menu

04:52:55
NÉN HƯƠNG CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

NÉN HƯƠNG CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Ông Trương Quang Trung (1943 - 2014)
- Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao;
- Nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 1991 - 1998;
- Nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 1998 - 2007;
- Nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2007 - 2013.

Trích bài Phát biểu khai mạc của ông Trương Quang Trung (1943 - 2014) tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 1993.

Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất tổ chức từ ngày 25 tháng 4 đến 02 tháng 5 năm 1993 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ 23 đoàn 50 Võ sư, Chuẩn võ sư.

Kính thưa quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu, quý lão võ sư, võ sư và toàn thể Hội nghị;

Võ thuật cổ truyền là một di sản văn hóa có truyền thống của văn hóa Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, những truyền thuyết, qua sử sách, qua khảo cổ những hoa văn, họa tiết, trống đồng, các hiện vật làm dang dở được tìm thấy đã chứng tỏ thời Hùng Vương, quân dân ta đã hăng say tập luyện, thi đấu võ với nhiều loại binh khí khác nhau.

Qua truyền thuyết, nỏ thần, phải chăng là một chuyện có thật được thần thoại hóa. Dưới thời An Dương Vương có Cao Lỗ, một tướng tài sáng chế được một loại nỏ bắn một phát được hàng chục mũi tên giết nhiều quân giặc. Cùng với quá trình phát triển nền văn minh sông Hồng, một giai đoạn trọng yếu của lịch sử, tạo dựng nền tảng văn hóa Việt Nam và Võ thuật cổ truyền được gắn liền từ đó.

Năm Canh Tý (40) Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa chống quân Bắc thuộc lần thứ nhất, giành được đất nước. Nữ võ tướng của Trưng Vương là Bà Lê Chân rất chú trọng về võ thuật, thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu võ để tuyển chọn nhân tài và xem đó là nhiệm vụ hàng đầu trong việc sửa nước.

Võ thuật được phát triển mạnh ở các thời nhà Ngô, Đinh, Lê và càng mạnh hơn ở thời nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ ngay từ lúc 3 tuổi đã vào chùa học võ thuật và thuật pháp, nhà vua đã cho lập điện và phủ Giảng Võ, hầu hết vua quan đều là Thiền sư, làu thông binh pháp, võ thuật và uyên thâm Phật pháp.

Dưới thời Trần, ngoài việc Hưng Đạo Vương soạn cuốn “Binh thư yếu lược”, nhà vua còn cho lập Giảng Võ Đường để truyền bá võ học và rèn luyện võ thuật trong hàng vương quan. Nhà vua còn cho phát triển các môn võ thuật trong dân chúng như đánh vật, đấu gậy, đấu đu, cướp cù… nhằm hun đúc tinh thần, tăng cường sức khỏe chống ngoại xâm.

Dưới thời Lê cũng vậy, Giảng Võ Đường được các Tổng binh thường xuyên chăm lo việc rèn luyện giảng dạy võ thuật cho các binh sĩ, cứ 3 năm quân sĩ phải trải qua một kỳ thi võ, các võ sĩ, dung sĩ, tráng sĩ rất được trọng vọng. Các vũ khí như mộc, câu liêm, giáo dài, đao to, phi liêm, thủ tiễn, nỏ cũng được trang bị cho quân sĩ. Đặc biệt phụ nữ cũng được khuyến khích tập luyện võ nghệ và tham gia chiến đấu.

Dưới thời Trịnh đã cho lập Võ miếu, mở trường Võ kinh chiến lược và Võ nghệ chiến đấu như bắn cung, múa giáo, muá gươm, phi ngựa bắn cung, chạy bộ bắn cung, 3 năm thi võ một lần, v.v…

Dòng lịch sử cứ mãi trôi qua, những dấu ấn đẹp, những nét hào hùng cùng với tinh thần thượng võ của dân tộc đã kết tụ và phát triển mạnh nhất vào thời Nguyễn Huệ tạo nghĩa tại đất Tây Sơn. Nguyễn Huệ đã chắt lọc, kết tinh, hệ thống hóa mọi tinh hoa kỹ thuật của các dòng võ. Dòng họ Hồ của tổ tiên Nguyễn Huệ, dòng võ của những người đi khai hoang chống thú dữ ở rừng, dòng võ của những anh hùng hào kiệt trốn tránh triều đình hay ở ẩn chờ thời, dòng võ của những thổ hào đại phú chống trộm cướp, dòng võ của những thương nhân Tàu, dòng võ cũa những người Tàu phản Thanh phục Minh, dòng võ của các tù trưởng các dân tộc Tây Nguyên, Chiêm Thành, dòng võ vườn của các thầy võ địa phương, tất cả đã tạo nên một phái võ cực kỳ lợi hại và tinh diệu mang niềm tự hào dân tộc: Võ Tây Sơn.

Tìm về cội nguồn dân tộc để giữ gìn và phát huy di sản truyền thống đích thực của tổ tiên là trách nhiệm hàng đầu của chúng ta.

Sự ra đời của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam năm 1991, mở đầu cho cuộc tập hợp lớn vì sự nghiệp chấn hưng nền võ học nước nhà, đang tản mạn trên bình diện quá rộng. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã hướng dẫn các địa phương thành lập Hội, bổ sung hoàn chỉnh Luật thi đấu, ban hành dự thảo Quy chế chuyên môn để hôm nay tiến đến Hội nghị chuyên môn, tuyển chọn những bài võ thuật tinh hoa trong cả nước, hình thành một bản hùng ca chung nhất trong những hội thi tưng bừng sắp tới.

Mỗi con người Việt Nam thấm nhuần triết lý “Nhân - Đức - Trí - Dũng”, lại càng thêm sâu vào máu của con người võ. Đón các vị lãnh đạo, đại biểu, các đoàn trong cả nước hôm nay với dư âm ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đầy hào khí. Tôi xin thay mặt Ban chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam kính chúc sức khỏe quý vị, chúc Hội nghị đạt kết quả tốt và xin long trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 1993.

Hãy thương nhau: "Nghĩa tử là nghĩa tận"
Trương Văn Bảo - Đà Lạt
Đầu năm Mậu Tuất - 2018

 

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 631 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar