menu

05:44:18
TINH THẦN KHÔNG THỦ ĐẠO

Trương Văn Bảo - World Zendoka Karate

                                                                                                    

Tinh hoa võ thuật là tài sản và trí tuệ quý giá của nhân loại, dù rằng mỗi môn võ có một nguồn gốc riêng hoặc qua giao thoa văn hóa có sự pha lẫn một số nét chung nhưng tinh thần thượng võ thì không biên giới. Chính tinh thần thượng võ giúp người học có lòng bao dung, hướng về chân, thiện, mỹ và hoàn thiện nhân cách.

Nói về tinh thần Không thủ đạo (Karate-do) vạn chữ không đủ nhưng một chữ cũng tròn đầy. Giáo sư Funakoshi Gichin (1868 - 1957), người được coi như là “cha của Karate hiện đại” dạy rằng: “Karate bắt đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ”. Thật vậy, lễ là giềng mối của tâm đạo hòa bình, có lễ sẽ có nghĩa, có nghĩa sẽ có nhân, có nhân sẽ có tín; người có lễ, nghĩa, nhân, tín là người có trí. Một đời người học võ chỉ mong gặp được chữ “ngộ”, khi ngộ rồi thấy được chữ “không”. Sắc sắc không không trong nhà Phật là như vậy.

Karate-do có nhiều hệ phái cũng như Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Những hệ phái nổi tiếng được chính thức đưa vào thi đấu trong các giải thế giới như Shotokan-Ryu, Goju-Ryu, Shito-Ryu, Wado-Ryu. Bên cạnh đó còn nhiều hệ phái lừng danh khác với các khuynh hướng truyền thống, hiện đại và Full contact Karate.

Zendoka Karate là hệ phái thiên về sự thức tỉnh, giác ngộ bản thân đúng như tên gọi. Theo ý nghĩa của tiếng Nhật: “Zen” có nghĩa là tĩnh lự, “Do” là Đạo, “Ka” là tinh thần của Đạo. Zendoka là tinh thần trên con đường giác ngộ. (The Japanese word Zen means meditation; Do means path; Ka is the spirit of the path. A Zendoka is a spirit on the path of enlightenment). Zendoka Karate như một pháp môn “trực chỉ nhân tâm” của Thiền tông.

Huế, có thể được coi như là “cái nôi” của Karate-do Việt Nam, dù rằng trước và cùng thời điểm với Karate-do Huế còn có Sài Gòn (Karatedo Yamadakai do cố Võ sư Hồ Cẩm Ngạc sáng lập năm 1951), Đà Lạt (Shorin-Ryu, do giáo sư người Pháp dạy học tại Lycée Yersin huấn luyện khoảng năm 1957) và một vài tỉnh khác, nhưng phong trào Karate-do Huế vẫn được ghi nhận là nổi bật từ ngày đầu cho đến tận hôm nay với hệ phái Suzucho Karate-do.

Theo tài liệu của hệ phái Suzucho Karate-do, Thầy Suzuki Choji (1919 - 1995), là Võ sư người Nhật, âm Hán Việt là Linh Mộc Trường Trị, có tên Việt Nam là Phan Văn Phúc, Thầy là người đầu tiên dạy Karate ở Huế vào năm 1963 (có tài liệu ghi 1960). Thầy đã dạy dỗ, dìu dắt nhiều thế hệ môn sinh Việt Nam, một số học trò sau đó là cao đồ của hệ phái. Chính các cao đồ này đã tôn Thầy Suzuki Choji là Chưởng môn và kết tập hoạt động thành hệ phái Suzucho Karate-do, gọi theo phiên âm Hán - Việt là Linh Trường Không Thủ Đạo.

Ở Việt Nam có nhiều hệ phái Karate, tuy chưa có Liên đoàn Karate Quốc gia chính thức nhưng phong trào mạnh và đông nhất vẫn phải kể đến hệ phái Suzucho Karate-do. Theo sự biến đổi của thời gian, một số cao đồ Suzucho Karate-do có hướng đi riêng, hình thành các võ đường, phân đường với những tên gọi khác nhau. Nhưng hiện nay người tiếp nối truyền thống của Thầy Suzuki Choji, chung thủy với tên gọi Suzucho Karate-do và võ đường Bodankumi tại Chi Lăng, thành phố Huế là Võ sư Lê Văn Thạnh.

Võ sư Lê Văn Thạnh là người mang đẳng cấp cao nhất, Đệ cửu đẳng huyền đai và đương nhiệm Trưởng tràng của hệ phái Suzucho Karate-do. Ông cũng đạt Đệ ngũ đẳng huyền đai Shotokan-Ryu, ông đóng góp nhiều cho hệ phái, là Trưởng tràng các đời thứ 8 (1973 - 1985), đời thứ 10 (1987 - 1989), đời thứ 14 (2006 - 2012), đời thứ 15 (2012 đến nay). Ông tích cực xây dựng phong trào cho Karaté-do Huế nói riêng và Việt Nam nói chung với những thành tích là trưởng đoàn, huấn luyện đội tuyển tham gia nhiều giải Karate quốc tế, được Tổng cục Thể dục Thể thao chứng nhận, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Lào tặng Bằng khen, Huân chương Lao động. Ủy ban Thể dục Thể thao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thể dục Thể thao và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp khác. Võ sư Lê Văn Thạnh còn giúp các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á phát triển Karate.

Tinh thần Không thủ đạo mang đậm tính truyền thống văn hóa Đông phương, nhắc nhở người học võ sống và hành xử hợp đạo lý trong đời, cũng như tinh thần nhà Phật hướng con người tu tập đến mục tiêu chính của cuộc sống tự tại, giải thoát. Giải thoát đây là vượt lên mọi tối tăm, vướng mắc của cuộc đời, hay khác hơn là chiến đấu thoát khỏi sự vô minh của chính bản thân mình trong đời sống.

Có nhiều điều răn, lời khuyên, lời huấn thị từ các bậc chân sư Không thủ đạo, như lời dạy của Thầy Funakoshi Gichin, mục đích giáo dục nhân cách cho người tập luyện Karate:

  1. Nỗ lực hoàn thiện nhân cách.
  2. Luôn luôn chân thành.
  3. Nuôi dưỡng tinh thần nỗ lực.
  4. Trọng lễ nghĩa.
  5. Kiềm chế các hành vi nóng nảy.

     Theo quan điểm truyền thống, Karate không phải là môn thi đấu tính điểm, phân chia hạng cân hay trình diễn, mà là môn võ thuật và con đường sống, dạy cho người tập đạt được sự bình an. Cơ thể, tâm trí và tinh thần của người tập phải được phát triển đồng thời (Karate is not a game of points, weight classes or showy demonstrations. It is a martial art and way of life that trains a practitioner to be peaceful. The body, mind and spirit - the whole person - must be developed simultaneously).

    Thành quả của Karate chân thực là tự nhiên, thuần phát và tự tin; khiêm tốn, cởi mở và hòa bình chỉ có thể thông qua sự hợp nhất hoàn hảo của tâm hồn và thể chất. Đây là cốt lõi của Thiền, nền tảng của Bushido, và triết lý Karate của JKA (The result of true Karate is natural, effortless action, and the confidence, humility, openness and peace only possible through perfect unity of mind and body. This is the core teaching of Zen, the basis of Bushido, and the of the JKA’s Karate philosophy).      

    Tinh thần Không thủ đạo giúp người tập đạt cảnh giới tối thượng, có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” như lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô.

    Đạt được cảnh giới “không” của võ đạo là hạnh phúc lắm thay!

                                                                                           Đà Lạt, 6/2017                                                                                           TVB                                                                                                               

 

 

 

Category: Tinh hoa võ thuật thế giới | Views: 1306 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar