựa cho Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ).

 

“Ngày xưa, người giỏi dùng binh thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần đánh, người giỏi đánh thì không để thua, người khéo thua thì không để mất” (Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đề tựa cho Vạn kiếp tông bí truyền thư của Trần Hưng Đạo).

 

Theo sử sách, Việt Nam có các bộ binh thư: “An Nam hành binh pháp” của Lý Thường Kiệt; “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của Trần Hưng Đạo; “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ.

 

Đào Duy Từ (1572 - 1634) là đệ nhất khai quốc công thần thời Nguyễn sơ, có tài chính trị, giỏi mưu lược. Ông người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; vốn tư chất thông minh, làu thông kinh sử, sở trường về thơ văn, am hiểu về lý số và binh thư đồ trận nhưng vì là con nhà xướng ca (thân phụ là Đào Tá Hán làm Quản giáp trong nghề ca hát) nên không được đi thi. Phẫn chí, ông rời bỏ Đông Kinh (sau này là Hà Nội) đi vào Nam để gầy dựng sự nghiệp. Đến phủ Hoài Nhơn, được quan Khám lý Trần Đức Hòa ở Quy Nhơn mến tài, gả con gái cho và tiến cử lên Chúa Sãi.

 

Từ đó, gặp được thời vận, suốt 8 năm ông dốc lòng giúp chúa Nguyễn, bày mưu định kế chống quân Trịnh và có công lớn trong việc xây thành đắp lũy, như lũy Trường Dực ở huyện Phong Lộc, lũy Nhật Lệ tức Định Bắc Trường Thành, tên gọi dưới thời vua Thiệu Trị, tục gọi là lũy Thầy, ở Đồng Hới, Quảng Bình.

 

Ông mất ngày 17 tháng 10 năm Giáp Tuất (1634), được phong tặng chức hàm Tán trị Dực vận, Kim tử Vinh lộc Đại phu, Đại lý Tự khanh, tước Lộc Khê Hầu. Tác phẩm của ông để lại có: “Ngọa long cương vãn”, “Tư dung vãn” và bộ binh thư trác tuyệt là “Hổ trướng khu cơ”.

 

Binh bị là võ bị. Đào Duy Từ soạn Hổ trướng khu cơ để huấn luyện cho tướng sĩ xứ Đàng Trong. Hổ trướng khu cơ có nghĩa là việc cơ yếu bí mật trong quân sự. Hổ trướng là màn cọp, tức là bản doanh của tướng soái, vì nơi đây có treo bức màn bằng da cọp. Khu cơ là then khóa của cái máy, tức là phần trọng yếu, chủ chốt trong một việc gì. Đây là sách viết về nghệ thuật quân sự, thiên về thực chiến hơn là lý thuyết. Bộ binh thư này viết theo quan điểm cổ truyền của thuyết Tam tài: Thiên, Địa, Nhân, luận về Thiên thời, Điạ lợi và Nhân hòa gồm Tập thiên, Tập địa và Tập nhân; chủ yếu trình bày về phương pháp, kỹ chiến thuật đánh trận và kỹ thuật chế tạo binh khí, nói lên nhiều vấn đề cơ bản của truyền thống quân sự Việt Nam.

 

          TẬP THIÊN

- Tổng luận về cơ yếu binh pháp: “Guơm báu ấn vàng, nguyên soái lên đàn ban hiệu lệnh, quạt lông khăn lụa, quân sư cười nói vận thần cơ…”

- Thiên hỏa công: “Phàm lửa vốn tự thái cực, được khí dương tính, nhờ vào gỗ mà sinh, cho nên phàm các vật ở trong trời đất cái gì đụng vào là phải cháy tan, mà làm ngôi thứ nhất trong ngũ hành, lại là phép công hiệu nhất trong binh pháp…”

- Thiên thủy chiến: “Nước là có từ thuở hồng mong, do khí của trời mà sinh ra, cho nên bảo rằng sức nó khỏe mà đi thuận chiều, người nhờ nó mà sống mà nó cũng giỏi giết người, có thể chở vật mà cũng thể lật chìm vật, từ trên cao mà chảy xuống mạnh không có cái gì bằng…”

- Thiên bộ chiến: “Điều cốt yếu về bộ chiến có 10 điều:

Một là từ chỗ cao trông xuống có thể đánh được;

Hai là lập trại, đóng dinh phải chiếm địa lợi trước;

Ba là ở đồng bằng nội rộng thì chiếm lấy đầu gió;

Bốn là ở cửa thung lũng rừng sâu thì ra kỳ đặt phục;

Năm là ở bãi cát sông chằm thì quay lưng nước mà nhử giặc;

Sáu là ở gò cao bằng sang thì cướp trước đường lấy nước;

Bảy là hai bên bày trận tương đương thì cần nghiêm chỉnh trước;

Tám là giặc ở núi cao thì ngăn chặn đường nước;

Chín là giữ trước giữa bụng trong lòng địch để chia thế giặc;

Mười là giặc từ xa đến thì cắt đứt đường lương.

- Thiên thủ trại: “Phàm điều cốt yếu trong phép lập trại, trước hết phải tìm địa lợi. Cho nên người trí tướng dựạ núi chia nước, bốn mặt thông nhau, trước có bình dương, sau có gò cao để tiện trông nhìn, núi bên tả quanh ôm để tiện phục binh, nước bên hữu thông dòng để tiện vận lương. Nếu không được địa hình như thế mà ở chỗ đồng rộng thì chiếu theo bát quái mà đặt tám cửa, theo ngũ hành mà lập năm trại. Trong mỗi trại đều có phương pháp…”

- Tổng bình về Tập Thiên: “Cầm cờ tướng đảm đương ngoài cõi, tiếng thơm lẫy lừng; ngồi trong màn quyết định mưu mô, chước thần không sót. Vén mây mù ở hang nguyệt, kính ngọc của tướng môn, quét khói bụi ở chân trời, rùa thiêng của binh trướng. Chứa cả kiền khôn vào sách báu, rất sâu, rất tinh. Phát tạo hóa trong lụa vàng, càng kỳ, càng diệu…”

 

TẬP ĐỊA

- Yếu chỉ bàn về trận: “Phép bày trận bắt đầu từ Hoàng Đế đánh Xi Vưu, trên xem trời, dưới xem đất, theo số âm dương chẳn, lẽ cùng việc quỷ thần tạo hóa mà làm ra phép chính kỳ biến hóa, làm ra cơ khởi phục hành chỉ mà đặt ra các trận Thái cực, Thái tố, Tiên thiên, Thái thủy, Hà đồ khiến cho hang trận của ba quân rõ ràng trật tự…”

- Các phép trận: “Thái cực bao hàm”, “Thái tổ tam tài”, “Thái thủy hồn nguyên”, “Tiên thiên Hà đồ đất hẹp nhất biến”, “Tiên thiên Hà đồ đất rộng nhị biến”, “Bát môn kim tỏa nhất biến”, “Bát môn kim tỏa nhị biến”, “Bát môn kim tỏa tam biến”, “Bát môn kim tỏa tứ biến”, “Tiểu chu thiên thứ nhất: Thái cực hồn thiêng”, “Tiểu chu thiên nhị biến: Lưỡng nghi phân khai”, “Tiểu chu thiên tam biến: Tứ tướng đối xung”, “Tiểu chu thiên tứ biến: Trận vuông”, “Tiểu chu thiên ngũ biến: Trận tròn”, “Tiểu chu thiên lục biến: Trận cong”, “Tiểu chu thiên thất biến: Trận thẳng”, “Tiểu chu thiên bát biến: Trận nhọn”, “Tiểu chu thiên cửu biến: Trường xà đảo quyền”, “Tiểu chu thiên thập biến: Trường xà liên châu”. 

- Yếu luận về giáo trường diễn trận: “Phép tập trận ở giáo trường, trước hết phải theo hiệu lệnh của tướng. Nếu tướng không nghiêm, ba quân không chỉnh thì làm sao tập trận mà biến hóa được…”

- Yếu pháp phá trận: Phàm phá trận, đời xưa vẫn có, nhưng phải có phương lược, nếu không có phương lược làm sao phá nổi. Ví như bên địch bày trận vuông, trước sai trận Điểu ra đánh, rồi sai trận Phong, trận Địa tiếp đánh; thì ta bày trận tròn, trước sai hai trận Xà, Điểu đón đánh, rồi sai bốn trận Long, Hổ, Thiên, Địa tiếp đánh. Như thế thì họ có một mà ta có hai, lo gì chẳng phá được trận. Các trận khác cũng theo đó mà suy”.

- Tổng bình về Tập địa: “Thể đất không dày thì chở muôn vật nặng không mang nổi”.

 

TẬP NHÂN

- Yếu chỉ bàn về tướng: “Phàm đạo làm tướng, có tám điều cốt yếu: Một là dốc nhân, hai là minh nghĩa, ba là cẩn tín, bốn là trí tuệ, năm là minh triết, sáu là tài năng, bảy là cương dũng, tám là uy nghiêm. Trong tám điều ấy, lấy chí thành làm chủ”.

- Phép chọn tướng luyện binh: “Phàm tướng là đồ quan trọng của nhà nước. Đồ cứng thì gãy, quyền trọng thì nguy; binh là hung khí, bất đắc dĩ mới dùng đến. Cho nên binh quý tinh mà không quý nhiều, tướng cần mưu mà không cần dũng. Binh cơ không chuyên dùng một người nào, tướng quyền không chuyên giao một người nào. Bởi vì chuyên dùng một người thì thua, chuyên giao một người thì mất. Cốt ở hòa nhân tâm mà thôi”.

- Yếu luận về quân cơ: “Quân cơ có sáu điều cốt yếu: Một là uy nghiêm, hai là hiệu lệnh, ba là chỉnh túc, bốn là tinh nhuệ, năm là tử tế, sáu là thanh liêm. Uy nghiêm là việc cuối cùng của tướng pháp mà là việc bắt đầu của quân cơ”.

- Phép dạy quân đánh giặc: “Phàm ngày thường ước thúc, tất có quân cơ; đánh giặc xâm lăng, cũng có kế sách. Nếu không có kế sách thì trong lúc vội vàng làm sao mà ứng biến được. Cốt yếu có 15 phép: Một là qua chỗ hiểm phòng nguy, hai là xét nấp phục, ba là phòng nước độc, bốn là qua cầu phải cẩn thận, năm là dùng lửa chống lửa, sáu là lấy nhàn đợi nhọc, bảy là lấy nhọc đợi nhàn, tám là nhọc nhàn đắp đổi, chín là hư trương thanh thế, mười là tránh chỗ thực đánh chỗ hư, mười một là lấy hư làm thực, mười hai là lấy thực làm hư, mười ba là phòng gian xét biến, mười bốn là chọn đất lập dinh, mười lăm là cẩn thận thiên thời”.

- Phép giữ thành chống giặc: “Phàm binh là hung khí. Thánh nhân nói: “Lâm sự thì lo nghĩ, hay mưu mới thành công”. Phàm lúc ngày thường, hiệu lệnh nghiêm minh, quân cơ tập thuộc, thì đến lúc lâm sự không hoang mang luống cuống, mà lúc giữ thành không đến nỗi hỏng việc. Cho nên người trí tướng lập dinh, đóng trại, trước hết phải nghiêm hiệu lệnh”.

- Yếu luận về địa thế: “Phàm người làm tướng, trên thông thiên văn, dưới hiểu địa lý. Thiên văn là biết vận độ của nhật, nguyệt, tinh thần, biết then máy âm, dương, rét, nóng để rõ manh mối họa phúc, điềm triệu lành, dữ. Địa lý là biết sự biến di của chim muông, cây cỏ; biết sự hiểm, dễ của núi, sông, hang, khe, để đặt phục ra kỳ, lập dinh, đóng trại. Không như học giả đời sau học thiên văn chỉ câu chấp ngày, giờ, tốt, xấu mà không biết biến thông; học địa lý chỉ câu nệ long, hổ, xà, tước, mà không biết hình thế”.

 

Hổ trướng khu cơ là cuốn binh thư trác tuyệt dạy nghệ thuật dụng binh, dụng võ. Song dẫu có là thiên thư mà không gặp minh quân (vua hiền), danh tướng (tướng tài), hùng binh (lính giỏi) để vận dụng cùng bộ máy thiên cơ: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa thì cũng hoài công, vô ích. Chẳng may sinh bất phùng thời, trên thì hôn ám (hôn quân), dưới thì loạn tặc (nịnh thần) mà muốn an nhàn là điều không có được. Dẫu rằng, nếu không có Thiên thời, thất thế về Địa lợi, thì chí ít cũng phải giữ được Nhân hòa. Nhân hòa là giềng mối mang lại sự sống còn cho sơn hà, xã tắc.

 

Cổ nhân dạy: “Thiên thời không bằng Địa lợi, Địa lợi không bằng Nhân hòa”. Chính vì vậy, các bậc minh quân của các triều đại luôn lấy dân làm gốc (dĩ dân vi bổn), vì dân là gốc rễ của Nhân hòa.

 

Thảng vân trí tướng thiện hành binh;

Thập pháp chi trung vật tự khinh;

Khoáng dã bình nguyên nghi kết trận;

Y sơn bang thủy khả an dinh;

Dương sư tu tảo phòng hung địa;

Chấn lữ vưu dương chiếm địa hình;

Viễn cận hiểm di tâm tận quát;

Phong trần nhất tảo, trứ phương danh.

 

Có nghĩa là:

 

Nay xem trí tướng khéo hành binh;

Mười phép trên này chớ tự khinh;

Nội rộng đồng bằng nên kết trận;

Dựa non, bên nước khá bày dinh;

Đóng quân trước hết phòng hung địa;

Cắm trại càng nên chiếm địa hình;

Hiểm dễ xa gần lòng thấu suốt;

Phong trần quét sạch để phương danh.

 

 

Đà Lạt, 6/2017

TVB

Tài liệu tham khảo:

- Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam danh nhân từ điển, Hội Văn hóa bình dân, Sài Gòn 1960

- Đào Duy Từ, Hổ trướng khu cơ, bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Sài Gòn 1974

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 1064 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar