menu

04:09:53
THIỀN TRƯỢNG THIẾU LÂM PHẬT GIA QUYỀN

Trương Văn Bảo
Thiếu Lâm Phật Gia Quyền - Đà Lạt

Thiền trượng theo kinh điển nhà Phật gọi là Tích trượng, được các Bồ Tát dùng như một pháp khí với mục đích cao cả làm phương tiện hành đạo phổ độ chúng sinh. Bồ Tát là viết tắt của chữ Bồ-đề-tát-đoả (Phạn ngữ: Bodhisattva; Hán Việt: Giác hữu tình, hoặc là Đại sĩ). Theo kinh Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát là hành giả sau khi hành trì Ba la mật đa chứng thành Phật quả nhưng thệ nguyện độ khắp chúng sinh, khi chúng sinh chưa giác ngộ thì chưa nhập Niết bàn.

Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, môn võ từ cửa Phật, theo dòng chảy Thiền tông đi vào cuộc sống, lấy sự rèn tập làm phương tiện để cường kiện thể phách, điều phục vọng tâm. Ngoài quyền thuật, nội công, ngoại công, khí công, công phu đặc dị… còn có nhiều loại binh khí. Vũ khí nơi đây là vật tượng hình để hàng long, phục hổ, chế ngự tâm viên ý mã, tự thắng bản thân, trong đó có Thiền trượng.

Trượng có nghĩa là cây gậy, binh khí, binh trượng, nghi trượng. Hai quân đánh nhau gọi là khai trượng. Thiền trượng là tên gọi chung cho pháp khí của các vị cao tăng, nguyên là binh khí cổ đặc thù, được dùng như bảo bối chốn thiền môn, chiều dài và sức nặng tuỳ vào sở thích của mỗi người, nhưng chiều dài chung nhất thường là bằng khoảng chiều cao của người sử dụng. Muốn học và thi triển được kỹ thuật của trượng thì yêu cầu chủ yếu vẫn phải là có sức lực.

Theo sách Phật: Địa Tạng Vương Bồ Tát (Bodhisattva Ksitigarbha) đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn, cứu sinh linh trong địa ngục. Địa là đất, tạng là trùm chứa. Trong khi phát tâm ngài có nguyện rằng: “Địa ngục mà còn chúng sanh thì ta không chứng quả Bồ đề và sẽ không thành Phật”. Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát một tay cầm Như ý châu, một tay cầm Tích trượng có sáu vòng, biểu hiện sự cứu độ chúng sinh trong lục đạo.

Tích trượng còn gọi là trí trượng, hiện thân cho trí huệ sáng suốt của nhà tu tập, cũng còn ý nghĩa là minh trượng và thanh trượng, nghĩa là khi dùng đến thì phát ra âm thanh như tiếng chim kêu. Trong Tích trượng chứa đủ Tứ diệu đế và Thập nhị nhơn duyên. Đây là Tích trượng của Phật pháp. Theo Tích trượng kinh: Tích trượng của Phật Ca Diếp có hai gọng và 12 vòng tượng trưng cho hai đế (Chơn đế và Tục đế) và Thập nhị nhân duyên. Tích trượng của Phật Thích Ca có 4 gọng và 12 vòng tượng trưng cho Tứ đế và Thập nhị nhân duyên

Tiếu thuyết văn học cổ điển Trung Hoa Thuỷ Hử của tác giả Thi Nại Am chép rằng Hiệp khách Hoà thượng Lỗ Trí Thâm là một trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, một trong 36 Thiên cang tinh, từ lúc bước chân vào đường tu hành chỉ thích dùng Thiền trượng, nên đến khi sau lúc say rượu phá sơn môn, biệt sư, hạ sơn hành hiệp giang hồ ông cũng chỉ sử dụng Thiền trượng, dọc ngang bốn bể, danh trấn một thời. Ngày nay Phương trượng Thiếu Lâm Tự qua các đời cũng sử dụng Thiền trượng coi như một báu vật của người nắm giữ quyền uy cao nhất của Nhà Chùa.

Trượng được chia làm 3 phần: Đầu, đốc và thân trượng. Đầu trượng là một quả cầu bầu dục bằng kim loại có bốn cánh hoặc hai cánh với nhiều vòng khoen sắt. Thân trượng là một đoạn côn dài nối đầu và đốc trượng. Đốc trượng được gắn một mũi thương ngắn dùng để trợ chiến trong trường hợp sử dụng trượng với cả hai đầu và đốc. Tay phải nắm gần đầu, tay trái nắm gần đốc, tương tự như côn pháp. Hiện nay trượng là loại binh khí quý hiếm ít người sử dụng. Trượng pháp có nhiều điểm tương đồng so với côn pháp. Do vậy trong sử dụng ta thấy trượng pháp chính là sự biến hoá tinh hoa của côn pháp.

Trượng pháp có đánh, bổ, đập, đâm, thọc, quất, phang, phất, hất, bật, đỡ, gạt, hoành, khóa, bắt, khắc, tạt, tém, loang thiên, loang địa…Với ưu thế dũng mãnh một đầu nên nhiều kỹ thuật đánh, đập, khóa, đâm, bắt được dùng nhiều trong chiến đấu.

Trượng có nhiều tên gọi như Hoằng pháp trượng, Tam bảo trượng, Phục ma trượng, Phổ độ trượng, Nguyệt luân trượng, Khổng minh trượng, Bảo quang trượng, Đại tự tại trượng, Đại bát nhã trượng, Thiên Phật trượng, A la hán trượng…

Hình tướng của trượng là vật trấn môn. Tâm thể của trượng là phương tiện để hàng phục ma vương, tảo trừ vọng niệm, đoạn tuyệt với ba nghiệp chướng. Tám vạn bốn ngàn pháp môn đều trở về tự tánh. Hà sa diệu đức gồm tại nguồn tâm. Tất cả giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thần thông biến hoá thảy tự đầy đủ, chẳng lìa tâm. Chỉ cần bặt mọi nghĩ suy, không có tam giới để ra, không có Bồ Đề để cầu.

Thiếu Lâm Phật Gia Quyền có bài Ngưu Đầu Thiền trượng cảm ý từ Tuyết Đậu Thiền sư - Trùng Hiển:

Ngưu Đầu phong đảnh toả trùng vân.
Độc toạ liêu liêu ký thử thân.
Bách điểu bất lai xuân hựu khứ.
Bất tri thuỳ thị đáo am nhân.

Nghĩa là:

Trên đỉnh Ngưu Đầu phủ kín mây.
Ngồi nơi vắng vẻ gởi thân này.
Xuân đã qua rồi, chim chẳng họp.
Chẳng biết ai là kẻ đến đây.
TVB Đà Lạt

 

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 781 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar