20:10:45 Thiếu Lâm Phật Gia Quyền | |
SHAOLIN BUDDHA KUNGFU Trương Văn Bảo Thiếu Lâm Phật Gia Quyền - Đà Lạt Thiếu Lâm Phật Gia Quyền (Shaolin Fut Gar Kuen, Shaolin Buddha Fist, Shaolin Buddha Kungfu) xuất xứ từ Thiếu Lâm Tự, ngôi chùa tại Tung Sơn, thị xã Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Thiếu Lâm Tự nổi tiếng bởi sự liên hệ phát triển giữa Thiền tông Phật giáo và Võ thuật. Thiếu Lâm Tự với Môn phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc của các võ phái Trung Quốc hiện nay, từng có câu thành ngữ về điều đó: “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”, có nghĩa là mọi công phu trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm. Theo dòng chảy của Thiền tông Phật giáo, Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, tên gọi của môn võ từ cửa Phật, cũng tỏa đi khắp nơi. Phật Gia có nghĩa là “Nhà Phật”. Quyền pháp Thiếu Lâm Phật Gia ẩn tàng các yếu quyết cương nhu, mang đầy đủ vóc dáng của “Đạt Ma thập bát thủ”, “La Hán trấn sơn thập bát cước”, “Ngũ hình quyền”, “Thập hình quyền”, “Hổ hạc song hình quyền”, “Hầu hạc song hình quyền”, “Khai sơn quyền”, “La Hán quyền”, “Dịch cân kinh”, “Tẩy tủy pháp”… cho đến nội công, ngoại công, khí công, công phu đặc dị và nhiều loại hình binh khí thập bát ban, đặc biệt là Thiền trượng. (Thập bát ứng thị Lão Dương chi số giả, vũ khí tượng hình phục hổ hàng long sáo phủ chi trung. Long thị can giả. Hổ thị phế giả. Điều phụ vọng tâm. Viết thị danh kỳ nhân đệ nhất ban võ nghệ). Về tinh thần, Thiếu Lâm Phật Gia Quyền theo tôn chỉ Thiền tông Phật giáo, học điềm đạm, khiêm tốn, tự thắng để làm hành trang: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Tự giác nhi giác tha”, “Đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình, tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” (Lời Đức Phật Thích Ca), lấy Mười Điều Tâm Niệm trong Luận Bảo Vương Tam Muội và Thiếu Lâm Thập Giới Ước của Tổ sư Đạt Ma làm kim chỉ nam để giáo dục cho các thế hệ môn sinh. Tổ thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là người của nước Quốc Hương, thuộc Nam Thiên Trúc (De-khan), tức Ấn Độ, con thứ ba của vua Chí Vương, dòng Sát Đế Lị, tên tục là Bồ Đề Đa La (Bodhitara) Đại Võ sư Trương Văn Bảo ……. Tổ Đạt Ma cỡi sóng qua Đông Độ. Tổ Đạt Ma vào đất Ngụy đường đường như một kiếm khách chốn hải tần. Tổ Đạt Ma “đơn đao trực nhập” triều đình Lương Võ Đế, nói pháp như chuyển sóng. Tổ Đạt Ma chín năm trầm hùng ngồi nhìn vách đá Chùa Thiếu Lâm. Tổ Đạt Ma kỳ diệu ban pháp an tâm. Tổ Đạt Ma cỡi bè lau về Thiên Trúc. Tổ Đạt Ma xách một chiếc dép phi hành trên ngọn Thông Lãnh. Tổ Đạt Ma và Tổ Đạt Ma. …… Người đi qua không gian, hiển hiện như chưa - từng - có. Người đi qua không gian, hiển hiện như chưa - từng - không. Người đi thẳng vào sự thật, dẫm nát dư luận. Người đi thẳng vào lòng người, không mặt nạ. Ngoài dứt chư duyên. Trong không toan tính. Tâm như tường vách. Mới là đạt đạo. Bồ Đề Đạt Ma là Tổ sư Môn phái võ thuật Thiếu Lâm, nhập niết bàn ngày mồng 9 tháng 10 năm Bính Thìn, tức năm Đại Thông thứ 2 triều Nhà Lương (529 TL). Tư tưởng Thiền tông Phật giáo qua cuộc đối thoại ghi trong Pháp Bảo Đàn Kinh: Ngũ Tổ hỏi rằng: “Nhà ngươi là người phương nào, muốn cần vật chi?” Huệ Năng thưa rằng: “Đệ tử là dân thường ở Tân Châu trong xứ Lãnh Nam, từ xa lại đây lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ chẳng cầu vật chi khác”. Ngũ Tổ nói: “Ngươi là người xứ Lãnh Nam lại là giống muông mọi, làm sao làm Phật được?” Huệ Năng bạch rằng: “Người ta tuy có kẻ Nam người Bắc, chứ cái Phật tánh vốn không Nam, Bắc. Thân muông mọi với thân Hòa Thượng chẳng đồng, chớ cái Phật tánh có chi là khác biệt?” Bồ Đề vốn không cây. Gương sáng cũng không đài. Xưa nay không một vật. Đâu chỗ nhuốm trần ai? MƯỜI ÐIỀU TÂM NIỆM 1. Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì tham dục dễ sanh. 2. Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy. 3. Cứu xét tâm tính đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu triệt. 4. Sự nghiệp đừng cầu không chông gai, vì không chông gai thì chí nguyện không kiên cường. 5. Việc làm đừng mong dễ thành, vì dễ thành thì lòng thị thường kiêu ngạo. 6. Giao tiếp đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa. 7. Với người đừng mong thuận chiều ý mình, vì thuận chiều ý mình thì tất sinh tự kiêu. 8. Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có ý mưu tính. 9. Thấy lợi đừng nhúng tay, vì nhúng tay thì hắc ám tâm trí. 10. Oan ức không cần biện bạch vì biện bạch là hèn nhát, mà trả thù thì oán đối kéo dài. Bởi vậy, Phật Đà thiết lập Chánh Pháp, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai góc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế nên, ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả. (Luận Bảo Vương Tam Muội) THẬP GIỚI ƯỚC THIẾU LÂM PHẬT GIA QUYỀN Thiếu Lâm Thập Giới Ước là những điều răn do Đạt Ma Tổ sư nêu ra. Trải đã hơn ngàn năm, những điều răn trên vẫn được các thế hệ môn đồ tuân thủ. Điều 1: Rèn tập kỹ thuật Thiếu Lâm này chủ yếu nhằm cường kiện thể phách, cần chuyên chú sớm hôm, không được tự tung lầm lẫn. Đìều 2: Thuần thục kỹ thuật song hành với thấm nhuần ý niệm từ bi của Phật Gia. Chỉ sử dụng kỹ thuật khi cần tự vệ, tuyệt đối cấm buông thả. Kẻ thích dùng bạo lực kể như đã vi phạm thanh qui. Điều 3: Trong sinh hoạt thường ngày phải kính cẩn theo lời các bậc Sư trưởng, không nên có hành vi ngạo mạn hoặc đối nghịch. Điều 4: Đối với bạn bè đồng môn cần giữ hòa thuận, ôn lương, thành tín, không được dè bỉu hoặc có ý “thị cường lăng nhược”. Điều 5: Khi bôn tẩu cùng tục gia tương ngộ, cần nhẫn nhục thể hiện chủ ý cứu đời, cứu người, không được sử dụng công phu Thiếu Lâm bừa bãi. Điều 6: Theo môn qui Thiếu Lâm, không được tức khí đua tranh, không được tỉ thí. Gặp người chưa rõ lai lịch hãy giữ lễ chào kính nhau, nếu là đồng môn hãy giúp đỡ nhau để tỏ tình đồng đạo. Điều 7: Rượu thường đoạt trí, thịt dễ mê hồn. Rượu thịt là thứ đại cấm kỵ của đệ tử Phật Gia, phải tuyệt đối tránh xa. Điều 8: Nam phong nữ sắc cũng là thứ đại cấm kỵ của đệ tử Phật Gia, tuyệt đối không được tơ hào. Điều 9: Đối với tục gia đệ tử, cần xem xét và thử thách cẩn trọng khí có ý truyền thụ võ công, không thể nhẹ dạ nghiêng theo sự cao hứng nhất thời, khinh suất để vướng vào tội di hại cho đời, phạm lỗi đi ngược lại tôn chỉ Phật Gia và môn phái. Điều 10: Ỷ mạnh tranh thắng, lớn lối khoe khoang, chê bai người khác là cách tự giết mình mà còn lưu độc cho người. Đem kỹ thuật truyền thụ bừa bãi cho người vì tình thân thúc bách hoặc mưu cầu phú quý làm bại hoại Thiền môn là gieo họa cho đời. TVB - Đà Lạt | |
|
Total comments: 0 | |