05:20:57 KHÁI LUẬN VỀ BÁT QUÁI VỚI VÕ CỔ TRUYỀN | |
Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt
Võ cổ truyền Việt Nam có câu: “Song thủ ngũ hành vi bổn; Lưỡng túc bát quái vi căn”; có nghĩa là hai tay lấy ngũ hành làm gốc, hai chân lấy bát quái làm rễ.
Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bát quái là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Theo Kinh Dịch thì Vô cực sinh Thái cực; Thái cực sinh Lưỡng nghi; Lưỡng nghi sinh Tứ tượng; Tứ tượng sinh Bát quái; Bát quái sinh vô lượng.
Cao Đài từ điển định nghĩa: Bát là tám. Quái là quẻ, nghĩa là treo, vì khi xưa văn tự thời thái cổ được khắc vào ngọc hay đá rồi đem treo trong các hang động. Quái được dùng làm những định pháp để quyết đoán sự nghi ngờ, chọn những quyết sách để dạy dân và đem khắc vào đá để lưu lại đời sau.
Bát quái là tám quẻ. Tài liệu cổ về bát quái giải thích nguồn gốc chữ quái do chữ quải, có nghĩa là “treo”. Ngày xưa cổ nhân dùng tám thanh tre, trên mỗi thanh tre đó có ghi ký hiệu rồi đem treo ở tám cột theo tám hướng khác nhau, từ đó mà thành tên tám quải. Bát quái đồ là hình vẽ gồm tám quẻ xếp đặt trên tám cạnh của một hình bát giác đều. Mỗi quẻ của bát quái có ba vạch liền hay đứt đoạn. Vạch liền tượng trưng Dương, vạch đứt đoạn tượng trưng Âm.
Càn tượng trời ba vạch liền (càn tam liên); Đoài tượng đầm khuyết trên (Đoài thượng khuyết); Ly tượng lửa rỗng giữa (Ly trung hư); Chấn tượng sấm ngửa chén (Chấn ngưỡng vu); Tốn tượng gió đứt dưới (Tốn hạ đoạn); Khảm tượng nước đầy giữa (Khảm trung mãn); Cấn tượng núi úp chén (Cấn phúc uyển); Khôn tượng đất sáu khúc (Khôn lục đoạn).
Sách Dịch học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần viết: Chu Dịch (Dịch Kinh) có hai bộ phận phân biệt là Phù hiệu và Văn tự. Đầu tiên chỉ có phù hiệu, nghĩa là những nét vẽ để biểu tượng hai lẽ Âm Dương và những lẽ biến hóa do sự cấu tạo của hai lẽ ấy. Hai lẽ Âm Dương ấy, Dịch gọi là Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng là Thiếu dương, Thái dương, Thiếu âm, Thái âm. Tứ tượng sinh ra Bát quái là Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
Bát quái có hai thứ là Tiên thiên bát quái và Hậu thiên bát quái, đồng thời chia làm hai loại là bất dịch và đảo điên dịch, cũng như chia ra Thể và Dụng “Tiên thiên giả, Càn Khôn vi chủ (thể), lục tử vi dụng”.
Võ cổ truyền lấy đôi chân lập vị theo hình tượng tiêu biểu và di chuyển theo các hướng của bát quái đồ.
Sách Miền đất võ (Tuyển tập võ Tây Sơn - Bình Định) của Lê Thì và Kim Đình, Nhà xuất bản TDTT, Hà Nội, 1996 chép: Vị trí của bộ tấn trong đồ hình bát quái (lấy trung bình tấn làm trung tâm) như sau:
1. Càn tam liên Tây Bắc Hùng long; 2. Khảm trung mãn chính Bắc Thanh xà; 3. Cấn phúc uyển Đông Bắc Hội phụng; 4. Chấn ngưỡng vu chính Đông Kim kê; 5. Tốn hạ đoạn Đông Nam lạc nhạn; 6. Ly trung hư chánh Nam Bạch hạc; 7. Khôn lục đoạn Tây Nam Hồng hổ; 8. Đoài thượng khuyết chính Tây Hắc hầu; 9. Lưỡng nghi tâm Trung bình lập thế.
Cung Càn long tấn, cung Khảm xà tấn, cung Cấn phụng tấn, cung Chấn kim kê tấn, cung Tốn nhạn tấn, cung Ly hạc tấn, cung Khôn hổ tấn, cung Đoài hầu tấn, trung bình tấn lập thế ở giữa (1)
Thái cực, Hình ý, Bát quái… là những môn quyền giá trị, nổi tiếng của Môn phái Võ Đang. Giới võ học nhận định chỉ cần biết được một cũng đủ nêu danh dựng bảng. Võ Đang nổi tiếng về thân thủ và nội kình. Bát bảo thân pháp Võ Đang có:
1. Miêu vương tẩy diện. 2. Thiên long bãi vĩ. 3. Chảo mã chuyền. 4. Đồ sư bảo bối. 5. Câu liêm túc. 6. Hồi sát chẩu. 7. Phi long tứ diện. 8. Thiềm thừ quá hải.
Theo phương vị các cung, bài Bát quái câu liêm thân pháp di chuyển theo bát quái đồ: Từ trung bình tấn (trung tâm chính vị) chân trái bước lên cung Cấn rồi kéo nhanh về cung Khôn; chân phải bước tới cung Càn đoạn kéo nhanh về cung Tốn; tiếp đến chân trái từ cung Khôn bước lên cung Chấn, chân phải từ cung Tốn xoay lưng đạp cung Khảm và chân trái từ cung Chấn bước ngang qua cung Đoài, xoay lưng lại chân phải lui về cung Ly... Trong di chuyển yêu cầu bàn chân tiếp sát và miết mạnh xuống mặt sàn. (Nam Anh - Võ Đang chân truyền - Đất Việt 1973)
Bát quái chưởng là môn quyền lấy chiêu thuật tấn công, phòng thủ cùng đạo dẫn pháp dung hợp theo bộ pháp hình tròn. Kỹ thuật chính yếu của Bát quái chưởng chuyên dùng bộ pháp và chưởng pháp làm trung tâm vận chuyển, biến hóa không ngừng trong vị thế bốn phương tám hướng. Từ thuật ngữ Chuyển chưởng đến Bát quái chưởng rồi Liên hoàn bát quái chưởng, đời sau lấy vòng tròn trong xoay chưởng giống đường nối liền tám phương vị trong bát quái. Bát quái chưởng chú trọng bước ngang dọc cắt nhau, tùy bước tùy biến, phép đánh của Bát quái chưởng gặp thời cơ thì ứng biến, lấy biến ứng với biến. Chu Dịch từng nói: "Cứng mềm mài nhau, bát quái vẫy động" tức là luôn vận động biến hóa không ngừng mới là đạo lý, và cũng chính vì vậy mới gọi là bát quái chưởng.
Đặc điểm Bát quái chưởng là bộ pháp linh hoạt, thân pháp ảo diệu; khi giao đấu thì nhô, hụp, xoay, trở tùy cơ nhiều biến hóa. Sách chép Bát quái chưởng hình như rồng lượn, nhìn như khỉ giữ, ngồi như hổ ngồi, chuyển như ưng liệng.
Tài liệu về quyền lộ Bát quái chưởng được ghi chép:
Bát quái chưởng (Trịnh Đình Hoa truyền cho Tôn Đường) 1. Càn quái Sư hình chưởng 2. Khôn quái Lân hình chưởng 3. Khảm quái Xà hình chưởng 4. Ly quái Dao hình chưởng 5. Chấn quái Long hình chưởng. 6. Cấn quái Hùng hình chưởng. 7. Tốn quái Phụng hình chưởng 8. Đoài quái Hầu hình chưởng.
Bát quái chưởng (Trình Hữu Long truyền cho Tôn Tích Phương) 1. Đơn hoán chưởng. 2. Song hoán chưởng. 3. Thuận thức chưởng. 4. Song thân chưởng. 5. Phiên thân chưởng. 6. Ma thân chưởng. 7. Tam xuyên chưởng. 8. Hồi thân chưởng.
Bát quái chưởng (Cung Ngọc Điền truyền cho Lưu Vân Tiêu) 1. Đơn hoán chưởng. 2. Song hoán chưởng. 3. Triển thân chưởng. 4. Phiên thân chưởng. 5. Tam xuyên chưởng. 6. Bối thân chưởng. 7. Song tràng chưởng. 8. Dao thân chưởng.
Võ cổ truyền Việt Nam có nhiều bài mang tên bát quái như Bát quái côn, Bát quái thương…, các bài luyện dùng tên số tám như Bát bộ chân quyền, Bát tuyệt môn quyền, Bát tuyệt pháp công, Bát bảo thân thủ pháp…, đó cũng từ âm hưởng bát quái mà dùng. Nhưng điều thật cần trong võ thuật là thế võ và khẩu quyết hay lời thiệu phải trùng khớp với nhau mới có giá trị. Sẽ không thuyết phục nếu tên bài là bát quái mà thực hiện không có bước di chuyển nào tượng cung bát quái hoặc diễn quyền bát quái mà lại đi trên đồ hình…chữ nhất.
TVB Đà Lạt
TVB Đà Lạt | |
|
Total comments: 0 | |