menu

16:25:18
Ý NGHĨA TƯỢNG HÌNH TRONG VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN

Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt

Tượng hình có nghĩa là phỏng theo hình ảnh, dáng vẻ của sự vật, gợi lên suy nghĩ liên tưởng đến thực tế. Với Võ thuật cổ truyền, tượng hình là nền tảng căn bản, đặc thù, độc đáo có tính chiến đấu cao. Võ thuật cổ truyền Việt Nam tồn tại dù trải qua nhiều phong ba bão táp, ngoài ý nghĩa chiến đấu đồng hành cùng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, còn mang giá trị văn hoá, nghệ thuật, triết lý nhân sinh trong cuộc sống.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa;

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào;

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu…

(Chinh phụ ngâm khúc)

Các thế võ căn bản, đòn, thế, chiêu thức, lời thiệu Võ thuật cổ truyền của các loại hình quyền tay không, binh khí, khí công, mô phỏng, gợi hình dáng, động tác của sự vật, loài vật để miêu tả cách đánh hoặc ẩn dụ ý nghĩa một thông điệp truyền tải như tâm truyền tâm, ý truyền ý, truyền khẩu quyết hoặc thành văn qua sách vở.

Văn chương, chữ nghĩa Việt Nam phong phú, quá trình phát triển văn hoá có dùng chung từ gốc của các ngôn ngữ khác mà hiện nay trở thành Việt hoá không thể chối bỏ được. Nếu phủ nhận một sự thật để gọi là sáng tạo theo cách của mình mà không có cơ sở khoa học sẽ làm cho ngôn ngữ trở thành ngây ngô; chính vì vậy tên gọi các thế võ, bài quyền, binh khí Võ thuật cổ truyền vẫn mang hình dáng của ngôn ngữ Hán Nôm, toát lên ý nghĩa tượng hình thật thâm thúy.

Kỹ thuật căn bản Võ thuật cổ truyền:

- Mã bộ (bộ ngựa) tượng hình các thế tấn Võ cổ truyền. Chiến tranh xưa, sự thành bại của chiến tướng ngoài mặt trận phần lớn nhờ vào khả năng của những con ngựa chiến, cụ thể là những bước chân ngựa, linh hoạt, vững chãi, phối hợp hài hoà với các thế đánh của chủ tướng đang ngồi trên lưng ngựa.

- Thôi sơn (đẩy núi) tượng hình, hàm ý sức mạnh của nắm đấm có khả năng đẩy được núi.

- Hùng chưởng (ức bàn tay gấu) tượng hình cho sức mạnh của ức bàn tay người dụng võ. Sức mạnh của gấu tập trung vào ức bàn tay, gấu có thể tát vỡ mặt con cọp chỉ với một bàn tay. Vì lẽ đó mà tiên tổ Võ thuật cổ truyền đặt tên cho công lực ức bàn tay là “hùng chưởng”. Bàn tay gấu cũng là loại thức ăn đặc sản, quý hiếm hiện nay vì người ta nghĩ rằng ăn bàn tay gấu sẽ được mạnh như… gấu.

- Phượng dực (cánh phượng hoàng) tượng hình các thế đánh cùi chỏ của Võ thuật cổ truyền. Là loài chim cao quý của trí tưởng tượng, tự vệ giữa bầu trời, xoay trở, bay lượn, chiến đấu bằng đôi cánh, linh hoạt, ảo diệu, hiệu quả nên các thế đánh cùi chỏ được dùng với tên gọi “phượng dực”.

- Cương đao (đao cứng) tượng trưng cho cạnh bàn tay, trong các kỹ thuật chiến đấu của Võ thuật cổ truyền thì cạnh bàn tay là loại vũ khí lợi hại và nguy hiểm, bởi với một thế chặt mạnh, có công lực, xuyên phá vào cổ đối phương có thể gây trọng thương, thậm chí tử vong.

- Thủ chỉ (các ngón tay) là kỹ thuật sử dụng các ngón tay trong Võ thuật cổ truyền kèm theo các thế đánh tượng hình như “nhị chỉ đoạt ngọc” (có nghĩa là dùng 2 ngón tay móc mắt đối phương, “ngọc” tượng hình cho đôi mắt), “tam chỉ thần ưng” (3 ngón tay như móng vuốt của con chim ưng, chim ưng có thể dùng móng cắp mồi bay cao xa), “hổ trảo” (cọp dũng mãnh nhờ vào móng vuốt, cọp có thể cắp một con nai nhảy qua hàng rào chỉ bằng khả năng những chiếc móng của một chân trước và vỗ, tát, ghìm giữ con mồi bằng móng vuốt).

- Các thế đá tượng hình như “long thăng cước” (đá hất gót như rồng bay lên), “đảo sơn cước” (đá vòng cầu bằng lưng bàn chân, mạnh có thể lật được trái núi, hàm ý sức công phá của thế đá này)… và rất nhiều các thế võ khác.

Nếu vì một lý do nào đó mà phải rút ngắn tên gọi hoặc muốn Việt ngữ hoá hoàn toàn kỹ thuật thế võ, tách rời ý tưởng của tiền nhân để mang tính độc lập, hoặc cho có vẻ sáng tạo mà không có giải pháp hoàn chỉnh, thuyết phục, không thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn vay mượn thì vô tình làm cho thế võ trở nên mất ý nghĩa, mất giá trị tượng hình và giá trị văn hoá ngôn ngữ của một thông điệp mang tính chiến đấu cao trong Võ thuật cổ truyền.

Giữa thuật ngữ các đòn tay giản thể như “chém số 1, chém số 2”, hoặc “hạ đao”, “trảm đao” so với tên gọi “cương đao phạt mộc” tượng hình chém cây là kỹ thuật chém nghiêng 450 bằng cạnh bàn tay hoặc “cương đao trảm thạch” tượng hình chém thẳng xuống bằng cạnh bàn tay. Với các thế đá, nếu tên gọi đơn giản là “thế đá số 1, thế đá số 2, ” hoặc giản lược là “đăng cước”, “bàng cước”, “đảo cước” thay cho “long thăng cước”, “bàng long cước”, “đảo sơn cước” thì thế đá sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa, vì thực chất tượng hình “long thăng cước” là đá như rồng bay lên, “bàng long cước” đá như rồng cuộn, “đảo sơn cước” đá đảo vòng mạnh như lật núi. “Chỉ” có nhiều nghĩa, có nghĩa là ngón tay đồng thời cũng có nghĩa là ngón chân (Đào Duy Anh - Hán Việt từ điển), Võ thuật cổ truyền xưa nay dùng “thủ chỉ”, thủ có nghĩa là tay để tượng hình trọn vẹn cho kỹ thuật sử dụng các ngón tay. Thật ngô nghê khi mà gọi một cách cưỡng dụng kỹ thuật một ngón tay đâm hướng lên là “đăng chỉ” (!)

Thái Sơn trích thuỷ địa xà liên;

Thượng bổng kỳ phong, thoái bạch viên.

(Thái Sơn giọt nước chảy dài;

Ngoằn ngoèo ví tựa như loài rắn đi.

Nhấc côn quay phất một khi;

Lui về thủ bộ tựa như vượn ngồi)

(Bài Thái Sơn côn)

Xung thiên đề đao phản trảm nghinh;

    Lôi phong trá tẩu quỷ thần kinh.

   (Siêu đao cầm bộ xung thiên;

   Huơ đao chém ngược hứng lên nghinh liền.

   Trở tay cuốn gió chạy liền;

   Phát đao quỷ sợ thần kiêng ai tày).

  (Bài Siêu xung thiên)                  

Từ nguyên nghĩa Hán Nôm hoặc chuyên ngữ võ thuật Việt hoá, các đòn thế, chiêu thức tượng hình vẫn giữ tính độc đáo khi dịch sang ngôn ngữ khác, cụ thể thông dụng là tiếng Anh:

- Hắc hổ thu tâm (Black tiger steals heart), tượng hình hổ trảo tấn công vào vùng ngực, trái tim.

- Song long xuất hải (Double dragons emerge from sea), tượng hình thế đánh bằng song long trảo phóng tới hoặc song long chưởng đẩy phía trước như rồng ra khỏi biển.

- Bạch mã hiến đề (White horse presents hoof), tượng hình thế đá thốc lên bằng lưng bàn chân như ngựa hất móng.

- Độc xà xuất động (Poisonous snake emerges from pit), tượng hình thế đánh xà quyền như con rắn độc phóng ra khỏi hang.

- Ngạ hổ tha dương (Hungry tiger catches goat), tượng hình thế võ như cọp đói bắt dê, lôi kéo, giằng xé.

Ngôn ngữ hành chính của xã hội hiện nay nói: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” thay cho “Ngân hàng Quốc gia Việt Nam” nhưng chưa từng nghe nói: “Hàng không Nhà nước Việt Nam” mà vẫn phải nói “Hàng không Quốc gia Việt Nam”. Chính vì sự linh hoạt, uyển chuyển, ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ mà các thuật ngữ Võ cổ truyền vẫn mang nhiều giá trị tượng hình qua ngôn ngữ chuyên biệt không thể tách rời với những nét văn hoá truyền thống từ ngàn xưa.

Giữ gìn nét văn hoá truyền thống Võ cổ truyền Việt Nam cần có chuyên ban sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu, biên soạn một cách nghiêm túc các nguồn tư liệu, dùng trí tuệ tập thể, lấy sức mạnh từ sự đoàn kết. Lãnh đạo là người cần có tầm nhìn xa trông rộng, quyền biến, dũng cảm, biết lắng nghe những lời góp ý, phản biện trong xã hội, biết chiêu hiền đãi sĩ, năng động sáng tạo, đồng cam cộng khổ với phong trào, công bằng trung thực, hy sinh cho sự nghiệp mà trong xã hội thường kỳ vọng nơi người lãnh đạo của mình là đấng minh quân, là người có tầm, tâm và tài. Nếu chẳng may lãnh đạo của mình là một hôn quân mà chung quanh là một lũ nịnh thần, thì chắc rằng kẻ sĩ và những bậc kỳ tài trong thiên hạ sẽ “quy điền”, bạn với gió trăng, vui cùng cây cỏ. Vì kẻ sĩ trong thiên hạ chỉ có thể mời chứ không thể gọi.

TVB Đà Lạt

 

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 772 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar