menu

11:53:17
Phong trào Võ cổ truyền tỉnh Lâm Đồng

* Võ sư Trương Văn Bảo

Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng


HLV Tof và Rulit - Liên đoàn võ thuật Cộng hòa Pháp

Tập Võ cổ truyền Việt Nam tại Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt.

Tỉnh Lâm Đồng thành lập năm 1976, hợp nhất hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức cũ, tọa lạc trên cao nguyên Lâm Viên - Di Linh, là cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên (cao 1500 mét so với mặt nước biển); Đông giáp Khánh Hòa, Ninh Thuận; Tây giáp Bình Phước; Nam giáp Bình Thuận, Đồng Nai; Bắc giáp Đắk Lăk, Đăk Nông. Lâm Đồng có hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Cát Tiên, Di Linh, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà. Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế.

Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ của Lâm Đồng, thành phố du lịch, nghỉ dưỡng với nhiều tên gọi trữ tình lãng mạn như: Thành phố ngàn thông, thành phố ngàn hoa, thành phố mù sương, thành phố mộng mơ, thành phố hoa anh đào, Paris nhỏ (petite Paris)...

Cùng với phong trào Võ cổ truyền cả nước, Võ cổ truyền Lâm Đồng có những giai đoạn phát triển riêng của một tỉnh miền núi đặc thù về địa hình, trải qua nhiều biến động cùng thời gian và lịch sử. Dưới góc phong trào, Võ cổ truyền Lâm Đồng có thể được nhìn qua hai giai đoạn phát triển.

I. Giai đoạn trước năm 1975.

Giai đoạn này, hoạt động Võ cổ truyền Lâm Đồng mang tính gia đình, dòng tộc, tự phát, một số võ đường, môn phái hoạt động mạnh nhưng không rộng, không sâu; tuy nhiên sự truyền thụ võ nghệ từ người thầy và sự tiếp thu tập luyện từ người học là một sự nghiêm túc, căn bản công phu, khổ luyện và kỹ thuật thực dụng, hiệu quả, thi đấu kiên cường. Do hoàn cảnh xã hội và trình độ dân trí chưa có điều kiện phát triển nên sự nhìn nhận về văn hóa Võ cổ truyền còn nhiều điều chưa rõ nét đưa đến tư duy võ như là một môn mang tính bí truyền.

Các môn phái phát triển có thể kể đến như: Võ Ta (1950), Sa Môn Võ Đạo (1950), Tây Sơn Bình Định (1952), Võ Tiều pha Bốc Ăng Lê (1958), Võ Tự Do (1958), Võ Bình Định (1960), Thiếu Lâm Hắc Hổ (1970), Thiếu Lâm Phật Gia Quyền (1973), Thần Quyền (1974)… Đặc biệt có Trung tâm Võ thuật phát triển cùng Trung tâm Đông y tại Đà Lạt (1970)...

Những tên tuổi gắn liền sự hưng vong của Võ cổ truyền Lâm Đồng trong giai đoạn này là Lão võ sư Huỳnh Công biệt danh “Ông già Sân cù” (1888 - 1981), Lão võ sư Phạm Đình Trọng tự Sa Vân Long (1927 - 2008); Lão võ sư Võ Văn Mãnh tự Năm Mãnh (1913 - 2008), Lão võ sư Nguyễn Văn Tường tự Minh Tường (1929 - 2000), Lão võ sư Nguyễn Đình Phúc tự Trường Phúc (1930 - 2004), Lão võ sư Phạm Tuyến tự Kim Sơn (1930 - 2002), Lão võ sư Nguyễn Đình Ba (đã mất), Lão võ sư Mười Thọ (đã mất), Lão võ sư Cung Đức Phổ (đã mất), Lão võ sư Lê Đình Bút (1941 - 2006), Lão võ sư Nguyễn Hồng Mai tự Hồng Mai (1940 - 2010), Lão võ sư Trần Thanh Quang tự Kim Quang (1945 - 2011), Lão võ sư Nguyễn Ngọc Ẩn tự Sáu Liên (1924 - 2014), Lão võ sư Nguyễn Truyện tự Sáu Truyện (1928 - 2013), Đại đức tu sĩ Phật giáo, Lão võ sư Đoàn Phùng (1929), Lão võ sư Sôi Hối Lộc (1930), Lão võ sư Lê Thành Trung (1933), Lão võ sư Trần Thế Đẳng (1935), Lão võ sư Huỳnh Văn Chùm tức nhà thơ Duy Việt (1940), Võ sư Trương Văn Bảo (1950)…

II. Giai đoạn sau năm 1975.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất nhưng xã hội vẫn chờ đến khi ổn định thì phong trào Võ cổ truyền Lâm Đồng mới thực sự khởi sắc. Giai đoạn này Võ cổ truyền Lâm Đồng bắt đầu mang tính xã hội, phát triển rộng tại các địa phương trong tỉnh.

- 1975 - 1980: Giai đoạn chuyển tiếp, phong trào tạm lắng chờ sự ổn định của xã hội.

- 1981 - 1992: Phong trào phát triển trở lại với các võ đường Vân Long (Lão võ sư Phạm Đình Trọng), võ đường Năm Mãnh ( Lão võ sư Võ Văn Mãnh và học trò Nguyễn Đức Xuân), võ đường Bình Lâm Đạo ( Lão võ sư Nguyễn Đình Phúc và các học trò Nguyễn Tiến Dũng, Lê Dũng, Nguyễn Xuân Thơi, Phan Văn Minh, Phạm Công Chính), võ đường Võ Bình Định (Lão võ sư Đoàn Phùng và học trò Nguyễn Hữu Anh), võ đường Lê Đình Bút (Võ sư Lê Đình Bút), Võ đường Hắc Hổ (Võ sư Trần Thanh Quang), Võ đường Trường Long Hải (Võ sư Đỗ Ngọc Não và các học trò Lư Văn Hoàng, Nguyễn Minh Tuấn, Dương Kỳ Xuân), Võ đường Kim Long Châu (Võ sư Đoàn Hồng Châu), Võ đường Phi Sĩ Nam (Võ sư Nguyễn Sĩ Nam), Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt (Võ sư Trương Văn Bảo), Võ đường Trần Thế Đẳng (Võ sư Trần Thế Đẳng), Võ đường Kim Hường (Võ sư Nguyễn Hường), Võ đường Phi Hoàng (Võ sư Võ Đình Hoàng), Võ đường Phú Sơn (Võ sư Nguyễn Truyện), Võ đường Kim Sơn (Võ sư Phạm Tuyến), Võ đường Hồng Mai (Võ sư Nguyễn Hồng Mai), Võ đường Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền (Võ sư Nguyễn Văn Dũng), Võ đường Lạc Long (Võ sư Lê Hồng Phước), Võ đường Kỳ Thiên Trúc (Võ sư Nguyễn Văn Trúc), Võ đường Đinh Tấn Nhạn (Võ sư Lê Văn Nhạn), Võ đường Nguyễn Chí Công (Võ sư Nguyễn Công), Võ đường Thiếu Lâm Nội Gia (Võ sư Lài Cuốn Bẩu và Nguyễn Trường Khánh), Võ đường Phi Thanh (Võ sư Nguyễn Ngọc Thanh), Võ đường Phi Hùng (Võ sư Đào Phi Hùng), Võ đường Bạch Kỳ Lân (Võ sư Trương Phát Đạt), Võ đường Trường Anh Dũng - Tây Sơn Bình Định (Võ sư Lê Đức Dũng). Võ đường Nông Trang (Võ sư Nông Trang).

- 1993 - 2012: Được Sở Thể dục Thể thao và Liên đoàn Võ thuật tỉnh Lâm Đồng cho phép, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại hội lần thứ I, thành lập Hội ngày 20 tháng 6 năm 1993 và gia nhập Liên đoàn Võ thuật tỉnh Lâm Đồng, tham gia Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam năm 1994. Đến nay Hội đã tổ chức 5 lần Đại hội qua các nhiệm kỳ:

1. Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1993 - 1995).

- Chủ tịch: Lão võ sư Phạm Đình Trọng (1927 - 2008).

- Phó chủ tịch: Võ sư Trần Thanh Quang (1945 – 2011), Võ sư Đỗ Ngọc Não

- Tổng thư ký: Võ sư Trương Văn Bảo.

2. Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1997 - 2000).

- Chủ tịch: Lão võ sư Nguyễn Văn Tường (1929 - 2000).

- Phó chủ tịch: : Võ sư Đoàn Hồng Châu, Võ sư Lài Cuốn Bẩu.

- Tổng thư ký: Võ sư Trương Văn Bảo.

3. Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2001 - 2003).

- Chủ tịch: Võ sư Trương Văn Bảo.

- Phó chủ tịch: Võ sư Trương Phát Đạt, Võ sư Lài Cuốn Bẩu.

- Thư ký: Võ sư Nguyễn Bá Vũ

4. Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2004 - 2009).

- Chủ tịch: Võ sư Trương Văn Bảo.

- Phó chủ tịch: Võ sư Nguyễn Việt Hùng, Võ sư Nông Trang.

- Thư ký: Võ sư Nguyễn Bá Vũ

5. Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2009 - 2014).

- Chủ tịch: Võ sư Trương Văn Bảo.

- Phó chủ tịch: Võ sư Nguyễn Việt Hùng, Võ sư Nông Trang.

- Thư ký: Võ sư Nguyễn Bá Vũ.

Võ sư Charles Chalmers - Đại học Ottawa - Canada.
Tập Võ cổ truyền Việt Nam tại Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt

Các Võ đường đang hoạt động thuộc Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng:

1. Võ đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt (Võ sư Trương Văn Bảo).

2. Võ đường Vân Long - Đà Lạt (Võ sư Phạm Thành Hùng).

3. Võ đường Lê Đình Bút - Đà Lạt (Võ sư Lê Đình Chương).

4. Võ đường Trưng Vương - Đà Lạt (Võ sư Nguyễn Bá Vũ).

5. Câu lạc bộ Nguyễn Công Trứ - Đà Lạt (Võ sư Hồ Tuấn Linh).

6. Phòng tập Đa Thành - Đà Lạt (Chuẩn võ sư Lê Mỹ Bềnh).

7. Võ đường Trần Hưng Đạo - Phường 11 - Đà Lạt (Chuẩn võ sư Nguyễn Văn Quang).

8. Võ đường Vân Long - Phước Thành Đà Lạt (Võ sư Nguyễn Hữu Minh).

9. Võ đường Nhân Trí Dũng - Bảo Lộc (Võ sư Lê Dũng).

10. Võ đường Tây Sơn Võ Đạo - Bảo Lộc (Võ sư Lư Văn Hoàng).

11. Võ đường Kim Long Châu - Bảo Lộc (Võ sư Đoàn Hồng Châu).

12. Võ đường Trường Long Hải - Bảo Lộc (Võ sư Đỗ Ngọc Não).

13.Võ đường Thiếu Lâm Tây Sơn - Bảo Lộc (Võ sư Vũ Văn Viện).

14. Võ đường Nhân Chính Nghĩa - Bảo Lộc (Chuẩn võ sư Phạm Công Chính)

15. Võ đường Bình Lâm Võ Đạo - Bảo Lộc (Chuẩn võ sư Đinh Văn Thiện).

16. Võ đường Kim Long Châu - Bảo Lộc (Võ sư Phan Thanh Nam).

17. Võ đường Trường Long Kỳ Xuân - Bảo Lâm (Chuẩn võ sư Lữ Giáo).

18. Võ đường Tấn Phi Diệu - Cát Tiên (Võ sư Nguyễn Trần Diệu).

19. Võ đường Thiếu Lâm Hồng Gia - Di Linh (Võ sư Nguyễn Văn Dũng)

20. Võ đường Nông Trang - Đam Rông (Võ sư Nông Trang).

21. Phòng tập Võ cổ truyền Đam Ri (Damb’ri) - Đạ Huoai (Võ sư Nguyễn Tiến Sinh).

22. Võ đường Tấn Phi Diệu - Đạ Tẻh (Võ sư Nguyễn Trần Diệu).

23. Câu lạc bộ Võ cổ truyền - Đơn Dương (Võ sư Nguyễn Việt Hùng).

24. Phòng tập Võ cổ truyền Thạnh Mỹ - Đơn Dương (Chuẩn võ sư Hồ Văn Chương).

25. Võ đường Trung Nghĩa - Đức Trọng (Võ sư Phan Văn Tám).

26. Võ đường Đông Vũ - Đức Trọng (Võ sư Lê Thái Quốc Hoàng).

27. Võ đường Vân Long - Đức Trọng (Võ sư Nguyễn Thành Sương).

28. Câu lạc bộ Thái Lý Phật - Đức Trọng (Chuẩn võ sư Lày Cún Sếnh).

29. Võ đường Trần Hưng Đạo - Lạc Dương (Võ sư Hồ Thái Sơn).

30. Võ đường Nông Trang - Lâm Hà (Võ sư Nông Trang).

31. Võ đường Hữu Anh - Lâm Hà (Võ sư Nguyễn Hữu Anh).

Người đi trước mở đường, người đi sau tiếp bước. Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng là tổ chức xã hội nghề nghiệp gương mẫu trong Liên đoàn Võ thuật tỉnh Lâm Đồng, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam; chấp hành luật pháp, hoạt động theo các quy định, quy chế của nhà nước đề ra cho Thể dục Thể thao nói chung và võ thuật nói riêng. Từ ngày thành lập đến nay, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng tham gia đầy đủ các kỳ Hội nghị chuyên môn, các giải đấu, các khóa học chuyên môn, trọng tài toàn quốc; khiêm tốn lắng nghe và học hỏi, giữ tình đoàn kết với các đơn vị bạn và tôn trọng các môn võ khác. Hội đã đào tạo nhiều vận động viên, võ sĩ thi đấu có thành tích tại các giải toàn quốc, huấn luyện võ thuật cho Trinh sát Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Kiểm Lâm, Công an Lâm Đồng, đào tạo vệ sĩ và dạy Võ cổ truyền cho nhiều đoàn võ thuật nước ngoài, hiện nay đang duy trì chương trình võ thuật cho các trường Quốc tế Anh, Mỹ, Úc và nhất là đào tạo nhiều huấn luyện viên, võ sư có đẳng cấp quốc gia cho Lâm Đồng.

Võ cổ truyền Việt Nam là văn hóa truyền thống của dân tộc, mang tình yêu tổ quốc, trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tuy chưa có vị trí xứng tầm nhưng Võ cổ truyền Việt Nam vẫn sống trong lòng dân tộc như máu chảy trong châu thân, như tiếng gọi “Việt Nam! ôi quê hương yêu dấu”.


TVB Đà Lạt

Category: Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng | Views: 2147 | Added by: admin | Tags: Phong trào Võ cổ truyền tỉnh Lâm Đồ | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar