menu

13:37:05
LIỄU LIỄU ĐƯỜNG - Thượng hiến Như Huyễn Thiền sư

 

Trương Văn Bảo

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng


Một sáng tinh sương, khách đến viếng Liễu Liễu Đường, từ trong cốc bước ra, Như Huyễn Thiền sư hỏi: “Võ sư nào đến đây, có việc gì?”. Khách đáp: “Thưa, không có võ sư, không có việc gì.”

Liễu Liễu Đường là tên gọi một “cốc am” hay một “thiền đường”, toạ lạc trên Đồi Tà Dương, thuộc Thôn Lạc Sơn, Xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, do “Đường chủ” là Hoà thượng Thích Từ Thông - Như Huyễn Thiền sư, Hiệu trưởng Trường Phật học thành phố Hồ Chí Minh khai lập, đặt tên. Theo Hoà thượng Thích Từ Thông, Liễu Liễu Đường là tên gọi từ nguồn cảm hứng của mạch sống Chứng đạo ca (Nguyên tác của Huyền Giác Thiền sư, Từ Thông Thiền sư biên dịch; Nhà xuất bản Tôn giáo Hà Nội - 2012). Liễu Liễu Đường hình thức giản dị, nhỏ gọn hơn các Chùa và Thiền viện khác nhưng chứa cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới, thâu nhiếp trong một Liễu Liễu Đường. Đặc biệt, trong đó có một “Ông Phật”.

Từ thành phố Đà Lạt đi về hướng Tây, đến thác Cam Ly, đến làng hoa Vạn Thành, tiếp là đường đèo nhỏ và hẹp, ngoằn ngoèo lượn khúc xuống Tà Nung, qua thị trấn Nam Ban ra đến huyện Lâm Hà. Theo quốc lộ 27, đường hướng về Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk, trên con đường này, qua cầu Đam Pao, cầu Đạ Đờn lên đến đèo Phú Sơn có những ngôi chùa lớn nằm trên những triền đồi cao và đẹp, rừng thông vi vút là Chùa Bửu Ngọc, Chùa Bửu Sơn. Đối diện cảnh trí Chùa Bửu Sơn là một ngọn đồi cao còn hoang sơ vì chưa có nhiều bàn tay con người can thiệp. Trên ngọn đồi ấy là Liễu Liễu Đường, mặt trời mọc bên kia, lặn bên này, Đồi Tà Dương là như vậy.

1. Sẽ không có gì để viết vì: “Viết gì cũng không trúng, là trúng”, nếu như không có “âm thanh không âm thanh” từ bài thiệu Võ thuật cổ truyền Việt Nam: “Tấn nhất côn” và bài “Ngưu Đầu Thiền trượng” của Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, giữa Như Huyễn Thiền sư (86 tuổi) và khách (63 tuổi). Thầy đọc bài “Tấn nhất côn” và tay hoa các đường quyền theo thế võ:

Tấn nhất, trung bình đả sổ phiên.

Tế sương giáng hạ thích đơn tiên.

Toạ tả, toạ hữu, giai trùng nhị.

Thân khỉ tề mi phụng vũ tuyền.

Xà hành trích thuỷ khai côn đả.

Tấn bộ tự nhiên điểm trích huyền.

Hướng hậu khinh thân liên tam đả.

Xích phê tiếp túc trạng phi anh.

Lưỡng đầu tịnh tấn hoàn cựu sở.

Phản diện hoành khai hổ bộ hoành.

Thích trung cử tả, phiên thân dược.

Án tý bằng phi khí lực sanh.

Hồi đầu chỉ hữu trương ngư điếu.

Phục địa lan hành tấn thế tranh.

Kình khỉ ba trung dương độc thủ.

Phụng đầu phản bộ lập đình canh.

Tấn thoái luân tiên phi tự tiễn.

Quan Âm bái tổ võ công thành.

Khách đọc và diễn giải cho thầy nghe bài “Ngưu Đầu Thiền trượng” của Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, cảm ý từ Tuyết Đậu Thiền sư - Trùng Hiển:

Ngưu Đầu phong đảnh toả trùng vân.

Độc toạ liêu liêu ký thử thân.

Bách điểu bất lai xuân hựu khứ.

Bất tri thuỳ thị đáo am nhân.

Nghĩa là:

Trên đỉnh Ngưu Đầu phủ kín mây.

Ngồi nơi vắng vẻ gởi thân này.

Xuân đã qua rồi, chim chẳng họp.

Chẳng biết ai là kẻ đến đây.

2. Sẽ không có gì để nói vì: “Nói gì cũng không trúng, là trúng”, nếu như không có “lời không lời” Quân bất kiến trong Chứng đạo ca:

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân

Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân

Vô minh thực tánh tức Phật tánh

Ảo hoá không thân tức pháp thân

Pháp thân giác liễu vô nhất vật

Bản nguyên tự tánh thiên chân Phật

Ngũ uẩn phù hư không khứ lai

Tam độc thuỷ bào hư xuất một.

Như Huyễn Thiền sư dịch nghĩa:

Ai có biết!

Bậc tuyệt học vô vi nhàn đạo

Vọng không trừ, tưởng chẳng cầu chân

Tánh của vô minh và Phật tánh không hai

Phật tánh ấy! Chính là tánh của vô minh đấy!

Thân ảo hoá với Pháp thân cũng vậy

Ảo hoá thân là hiện tượng của Pháp thân

Biển pháp ấy ví: bản thể vô cùng

Thân ảo hoá tựa sóng mòi lao xao trên mặt nước

Nhận thức rõ hai thân pháp hoá

Chợt tỉnh ra rằng: “vạn pháp giai không”

Tánh thiên chân là thật tánh của mình

Mình là Phật vốn là thiên chân Phật

Thân ngũ uẩn chỉ là phù du tụ tán

Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la

Sự diệt sanh, sanh diệt vô cùng

Nó hiện hữu với thời gian vô tận

Gọi tam độc thực tánh không hề độc

Ví như bọt bèo, sanh diệt huyễn hư

Hễ u mê thì tam độc hoành hành

Bằng tỉnh thức không sao tìm được chúng.

3. Sẽ không có gì để nghĩ vì: “Nghĩ gì cũng không trúng, là trúng”, nếu như không có “duyên không duyên” trong Duyên khởi Thiếu Lâm Phật Gia Quyền:

* Một - bảy - bảy - bảy - hai lẫn trong tiếng thét gào của mưa bom, bão đạn, bị tung lên không trung 3 thước, bị ném văng ra xa 6 thước cùng tiếng nổ long trời lở đất và đã ngã xuống! Rồi tỉnh dậy trên bàn giải phẫu Quân Y Viện Nguyễn Huệ - Nha Trang trong 4 bức tường vôi trắng, trần nhà trắng, nền nhà trắng, ánh đèn điện huỳnh quang nhờ nhợ trắng ôm trùm nỗi cô đơn và lạnh lẽo tột cùng giữa mùa hè rực màu máu lửa. Tự tâm thấy đời con người phù du phận mỏng, vô ngã, vô thường. 

* Ba - một - tám - bảy - năm đất trời nghiêng ngửa, vũ trụ một màu đen tối sầm trước mặt, khi cánh cửa xà lim đóng lại. Từ trong màu đen sâu thẳm ấy, ánh sáng của trí tuệ bừng lên để tự mình trải nghiệm: Vạn sự khổ, vạn sự vô thường, vạn sự vô ngã.

* Đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, cảm khái tư tưởng của Thiền tông Phật giáo qua cuộc đối thoại:

Ngũ Tổ hỏi rằng: “Nhà ngươi là người phương nào? Muốn cầu vật chi?”

Huệ Năng thưa: “Đệ tử là dân thường ở Tân Châu trong xứ Lãnh Nam, từ xa lại đây lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ chẳng cầu vật chi khác.”

Ngũ Tổ nói: “Ngươi là người xứ Lãnh Nam lại là giống muông mọi, làm sao làm Phật được?”

Huệ Năng bạch rằng: “Người ta tuy có kẻ Nam người Bắc, chứ cái Phật tánh vốn không Nam, Bắc. Thân muông mọi với thân Hoà Thượng chẳng đồng, chớ cái Phật tánh có chi là khác biệt?”

Từ Liễu Liễu Đường, trên Đồi Tà Dương, Hoà thượng Từ Thông đánh độc huyền cầm bài “Liễu đạo ca” cho khách nghe, tiếng đàn theo điệu “Lưu thuỷ hành vân”, vang vọng rồi tan giữa núi rừng cao nguyên u tịch. Tiếng nói, tiếng cười của Như Huyễn Thiền sư và khách cũng hoà vào hư không.

Khách ra về, gọi Như Huyễn Thiền sư là “Ông Phật”.


TVB

Category: Văn học nghệ thuật | Views: 3664 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar