06:44:58 BÁT QUÁI CHÂN QUYỀN | |
BÁT QUÁI CHÂN QUYỀN Trương Văn Bảo - Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam Bát quái chân quyền là nội dung căn bản quan trọng của Môn phái Bình Định Sa Long Cương do Sư trưởng Trương Thanh Đăng sáng lập và truyền dạy từ thế kỷ trước đến nay. “Vì muốn Võ thuật Việt Nam tồn tại mãi mãi cho ngày mai nên mới mạnh dạn đem ra phổ biến lại cái gì của tiền bối khi xưa bình Nguyên, đánh Tống giữ gìn bờ cõi quê hương đất nước. Vì thấy gương cao cả ấy, mặc dù không làm được như người xưa, song cũng lưu lại cái gì của Việt Nam đã có.” (Lời của Sư trưởng Trương Thanh Đăng) Năm 1970, Võ sư Lạc Hà đã biên soạn sách, tựa đề: “Tự học Võ cổ truyền Việt Nam (Võ Bình Định) Tập I: Bát quái chân quyền” do Tủ sách Võ thuật ấn hành. Năm 1992, Võ sư Lê Văn Vân (1954 - 2009), nguyên Trưởng tràng Môn phái Bình Định Sa Long Cương, biên soan sách, tựa đề: “Võ cổ truyền Bình Định Sa Long Cương chính bản”, do Nhà xuất bản Thể dục thể thao ấn hành, nội dung gồm: Bát bộ chân quyền. Bài quyền Thiền sư. Bài quyền Phượng hoàng. Đối với bài “Bát quái chân quyền” (Bát bộ chân quyền), các Võ sư Lạc Hà và Võ sư Lê Văn Vân giới thiệu, trình bày, hướng dẫn thực hành 8 bộ như sau: Bộ I: Trung bình tấn. Đinh tấn. Hổ lập bình dương. Bộ II: Xà tự đinh tấn. Xà tự hạc tấn. Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa,Thổ). Bộ III: Mài thiền sư. Mã bộ. Hổ tấn. Bạch hạc tầm giang. Bộ IV: Thần thông bảo bối. Bộ V: Gạt âm dương. Bộ VI: Nhảy thập tự. Bộ VII: Trảo mã chuyền. Xà tấn. Bộ VIII: Độc hành thiên lý. Ngày nay, Môn phái Bình Định Sa Long Cương đã phát triển rộng, mạnh trong nước và hải ngoại như Pháp, Mỹ, Canada, Italia, góp phần làm rạng danh Võ thuật cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế. Mục đích của Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam là sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, bảo tồn, truyền bá vốn qúy Võ thuật Việt Nam ở nhiều lãnh vực văn hóa, lịch sử, địa lý, triết học, quân sự, binh thư, binh pháp, trận đồ tác chiến và nhiều lãnh vực liên quan khác. Hai cuốn sách của Võ sư Lạc Hà và Võ sư Lê Văn Vân đã giúp ích không chỉ cho võ sinh Môn phái Bình Định Sa Long Cương mà còn là tài liệu quý giá để tham khảo và lưu lại cho đời sau. Nếu như Môn phái Thiếu Lâm lấy La hán Thập bát thủ và La hán trấn sơn Thập bát cước làm nền, thì Võ lâm Chánh Tông của Đại sư Đoàn Tâm Ảnh có Thất thập nhị huyền công gồm: Bộ pháp có 3 bộ, 12 môn goi là tam tấn. Thủ pháp có 6 bộ, 42 môn gọi là lục quyền. Cước pháp có 4 bộ, 18 môn gọi là tứ cước. Đối với Bình Định Sa Long Cương của Sư trưởng Trương Thanh Đăng thì có Bát bộ chân quyền. Những môn phái Võ cổ truyền Việt Nam khác cũng có các bộ căn bản công riêng cho môn võ của mình. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sau các kỳ Hội nghị chuyên môn, đã tập hợp biên soạn có Lục pháp bao gồm tấn pháp (16 thế), thủ pháp (5 bộ), cước pháp (24 thế), bộ pháp (3 bộ), bông pháp (6 bộ), thân pháp (5 bộ) nhưng hiện tại vẫn chưa áp dụng triệt để được. Sau gần 30 năm, kể từ ngày thành lập đến nay, 1991, các bộ phận chuyên trách của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về lãnh vực chuyên môn sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, bảo tồn, truyền bá vốn qúy Võ thuật Việt Nam đúng tầm như mọi người yêu mến Võ thuật cổ truyền Việt Nam mong đợi. Mấy năm gần đây, Liên hoan Tinh hoa Võ Việt Quốc tế và Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam đang nỗ lực phục dựng lại hình ảnh của lịch sử, truyền thống, văn hóa Võ thuật cổ truyền Việt Nam mà cha ông ta đã dày công vun đắp, nhân đó một số sách nghiên cứu viết về Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã được ra đời.
Đà Lạt, 2/2020 - TVB
| |
|
Total comments: 0 | |