menu

09:32:50
Khái niệm về Y võ dưỡng sinh

Trương Văn Bảo

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng


Y võ dưỡng sinh là một trong những nội dung huấn luyện của Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Hầu hết các môn phái Võ thuật cổ truyền Đông phương tự thân đều có dưỡng sinh. Dưỡng là nuôi, sinh là sự sống. Dưỡng sinh là phạm trù rộng lớn liên quan đến Dịch học, Đạo học, Thiền học, Triết học, Y học , Võ học…

Thần y Hoa Đà viết: “Người ta trên bẩm thụ ở trời, dưới ủy thác cho đất, lấy dương phụ, lấy âm tá. Trời đất thuận thì khí vận, người hanh thông; trời đất nghịch thì khí vận, người trắc trở. Trời đất có tứ thời, ngũ hành, có nóng lạnh, động tĩnh. Trời đất biến đổi, vui thì làm mưa, giận thì làm gió, kết đọng thành sương, dãn nở thành cầu vồng. Người có tứ chi, ngũ tạng, có thở hít, thức ngủ, có tinh khí lưu tán, thông hành là vinh, dãn nở là khí, phát ra thành tiếng động. Dương thể hiện ở hình thể, âm thận trọng giữ tinh. Đó là chỗ giống với trời đất”.

Y võ dưỡng sinh đặc biệt chú trọng đến phương pháp thở. Các sách nghiên cứu về y sinh, võ thuật Đông phương của Việt Nam và nước ngoài đồng quan điểm trong võ thuật cổ truyền nhấn mạnh đến các yếu tố “tâm hợp ý”, “khí hợp lực”, khí cần trầm lặng, dùng khí đẩy lực, cho nên chức năng hô hấp có ảnh hưởng rất đặc biệt. Theo định nghĩa khoa học thì hô hấp là quá trình lấy oxy từ ngoài vào và thải khí carbonic từ trong ra của cơ thể sinh vật.

Hô hấp trong y võ dưỡng sinh theo sự biến hóa của các động tác mà thành, lúc nào hít vào (hấp), lúc nào thở ra (hô) đều có nguyên tắc. Ví dụ khi thực hiện các động tác gập thân thu lại, hoặc đưa mình lên, co tay về, đưa chân lên để đá ra thì hít vào. Khi thực hiện các động tác hạ mình xuống hoặc kết thúc động tác đá chân, đấm tay và các động tác khác đi đến dứt điểm đều thở ra và yêu cầu thở sâu, dài, nhẹ nhàng. Thở trong luyện tập võ thuật theo nguyên tắc “động hấp - tịnh hô”.

Y võ dưỡng sinh mang đến cho người tập sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Lý luận y võ học cổ truyền nhận định thể chất và tinh thần là hai mặt Tâm - Vật của Khí, có tương quan với nhau. Khí công chính là công phu y võ có khả năng hợp nhất tâm thể để nuôi dưỡng sinh lực cho sự sống. Hô hấp có phương pháp sẽ nâng cao được lượng khí trao đổi làm tăng cường thể chất, gia tăng phế hoạt lượng của phổi và tiêu trừ sự ứ huyết trong cơ thể. Y học võ cổ truyền cho rằng thở bụng như một hài nhi là lối thở tự nhiên chưa bị tác động bởi cuộc sống, cách sống, ảnh hưởng tới lượng khí ra vào phổi. Đó là lối thở đúng nhất để hoà hợp với thiên nhiên. Thuật ngữ chuyên môn y võ gọi cách thở này là hiệp khí.

Mục đích của y võ dưỡng sinh là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những kiến thức dưỡng sinh sâu xa về thiên nhiên và con người trong Hoàng Đế Nội Kinh là:

- Hiểu biết qui luật thiên nhiên với những chu kỳ biến thiên cùng biến động bất thường tác động lên sự sống.

- Hiểu biết con người cả về tinh thần lẫn thể chất để điều hòa quân bình tránh không bị rơi vào tình trạng thái quá (hữu dư) cũng như không đủ (bất túc).

- Hiểu biết tương quan mật thiết giữa thiên nhiên và con người (thiên nhân tương ứng), cũng như những tác động của xã hội lên con người để tìm ra phương pháp luyện tập, một lối sống hài hòa, một thái độ tinh thần thích đáng hầu có thể tránh được những tổn thương, thích nghi với môi trường, hoàn cảnh, đẩy lùi bệnh tật.

Sự cần thiết và tầm quan trọng của dưỡng sinh là “tâm dưỡng sinh”, chính điều đó đã đưa dưỡng sinh lên thành “đạo dưỡng sinh”. Y võ dưỡng sinh vận động theo lý biến hóa của vũ trụ, thuận theo tự nhiên của trời đất, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động, trong nhu có cương, trong cương có nhu, dụng ý bất dụng lực, vô trung sinh hữu. Các động tác của y võ dưỡng sinh trông bề ngoài nhu nhuyễn nhưng bên trong chứa đựng một nội lực thâm hậu liên tục chuyển động như một đường tròn không có đầu mối.

Y võ dưỡng sinh là phương pháp vận động toàn thân gíup cho các bộ phận trong cơ thể có dịp hoạt động đều, trong tập luyện lại kết hợp hô hấp với các động tác mang lại lợi ích cao cho tinh thần và thể chất.

+ Đề khí: (ngước lên thở). Ở trong tình huống này do động tác từ thấp ngẩng lên cao, dùng phương pháp đề khí, phương pháp này là hóp bụng, mở lồng ngực, cơ bả vai co lại. Thở sâu ngực, để cho khí chuyển từ dưới lên, khí tống đầy nâng trọng tâm cơ thể lên có lợi cho khí di chuyển để thực hiện các động tác bước ngang, nhảy, đá, như động tác song phi, quay đá gió, lộn trên không…

+ Trầm khí: Khi thực hiện động tác từ cao xuống thấp, dùng phương pháp trầm khí, phương pháp này là quá trình hô hấp thở bụng cổ điển, thông qua cơ hoành cách, vận động cơ hoành theo làn sóng, làm cho khoang bụng nhu động. Do đó động tác hơi thở có tiếng kêu. Khi thở trầm khí yêu cầu “trầm khí đan điền”, điều này làm cho ngực mở rộng, thành bụng chắc, hạ thấp trọng tâm cơ thể, đạt đến sự ổn định chắc chắn, khổ luyện cứng như đá. Những động tác thấp, chân bước trước sau, động tác ngồi toà sen, v.v… dễ làm phương pháp trầm khí.

+ Tụ khí: Khi làm động tác từ cao xuống thấp dùng phương pháp tụ khí, nghĩa là sau khi hít vào giữ khí, đồng thời các động tác tay dùng lực thở đẩy khí toàn thân, đó là hình thức dùng lực trong võ thuật. Chúng không những tăng lực, phát lực mà còn loại trừ được yếm khí xuất hiện, ảnh hưởng không tốt đến hệ tuần hoàn.

+ Thác khí: Khi thực hiện động tác tĩnh lực đứng hoặc ngồi cần dùng phương pháp thác khí là khi kết thúc thở, kiên trì tiếp tục thở chậm, nhanh dần và “nín khí”, thác khí bằng động tác bụng trợ giúp, thác khí tập tư thế đẹp và cơ thể có thần, khoẻ mạnh, khí thế hùng dũng, khi thực hiện yêu cầu thân thể cân bằng yên tĩnh.

Những hình thức thở trên biến hóa theo các động tác nhưng cần tôn trọng yêu cầu cơ bản “khí dễ trầm”, vận khí cần thuận tự nhiên. Thiền sư Huệ Minh nói rằng: “Phổi là nơi chứa khí. Khí là chúa của sức mạnh. Muốn nói đến sức mạnh phải biết khí”.                                                                  

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hướng dẫn bài tập thở như sau: “Thót bụng thở ra; Phình bụng thở vào; Hai vai bất động; Chân tay thả lỏng; Êm chậm sâu đều; Tập trung theo dõi; Luồng ra luồng vào; Bình thường qua mũi; Khi gấp qua mồm; Đứng ngồi hay nằm; Ở đâu cũng được; Lúc nào cũng được!

       A SIMPLE BREATHING EXERCISE (Bài tập thở đơn giản của RICK ZANOTTI)

One of the keys to successful martial practice is that correct breathing. Here is a simple exercise to relax the body and mind (Một trong những nguyên tắc cơ bản thành công trong luyện tập võ thuật là thở đúng. Đây là bài tập đơn giản giúp cho thân thể và tinh thần thoải mái).

1. Sit in the chair with your feet uncrossed and your palms lightly on your knees. Close your eyes gently. (Ngồi không tréo chân trên ghế, đặt nhẹ hai ức bàn tay lên đầu gối. Nhắm hờ đôi mắt lại).

2. Slowly breathe in with your mouth closed. Imagine the air coming up from the ground into your feet and up into your torso area. (Thở chậm vào bằng mũi. Hãy tưởng tượng không khí từ mặt đất đi vào chân rồi vào cơ thể bạn).

3. Hold the breath for about four seconds. (Giữ hơi thở lại khoảng bốn giây).

4. Slowly exhale the breath out while imagining that it is leaving out the top of your head. (Thở chậm ra trong khi tưởng tượng hơi thở đi ra trên đỉnh đầu của bạn).

5. Repeat at least five times. (Lặp lại ít nhất 5 lần).

This is a form of reverse breathing and will help you concentrate on forcusing your breathing and developing your energy. This exercise can also be done while standing up, feet slightly apart and hands either relaxed or in the “hugging a tree” position. (Đây là hình thức thở đảo nghịch - từ phía dưới lên trên đầu - sẽ giúp bạn tập trung tâm điểm hơi thở và phát huy năng lực. Bài tập này có thể được tập trong khi đứng, hai chân mở ra khoảng cách nhỏ, hai tay buông lỏng hoặc trong tư thế “ôm chặt thân cây”.

“Before a foot or hand strikes, comes Breath - Chi which is transferred with blood and is the base of Courage and Strength” (Secrets of the use of Breath - Chi [Chi Kung] in Shaolin Martial Practice). (Trước khi ra đòn chân hoặc đòn tay, từ hơi thở - khí được chuyển với máu và là nền tảng của sự dũng cảm lẫn sức mạnh).

Qigong may be used as a daily routine to increase overall health and well-being, as well as for disease prevention and longevity. It can be used to increase energy and reduce stress (Gale Encyclopedia of Medicine, 3rd ed. 2006, Dupler, Douglas; Frey, Rebecca) (Khí công có thể được dùng như “việc làm thường ngày” để phát triển sức khỏe toàn diện và sống vui, cũng như phòng ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Khí công cũng được dùng để tăng cường sinh lực sống và giảm đi sự căng thẳng).

Vận động hay không vận động dưỡng sinh thì “tâm” vẫn là yếu tố chủ đạo. Công án Tổ Đạt Ma an tâm trong Vô Môn Quan của Thiền sư Vô Môn như sau: Tổ Đạt Ma ngồi ngó vách. Nhị tổ (Huệ Khả) đứng giữa tuyết tự chặt tay mà thưa: “Tâm đệ tử không an. Xin Thầy an cho”. Tổ Đạt Ma dạy: “Đưa tâm đây ta an cho”. Nhị tổ (Huệ Khả) thưa: “Đệ tử tìm tâm mãi không được”. Tổ Đạt Ma đáp: “Ta an tâm cho con rồi đó”.

Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sư an vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình. (Kinh Pháp cú - Yamakavaggo).


T.V.B

Category: Luận văn Võ thuật cổ truyền | Views: 941 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar