menu

10:29:13
Thi ca trong thiệu Võ cổ truyền

Trương Văn Bảo

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam


Ở góc nhìn nào đó, võ không khô khan như nhiều người thường nghĩ mà ngược lại thấm đậm chất thi ca, lãng mạn, trữ tình trong cuộc sống. Người xưa tâm hồn lai láng dù đi lên trên con đường đầy dẫy những chông gai, gian khổ. Sự đơn sơ, mộc mạc buổi đầu đã nuôi dưỡng lòng người rộng mở một tâm hồn giữa quãng trời bao la, thanh thoát.

Xã hội ngày nay nhận định: “Võ cổ truyền Việt Nam là tên gọi những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Với những kỹ pháp võ thuật này, người Việt Nam đã dựng nước, mở mang và bảo vệ đất nước suốt trong quá trình lịch sử Việt Nam.”

Người tập Võ cổ truyền ngày trước, dưới ánh trăng thanh hay khi canh gà bình minh gáy sớm, trên thảm cỏ, nền đất, gò đồi, bên bờ ruộng, luỹ tre, miệng đọc thiệu, chân bước đi, tay hoa quyền vẽ nên bài thảo, lời thiệu ẩn tàng ý nghĩa thâm sâu tạo nên những đường quyền, thế cước, gửi gắm tâm hồn của người dụng võ. Không phải múa võ để chơi, không phải đọc thiệu như đọc thơ lúc trà dư tửu hậu mà tự trong bài quyền và lời thiệu nhất nhất nương tựa vào nhau tạo thành những chiêu thức, yếu lĩnh và triết lý của từng môn.

Thiệu Võ cổ truyền Việt Nam là thuật ngữ chỉ lời dẫn ý nghĩa của bài quyền, giúp người tập dễ nhớ, lại thêm chất chứa tâm tư mang tinh thần triết lý sống. Mỗi bài quyền Võ cổ truyền Việt Nam đều có lời thiệu, bài thiệu, hay gọi tắt là thiệu. Võ cổ truyền Việt Nam gọi là lời thiệu. Võ cổ truyền Trung Quốc (Thiếu Lâm) gọi là ca quyết. Thiệu võ lấy hình tượng thiên nhiên, cỏ cây, muông thú hoà quyện với tâm hồn con người làm tinh thần cho chiêu thức, dùng ẩn dụ để tạo nên thế võ, dùng đối ứng, tượng hình để làm cho bài quyền thêm đặc thù, phong phú.

Thiệu Võ cổ truyền Việt Nam có nhiều hình thức và ý nghĩa, có bài chữ Hán, có bài chữ Nôm, có bài thuần Việt. Chữ nghĩa chỉ là phương tiện diễn tả mục đích, tâm tư, tình cảm, thông điệp văn hoá của người đi trước truyền đạt lại cho người đi sau. Xưa truyền khẩu, nay thành văn tự lưu giữ tránh được sự mai một, thất thoát hoặc sai lệch khi đối chiếu, nghiên cứu tìm hiểu.

Thiệu Võ cổ truyền Việt Nam như bài thơ, bài phú, bài hát nói, có nhiều cách diễn đạt, từ 4 chữ, 5 chữ, câu 6 câu 8 (lục bát), 7 chữ, 8 chữ, 2 câu 7 câu 6 câu 8 (song thất lục bát) hoặc không theo một trật tự nào như thơ tự do, nhưng nổi bật và ấn tượng thường là những bài thiệu dưới dạng thơ Đường 8 câu, mỗi câu 7 chữ, trong văn học thi ca gọi là thất ngôn bát cú.

Bài thiệu Võ cổ truyền viết theo thể thơ Đường thất ngôn bát cú không hoàn toàn khắt khe như trong văn học, tuy nhiên cũng đầy đủ các yếu tố căn bản của Luật Đường thi. Theo tài liệu Văn học sử, thơ thất ngôn bát cú có thể làm theo hai cách thông dụng là Đường luật và Cổ phong.

Thất ngôn bát cú theo Đường luật phải nghiêm khắc về luật, niêm, vần và bố cục rõ ràng. Thất ngôn bát cú theo Cổ phong có phần phóng túng hơn, không bắt buộc chính xác theo quy luật, có thể dùng độc vận (một vần) hay liên vận (nhiều vần) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau cho dễ đọc. Còn một cách khác là thất ngôn bát cú theo Hàn luật, thường là thơ Nôm, cách gieo vần là các tiếng cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 hiệp vần “bằng” với nhau.

Bài thiệu Võ cổ truyền thất ngôn bát cú cơ bản vẫn theo các quy luật sau:

- Hai câu 1 và 2 là “mở đề” và “vào đề”.

- Hai câu 3 và 4 là hai câu “thực” (miêu tả), hai câu này phải đối nhau cả về thanh (bằng đối trắc hoặc ngược lại) và về ý hoặc nghĩa.

- Hai câu 5 và 6 là hai câu “luận” (suy luận), cũng đối nhau về thanh và ý hoặc nghĩa.

- Hai câu 7 và 8 là hai câu “kết” (kết luận), không bắt buộc đối nhau.

Khi diễn tả bài thơ Đường thất ngôn bát cú, cách ngắt nhịp là 2/2/3 hoặc 4/3. Cũng có trường hợp ngoại lệ một vài câu xen kẽ ngắt nhịp 3/4, nhưng rất ít. Khi phân thế võ thường cũng theo cách ngắt nhịp mà định hình cho chiêu thức.

Một số bài thiệu Võ cổ truyền Việt Nam tiêu biểu theo hình thức thơ Đường thất ngôn bát cú:

Bài thiệu võ: SIÊU XUNG THIÊN

1. Xung thiên đề đao phản trảm nghinh.

2. Lôi phong trá tẩu quỷ thần kinh.

3. Đê đầu tầm thọ lai phụng tấn.

4. Trảm phạt trung bình toạ ngưu canh.

5. Long thăng hổ giáng loan xa sát.

6. Tiềm tàng ẩn phục điểu kiên thinh.

7. Lạc mã bàng phi lai cấp thích.

8. Tứ trung bình toạ phục sanh môn.

Bài thiệu võ: HÙNG KÊ QUYỀN

1. Lưỡng kê giao nạp thỉ tranh hùng.

2. Song túc tề phi trảo thượng xung.

3. Trấn ải kim thương như bạch hổ.

4. Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long.

5. Xuyên cung độc tiễn tăng ư trác.

6. Hồi thủ đơn câu thọ tứ hùng.

7. Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ.

8. Nhu cương cường nhược tận kỳ trung.

Bài thiệu võ: ROI TẤN NHẤT

1. Tấn nhất trung bình đả tả biên.

2. Tế thiên giáng hạ thích đơn tiên.

3. Toạ tả toạ hữu giai trùng nhị.

4. Phụng khởi tề mi phục võ truyền.

5. Xà hành trích thuỷ song song đả.

6. Lập bộ lôi công tấn bộ chuyền.

7. Gian khê tẩu mã quy Lữ Vọng.

8. Tấn thích biên giang lập bộ tiền.

Bài thiệu võ: LÃO MAI QUYỀN

1. Lão mai độc thụ nhất chi vinh.

2. Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành.

3. Đản nhất cấp tạ hồi lão khởi.

4. Phi nhất phát tiền thối thanh đình.

5. Thanh long chuyển dực toàn vân hổ.

6. Phù điệp song phi lão ấn sanh.

7. Hoạt quật song câu lôi thiết tỏa.

8. Vương tôn tam tảo hổ xà thành.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam là chiến đấu nhưng mang đôi cánh của thiên thần, chở tâm hồn bản sắc văn hoá dân tộc, nghệ thuật, triết lý, y võ, dưỡng sinh, bay qua khung trời đầy viễn mộng. Các bài võ cổ truyền là những tác phẩm nghệ thuật do người xưa tư duy, trải nghiệm, đúc kết, sáng tạo. Có bài sâu, bài cạn, có bài giả, bài chân, và quy luật thời gian sàng lọc để còn lại những viên ngọc quý lưu cho đời sau. Nhưng không phải tất cả những gì tiền nhân để lại đều là tuyệt đối. Tiền nhân có trí của người đi trước, hậu sinh có tuệ của kẻ đi sau. Mạnh tử, thiên Tận tâm hạ, có câu: “Tận tín thư bất như vô thư - “孟 子 曰 : 盡 信 書 不 如 無 書” (Tin hoàn toàn vào sách, thà rằng không sách còn hơn).


Đà Lạt, 3/2015

T.V.B

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 966 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar