menu

13:19:05
TỔNG QUAN VỀ QUYỀN PHÁP

Trương Văn Bảo - WFVV
(Bài giảng cho Lớp tập huấn Trọng tài Quốc tế tại Hà Nội tháng 5 và Paris tháng 6 năm 2016)

Quyền pháp là nền tảng của võ thuật.

Văn học hay võ học đều có những nguyên tắc riêng, văn có văn phạm (grammar - grammaire), võ có võ lý (martial arts theory - la théorie des arts martiaux), nên việc bình văn hay luận võ cần thấu hiểu tinh thần và nguyên tắc ấy. Tinh thần của một tác phẩm văn học (the mood of the story - l'esprit de l'histoire) là cốt lõi của bài văn; tinh thần của một bài võ (the spirit of martial arts - l'esprit des arts martiaux) là đỉnh cao của nghệ thuật quyền pháp.

Từ điển định nghĩa “Trọng tài là người đứng giữa mà phán xét”. Tiếng Anh gọi Trọng tài là “referee”, Giám định là “jury”, Giám khảo là “examiner”. Từ động từ “to examine” mà có danh từ “examiner”, là người chấm thi. Trọng tài ở lãnh vực này là người chấm điểm bài thi quyền thuật nên luật thi đấu gọi là Trọng tài giám khảo. Để nhận định của người Trọng tài giám khảo có cơ sở khoa học và đánh giá đúng, việc tuân theo nguyên tắc và nguyên lý võ học là điều hết sức quan trọng.

Quyền là tên gọi chung, được hiểu là quyền tay không, binh khí ngắn, dài, đơn, đôi, đối luyện, quyền nội công, quyền khí công, quyền pháp dưỡng sinh...

Thuật ngữ “Quyền” trước đây Võ Ta Việt Nam gọi là “Thảo bộ”, “Thảo binh khí”; 
Tiếng Anh gọi là “Form” hay “Pattern”; 
Karate Nhật Bản gọi là “Kata”; 
Taekwondo Hàn Quốc gọi là “Poomsae”;
Pencak Silat Malaysia và Indonesia gọi là “Jurus”; 
Wushu gọi là “Taolu”;
Võ thuật Trung Quốc gọi là “Chuan”, như “Tai Chi Chuan - Thái Cực Quyền” hay “Quan” như “Hung Gar Quan - Hung Ga Kuen - Hồng Gia Quyền” hay “Sil Lum Fut Gar Kuen - Thiếu Lâm Phật Gia Quyền”, “Wing Chun (Yong Chun Quan) - Vịnh Xuân Quyền”… 
Tiếng Pháp là “La forme”, “Enchainement”, là chữ thường dùng trong nhiều võ đường, nhưng không đủ nghĩa. “Forme rituelle codifiée” hoặc “Enchainement rituel codifié”. Hiện nay, bên Pháp những người tập Võ cổ truyền Việt Nam dùng nguyên ngữ “Quyền” như Việt Nam.

Theo quan niệm võ thuật truyền thống, “Quyền” là linh hồn của môn phái. Bài quyền là hiện thân của các chiêu thức chiến đấu, nhất điểm phát vạn thù, vạn thù quy nhất điểm. Bài quyền càng cao thâm phong phú bao nhiêu thì chiêu thức chiến đấu càng uyên áo, đa dạng bấy nhiêu. Bài quyền và chiến đấu như hai mặt của bàn tay, nếu lưng bàn tay là quyền thì lòng bàn tay là chiến đấu và ngược lại, nhưng cả hai là một, đó là võ thuật.

Khi diễn quyền phải thể hiện được tính chiến đấu thực tế, tinh thần tập trung, có sức mạnh và năng lực. Bài quyền không phải là một điệu múa vũ trường cũng không phải là sự ráp nối của một số động tác trình diễn tính sân khấu.

Tập bài quyền đúng là tập đủ các pháp cơ bản trong võ thuật, vì bài quyền đích thực kết hợp các phần của tấn pháp (stances - positions), bộ pháp (movements - mouvements, déplacement), thân pháp (dodging - esquives, jeu de jambes), thủ pháp (hand techniques - technique de poings), cước pháp (kick techniques - technique de pieds)… Trong diễn luyện còn phải thể hiện được thần lực của nhãn pháp (the power of eyes - intensité du regard), nội lực của khí pháp (energy of ki - énergie du ki), sự an nhiên tự tại của tâm pháp (concentration, calm, still - concentration, calme, sérénité, la concentration d’esprit), cùng nhịp điệu, tiết tấu (rhythm - rythme), độ cương nhu của chiêu thức (hard and soft techniques - techniques dures et souples) trong bài quyền cùng với nghệ thuật dung hòa cái đẹp trong uy lực dụng võ.

Bài quyền là một trận đấu vì vậy cơ sở quan trọng nhất của người tập võ là luyện quyền, luyện quyền gắn với luyện công. Tập quyền càng lâu công lực càng thâm hậu, phát huy đặc thù của quyền và sự ảo diệu của đòn thế. Người xưa nói: “Lực bất đả quyền, quyền bất đả công; luyện quyền bất luyện công đáo lão nhất trường không; luyện công bất luyện quyền, hậu thế thất nhân truyền.” Nghĩa là: “Người có sức lực không đánh nổi người giỏi quyền thuật, người giỏi quyền thuật không đánh nổi người luyện công phu nội lực; luyện võ mà không luyện công phu (công phu đây phải hiểu là khí công và nội công) thì khi về già cũng bằng không, nhưng luyện công phu mà không luyện võ thuật thì đời sau cũng không có người để truyền lại”, vì người tham gia tập công phu thì nhiều nhưng không phải ai cũng có cơ duyên hạnh ngộ luyện tập đạt thành tựu kỳ vĩ.

Luyện một bài quyền tay không hay binh khí là tự đặt mình trong thế trận chiến đấu với đối thủ vô hình (combat imaginaire), do vậy cần thể hiện công phu, nghệ thuật, theo lộ đồ chiến thuật, đấu pháp công, thủ, phản, biến như trận đấu thật sự mới làm nổi bật được tính đặc thù của võ thuật.

Hanoi & Paris, May - June, 2016 
TVB

 

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 740 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar