Gắn bó với võ từ khi còn thơ trẻ cho tới lúc đầu đã bạc, người võ sư ấy vẫn mải miết với mong ước truyền bá võ Việt tới rộng rãi người yêu võ cả trong và ngoài nước. Không chỉ lập võ đường, nạp môn sinh, viết sách báo truyền bá võ thuật, ông còn hăng hái với những công việc “vác tù và hàng tổng”, là người hoạt động nhiệt tình trong các công việc xã hội với mong muốn cùng gánh vai cho võ đi xa. Danh tiếng của ông không dừng ở làng võ Việt mà đã vang danh trong làng võ thế giới. Đó chính là võ sư Trương Văn Bảo, Chưởng môn Thiếu Lâm Phật gia quyền Lâm Đồng, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền, Phó Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, người đã đóng góp rất lớn cho sự mở rộng của võ phố núi.
(Võ sư Trương Văn Bảo (phải) chụp hình kỷ niệm với võ sinh người nước ngoài)
Theo học Thiếu Lâm Phật gia từ khi còn rất trẻ, võ sư Trương Văn Bảo đã thấm với tôn chỉ của môn phái, học võ và dạy võ một cách hòa hiếu, lấy lợi ích của chung làm trọng. Bởi vậy, suốt đời, như võ sư thừa nhận, “tôi chưa bao giờ đánh nhau với ai, vì chuyện tức giận cá nhân lại càng không. Với tôi, võ không chỉ là võ, đó còn là con đường để xây dựng nhân cách”.
Võ đường Trần Hưng Đạo của ông đã dạy hàng ngàn học trò, trong đó có không ít học trò nước ngoài. Trên sàn tập, võ sư Bảo đòi hỏi rất nghiêm khắc, học trò phải tập hết sức, đổ mồ hôi. Nhưng ra ngoài sân đấu, tình hữu ái đồng môn là trên hết, môn sinh không được phép đánh lộn, lấy võ ra làm hại người, hại mình.
Với khả năng tiếng Anh của một cử nhân ngoại ngữ, ông cũng là lựa chọn của nhiều học trò người nước ngoài yêu võ Việt, nhiều môn sinh là người nước ngoài sống và làm việc ở Đà Lạt, nhất là các thầy cô giáo, sinh viên nước ngoài đang học và dạy tại Trường Đại học Đà Lạt đã đến với võ đường.
Không chỉ dừng lại ở dạy võ trực tiếp, võ sư Trương Văn Bảo còn dốc lòng truyền bá võ thuật bằng viết sách, viết báo về võ thuật. Ông viết hàng trăm bài báo, tham gia hàng chục đầu sách, viết với phong cách dễ hiểu nhất để đông đảo công chúng hiểu về những khái niệm như âm dương ngũ hành, binh khí, lịch sử, võ đạo… trong võ thuật. Những sách dạy về kỹ thuật, hướng dẫn rèn luyện đạo đức trong võ thuật cho người học và dạy võ cũng được ông chú tâm viết rất kỹ càng, trở thành tài liệu chính thống của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Tiếp cận công nghệ thông tin nhanh chóng, ông còn viết về võ thuật trên các trang mạng để bạn trẻ học võ dễ dàng tiếp cận thông tin.
]Không “đóng khung” trong việc dạy và học Thiếu Lâm Phật gia quyền, võ sư Trương Văn Bảo còn là người sẵn sàng tiếp cận với những môn võ khác, dù quen hay lạ. Ngoài sở trường võ cổ truyền, ông vẫn sẵn sàng học thêm những môn võ mới, lạ trên thế giới.
Ông sang Thái Lan để học thêm về muay Thái, ở Brazil cả tháng để học với một đại sư chuyên về jujitsu, các môn khác như karatedo, Aikido…, ông đều học qua cho biết. ông nói: “Võ học là cùng một gốc, như nhiều nhánh cây cùng một cội. Tôi học thêm các môn khác để hiểu rõ về môn phái của mình hơn, để mở rộng tầm mắt hơn. Người học võ cũng cần có một tấm lòng và cái nhìn rộng mở, không nên cố chấp vào cái tôi quá mà dễ dẫn tới sai lạc tinh thần võ thuật”.
Ông đã mang tinh thần ấy cùng võ Việt tới rất nhiều những liên hoan võ thuật quốc tế, những cuộc thi võ toàn thế giới, những võ đường ở các phương trời xa và ở đâu cũng nhận được những sự khâm phục đích thực. Cũng với tinh thần ấy ông tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của võ thuật Lâm Đồng và cả nước với hy vọng góp phần đưa võ thuật phát triển rộng khắp. Ông tâm niệm: “Cuộc sống hiện đại đầy bất trắc và cám dỗ, võ thuật cũng là một con đường giúp các bạn trẻ sống có mục đích hơn. Học võ để vừa có thể chất tốt, vừa tránh được nhiều cạm bẫy, vững vàng hơn trên đường đời”.
Đánh giá về võ sư Trương Văn Bảo, nhà báo Ludovic Mauchien, chủ biên tạp chí võ thuật Pháp Karate Bushido viết về ông như một nhà hiền triết, tổ phụ của Thiếu Lâm Phật gia quyền tại Việt Nam, một chính nhân quân tử, người viết sách về võ cổ truyền Việt rất sâu sắc. Và trên hết, như võ sư tự nhận, suốt đời ông rong ruổi trên con đường võ thuật hầu mong làm rạng danh võ Việt, rạng danh một nền võ học đã có cả ngàn năm lịch sử mà ông đã tin, đã yêu và nguyện gắn bó.
DIỆP QUỲNH
|