menu

12:34:15
SONG TÔ

Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Lớp tập huấn chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc diễn ra từ ngày 05 tháng 11 đến ngày 11 tháng 11 năm 2016 tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Ban Giảng viên Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã trình bày, giới thiệu nhiều nội dung chuyên môn bổ ích, trong đó có phân tích phần “Khái luận về Thập bát ban võ nghệ”.

Thập bát ban võ nghệ hay 18 ban binh khí là thuật ngữ dùng để chỉ 18 môn lọai binh khí cơ bản trong hệ thống chương trình của các môn phái Võ cổ truyền Việt Nam. Lịch sử nước Việt Nam lâu đời, quá trình phát triển có sự giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau, rồi sáng tạo, phát minh ra các dạng binh khí khác nhau. Vì vậy trên thực tế không chỉ có 18 ban binh khí.

Có nhiều hệ thống và quan niệm khác nhau về thập bát ban võ nghệ, nhưng tựu trung và gần gũi nhất trong cách dùng xưa nay, có thể thống kê như sau: 

1- Cung tên, Ná, Nỏ
2- Thương, Giáo, Mác
3- Đao (Đơn đao, Song đao, Siêu, Đại đao…)
4- Kiếm (Độc kiếm, Song kiếm, Trường xà kiếm, Gươm…)
5- Xà Mâu
6- Trủy thủ
7- Lăn Khiên, Thuẫn (Mộc đỡ tên, đỡ gươm, đỡ giáo…) 

8- Phủ (Độc phủ, Song phủ, Việt…)
9- Chùy (Độc chùy, Song chùy, Đại chùy…)

10- Côn ( Đoản côn, Trung bình côn, Tề mi côn, Trường côn, Côn nhị khúc, Côn tam khúc, Mẫu tử côn, Thiết lĩnh…)
11- Kích
12- Giản (Độc giản, Song giản)

13- Ngải (Song tô, Lưỡi hái, Câu liêm)
14- Soa (Chĩa hai trường, đoản. Đinh ba trường, đỏan)
15- Câu
16- Bừa cào
17- Nhuyễn tiên (Thất tiết tiên, Cửu tiết tiên, Chuỗi tiền, Xích sắt, Xà vĩ tiên, Dây thắt lưng, Khăn quấn đầu…)
18- Bạch đả song thủ (hai bàn tay không)

Một trong những loại binh khí ngắn đặc thù được truyền dạy và thi đấu tại các giải Võ cổ truyền Việt Nam trong nước và Quốc tế là Song tô. Song tô thuộc họ “Ngải”, anh em đồng môn sư huynh đệ với câu liêm và lưỡi hái. Ngải có nghĩa là cắt cỏ. Từ nguyên nghĩa đó, những loại binh khí mang hình dáng lưỡi hái, câu liêm, tô… được xếp vào loại hình binh khí “Ngải”.                                         

                          

Song tô, lưỡi hái, câu liêm là loại binh khí ngắn, cơ bản cũng từ nông cụ sản xuất, sau dần cải biến sử dụng để tự vệ và chiến đấu. Ngải cũng được các danh gia võ phái tôn xưng, có tên trong thập bát ban võ nghệ do tính phổ thông và truyền thống cùng hiệu quả sử dụng của nó.

Các võ đường Võ cổ truyền hiện nay vẫn truyền dạy song tô, lưỡi hái, câu liêm. Khi câu liêm, lưỡi hái được gắn vào một chiếc cán dài có thể trở thành loại binh khí dài chiến đấu trên ngựa hoặc trên xe ngựa hiệu quả cũng rất cao.

Môn phái Vịnh Xuân Quyền lấy Song tô làm biểu tượng, bởi Vịnh Xuân Quyền nổi tiếng có bài Bát trảm đao.

Kỹ pháp song tô có đâm, chém, chặt, đỡ, gạt, gài, khóa…

Kỹ pháp câu liêm, lưỡi hái có thêm móc, mổ, cứa, giật…

Lão Võ sư Mai Văn Phát, Pháp danh Thích Thiện Tánh (1917 - 1997), Danh sư khả kính Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Chưởng môn sáng lập Võ phái Trung Sơn Võ Đạo truyền bài Song tô Lão hổ cho các học trò. Võ sư Lê Ngọc Điệp, Liên đoàn Võ cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh, đệ tử chân truyền Trung Sơn Võ Đạo tập luyện và thủ đắc. Võ sư Lê Ngọc Điệp dốc tâm dạy lại cho các thế hệ học trò của mình. Bài Song tô Lão hổ nổi tiếng qua sự thành công tại các giải quốc gia khi vận động viên Nguyễn Mai Trinh trình diễn nội dung bài tự chọn binh khí ngắn Song tô Lão hổ.

Nguyễn Mai Trinh, vận động viên đội tuyển Võ cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh, đệ tử Võ phái Trung Sơn Võ Đạo từ năm 1998, đạt kiện tướng quốc gia nhiều năm liền về các loại binh khí, kể cả trường thương, bởi Nguyễn Mai Trinh, ngoài kỹ thuật, đã thể hiện nổi bật thần khí, thần thái bài Song tô Lão hổ hoà quyện vào hồn thiêng Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

 Không chỉ là vận động viên Võ thuật cổ truyền, Nguyễn Mai Trinh đang là giáo viên của Trường Trung học Cơ sở Đức Trí, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh năm 2011. Võ cổ truyền Việt Nam cần những thế hệ trẻ song hành văn và võ như vậy.

Võ phái Trung Sơn Võ Đạo Việt Nam

LỜI THIỆU SONG TÔ LÃO HỔ

1. Lão hổ hoành thân chấp thủ bái Tổ Sư;

2. Hoành thân lập bộ;

3. Tả sát bạch ngưu;

4. Hữu long, hườn trụ;

5. Thối bộ phục hồi;

6. Tấn tiền, song kích;

7. Bạch long nhị chiến;

8. Song mã tiên phong;

9. Hồi mã lăn xà;

10. Hoành thân nhị tấn;

11. Nhữ động kim tiêu;

12. Loan đài đả hổ;

13. Thần xà, song mã;

14. Hồi thân bộ thủ;

15. Trung bình điểm thuỷ;

16. Tả hữu xuyên sơn;

17. Hổ giáng long thăng;

18. Thối hậu đề đao;

19. Cương đao trảm xà;

20. Hoành thân phục hổ;

21. Nhữ động kim tiêu;

22. Trung bình điểm thủy;

23. Du sơn áp đỉnh;

24. Đại bàng triển lực;

25. Mãnh hổ hoành thân;

26. Khai môn tứ trụ;

27. Tả hữu phương dực;

28. Lão hổ đăng sơn;

29. Nhứt thủ nhị chi;

30. Hoành thân lập trụ;

31. Bái Tổ Sư lập như tiền.

Đà Lạt, 11/2016

TVB

PS:

"Ngải" tiếng Anh là "Sickle" (a tool with a blade in the shape of a hook, used for cutting wheat or long grass). Tiếng Hoa là "Ge". Ngoài bài "Song tô Lão hổ" còn có những bài "Song tô Hồ điệp" (Butterfly knives); "Song tô Phượng dực" (Phoenix wings knives)...
VĐV Kim Thanh (1990), VĐV Hồng Nhung, Bình Định, biểu diễn bài "Song đao phá thạch" bằng cặp song đao; giai đoạn sau, các VĐV Đôi tuyển Võ cổ truyền Bình Định biểu diễn bài "Song đao phá thạch" bằng "Song tô". Bởi hình dáng khác nhau nên kỹ pháp của "Song đao" và "Song tô" tuy có nét tương đồng nhưng cũng nhiều dị biệt.

 

 

 

 

 

 

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 2396 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar