menu

03:05:15
ĐẶC TÍNH VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN

Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

 

Đặc tính là tính chất đặc biệt. Tính chất đặc biệt ở đây thuộc lĩnh vực Võ thuật cổ truyền. Võ thuật cổ truyền Việt Nam có nhiều đặc tính, ngạn ngữ võ học có câu: “Song thủ Ngũ hành vi bổn; Lưỡng túc Bát quái vi căn”; có nghĩa là hai tay lấy Ngũ hành làm gốc, hai chân lấy Bát quái làm rễ.

Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Bát quái là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Theo Kinh Dịch thì Vô cực sinh Thái cực; Thái cực sinh Lưỡng nghi; Lưỡng nghi sinh Tứ tượng; Tứ tượng sinh Bát quái; Bát quái sinh vô lượng, biến hoá không cùng.

Võ thuật cổ truyền là bộ môn văn hóa truyền thống gắn liền với triết học, nên có câu: "Đằng sau võ học là triết học". Các bộ môn võ học Phương Đông đều dựa trên nền tảng của nguyên lý triết học: Âm Dương - Ngũ Hành. Học thuyết này có ảnh hưởng lớn đến nhiều phương diện của văn hóa truyền thống Phương Đông, trong đó Võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng không ngoại trừ.

Sách và tài liệu viết về Võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện nay không nhiều, nhất là tài liệu bằng tiếng Anh phổ biến ra nước ngoài rất hạn chế, gần như chưa có tác phẩm nào, mà mới chỉ có một số bài tiểu luận của một vài võ sư tâm huyết phổ biến qua các trang mạng bằng tấm lòng trong khả năng khiêm tốn của mình. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng chưa có điều kiện nghiên cứu sâu rộng cho nền võ học cổ truyền Việt Nam. Ngay cả câu: “Song thủ Ngũ hành vi bổn; Lưỡng túc Bát quái vi căn” là nền tảng của Võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng chỉ nghe đề cập mà chưa nghe phân tích tận tường để ứng dụng đúng nghĩa.

 

NGŨ HÀNH VI BỔN

Học thuyết Ngũ hành lấy năm loại vật chất cơ bản theo các nhà hiền triết cổ đại quy nạp vũ trụ, vạn vật vào Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Giữa chúng còn có một quy luật tương sinh, tương khắc tuần hoàn không dứt. "Tương sinh" mang ý là cùng sinh ra nhau, giúp nhau lớn mạnh, tức là Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim. "Tương khắc" là mang ý chế ước lẫn nhau, kìm hãm nhau, tức Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ.

Các môn phái Võ thuật cổ truyền Phương Đông thể hiện sự quan hệ với Ngũ Hành lớn nhất theo tư tưởng chỉ đạo là "Ngũ hành sinh khắc chế biến hóa", kết hợp với thế quyền, kết hợp với cơ thể con người, lấy "nội, ngoại Ngũ hành"của thân thể con người làm chủ.

Quan hệ của Ngũ hành với Võ thuật cổ truyền lấy hình dạng, tính năng, phương vị của Ngũ hành làm cơ sở chuẩn, đem các thức quyền phối hợp thành tổ hợp, lấy Ngũ hành làm hệ thống, làm nguyên tố cơ bản cấu thành các loại quyền thức, chiêu, thức trong võ thuật. Ngũ hành lại phân bố năm phương vị: phương Nam: Hỏa, phương Bắc: Thủy, phương Đông: Mộc, phương Tây: Kim, trung ương là Thổ; cũng như năm phương vị của người: trước, sau, phải, trái, và ở giữa. Võ thuật cổ truyền cũng đem bộ tiến, thoái, tả, hữu, định ở trung tâm làm Ngũ hành.

Các võ phái Võ thuật cổ truyền ứng dụng Ngũ hành vào các phần căn bản như:

1. Bộ Thuỷ: Các đầu ngón tay (Thủ chỉ), ứng với màu đen (hắc, ô)

2. Bộ Mộc: Cạnh bàn tay (Cương đao), ứng với màu xanh (thanh)

3. Bộ Hoả: Cùi chỏ (Phượng dực), ứng với màu đỏ (hồng, xích, hoả)

4. Bộ Thổ: Ức bàn tay (Hùng chưởng), ứng với màu vàng (hoàng, huỳnh)

5. Bộ Kim: Nắm tay (Thôi sơn), ứng với màu trắng (bạch)

                                                            

BÁT QUÁI VI CĂN

Võ thuật cổ truyền lấy đôi chân lập vị theo hình tượng tiêu biểu và di chuyển theo các hướng của Bát quái đồ. Vị trí của bộ tấn Võ Tây Sơn Bình Định trong đồ hình Bát quái (lấy trung bình tấn làm trung tâm) như sau:

1. Càn tam liên Tây Bắc Hùng long;

2. Khảm trung mãn chính Bắc Thanh xà;

3. Cấn phúc uyển Đông Bắc Hội phụng;

4. Chấn ngưỡng vu chính Đông Kim kê;

5. Tốn hạ đoạn Đông Nam lạc nhạn;

6. Ly trung hư chánh Nam Bạch hạc;

7. Khôn lục đoạn Tây Nam Hồng hổ;

8. Đoài thượng khuyết chính Tây Hắc hầu;

9. Lưỡng nghi tâm Trung bình lập thế.

Cung Càn long tấn, cung Khảm xà tấn, cung Cấn phụng tấn, cung Chấn kim kê tấn, cung Tốn nhạn tấn, cung Ly hạc tấn, cung Khôn hổ tấn, cung Đoài hầu tấn, trung bình tấn lập thế ở giữa (đồ hình 1).

Theo phương vị các cung, bài Bát quái câu liêm thân pháp, môn phái Võ Đang, di chuyển theo Bát quái đồ: Từ trung bình tấn (trung tâm chính vị) chân trái bước lên cung Cấn rồi kéo nhanh về cung Khôn; chân phải bước tới cung Càn đoạn kéo nhanh về cung Tốn; tiếp đến chân trái từ cung Khôn bước lên cung Chấn, chân phải từ cung Tốn xoay lưng đạp cung Khảm và chân trái từ cung Chấn bước ngang qua cung Đoài, xoay lưng lại chân phải lui về cung Ly... Trong di chuyển yêu cầu bàn chân tiếp sát và miết mạnh xuống mặt sàn (đồ hình 2).

Các môn phái Võ thuật cổ truyền thường gọi “tấn” là “ngựa”. Mỗi môn phái có cách đứng tấn khác nhau, tuy không khác nhau xa lắm nhưng có đôi chỗ khác biệt. Tên gọi tấn cũng không đồng nhất. Tên gọi các bộ tấn của Ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam qua nghiên cứu tương đối gần nhất so với các võ đường và môn phái trong nước hiện nay.

Sự khác biệt là điều tất yếu, tuy nhiên không phải tất cả những điều cổ nhân nói là đúng, nên có nhiều bộ tấn không phù hợp với tên gọi. Bộ tấn dùng minh hoạ trong “Lưỡng túc Bát quái vi căn” là của môn Võ Tây Sơn ngày trước tại Bình Định, minh hoạ không hẳn là mô hình chuẩn cho tất cả các môn phái hoặc thống nhất như Ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã làm.

Trên cơ sở lý luận “Lưỡng túc Bát quái vi căn” dùng giải thích căn bản bước chân theo đồ hình Bát quái, không quan trọng tên gọi thế tấn. Người tập có thể linh hoạt thay đổi các thế tấn phù hợp với môn phái, võ đường của mình, không nhất thiết phải theo thế tấn minh hoạ, mà chỉ theo bước chân cơ bản trên nền hình Bát quái.

TVB

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 1761 | Added by: adminweb | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar