menu

19:16:10
TIẾN CỬ HIỀN TÀI

TIẾN CỬ HIỀN TÀI

Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt

Những ngày ở Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội với Giải Võ cổ truyền trong Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, tổ chức từ ngày 23 tháng 11 đến ngày 29 tháng 11 năm 2018. Đến thăm đền thờ Đại thần Tô Hiến Thành. Nhìn vào lịch sử, nhớ lại chuyện ngày xưa mà biết chuyện ngày nay (ôn cố tri tân).

Tô Hiến Thành: Vì nước tiến cử người hiền, không vì tình riêng.

Tô Hiến Thành (1102 - 1179), người làng Hạ Mỗ, nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, làm quan Đại thần phụ chính qua hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là người tài đức vẹn toàn, không lụy tiền tài, danh vọng nên Tô Hiến Thành được vua Lý Anh Tông rất mực tin yêu và trọng dụng.

Vua Lý Anh Tông lâm bệnh nặng, biết mình khó qua khỏi, đã gọi Tô Hiến Thành vào dặn dò giao phó việc phò giúp thái tử Long Cán, khi ấy còn quá nhỏ tuổi, lên ngôi báu. Nguyên trước đó, vua Lý Anh Tông lập người con lớn là Long Xưởng làm thái tử. Nhưng do Long Xưởng ăn ở vô đạo, vào cung thông dâm với phi tần của vua cha, nên bị vua cha truất ngôi thái tử, con thứ là Long Cán được cho làm thái tử. Khi Lý Anh Tông băng hà, mẹ Long Xưởng là Chiêu Linh Thái hậu đem vàng bạc đút lót cho vợ của Tô Hiến Thành để mong Tô Hiến Thành giả di chiếu, phế Long Cán và tái lập Long Xưởng lên ngôi báu. Tô Hiến Thành biết chuyện, bèn khảng khái nói: “Ta là đại thần, nhận mệnh tiên tổ lo giúp vua còn bé. Nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?”

Cuối cùng, Long Cán vẫn được lập lên ngôi thiên tử theo đúng di mệnh của Lý Anh Tông. Đó là vua Lý Cao Tông, lên ngôi khi mới được 3 tuổi ta (tính như bây giờ là mới được 2 tuổi). Tô Hiến Thành giữ quyền phụ chính Thái sư, hết lòng hết sức phò giúp ấu chúa nên trong ngoài đều yên ấm.

Sử chép rằng: “Tô Hiến Thành cương quyết tiến cử người có tài năng, đức độ để gánh việc nước thay ông lúc lâm chung, nhất định không tiến cử người ngày đêm phục dịch chuyện cơm nước, hầu hạ thuốc thang cho ông.”

Năm Cao Tông lên 7 tuổi, không may Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Bấy giờ, trong triều có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá là người đức độ, tài năng, vì mải lo việc công nên không mấy khi tới thăm hỏi ông được. Một vị quan khác là Tham tri chính sự Vũ Tán Đường thì ngày đêm túc trực, phụng dưỡng cơm nước, thuốc thang cho ông.

Biết rằng Tô Hiến Thành khó bề qua khỏi, Đỗ Thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) bèn tới thăm, hỏi chuyện người có thể thay thế ông cầm cương, giữ lái chuyện triều chính: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay thế ông được?”

Tô Hiến Thành đáp: “Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!”

Thái hậu ngạc nhiên: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?”

Tô Hiến Thành nói: “Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!”

Thái hậu hết lời ngợi khen Tô Hiến Thành vì tấm lòng cương trực, không lụy tình riêng mà quên đại sự.

Do bệnh nặng, Tô Hiến Thành không qua khỏi, mất ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179). Nghe tin ông mất, vua Lý Cao Tông bãi chầu bảy ngày, ăn chay 3 ngày để tỏ lòng tiếc thương với ông.

Tiếc rằng, sau này, Đỗ Thái hậu không nghe theo lời ông mà lấy em trai mình là Đỗ An Di thay Tô Hiến Thành giữ quyền phụ chính. Do bất tài, kém đức, Đỗ An Di đã làm hư hỏng Lý Cao Tông, đưa Cao Tông vào con đường trở thành vị vua tăm tối, tạo mầm mống phá vỡ cơ đồ nhà Lý.

Bình về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.

Ngày nay những kẻ làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, trong khi trung thần, nghĩa sĩ thì bị xã hội bỏ quên, bỏ lỡ bên lề. Lời tiên tổ còn văng vẳng bên tai “Minh quân” là vua sáng, là chính đại quang minh. Có người ý tham dục thì cao ngất trời, lòng tham dục thì sâu không đáy, tài thì hèn, trí thì mọn, võ công thì thấp kém, tiểu xảo trong hành xử, vẽ chuyện hoa hòe, hoa sói cho thế nhân mờ mắt rồi muốn xưng hoặc cho bề tôi cung văn nịnh hót mình làm “Minh chủ võ lâm”, vậy là nghịch thiên tất giả vong vậy (Thuận thiên giả tồn; nghịch thiên giả vong).

 

- Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội 25/11/2018 - Đà Lạt 12/12/2018 
TVB

Tài liệu tham khảo: Đại Việt Sử ký toàn thư. NXB Văn học Đông Á - 2017

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 572 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar