menu

16:42:14
TRONG VÕ CÓ VĂN VÕ MỚI DÀY

Võ sư - Nhà thơ Tấn Vương - Thành phố Đà Nẵng

Ta nhớ ngày xưa thuở ông cha
Tôi văn luyện võ ổn Sơn Hà
Lấy văn làm gốc bình thiên hạ
Dụng võ kiện toàn đất nước ta


Trong suốt 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, các bậc tiền bối đã dụng Văn và dụng Võ rất hiệu quả trong việc kiện toàn và bảo vệ đất nước, Võ và Văn luôn đồng hành cùng lịch sử nước nhà cho đến ngày hôm nay.


Định nghĩa về Văn:
Văn là kiến thức, sự hiểu biết về cả hai phương diện tự nhiên và xã hội, được gia đình và nhà trường giáo dục từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành. Đó cũng có thể là số vốn văn hóa hay nền tảng đạo đức để con người dùng làm thước đo về sự chuẩn mực trong cuộc sống. Ngoài việc sử dụng Văn để lập nghiệp, chúng ta còn góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Văn là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra tất cả tri thức của nhân loại, là điều kiện cần cho mọi lĩnh vực cuộc sống. Trong triều đại phong kiến, quan Văn luôn là tâm phúc của nhà Vua, là cánh tay hữu dụng phò tá Vua trong việc bình dân trị quốc. “Văn” luôn được coi trọng trong Xã hội, từ đó nhà nước luôn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người được đi học, nâng cao kiến thức để góp phần phục vụ cho sự phát triển của xã hội.


Từ ngàn xưa, trong dân gian đã truyền tụng nhiều câu thành ngữ công nhận tầm quan trọng của “Văn” như: “Văn hay, Võ giỏi”; “Tiên học lễ, hậu học Văn”; “Ăn vóc học hay”; “Văn khai tâm, Võ khai lực”; “Không thầy đố mày làm nên”;… Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu và đây được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, nơi tôn vinh các cá nhân mang học hàm cao quý trong thời đại phong kiến như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp và Tiến sĩ.


Trong thời chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tích cực phát động các phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ,… để tăng cường bổ túc văn hóa và nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Cố thi nhân Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nói: “ Văn được lòng dân, Văn hóa Võ”. Như thế có thể thấy được “Văn” quan trọng như thế nào, có sứ mệnh to lớn như thế nào đối với đất nước.
Từ thời phong kiến cho đến thời hiện đại, người có học vị cao luôn được coi trọng, được tôn vinh trong xã hội. Các sĩ tử thi đỗ Trạng nguyên thời xưa được triều đinh trọng thưởng, tổ chức đưa rước, được phong làm quan, dân làng tổ chức chiêu đãi long trọng. Ngày nay, ai có học vị cao cũng được trọng dụng, bổ nhiệm vào những vị trí cao và quan trọng. Từ đó có thể thấy chữ “Văn” được coi trọng như thế nào.


Định nghĩa về Võ:
Võ là sự dày công tập luyện, cùng với lòng kiên trì nhẫn nại trong suốt một thời gian dài, cá nhân người học Võ bền bỉ theo đuổi một dòng Võ hay một môn phái nào đó theo thời gian tập luyện sẽ khiến cơ thể dẻo dai, mạnh mẽ, nhanh nhẹn và linh hoạt. Học Võ để rèn luyện sức khỏe, tự vệ, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ, bảo vệ công lý, kiện toàn đát nước, giữ vững độc lập dân tộc.


Đã có rất nhiều vị anh hùng, các Võ tướng lừng danh đã khắc tên mình vào sử sách vì công lao dụng Võ để đánh đuổi ngoại ban như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Bà Trưng Bà Triệu, Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ),… Trong triều đình ngày xưa, quan Võ cũng quan trọng không kém quan Văn, luôn sát cánh nhà Vua trong những lần xuất chinh đánh giặc, bảo vệ hoàng tộc và đất nước, giữ vững sự an bình cho nước nhà, cho dân tộc. Võ cũng được tiền nhân coi trọng như Văn, và được phổ biến rộng rãi. Trong dân gian ngày xưa đã xuất hiện không ít các trường dạy Võ, trong triều đình không thiếu những đội quân tinh nhuệ được huấn luyện võ thuật mỗi ngày, Võ được phân ra các đẳng cấp với tên gọi giống học hàm của Văn như Tiến sĩ, Cử nhân, Phó bảng. Ấy thế mà người xưa mới có câu: “Văn quan cầm bút an thiên hạ, Võ tướng đề đao định thái bình” để hàm ý thừa nhận vai trò cân tài cân sức của “Văn” và “Võ” đối với đất nước.


Không thể phủ nhận tầm quan trọng to lớn của Võ. Tuy nhiên vì việc sử dụng đòn thế, các chiêu thức rất hiệu quả nhưng có thể gây nguy hiểm nên các bậc tiền nhân giáo dục người học Võ ngày xưa phải có đạo đức và văn hóa. Điều này được minh chứng qua những câu thành ngữ như: “Nhân Văn thượng Võ”, “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, “Không đánh kẻ dưới ngựa”, “Tôn sư trọng đạo”. “năm lần đánh bằng nhân mới một lần dương cung chạm kích (trong võ thuật binh pháp Liễu Đôi)”,… Hay những lão sư tiền bối sáng lập các môn phái Võ thuật hay thêm chữ “Đạo” vào danh xưng của môn phái như: Việt Võ Đạo, Thái Cực Đạo, Nhu Đạo, Quán Khí Đạo,…


Dùng Võ là dùng vũ lực, sức mạnh để tự vệ và trấn áp đối phương có ý định gây nguy hiểm cho bản thân và người khác, đó là một việc làm chính đáng và hợp pháp. Ngoài ra, việc sử dụng Võ để gây hấn, đe dọa, sát thương người khác là một việc làm vừa trái lương tâm vừa trái pháp luật. Vì vậy, người học Võ, nhất là người thầy, phải thực sự có tâm có đức, có văn hóa để nhận thức được đâu là việc nên làm và không nên làm để luôn giữ vững tinh thần “Nhân Văn thượng Võ” trong Võ học.


Lý luận “Văn” và “Võ”:
Văn hay Võ đều cao quý. Nếu Văn phải học trong khoảng thời gian khá dài  từ thuở nhỏ cho đến khi trưởng thành, qua trường lớp bài bản, qua bao nhiêu thử thách, gạn lọc, thi thố mới gặt hái được thành quả bằng văn bằng, chứng chỉ. Thì Võ được học ở bất kỳ độ tuổi nào, bất kỳ thời gian nào, miễn là bản thân người học Võ phải có sự cố gắng, kiên trì nghiên cứu, miệt mài tập luyện thì có thể gặt hái được thành công và đạt được đẳng cấp cao. Nếu Văn trong lĩnh vực tự nhiên nói riêng là những định lý, định đề, công thức đã được công nhận và không thể áp dụng sai thì Võ không có một định lý, công thức cố định nào, chỉ đúc kết dựa trên sự truyền bá, kinh nghiệm, luyện tập từ đời này qua đời khác và có thể được sáng tạo, cải tiến.


Tuy nhiên ngày nay, khoa học càng hiện đại, nhận thức của con người càng cao, Võ cũng cần được áp dụng khoa học, toán học, vật lý,… để khai mở thêm tinh hoa trong Võ thuật. Người học Võ ngày nay biết tính toán được đòn tấn công, phòng thủ có hiệu quả, hiểu được trọng tâm, cự ly, tốc độ, tiết diện, góc độ để thực hiện những đòn thế, quyền cước vững chắc và đẹp mắt. Những ưu điểm này là nhờ “Văn” khai sáng, nếu người học Võ không có “Văn” thì chỉ có thể triển khai đòn thế bằng thói quen hay kinh nghiệm chứ không thể áp dụng khoa học như trên. Như vậy Văn và Võ trung hòa với nhau giúp người luyện Võ chạm tới sự thăng hoa trong Võ thuật. Bên cạnh đó, người học Võ có “Văn” sẽ am hiểu được lịch sử đất nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý làm người, đạo đức nghề nghiệp, biết đề cao lý tưởng “Nhân Văn thượng Võ”, có như vậy người học Võ mới đáng quý trọng và hữu dụng cho xã hội.


Kết:
Qua những minh chứng trên, chúng ta phải công nhận Văn và Võ đều là vốn quý, đều có giá trị tuyệt đối, đều được trân trọng và khuyến khích. Chúng ta không quên công lao của các cấp lãnh đạo trong ngành Thể dục – Thể thao, các vị Lão Võ sư, Võ sư, Huấn luyện viên đã luôn trau dồi Võ học và đào tạo nhiều thế hệ Võ sinh xuất sắc. Đặc biệt là Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam và Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (World Federation of Vietnam Vocotruyen - WFVV) đã nỗ lực thành công đưa Võ cổ truyền vào giảng dạy trong trường học, đem tinh hoa của Võ Việt, linh hồn của dân tộc phổ biến rộng rãi đến nhiều thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát huy di sản lớn của cha ông.


Chúng ta là những Võ sư, Huấn luyện viên, là người thầy dạy Võ phải biết đề cao văn hóa trong Võ cổ truyền, giảng dạy cho môn sinh thấu hiểu trong Võ phải có Văn, hơn thế nữa Văn phải đi trước Võ để khi rơi vào tình huống nguy cấp vẫn nên bình tâm suy nghĩ trước khi hành động. Ngoài ra, chúng ta càng nên năng nổ, tìm tòi, học hỏi không ngừng về chuyên môn và nâng cao cái tâm cái đức của người thầy để Võ cổ truyền được đơm hoa kết trái không những trong nước mà còn lan tỏa khắp năm châu. Tôi xin kết bài bằng hai câu thơ:
Trong Văn có Võ, Văn sắc bén
Trong Võ có Văn, Võ mới dày.


Ngày 9 tháng 10 năm 2015
Võ sư – Nhà thơ Tấn Vương

 

 

 

Category: Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Views: 1087 | Added by: adminweb | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar