menu

15:19:16
KHÁI LUẬN VỀ NGỌC TRẢN QUYỀN

KHÁI LUẬN VỀ NGỌC TRẢN QUYỀN - AN OUTLINE OF THE JADE CUP FORM - UN APERÇU DE LA FORME LA TASSE DE JADE

Trương Văn Bảo - Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam - (World Academy of Vietnam Vocotruyen)

Ngọc trản quyền là bài danh quyền của Võ cổ truyền, gần gũi nhất với làng võ Việt Nam. Thời điểm Ngọc trản quyền xuất hiện chính xác thì chưa có tài liệu nào khẳng định, chỉ dựa theo thời gian truyền dạy mà ước tính.

Theo tài liệu cổ được lưu giữ từ các dòng tộc, võ đường Võ cổ truyền Việt Nam, trong đó có dòng tộc họ Trương ở thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định do Tộc trưởng Trương Quang Miễn và ông Trương Đức Hồng là những người thừa tự cho biết, có nhiều bài võ cổ viết bằng chữ Hán, Nôm, đang được thờ tự cùng gia phả, bài vị của gia tộc, trong đó có bài Ngọc trản, gọi là “thảo quyền”, có nghĩa là bài võ đánh bằng tay không (không có binh khí). Ông tổ của dòng tộc họ Trương này là một trong những vị tiền hiền của thôn Phú Thiện, dưới thời các chúa Nguyễn đã từng làm tới chức Câu đương. Đến thời vua Thiệu Trị thứ 6 (1846), dòng tộc Trương lại có một vị tên là Trương Đức Lân, đỗ cử nhân và làm quan đến chức Tri phủ. Như vậy theo thời gian thì bài Ngọc trản phải xuất hiện trước đây gần hai thế kỷ.

Tại miền Bắc, Môn phái Bắc phái Thăng Long, Võ sư Thanh Vân đã thụ huấn và truyền dạy bài Ngọc trản từ những năm 1920 của thế kỷ trước (100 năm), có viết sách và mở Trường võ thuật tại Saigon. Tại Bình Định nhiều môn phái, võ phái, dòng tộc tập luyện và truyền dạy bài Ngọc trản như Bình Định chân truyền, Tây Sơn, An Vinh, An Thái, Bình Định Sa Long Cương … cũng khoảng gần một thế kỷ. Đối với miền Nam, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà cũng truyền dạy bài Ngọc trản như là bài giáo khoa chủ đạo. Môn phái Vovinam cũng đưa bài Ngọc trản vào giảng dạy chính trong chương trình. Đặc biệt bài Ngọc trản thần công của Võ cổ truyền Bình Định được đích thân Đại lão võ sư Trương Văn Vịnh (Phi Long Vịnh) biểu diễn rất thành công, đường nét cổ kính, chắc nịch, uy nghi, dũng mãnh, dáng dấp võ cổ truyền, không hoa mỹ bay nhảy như những vận động viên hiện nay tại các giải đấu quốc gia.

Luận về ý nghĩa thì các môn phái, võ phái lý giải theo nhiều khuynh hướng khác nhau, đơn cử vài giải thích:

- Môn phái Sa Môn võ đạo: Bài Ngọc trản quyền của Môn phái Sa Môn võ đạo Đà Lạt, Lâm Đồng do cố Đại lão võ sư Phạm Đình Trọng (1924 - 2008) tự Sa Vân Long giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ III năm 1995 ở Công viên văn hóa Đầm Sen, thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam bình chọn làm bài quy định của Liên đoàn, cho rằng: “Thầy Đoàn Phong, gốc người Bình Định, là thầy dạy võ cho Lão võ sư Phạm Đình Trọng đã cho biết bài Ngọc trản quyền không rõ xuất xứ vào thời nào tại Việt Nam, nhưng bài này lấy điển tích từ đời xa xưa: Ngọc Hoàng đang ngự trị tại Điện Linh Tiêu thì Ngọc nữ dùng cái khay bằng bạc để chén trà bằng ngọc dâng lên Ngọc Đế. Khi đi đến gần, Ngọc Nữ ngước lên nhìn thấy Kim Đồng đang đứng hầu Ngọc Đế chăm chú nhìn mình nên nàng hổ thẹn run tay đánh rơi khay, lăn chén ngọc. Ngọc Nữ ngồi xuống lết theo hai bộ mà vẫn không chụp được chén ngọc. Ngọc Đế tức giận đày cả hai người xuống trần gian ở mỗi người một bên bờ sông Ngân Hà, vì vậy mà mở đầu bài đã có câu: Ngọc trản, Ngân đài ...”

- Môn phái Bình Định Sa Long Cương: Giáo trình huấn luyện của Môn phái Bình Định Sa Long Cương chia làm 4 cấp: Cấp Yến phi. Cấp Thần đồng. Cấp Lão mai. Cấp Ngọc trản (Võ sư Lê Văn Vân - Võ cổ truyền Bình Định Sa Long Cương chính bản, NXB TDTT - 1992). Như vậy Ngọc trản có vị trí quan trọng trong Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

- Môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà: Ý nghĩa tên bài quyền Ngọc trản hay Hòn Chén, là ngọn núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài quyền diễn tả động tác của loài thú sống tại núi Ngọc trản. Đây là một bài quyền võ truyền thống Việt Nam, có mặt ở khắp ba miền Nam, Trung, Bắc ở nước ta (TS. Hồ Sơn Điệp và TS. Võ sư Hồ Tường, Võ thuật Tân Khánh Bà Trà - Bình Dương, NXB Lao động, 2013, trang 315).

- Môn phái Vovinam: Văn hóa bao giờ cũng là sự kết tụ tinh hoa của dân tộc, nghĩa là của đông đảo quần chúng, trải qua nhiều thế hệ, ngay khi được biểu hiện ở cá nhân hoặc ở một thời điểm nào đó.
Hiện nay chưa có một chứng cứ rõ rệt nào để nói lên một cách chính xác xuất xứ của bài quyền này, cũng giống như những câu ca dao, mặc dù thấm sâu vào lòng người nhưng nào ai biết được tên tác giả?
Nhưng với quan điểm trên, tôi luôn nghĩ rằng nguồn cội của văn hóa nói chung và Quyền Ngọc Trản nói riêng là một giòng miên sinh thoáng đãng...
Ngọc trản nghĩa đen là chén ngọc, một bài quyền nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, được môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo bảo tồn và đưa vào chương trình huấn luyện cho môn sinh (Võ sư Nguyễn Anh Dũng trích từ luận án võ sư Vovinam Nguyễn Anh Dũng - 1993).

Dù nguồn gốc ra sao, ý nghĩa thế nào, huyền thoại hay hư cấu suy diễn thì ý nghĩa khoa học thực tế của Ngọc trản là chén ngọc và Ngân đài là đài bạc mới quan trọng vì khoa học sẽ là cơ sở dẫn dắt, soi đường cụ thể để nghiên cứu tổng hợp. Trong đó, các đòn đánh của bài Ngọc trản thực dụng hay không, hiệu quả hay không cũng đã được sàng lọc để tồn tại với thời gian hàng trăm năm qua.

Lời thiệu bài Ngọc trản quyền (bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam):

Tam bộ bái tổ. Nhị bộ kỉnh sư. Hồi thân lập trụ. Ngọc trản ngân đài. Tả hữu tấn khai. Thập tự luyện diệp. Liên đả sát túc. Toạ hồi mai phục. Tấn đả tam chiến Thối thủ nhị linh. Tả hoành sát. Hữu hoành sát. Hồi phát địa hổ. Thanh long biên giang. Phụ tử tương tùy. Song phi triển dực. Hạ bàn lôi đản đả. Hồi tiểu tọa khai cung. Tấn đả song quyền. Trực tiền quyển địa. Huỳnh long quyển địa. Đồng tử giương thân. Hoành tấn đả liên hoàn. Hồi tả tọa bạch xà lang lộ. Tả hoành sát thanh long biên giang. Kim kê điển thủ. Thối tảo bát liên hoàn. Tẩu mã giương tiên. Lập bộ như tiền. Hồi đầu vọng bái.

Dịch lời thiệu bài Ngọc trản quyền:

Diện tiền bái tổ kỉnh sư. Hồi thân lập trụ vẻ người hiên ngang. Đài ngân chén ngọc để sang. Quyền khai tả hữu hướng tràn tiền môn. Rút về thập tự chận đòn. Bàn tay phất phới như tuồng lá rơi. Đánh liền hai bộ sát người. Tạ về mai phục đợi thời địch công. Đứng lên ba bộ đánh dồn. Thối lui hai bộ đề phòng địch theo. Đá ngang trái phải chặt theo. Bộ hồi như hổ nằm queo chờ mồi. Rồng vùng sông nọ kịp thời. Đôi tay như thể cha thời theo con. Đôi chân đá một chiều suông. Nhảy lui toạ xuống dùng đòn tạt ra. Tạt rồi tay phải đấm qua. Lui người một bước giả ngồi kéo cung. Song quyền tấn gấp mới xong. Quét liền trước mặt mà phòng địch theo. Rồng vàng chân phải quét theo. Hồi quyền đồng tử quạt đều đôi bên. Hoành thân tiếp đánh liên hoàn. Toạ về bên trái xà quyền tấn ngang. Ví như rắn lướt mặt đàng. Giết sang bên trái bờ giang rồng vờn. Gà vàng rút cổ cho tròn. Liên hoàn lui bộ đánh dồn chớ lơi. Lui về chạy ngựa giương roi. Diện tiền thủ bộ hẳn hòi bái sư.
Người dịch: Lão võ sư Phạm Đình Trọng – Đà Lạt, Lâm Đồng. Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ III - 1995

Hiện nay các môn phái, võ phái, võ đường Võ cổ truyền Việt Nam có nhiều bài Ngọc trản, lời thiệu giống nhau đến 80%, chỉ khác một vài câu từ và thứ tự chữ trong bài nhưng về kỹ thuật thì không bài nào đánh giống bài nào, phong cách mỗi bài mỗi khác. Chính vì lẽ đó Võ cổ truyền Việt Nam cần được biên soạn nhiều chuyên đề để rộng đường sưu tầm, nghiên cứu, bảo lưu và phổ biến tinh hoa Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Đà Lạt, tháng 2/2020 TVB

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 2151 | Added by: tvbaodl | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar