menu

17:31:53
TIỀN GIANG VÕ THUẬT ĐẠO TẠI PHÁP

Grand Master Trương Văn Bảo M.Ed. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam                                                                     

Tiền Giang Võ thuật đạo là Võ phái Võ cổ truyền Việt Nam do Võ sư Chưởng môn Đặng Lê Hùng thành lập tại Pháp. Võ sư Đặng Lê Hùng thi đạt Võ sư quốc gia cấp 18/18 Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đồng thời đạt huy chương đồng bài Hùng kê quyền trong Giải Quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ II, năm 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Võ sư Đặng Lê Hùng sinh năm 1947, nguyên quán Miền Tây Nam Bộ, vùng đất giàu truyền thống võ thuật và cuộc sống trữ tình như những điệu buồn vọng cổ vang vọng trong tâm can sâu thẳm của người dân Việt miền sông nước: “Từ là từ phu tướng; Bảo kiếm sắc phong lên đàng; Vào ra luống trông tin chàng; Năm canh mơ màng; Em luống trông tin chàng; Ôi gan vàng quặn đau í a. Đường dù xa ong bướm; Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang; Đêm luống trông tin bạn; Ngày mỏi mòn như đá vọng phu; Vọng phu vọng luống trông tin chàng; Sao nỡ phụ phàng…”.

Mỗi người một duyên phận. Tuổi thơ của võ sư Đặng Lê Hùng là chuỗi ngày dài bất hạnh, mồ côi cha khi lên ba, người mẹ tay bế bồng, tay dắt 6 đứa con thơ tha phương cầu thực trong chiến tranh tàn khốc một thời trên quê hương yêu dấu Việt Nam. Nhưng tạo hoá bù trừ, “trời sinh voi, sinh cỏ”, tháng ngày gian khổ cũng qua đi, võ sư Đặng Lê Hùng gặp nhiều duyên mới, trong duyên kỳ ngộ đó có Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Khi về sinh sống ở Châu Đốc, đến năm 13 tuổi cũng tạm đủ trí khôn của một thiếu niên thời loạn lạc, ý thức võ thuật là điều cần cho cuộc sống, võ sư Đặng Lê Hùng bắt đầu tập võ, vốn là người có máu nghệ sĩ nên cũng học đàn vọng cổ và Tây ban cầm. Người thầy đầu tiên trong đời võ của Đặng Lê Hùng là thầy Bảy Chẩu, quê quán Mỹ Hoà Hưng, Chợ Mới, Long Xuyên, tiếp sau là thầy Năm Bầu. Thầy Năm Bầu là đệ tử chân truyền của thầy Bảy Chẩu. Thời đó tập võ không có võ đường, phòng tập, câu lạc bộ với đầy đủ tiện nghi như ngày nay, mà tập luyện dưới ánh trăng trên sân cỏ, trong vườn xoài, vườn chuối, bên bờ ruộng, bờ mương, mộc mạc nhưng thắm đượm tình quê. Có lẽ từ đó mà thuật ngữ “võ vườn” được gọi thành tên. Võ cổ truyền ngày trước chú trọng chiến đấu nên kỹ thuật đòn thế được dạy công phu, từng miếng, từng thế phải tập luyện thuần thục, chính vì vậy trong giao đấu rất hiệu quả. Điều này thể hiện rõ nét qua các trận đấu hoặc tỉ thí võ đài giữa những môn phái, lò võ trước năm 1975.

Nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng võ sư Đặng Lê Hùng học giỏi, thi đậu hạng bình thứ, hạng bình các kỳ thi Trung học đệ nhất cấp, Tú tài phần I, Tú tài phần II, rồi vào học Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Sư phạm Saigon, sau trở thành giáo sư Trường trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh thời gian từ 1965 - 1975.

Võ sư Đặng Lê Hùng định cư tại Pháp năm 1980, bắt đầu những tháng năm xa quê hương khốn khó trên đất khách. Sau khi ổn định cuộc sống, ông lại tìm đến võ thuật cổ truyền, ông theo học võ sư Nghiêm An Thạch - Lam Sơn võ đạo, võ sư Trần Hoài Ngọc - Cửu long võ đạo, rồi hệ thống kiến thức, mở võ đường truyền bá Võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Villeneuve Loubet, Pháp. Thời gian sau thụ giáo võ sư Hồ Hoa Huệ nhân chuyến qua Pháp của bà.

Tại Giải Quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ II năm 2010 ở Việt Nam, ông diện kiến Đại võ sư Lê Kim Hoà, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban chuyên môn - kỹ thuật và Đại võ sư Trương Văn Bảo, Phó Tổng thư ký, Phó Trưởng ban chuyên môn - kỹ thuật Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ sư Đặng Lê Hùng tham khảo, học hỏi thêm về những hoạt động của Liên đoàn, quy chế chuyên môn, những bài quyền, bài binh khí quy định, kiến thức lý luận võ học và Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam. Trở về Pháp, ông củng cố võ đường, để ghi dấu một thời quê hương nuôi mình khôn lớn, ông lấy tên cho môn võ cổ truyền của mình là Tiền Giang Võ Thuật Đạo.

Là một võ sư Võ thuật cổ truyền, nguyên là giáo sư trung học Nông Lâm Súc, lại mang trong mình dòng máu nghệ sĩ, ông sáng tác một số bản nhạc tình cảm ghi lại tâm tư thuở thiếu thời và nỗi cô đơn của người nghệ sĩ. Ông tâm đắc với lời chúc tặng của Đại võ sư Trương Văn Bảo gọi ông là “Võ sư - nhạc sĩ nhân dân”. Có một bản nhạc ông sáng tác mang tựa đề “Võ cổ truyền Việt Nam”, tặng cho Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam được phổ biến trong Giải Quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ III, năm 2012, sau đó được nhân rộng ra khắp cả nước, điệu nhạc hùng tráng, lời lẽ thiết tha như tên gọi yêu thương hai tiếng Việt Nam.

“Từ muôn nơi xa xôi ta về đây sum họp một nhà. Nhà Việt Nam ông cha ta xây bao ngàn năm dòng giống Rồng Tiên, Lạc Long Quân - Âu Cơ, anh hùng áo nâu Quang Trung đã lừng danh dừng bước giặc thù, giữ gìn non sông thân yêu đã một lần thống nhất Việt Nam.

Ơi quê hương ta, quê hương Việt Nam kiêu hùng! Ơi nhân dân ta, nhân dân Việt Nam anh hùng! Một lòng chí trai nam nhi. Hào hùng nữ nhi oai nghi. Rèn luyện võ công oai danh. Đó chính là Võ cổ truyền, cổ truyền Việt Nam.

Từ năm châu muôn phương ta về đây xây dựng cơ đồ. Làm rạng danh quê hương ông cha ta, tô hồng thêm dòng máu Việt Nam. Dòng sử xanh Lam Sơn, anh hùng nữ nhi Trưng Vương đã vì dân vì nước diệt thù. Bảo tồn võ công oai danh Võ cổ truyền tổ quốc Việt Nam”.

Võ sư Đặng Lê Hùng hoài vọng cố hương khi tuổi đã “thất thập cổ lai hy”, “thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”, ông đang sống và dạy Võ cổ truyền Việt Nam tại 56 Resident week-end 281 Avenue Antong Fabre 06270 Villeneuve Loubet - France, lòng đau đáu một nỗi niềm quê mẹ Việt Nam.

Đà Lạt, 4/2016

TVB

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 1345 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar